13/04/2024
Câu Chuyện " Hành Chính Hóa Lễ Hội ".
Đừng hành chính hóa lễ hội
Lễ hội do cộng đồng sáng tạo và gìn giữ qua nhiều thế hệ mà có, là di sản phi vật thể của cộng đồng, do vậy tên lễ hội và địa danh lịch sử cũng là di sản văn hóa của cộng đồng cần được tôn vinh và gìn giữ.
Lễ hội thường là Lễ hội làng (thờ thành hoàng làng), Lễ hội đền (thờ nhân vật lịch sử - thường tổ chức vào ngày giỗ) …người dân làng là chủ thể, chính quyền là khách thể, chủ thể và khách thể tôn trọng nhau, không nên lấn sân, sẽ làm mất giá trị văn hóa truyền thống.
Những năm gần đây, nhiều lễ hội được khôi phục là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, một số lễ hội lại đang bị hành chính hóa lễ hội truyền thống của dân làng/cộng đồng.
VỀ HÌNH THỨC
Nhiều lễ hội ghi: Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ lên phông bạt của lễ hội chẳng khác nào hội nghị. Nhiều Lễ hội nhìn các dãy ghế đầu chỉ thấy quan chức, khách mời ngồi hàng đầu, giống hội nghị hay lễ khánh thành, trong khi chủ thể của lễ hội là các bô lão đại diện cho dân làng thì đứng hoặc ngồi sau. {Nên phân biệt rõ chủ khách: Các bô lão, đại diện cho dân làng ngồi bên tả (chủ thể), chính quyền, khách mời ngồi bên hữu (khách thể) – nhìn từ trong ra}.
Vì hành chính hóa lễ hội, nên có trường hợp, cả Đức thánh, Thành hoàng, dân làng phải đợi hơn 30 phút để chờ vì vị lãnh đạo thành phố/tỉnh chưa đến kịp lễ hội, nên chưa khai mạc được, chưa tế thánh được, đến thánh cũng phải chịu.
Khi khai mạc thì giới thiệu hoàng tráng, vỗ tay, mất thời gian, nhưng vẫn quên không nhắc tới chủ thể của lễ hội. Thiết nghĩ các vị lãnh đạo có dự lễ hội, không cần thiết phải giới thiệu dài dòng, mất thời gian, vì các vị cũng là người đến thắp hương, dâng thánh như những người khác, trong lòng các vị có khi cần thánh giúp đỡ hơn người dân làng.
VỀ NỘI DUNG
Khi xã, huyện, tỉnh tổ chức lễ hội truyền thống, nhiều nơi giới thiệu Tín chủ là Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ hoặc Bí thư, Chủ tịch…. chứ không phải là người đại diện cho dân làng lâu đời nay (trưởng làng, hay đại diện người cao tuổi).
Khi lễ hội được cấp xã, huyện là nhà Tổ chức thì quy mô “hoành tráng” rõ rệt, không thể phủ nhận vai trò của chính quyền cấp trên. Tuy nhiên, dù chính quyền cấp trên tổ chức lễ hội, họ là nhà tổ chức, điều phối, chứ không phải Chủ thể hay tín chủ của lễ hội.
Tóm lại:
Do hành chính hóa lễ hội, nên nhiều nơi tên lễ hội chưa được làm nổi bật, nội dùng rối rắm, có maket còn chẳng liên quan gì đến lễ hội và đia danh có lễ hội, nên không tôn vinh được lễ hội.
Tên lễ hội và địa danh lịch sử là di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng cần được tôn vinh, gìn giữ và không ai gìn giữ phát huy giá trị văn hóa tốt hơn chính cộng động đồng đó.
Sắp xếp đúng vị trí ngồi giữa chủ thể và khách thể, khi các bô lão, đại diện cho cộng đồng (chủ thể) được đặt đúng vị trí thì tôn vinh nhà tổ chức, tôn vinh giá trị văn hóa của lễ hội
Lễ hội mà thiếu Lễ thì không thể gọi là Lễ hội!