12/02/2024
ĐẾN CHÙA HƯƠNG CHỈ ĐỂ CẦU AN VÀ VÃN CẢNH THÌ PHÍ QUÁ
Ngày đầu tiên phát nguyện lên hỗ trợ BQL Khu du lịch Chùa Hương hướng dẫn viên cho các du khách thập phương chợt nhận ra rất nhiều người ngay cả trên địa bàn Can Lộc chúng ta cất công về với Hương Tích Cổ Tự linh thiêng với quần thể mang dấu tích văn hóa đa tín ngưỡng nghìn đời mà bỏ sót, bỏ phí quá nhiều thứ.
Hầu hết du khách tất bật lên dâng tấu sớ cầu an, lại thoa Thần Bạch Hổ để cầu sức khỏe rồi thắp hương ban Tam Thế Phật, Đền Thánh Mẫu, Tổ Đường, Am Phật Bà rồi nghỉ ngơi chụp vài tấm ảnh checkin rồi vội vã xuống núi. Chỉ như thế nó đã phí đi hơn nửa giá trị. Đấy mới chỉ là giá trị tâm linh, du lịch
Giá trị còn lại còn thiếu chính là giá trị văn hóa và giáo pháp về sự ngưỡng nguyện theo dấu chân của chí tu hành, đức hiếu kính, lòng Từ Bi vô hạn của công chúa ba Diệu Thiện từ khi được Thần Bạch Hổ cõng nàng chạy trốn từ nước Trung Hoa cổ đại xa xưa sang nước Việt Thường Thị tìm đến ngọn núi thiêng đầy thú dữ, rắn rết, ma quỷ rình rập ngày đêm để lánh nạn và lập Am tu hành rồi thành chánh quả viên mãn. Dẫu chỉ là tương truyền được nhân dân nghìn đời kể lại nhưng về kiến trúc thờ tự, các công trình khảo cổ và các chính sử đời sau đều chứng minh tương truyền ấy là có cơ sở. Xét về lịch sử Phật Giáo thì phần lớn ở Miền Bắc và Miền Trung nước ta đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo đại thừa Trung Quốc hay còn gọi là phái Bắc tông.
Rõ ràng, Chùa Hương Tích cổ xưa thờ Quan Thế Âm Bồ Tát hay có tên gọi khác là Phật Bà, sau này phát triển thành đầy đủ thờ Phật, Tam Thế Phật, Phật Tổ, Bồ Tát, Thánh Mẫu, Thần Núi... Như chúng ta biết, Quan Thế Âm Bồ Tát thường hiện thân ở những nơi hiểm yếu như cửa sông cửa biển, rừng thiêng núi độc, ở những nơi mà con người thường gặp hoạn nạn để hàng ma giáo quỷ, diệt quái trừ tà cứu độ chúng sanh. Nhưng Quán Thế Âm Bồ Tát không chỉ có vậy mà giá trị lớn nhất đấy chính là tâm từ bi vô hạn. Như chúng ta biết Chú Đại Bi được rút ra từ Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni của Quán Thế Âm Bồ Tát (xét về điều này nhân dân tin rằng Quan Thế Âm là Phật nên mới có tên gọi khác là Phật Quan Thế Âm). Mở đầu Chú Đại Bi là "Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni" có ý nghĩa là có nghìn tay nghìn mắt không quản ngại để mang lòng từ bi của Tâm Đà La giáo hóa, cứu giúp mọi người. Tương truyền về Công chúa Diệu Thiện khi tu hành ở Động Hương Tích có tâm từ bi vô hạn được người đời ca tụng khiến tiếng thơm lan đến Sở Trang Vương cách hàng vạn dặm. Đức Hiếu Kính khiến cho Sư cô Diệu Thiện không chút ngần ngại bỏ qua hết những ân oán bị truy sát mà móc đôi mắt, chặt bàn tay để cứu cha. Đức hiếu hạnh và chí tu học của Sư Cô Diệu Thiện đã đạt đến một cảnh giới cao hơn nên Phật tổ đã hóa phép cho mắt được sáng, mọc lại bàn tay và hóa thành vị Bồ Tát mà nhân dân gọi là Phật Bà. Tương truyền về Công chúa Ba Diệu Thiện tu hành hóa Phật Bà (Bồ Tát) ở Chùa Hương Tích cũng nhằm lí giải nguồn gốc Phật giáo Việt Nam được du nhập trực tiếp từ Trung Hoa cổ đại cách đây hơn 2500 năm.
Rồi không phải dĩ nhiên mà từng đoạn, từng của Suối Hương Tuyền nơi có Miếu Cô và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát linh thiêng lại có tên Suối Giải Oan, Khe Quỷ Khóc...Bồ Tát không chỉ có Từ Bi không thôi mà đối với những kẻ hung ác không thể giáo hóa nổi thì ra tay trừng trị bởi Đức Phật chỉ có duy nhất lòng Từ Bi để giáo hóa cho dù người ta hãm hại mình vẫn một mực từ bi. Chính vì thế bên Ngài luôn phải có thêm Hộ Pháp và Quan Thế Âm để bảo vệ Đức Phật khỏi yêu ma quỷ quái hãm hại...
Về Chùa Hương không được nghe, giới thiệu về những giá trị văn hóa tâm linh nghìn đời ấy thật sự thiệt thòi.
Tóm lại, lên Chùa Hương chỉ để dâng sớ cầu an và vãn cảnh thì phí quá. Mọi người nên lập thành nhóm đoàn khoảng 20 - 30 người trực tiếp đăng ký với Ban Quản lý ngay cạnh Quầy bán vé xe điện để được bố trí Hướng dẫn viên phục vụ hướng dẫn đưa đón và đăng ký với các Chư Tăng tuyên sớ cầu an một cách chu đáo.
Quốc Hiệp