09/07/2024
TIẾNG KHÈN H'MÔNG
(Bài viết tham khảo tư liệu của nhà nghiên cứu Trần Quang Hải)
Kềnh/Khèn H’Mông là nhạc cụ thổi hơi của người H’Mông. Một số dân tộc khác cũng có loại nhạc cụ Kềnh. Người Kinh gọi Kềnh là Khèn, vì thế Kềnh H’Mông còn được gọi là Khèn Mèo.
Kềnh H’Mông có 6 ống trúc rỗng ruột với độ dài ngắn khác nhau. Những ống này xuyên qua 1 bầu gỗ. Phần trên của đầu bầu gỗ thuôn nhỏ, nối với 1 ống trúc khác tạo thành ống thổi. Trên mỗi thân ống trúc nằm ngang có 1 lưỡi gà nhỏ bằng đồng nằm ở chỗ cắm qua bầu gỗ, gần đó, phía bên ngoài bầu gỗ là lỗ bấm. Muốn tạo ra âm thanh uycủa ống nào, người ta bịt tay vào lỗ bấm của ống đó, thổi hơi vào khiến lưỡi gà rung lên phát ra âm thanh. Lúc hít hơi vào lưỡi gà cũng bị tác động cho ra âm thanh.g
Tùy theo mức độ dài ngắn, to nhỏ mà các ống có âm thanh khác nhau. Riêng ống ngắn nhất và ống dài nhất có 2 lưỡi gà song song phát ra đồng âm. Nhìn chung, khi bịt lỗ hay mở ra đều có thể tạo âm thanh khi thổi. Kỹ thuật sử dụng Kềnh H’Mông cơ bản là những thế bấm như vỗ, vê, ngắt, láy rền, đánh chồng âm, hợp âm và hoà âm…
Kềnh H’Mông.
Kềnh H’Mông giống như nhiều loại Khèn khác, là nhạc cụ đa thanh, âm sắc có nhiều chất kim loại, hơi rè nhưng mạnh mẽ. Nhạc cụ này có âm vực trong vòng 1 quãng tám, mỗi ống chỉ phát ra 1 âm thanh. Một số nghệ nhân đã cải tiến loại Kềnh này thành 8 – 9 ống hoặc vẫn giữ nguyên 6 ống nhưng làm khóa bịt mở lỗ bấm để tạo thêm vài âm nữa, do đó âm vực rộng hơn đôi chút.
Người H’Mông thổi Kềnh trong những cuộc vui, tang ma hay lúc đi từ nhà đến chợ. Hiện nay, họ có nhiều loại Kềnh với kích cỡ khác nhau (nhỏ, vừa và to). Theo truyền thống, nhạc cụ này do nam giới sử dụng, thường dùng để độc tấu hoặc đệm hát.
Tiếng khèn không chỉ được vang lên trong các dịp hành lễ, hội bản, mà còn trong cả cuộc sống thường nhật, bởi nó thể hiện tâm hồn, bản sắc dân tộc và ẩn chứa cả những thông điệp sâu xa, thầm kín của con người.
Để có được một cây khèn vang âm đúng điệu Mông, không phải ai muốn cũng làm được và cũng không có nơi nào dạy làm khèn chuyên nghiệp. Thường thì các gia đình nghệ nhân làm khèn sẽ tự đúc rút kinh nghiệm để “cha truyền con nối”.
Nghề làm khèn cũng thật công phu. Trước tiên là phải lựa được thân khèn bằng một loại gỗ họ thông, thớ gỗ thẳng, không mối mọt. Cây gỗ sau khi được chặt xuống, phải ngay lập tức cắt khúc dày từ 80 – 90cm, bổ đôi và khoét rỗng theo chiều dài thân cây, rồi áp hai thân cây lại như cũ, buộc chặt để nhựa tự kết dính.
Những đoạn gỗ tươi này được đem về để khô trên gác bếp, rồi mới tạo hình dáng bầu, khoét các lỗ trên thân để lồng các ống trúc vào. Ống làm khèn là những thân trúc trên 10 năm tuổi, thẳng đẹp, để khô mới tiện lỗ, lắp ráp lại với thân khèn.
Sở dĩ phải sấy khô cả thân và ống trúc để vừa chống mối mọt, vừa tạo ra có độ chính xác cao khi khoét gióng đưa vào thân khèn được khít, không lọt gió và khi gặp thời tiết thất thường ít bị co dãn, nứt nẻ. Cuốn quanh thân khèn là loại dây được tách từ vỏ cây đào rừng, vừa để giữ chặt bầu khèn, vừa mang tính trang trí.
Hành trang của người đàn ông dân tộc H’Mông bao giờ cũng có chiếc khèn, được chế tác từ sáu ống nứa ghép với nhau qua một chiếc bầu gỗ.
Chiếc khèn có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân tộc H’Mông. Trước đây, nó là công cụ “gọi hồn” để người chết biết tìm đường về với tổ tiên, họ hàng. Bây giờ chiếc khèn còn là thứ nhạc cụ để múa hát trong những ngày lễ hội, Tết cổ truyền và là phương tiện để tỏ tỉnh đối với chàng trai dân tộc H’Mông.
Theo tiếng H’Mông, “Tha” là nhảy, “Kềnh” là “Khèn”, “Tha Kềnh” nghĩa là “Nhảy Khèn”. Chiếc Khèn được coi như biểu tượng cho văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông, được các nghệ nhân tài hoa chế tác một cách khéo léo, sắp xếp, có sự tính toán để âm thanh phát ra đủ cung bậc trầm bổng.
Chiếc Khèn gắn với “Tha Kềnh” như hai yếu tố không thể tách rời, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào H’Mông trên miền núi cao.
“Tha Kềnh” bắt nguồn từ việc làm đám ma tiễn đưa người đã khuất về cõi âm. Nhưng cũng có thể là “Múa Khèn” trong dịp đón Xuân.
St