04/03/2022
CON ĐƯỜNG MANG TÊN HẠNH PHÚC - HÀ GIANG
Trên khắp nẻo đường Tổ quốc Việt Nam, có một con đường vắt vẻo chạy dài cheo leo trên đỉnh núi. Cái “độc, lạ” của con đường này không chỉ nằm phía “cổng trời” sương mù bao phủ, mà còn là tuyến đường xanh bởi ngút ngàn rừng xanh, núi cao bao phủ. Và đó cũng là tuyến đường độc đạo giao thương kinh tế giữa bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang, là điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất của vùng cực Bắc Tổ quốc. Đó là con đường mang tên Hạnh Phúc- con đường của hơn 8 vạn thanh niên xung phong miền Bắc làm nên.
Để mở đường, lúc bấy giờ, hơn 1300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô... của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Hải Hưng, Nam Định đã phải đục khoét gần 3 triệu mét khối đá bằng những dụng cụ làm việc còn rất thô sơ, chỉ có búa, xà beng. Vì thế, người cậy đá, người đục, người khuân vác rất vất vả. Một ngày công của họ chỉ tương đương khoảng 1kg gạo. Ăn ở thiếu thốn nhưng hàng ngày, đoàn thanh niên vẫn làm việc hăng say.
Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường chỉ có 21 km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc mà phải mất gần 2 năm mới hoàn thành. Đoạn đường này chính là con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng. Chuyện kể rằng, con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở. Vì vậy dân địa phương đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng” trong tiếng Quan Hỏa, nghĩa đen là “sống mũi con ngựa”, đặt tên cho con đèo. Cái tên “Mã Pí Lèng” của con đèo đã nói lên sự hiểm trở của ngọn núi, của con đèo, với những dốc cao dựng đứng như sống mũi con ngựa. Để hoàn thành con đường qua đèo, trong 11 tháng trời hàng trăm TNXP đã thay nhau treo mình trên vách đá để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn, để kéo dài con đường thêm từng xăng - ti - mét. Cũng như ở chiến trường, nhiều người đã được truy điệu sống trước khi cầm choòng, cầm búa leo lên vách đá. 17 người khỏe mạnh, gan dạ nhất đã ra nhập đội cảm tử, Ban chỉ huy công trường gọi là “Đội Cơ dũng”, đem sức người nhỏ bé chọi lại sức mạnh của biển đá nghìn năm. Trên đỉnh núi đặt sẵn 10 cỗ quan tài thể hiện ý chí “quyết tử”. Mỗi sáng, các thành viên “Đội Cơ dũng” hô to “quyết thắng” rồi vác choòng (xà beng 8 cạnh), búa, ít thuốc nổ, trèo lên vách núi. Treo mình giữa lưng chừng trời, họ đục khoét đá, khoan phá đá để mở từng centimet đường, hoàn thành đoạn đường qua dốc cao hiểm trở.