24/12/2020
Đến Gio An, bạn không chỉ được trải nghiệm sự độc đáo của Giếng cổ, thỏa mắt với những vựa rau Xà lách xoong (Rau liệt) xanh ngọc hay chụp được những khung hình đẹp mà bạn còn có thể chứng thực được một phần lịch sử địa phương lâu đời. Một trong những địa chỉ đó là Chùa Long Phước:
ĐI TÌM CỘI NGUỒN CHÙA LONG PHƯỚC
Vào tháng 7 năm Nhâm thân (1572) tướng Mạc lúc bấy giờ là Lập Bạo chiêu mộ binh dân ở châu bắc Bố Chính dẫn theo 60 binh thuyền vượt biển vào đánh cướp, đóng trại từ Hồ Xá đến Thanh Tương, xã Lãng Uyển. Nhận được tin báo, chúa Nguyễn Hoàng mới hội bàn. Biết thế giặc đang mạnh, Nguyễn Hoàng cho cắt cử quân lính bố phòng, ra sức trấn giữ, đóng trại ở bờ sông Ái Tử. Đêm nghe từ lòng sông tiếng kêu “trao trao”, bèn lấy làm lạ, kinh ngạc vô cùng. Nghĩ ngợi một lúc, Chúa mới khấn rằng: “Thần sông có thiêng thì giúp ta đánh giặc”.
Đêm hôm đó chúa ngủ mộng thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm quạt the, đến trước mà nói rằng: “Minh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ kế dụ đến bãi cát, thiếp xin giúp sức”.
Tỉnh dậy, chúa ngẫm nghĩ rằng ta nên dùng kế mỹ nhân. Trong số Thị nữ có nàng Ngô thị tên là Ngọc Lâm, người làng Thế Lại có sắc đẹp và mưu cơ biện bác. Chúa sai nàng đem vàng, lụa đi dụ Lập Bạo, nhân đó mà bày bố phục binh, đào hầm ẩn nấp quân sĩ. Đúng như dự kiến, Lập Bạo vì mãi mê sắc đẹp mà quên mất cả chuyện đề phòng.
Sau trận ấy, để tưởng nhớ ơn đức của thần, chúa mới phong thần sông làm: “ Trảo Trảo Linh Tưu Phổ Trạch Tương Hựu Phu nhân” và cho lập đền thờ.
Sau trận đó Quân Mạc đem nhau đầu hàng, Nguyễn Hoàng không giết mà cho những binh lính đầu hàng ở đất Cồn Tiên, đặt làm 36 phường, cho họ khai phá vùng đất mới.
Cảm kích trước ân nghĩa lớn lao của Nguyễn Hoàng, về sau, thế hệ con cháu của những người được tha mạng sống ở các phường An Định Nha, An Hướng và Phương Xuân thuộc tổng Bái Ân đã dựng miếu thờ Nguyễn Hoàng ở An Định Nha (nay là thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). (An Định Nha nay gồm An Nha và một phần Hảo Sơn; Phương Xuân hiện là một phần của An Nha hiện nay).
Năm Mậu Thân, niên hiệu Hoằng Định thứ 9 (1608) các nơi ở Đàng Ngoài thời tiết khô hạn, lúa má cháy khô, có nhiều người chết đói.. Duy chỉ có hai Xứ Thuận Hóa Quảng Nam mưa thuận gió hòa, ngoài đường không ai nhặt của rơi, bốn dân sĩ nông công thương đều an cư lạc nghiệp. Vì vậy ở Đàng Ngoài (Từ Nghệ An trở ra) dân chạy nhiều vào với Chúa Nguyễn làm cho dân số Thuận Quảng ngày thêm đông đúc, trong đó có vùng đất Gio An.
Chùa Long Phước ở phường An Định, huyện Địa Linh sau này là huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Vùng đất Gio Linh là nơi đầu tiên chúa Nguyễn Hoàng lập dân phủ khi vào trấn thủ ở Thuận Hóa (năm 1558), sau này mở rộng thành “xứ Đàng Trong”. Dân chúng ba phường An Định, An Hướng và Phương Xuân (Quảng Trị) tưởng nhớ công đức của chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) nên lập miếu để thờ. Năm 1821, vua Minh Mạng cấp 100 lạng bạc và cây gỗ lớn để tu sửa miếu.
Năm Quý Mùi (1823) vua Minh Mạng chi viến đổi miếu lập thành chùa, đặt tên là chùa Long Phước (Long Phúc), cấp cho 100 lượng bạc và cây gỗ để xây dựng lại chùa. Sau khi hoàn thành, vua ban thêm 300 quan tiền và cấp cho chùa 65 mẫu ruộng đất công để dùng vào việc thờ cúng ở chùa. Vua cũng cấp cho chùa 03 người phu dịch (tự phụ). Năm sau (1824), viêc trùng tu chùa Long Phước được hoàn thành, vua xuống chỉ sai vệ úy Tôn Thất Đạo đến chùa làm lễ cáo thành. Dụ của vua ban vào ngày 07/7 năm Minh Mạng thứ 5 (1824) viết rằng:
Chùa Long Phước ở Quảng Trị thuộc triều trước xây dưng để thờ thánh tích của Đức Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế ta. Năm Minh Mạng thứ 1 (1821) trẫm từ cung Thúy Hoa ra bắc, cung kính chiêm ngưỡng dấu tích cũ, tưởng nhớ đức xưa đã sắc ba phường thuộc địa phận ấy là An Định, An Hướng, Phương Xuân trùng tu lại, sau đó lại phái viên đem cho 100 lượng bạc cùng với cây gỗ vật liệu xây cất. Ngay các đồ thờ các thứ đều cho cung cấp đầy đủ. Khi việc trùng tu đã xong liền sai vệ úy Tôn Thất Đạo ra để cáo lễ thành. Nhân đây, để cung cấp cho việc phụng thờ ở chùa cho trích ruộng đất công ở ba phường, lấy phường An Định 30 mẫu, phường An Hướng 20 mẫu, phường Phương Xuân 15 mẫu. Truyền cho 65 mẫu này được miễn thuế và giao cho 03 phường ấy đời đời gìn giữ để phụng sự. Cai bạ Quảng Trị hãy tuân dụ thi hành nay.
Chùa Long Phước đã và đang có dự án trùng tu, xây dựng lại. Hãy một lần đến để trải nghiệm vùng đất thú vị này!
(PS: Cám ơn Anh Lê Phước Hiếu, cám ơn anh Hoat Nguyen đã chia sẻ và cung cấp tư liệu lịch sử, Nguồn được lấy từ Facebook)