27/12/2020
LÒNG LỢN NGHI PHÚ
Chẳng biết từ lúc nào, ảnh hưởng của văn hoá Phật giáo dần dần đi vào tư tưởng người dân thành phố Vinh, vậy là con phố cờ tây trứ danh kéo từ sân bóng Hưng Dũng ra đến Hải quan vốn đông nghìn đông nghịt vào lúc trời mưa hay ngày cuối tháng âm lịch bỗng thưa thớt rồi mất hẳn. Cũng là đúng thôi, nuôi nấng một con vật, quý chủ, giữ nhà đến lúc già lại trở thành món nhâm nhi nghe ra không phải với nó, không phải với mình. Không hứng thú với thịt chó nữa, các bợm rượu với thợ mồi ở quê tôi có vẻ như lại trung thành và đang rất thuỷ chung với món lòng lợn trứ danh.
Ở Vinh, các quán lòng ngon nhiều lắm. Ai ở vùng nào cũng tự hào lòng lợn ở vùng đó là nhất. Tỷ như quán ở Phong Định Cảng, quán ở đường Đặng Như Mai (Hưng Lộc), lòng lợn Hưng Bình ( Đốc Thiết), lòng lợn Đông Vĩnh ( đường vào đền Yên Duệ), nhưng có lẽ mật độ và sự nổi tiếng nó phải ở làng Nghi Phú. Cái làng Nghi xã Phú này nó tai tiếng với đủ thứ tệ nạn nhưng nó cũng là nơi chứa đựng nhiều món vừa thân quen, vừa xa lạ, vừa sợ vừa thương. Lòng Nghi Phú được mổ ngay tại các lò mổ tại Nghi Phú đã được thành phố cấp giấy chứng nhận hẳn hoi về độ vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ 12 h đêm các lò mổ đã nhộn nhịp tiếng người, tiếng lợn eng éc, tuy nhiễu nhưng lại là kế sinh người, tử lợn nuôi sống bao nhiêu gia đình, nhưng đó là chuyện khác. Chuyện tôi muốn nói là văn hoá ẩm thực món xã hồn ( không phải là "làng hồn") của quê tôi.
Bản đồ phân phối các quán lòng ngon trên địa bàn Nghi Phú kéo từ quốc lộ 46 đoạn đi Cửa Lò rẽ phải ( lòng Dũng Liêm), đến quán cạnh nhà thờ xứ Yên Đại ( tôi không nhớ tên), quán bà Ngô ( trên đường 3/2), quán Huyền Kiên (đường Trương Văn Lĩnh), quán Lan Song ( đường Hồ Tông Thốc kéo dài)... Ăn lòng lợn buổi sáng, đặc biệt vào ngày cuối tuần đông như trảy hội, từ nam thanh nữ tú đến các bác làm nghề thợ hồ, thợ mộc ai cũng xì xụp gắp gắp nhắm nhắm bên tô nước dùng bốc khói nghi ngút, đĩa rau thơm chẳng bao giờ thiếu cọng lộc quế và đặc biệt là đĩa lòng. Ha ha " con lợn có béo cỗ lòng mới ngon", hỏi có bao nhiêu người bị gut, bao nhiêu người máu nhiễm mỡ, tiểu đường mà không tơ tưởng đến món lòng này, cầm lòng sao đặng món sáng day dứt? Miếng dồi madein Nghi Phú mới đặc biệt, nó nhỏ vừa, nó thơm mùi lộc, ngọt của tiết, bùi của lạc nhúng vào bát nước mắm nguyên chất cay nồng đỏ au ớt tươi nghe ứa cả tuyến nước bọt. Tất cả lục phủ, ngũ tạng của con lợn được bày trên đĩa lòng hoặc trong bát súp thưởng thức từ mùa hè nhễ nhại đến mùa đông tê buốt chẳng hề giảm được khí thế của bao kẻ phàm ăn. Rồi tinh bột đi kèm là đĩa bánh mướt chưa hẳn đã tròn, cũng không là bẹp, khác với loại bánh ở tất cả vùng quê khác ăn kèm hoặc đĩa bún khô đủ cho cả năng lượng cho bữa ăn chính theo sách vở. Thêm chai rượu nếp màu trắng hơi đục, chén cứ cạch vô cạch ra, vài đợt là tiếng nói to dần đều từ bàn này đến bàn khác như nhau.
Những nàng sồn sồn đáng yêu của tôi hàng ngày rên rỉ, cái cân có vấn đề, luôn luôn non hơn thực tế lại là những người yêu món này nhất. Họ thưởng đĩa lòng sốt, bát súp dồi kiểu nuốt quê hương, kiểu như không ăn sẽ chẳng bao giờ được ăn trên mảnh đất này, mặc cho khuyến cáo nhan nhản đừng ăn nội tạng. Chao ơi, không ăn thì quán cũng đông, có hôm đi từ chỗ này đến chỗ khác mới tìm được chỗ ngồi, e thẹn như gái về nhà chồng nhưng khi mâm được dọn ra, mắt sáng rực, miệng duyên dáng nhai, để các bàn bên, các anh tu rượu đế ừng ực thèm thuồng...
Lòng Nghi Phú ăn thật đã, nó cũng đắt đỏ bậc nhất món sáng nào trên thành Vinh, nó đắt như tấm lòng của người Nghi Phú vậy, rất dễ gần, rất trượng phu, quân tử nhưng cũng có thể bất cần ngay phút chốc phật ý.
Món lòng của tôi, đi xa chẳng bao giờ quên được cũng như nỗi nhớ quê, nỗi nhớ bạn cứ xoắn quyện vào cái tuổi, vào hoài niệm. Ơi quê nhà ta ơi.!.
Nguồn: chị Nguyễn Thu Thuỷ