19/01/2023
Trong phong tục người Việt, một năm có rất nhiều ngày Lễ, Tết nhưng Tết Nguyên Đán luôn là ngày Tết quan trọng và có ý nghĩa nhất. Tết Xưa và Tết nay có nhiều điều đã thay đổi để phù hợp với thời đại nhưng cũng có những phong tục tập quán đã ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người. Cùng Homenfood.asia khám phá hương vị Tết Việt Nam.
1. Tiễn Ông Công, Ông Táo về trời.
Mỗi năm, khi mọi nhà chuẩn bị tiễn ông Công, Ông Táo về trời cũng là lúc báo hiệu Tết đã cận kề.
Táo Quân trong tâm linh người Việt là 3 vị thần cai quản việc bếp núc, là thần ‘giữ lửa’ cho ngôi nhà và cũng là vị thần bảo vệ ngôi nhà tránh những tà ma ác quỷ bên ngoài.
Vào ngày 23 tháng chạp hàng năm, là ngày Táo Quân về trời bẩm báo với Ngọc Hoàng tình hình nhân gian một năm đã qua. Mỗi gia đình thường mua hoa quả, mũ áo, vàng mã,Cá Chép còn sống về làm lễ tiễn ông Táo về trời nhằm cảm ơn ông Táo đã phù hộ cho gia đình một năm đã qua và gửi gắm tới ông Táo sẽ báo cáo những điều tốt đẹp của gia chủ năm cũ, xin Ngọc Hoàng những may mắn cho gia đình trong năm tới.
2.Chuẩn bị lễ vật cúng tổ tiên.
Mỗi vùng miền sẽ có những lễ vật dâng lên mâm cúng tổ tiên khác nhau nhưng khi nhắc đến Tết người ta sẽ nghĩ ngay đến bánh Chưng, bánh Giầy và mâm ngũ quả.
Bánh Chưng, bánh Giầy tượng trưng cho đất và trời. Cúng bánh chưng bánh Giầy nhằm cảm tạ trời đất, thần linh đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, một năm ấm áp căng tròn đầy may mắn.
Tết xưa mỗi gia đình đều có một nồi bánh Chưng, thời gian gói bánh và nấu bánh cũng là lúc cả gia đình ngồi quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe những vui buồn trong năm qua. Tết nay, cuộc sống nhộn nhịp nhiều gia đình không còn giữ cho mình truyền thống gói bánh nữa. Nhưng, dù bận rộn tới đâu ai cũng tranh thủ bằng mọi cách mua được cho mình những cặp bánh chưng dâng lên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết đến.
Tết thì không thể thiếu mâm Ngũ quả với mong muốn được “ngũ phúc lâm môn: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh”. Miền Bắc ngũ quả phải đủ màu sắc hài hòa theo ngũ hành, Miền nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu Sung Dừa Đủ Xài” cầu cho năm mới đầy đủ, sung túc.
3. Cúng Tất Niên
Lễ tất niên thường được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm, là một nghi lễ kết thúc một năm cũ để đón chào một năm mới tốt đẹp hơn,. Cúng tất niên để tiễn vị thần cai quản năm cũ đi, đón ông Táo và tổ tiên về nhà ăn tết cùng con cháu cũng như tỏ lòng thành kính biết ơn một năm cũ đã qua.
Mâm cúng Tất niên thường được chuẩn bị rất đầy đủ, tùy vùng miền và điều kiện hoàn cảnh thì sẽ có các món ăn khác nhau thể hiện nét văn hóa ẩm thực địa phương nhưng tất cả đều muốn thể hiện được tấm lòng thành của người cúng để tri ân trời, đất, thần linh… đã gia hộ bình an trong một năm qua.
Thường khi cúng tất niên xong cả gia đình sẽ tổ chức ăn tất niên, bữa cơm tất niên cuối năm chính là lúc mọi thành viên gia đình ngồi lại với nhau sau một năm bôn ba với cuộc sống. Có kẻ nam người bắc; có người làm ăn thuận lợi, có người không được may mắn nhưng khi quây quần bên nhau để chia sẻ động viên nhau và kết nối tình cảm gia đình.
4. Đón Giao Thừa
Giao thừa âm lịch là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới - một thời điểm quan trọng có ý nghĩa nhất đối với người Việt., trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện bắt đầu một khởi đầu mới, một sức sống mới. Theo phong tục truyền thống mọi gia đình sẽ cúng Giao thừa. Cúng Giao thừa trước bàn thờ tổ tiên cầu mong sự may mắn, an lành, và phát đạt trong năm mới.
Ngày nay, Thời điểm Giao thừa nhiều nơi tổ chức các chương trình khác nhau nên có nhiều người sẽ lựa chọn đón giao thừa bên ngoài thay vì đón ở nhà. Nhưng dù ở nhà hay bên ngoài thì ai ai cũng đều sẽ cố gắng thức trọn để đón Giao thừa trọn vẹn.
5. Chúc Tết, Lì Xì đầu năm
Những phút giây đầu tiên của năm mới, mọi người thường dành cho nhau những lời hay ý đẹp, những câu chúc ý nghĩa nhất. Với mong muốn một năm hoàn thuận, hạnh phúc, mạnh khỏe và thành công.
Lì xì cũng là một phong tục được trẻ em yêu thích nhất. Người lớn mừng tuổi người nhỏ; con cái mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Tiền Lì Xì nhiều ít không quan trọng, tiền lì xì thường đi kèm với lời chúc. Chúc cho ông bà mạnh khỏe, trường thọ, Chúc cho các cháu học hành thành đạt, công việc thuận lợi.
Còn rất nhiều nét đẹp trong hương vị Tết cổ truyền được lưu giữ từ xưa đến nay và mỗi vùng miền lại có những nét đẹp riêng. Hãy chia sẻ những nét đẹp trong phong tục đón tết quê bạn với Homenfood nhé!!!