20/02/2024
Về Cà Mau săn 'cá leo cây'
Cà Mau - mảnh đất nơi cuối trời Tổ quốc những năm qua trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người. Rừng U Minh, biển Khai Long, chợ nổi hay đầm Thị Tường đều là những vẻ đẹp bình dị, mộc mạc nhưng chắc chắn sẽ làm nao lòng khách phương xa.
Theo chân thợ săn "cá leo cây"
Theo đường Hồ Chí Minh, quãng đường từ TP Cà Mau về Đất Mũi dài 120km, xe chạy khoảng 90 phút là đến điểm dừng chân Tư Tỵ (khóm Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau). Với nụ cười thân thiện, hiền hòa, anh Tư Tỵ (Lê Minh Tỵ - chủ cơ sở điểm dừng chân Tư Tỵ) ra tận xe đón khách.
Đã vài lần ghé thăm, tôi được biết nơi đây có nhiều hoạt động trải nghiệm vô cùng thú vị như giăng lưới bắt cá dưới vuông tôm, đặt rập cua, câu cá thòi lòi (hay cá leo cây) và thưởng thức các loại đặc sản tươi ngon của vùng đất này. Khi biết chúng tôi muốn trải nghiệm bắt cá thòi lòi, anh Tư Tỵ choàng tay qua vai tôi rồi cười hiền nói: “Chuyện nhỏ, em đợi anh xíu nghen…”.
Chưa kịp uống xong ly nước, anh Tư Tỵ từ đằng sau vỗ vào vai, khiến tôi giật mình, anh bảo: “Thay đồ đi với anh”. Tôi hỏi ngược lại: “Đi đâu vậy anh”, “Đi săn cá thòi lòi chứ đi đâu em trai”, anh Tư Tỵ nói và giới thiệu cho tôi “thợ săn cá thòi lòi”: ông Nguyễn Văn Bá (còn gọi là ông Bảy Bá, ngụ xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển).
Khởi hành chuyến săn cá thòi lòi từ lúc 6h sáng, ông Bảy Bá mang theo khoảng 20 bộ “đồ nghề” săn cá thòi lòi bằng những chai nhựa đi dọc theo các tuyến sông khi con nước ròng dần cạn. Ông Bảy Bá đã ngoài 80 tuổi nhưng còn rất nhanh nhẹn chỉ mất khoảng 30 phút có thể đặt xong 20 chiếc bẫy cá.
Với kinh nghiệm khoảng 60 năm đặt bẫy cá thòi lòi, ông Bảy Bá cho hay, tùy từng địa phương, mỗi nơi lại có cách riêng để bắt cá thòi lòi, như đào hang, cắm câu vào ban ngày hay soi đèn ban đêm... Thế nhưng, cách bắt cá thòi lòi phổ biến nhất mà cha ông chỉ dạy là dùng “sà di”.
“Do đã nắm được đặc tính và thói quen của cá thòi lòi, hễ hang nào bóng loáng là chắc chắn có cá ở, rồi cứ thế mà đặt bẫy ở miệng hang, đến giờ đi thăm là dính cá. Ngày xưa, bộ đội thường dùng sà di được làm bằng lá dừa nước để làm bẫy cá, vừa nhàn lại rất hiệu quả. Hôm nào vô mánh cả đoàn hành quân ăn không hết”, ông Bá kể chuyện rất duyên.
Theo lời ông Bảy Bá, cá thòi lòi chủ yếu sống ở những vùng có nhiều đầm lầy, ẩm ướt, nơi thủy triều thường xuyên lên xuống. Mỗi khi nước rút cạn thì chúng ẩn mình trong hang sâu, đến khi nước lên là thời điểm cá thòi lòi chui ra ngoài để tìm kiếm thức ăn.
“Loài cá này rất tinh quái, di chuyển rất nhanh và khi bị động chúng thường chui tọt vào hang, thủ sẵn nhiều hang phụ để thoát thân” - ông Bảy nói.