21/02/2021
"Gió tháng 3 bà già đi biển"
Câu nói dân gian của ngư dân làng chài, đi biển vào tháng 3 là “đỉnh của chóp”. Đi biển tháng 3 bạn không sợ say sóng bởi biển trong xanh êm ả đến lạ kỳ, mà bạn còn thong d**g ngắm nhìn trời biển xanh bao la. Biển trong xanh đến nỗi ngồi trên boong tàu bạn có thể tận mắt ngắm nhìn rặng san hô và sinh vật biển... Đây cũng là thời điểm tuyệt vời để đến đảo Phú Quý
Đảo Phú Quý còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ là một đảo nhỏ, với diện tích 16 km². Huyện đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (104 km) về hướng Đông Nam.
Ngoài đảo chính, chung quanh đảo Phú Quý còn Hòn Đá Cao hướng tây-bắc, Hòn Đỏ hướng đông-bắc, Hòn Tranh và Hòn Hải hướng Tây Nam.
Huyện đảo Phú Quý có 3 xã: Long Hải (thôn Tân Hải, Quý Hải, Đông Hải, Phú Long); Ngũ Phụng (huyện lỵ) có thôn Phú An, Thương Châu, Quý Thạnh và xã Tam Thanh ( thôn Mỹ Khê, Hội An, Triều Dương).
Đến tham quan đảo Phú Quý, bạn không thể bỏ qua các đảo lân cận nhé:
+ Hòn Tranh – cách cảng Phú Quý 600m, nằm phía Đông Nam đảo Phú Quý với diện tích gần 40ha (2.8Km2). Trước đây là một hoang đảo chủ yếu là cỏ tranh, được nhân dân phá trồng hoa màu, hiện nay đang được trồng rừng phục hồi môi trường, không có dân cư sinh sống
+ Hòn Đen nằm phía Đông Bắc, cách Phú Quý khoảng 100m, gồm toàn đá mẹ Bazan chưa phong hóa. Vào những lúc nước ròng có thể lội bộ giữa Phú Quý và Hòn Đen. Tiếp đó là Hòn Trứng nằm phía Tây Bắc, cách Phú Quý 3km, là điểm tựa của nhiều loại ghe thuyền, mùa gió Nam thuyền có thể neo đậu ở phía Bắc, mùa gió Bắc có thể neo đậu ở phía Nam.
+ Hòn Giữa: đây là một dãy gành đá bén nhọn nằm cạnh Hòn Đen, nằm vắt ngang như một nhịp cầu nối liền Hòn Đen và Hòn Đỏ.
+ Hòn Đỏ nằm phía Đông Bắc đảo Phú Quý. Có tên là Hòn Đỏ vì ở đây toàn là đá màu đỏ.
+ Hòn Hải: cách đảo Phú Quý 70km, có hình dạng là một khối đá vuông cạnh mọc thẳng đứng. Tại đây là đường cơ sở A0 để tính lãnh hải của Việt Nam trên vùng biển Đông Nam.
+ Hòn Đồ Lớn: nằm phía Đông Nam và cách Phú Quý 60km, là hòn đảo mới hình thành năm 1923 do hoạt động phun trào dưới lòng biển Đông. Lúc đầu có dạnh hình tròn với đường kính 40m, trên mặt có cát trắng và xung quanh có cạnh bậc thang thoai thoải. Hiện nay hình thành một bãi đá ngầm dài 700m và rộng gần 500m.
+ Hòn Đồ Nhỏ nằm về hướng Nam, cách đảo chừng 60km.
+ Hòn Đá Tý cách đảo Phú Quý 80m-100m.
Ngoài các đảo, Di tích lịch sử tại Đảo Phú Quý là một trong những điểm đến thú vị của chuyến hành trình:
+ Chùa Linh Quang là di tích lịch sử cấp quốc gia tọa lạc trên một đồi cao tại thôn Mỹ Khê xã Tam Thanh. Chùa được xây dựng vào thời Cảnh Hưng thứ 8 đến nay đã có hơn 250 tuổi. Chùa còn lưu giữ các sắc phong của triều Nguyễn ban.
+ Vạn An Thạnh nằm ở xã Tam Thanh là 1 trong những vạn tại đảo thờ và tín ngưỡng ông Nam Hải và ở đây cũng có một số sắc phong mà các vua triều Nguyễn ban tặng.
+ Đền thờ Bà Chúa Ngọc và vạn Thương Hải là 2 di tích lịch sử cấp tỉnh vừa mới được công nhận có 5 sắc phong thần cho Bà Chúa Ngọc và còn một số hiện vật tế tự quý như: chiếc đỉnh đồng, chân đèn và chuông đồng.Ba sắc phong cho Thần Nam Hải và 2 sắc phong thần cho Bắc Trấn đô đốc Bùi Quận Công.
+ Đình làng Triều Dương còn lưu giữ nhiều di vật quý giá như: các câu đối, hoành phi viết bằng chữ Hán Nôm; 5 sắc phong của các vua triều Nguyễn phong tặng cho Thành Hoàng bổn cảnh. Đây là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Và một điều nữa trên cả tuyệt vời là thưởng thức Ẩm thực- đặc sản tại Phú Quý:
+ Hải sâm là loại được nhiều người ưa thích nhất. Họ cho rằng ăn hải sâm là bổ thận, tráng dương, thuần âm. Với giá trị dược liệu đó, hải sâm thường “đứng” trong những bữa tiệc long trọng, và nó là nguồn lợi xuất khẩu của ta vì rất được các nước Đông Nam Á và các quốc gia: Canada, Mỹ, Úc,… ưa chuộng.
+ Da cá mú bông: ăn sang trọng và khoái khẩu của người phố thị là mú hấp, thường gặp ở đám cưới. Cá hấp thì tất cả hương vị được cô đặc lại trong thịt, trong lòng cá. Cái vị đậm đà, mùi thơm lừng lựng. Cá mú hấp với các vị thuốc bắc gồm: đại táo, câu kỷ, mộc nhĩ, bá hạp, hột sen và một ít bún song thằng, gia thêm ngũ vị hương. Món ăn rất hấp dẫn mà rất Tàu. Họ còn bảo rằng món này bổ tinh lực song ngon nhất vẫn là bộ da.
+ Cua huỳnh đế là đặc sản của vùng biển Bình Thuận, nhất là tại Phú Quý. Cua huỳnh đế có màu đỏ hồng, mai hình vuông, càng và que ngắn. Ðặc biệt, đầu cua dài và có nhiều râu…Ăn rất ngon và thơm có lẽ chỉ có tại Phú Quý.
+ Ốc vú nàng: Gỏi ốc ăn với bánh tráng nướng, chấm thêm nước mắm gừng ăn mãi không chán. Hương vị gỏi ốc thật đậm đà và khoái khẩu. Mùi thơm của rau quyện với vị cay nồng của ớt, vị ngọt ngọt của ốc cứ ngấm dần, ngấm dần thì rất tuyệt.
+ Bánh canh chả cá: cực ngon, cực rẻ, ăn no bụng khoảng 10.000đ/tô….
Để đi thăm thú tại đây, bạn có thể thuê xe máy và đi vòng quanh đảo chỉ trong 3 tới 5 tiếng. Bạn đừng quên ngắm bình minh và hoàng hôn trên đảo nhé… Chuyến đi sẽ thêm thú vị khi bạn trải nghiệm cùng người dân làng chài hiền hoà, mến khách nơi đây qua các hoạt động giăng lưới, thả câu để mang về những mẻ cá, mực, ghẹ tươi roi rói làm quà cho chuyến hành trình du lịch của mình; chắc chắn gia đình, người thân, bạn bè sẽ thích thú lắm đây.
Còn chờ gì mà không lên lịch khám phá đảo Phú Quý nhỉ!!!