26/10/2014
Huyền thoại về Mạc Mi Cô và lời sấm truyền kho báu
- Cô tiểu thư trông rất kháu khỉnh, xinh xắn làm sao. Ông thả những bước dài trên hành lang đến phòng của phu nhân.
Thâm cung bí sử)- Câu phán xanh rờn của pháp sư như sét đánh ngang đầu Đô đốc khiến ngài bần thần, chóng váng ngây người ra rất lâu. Là một danh tướng trận mạc, quản lý bao dân cơm no áo ấm, thái bình một cõi bấy lâu, nhưng cơ trời đã định làm sao ngài có thể ngờ được.
Từng bất an về vị thế xây lăng cho cha Mạc Cửu và lo xa cho hậu thế họ Mạc sau này nên Đô đốc mới cho vời 4 vị thầy địa lý, pháp sư từ quê hương Quảng Đông lặn lội ngàn dặm đến đây. Đô đốc vẫn biết chuyện cơ trời : tin là có, không tin là không có. Nhưng nếu trời đã định, đã chừa một lối thoát thì sao sao không chọn lấy điều an lành nhất ?
Khi tiễn các thầy phong thủy, pháp sư ra về, còn lại một mình trong thư phòng, Đô đốc Mạc Thiên Tích dằng vặt suy tư: Thật khó mà mở lời nói cho phu nhân biết điều này, vì đứa con gái là ước nguyện bấy lâu của hai vợ chồng.
Nhưng mà không làm theo lời pháp sư thì cơ nghiệp nhà Mạc ngày mai sẽ ra sao? Xưa nay có ai cãi lại ý trời. Lòng đang còn ngổn ngang bao tâm sựrối bời như cuộn tơ vò, muốn gỡ trong một lúc là không thể. Đô đốc giật mình, hình như đã mấy ngày rồi bận bịu việc chung việc riêng không thấy mặt con gái cũng thấy nhớ nhớ.
Cô tiểu thư trông rất kháu khỉnh, xinh xắn làm sao. Ông thả những bước dài trên hành lang đến phòng của phu nhân.
Khi vừa bước đến cửa buồng, đã nghe tiếng trẻ con đang cười the thẻ với phu nhân rất vui vẻ, lòng người cha dậy nên một cảm giác hạnh phúc trào dâng. Phu nhân vui mừng quay qua nói với Tiểu thư Mạc Mi Cô rằng: “cha đến thăm con kìa!”.
Bỗng Tiểu thư Mạc Mi Cô quay mặt khóc thét lên, gương mặt lúc nãy còn hồng hào, bụ bẫm giờ bỗng trở nên trắng bệt, tái mét như một đứa trẻ ốm nặng, liền mở lời nói rành mạch như một người lớn: “Ổng có thương yêu gì tôi đâu mà thăm viếng. Ổng rước bọn họ đến giết tôi mà”.
Đô Đốc và phu nhân nghe con nói như vậy, giật mình kinh hãi tột cùng. Có thể nào một đứa trẻ sơ sinh lại nói bằng giọng của người lớn tuổi?. Vừa kịp trấn an tinh thần, Đô đốc tiếp lời luôn:
“Không….Không…cha không có…họ đến chỉ là…”. Đô đốc chối vội mà quên phắt việc tiểu thư chỉ là một đứa trẻ sơ sinh. Phu nhân sững sờ như một người vừa rơi vào cõi mộng, chưa tỉnh giấc chiêm bao. Trong lúc Đô đốc như một người phạm tội bị bắt quả tang, bị vạch trần mà không thể nào ngờ được.
Nhận diện ra cơ trời bởi đứa bé sơ sinh trong buồng đã biết hết mọi việc bàn kín bên ngoài, càng làm cho Đô đốc nghĩ mãi về lời báo ứng mà mấy vị thầy vừa phán báo.
Thầy địa lý cho rằng không nên tạo nghiệp trong nhà sẽ bình an, thịnh vượng còn vị pháp sư nọ khuyên nên trừ yêu để bảo vệ gia tộc họ Mạc.
Biết nmghe ai bây giờ ? Ngẫm lại những chuyện dị thường của tiểu thư Mạc Mi Cô, Đô đốc thấy sóng lưng rờn rợn…đứa bé mới mấy ngày tuổi mà tóc đã đen dài, biết nói chuyện thiên cơ, mắt nhìn như một người đã trường thành, răng mọc đều đủ nhưng một người đầu thai…
Giữa đêm khuya, ngoài trời tối đen như mực, không sao nhìn rõ được cảnh vật. Nhưng trong tiền sảnh dinh Trấn vẫn sáng rực bởi những ngọn đèn lồng treo lủng lẳng trước hàng hiên bị gió đưa đẩy lung lay chậm chờn huyền ảo. Chim rừng đầu núi thỉnh thoảng buông từng tiếng gọi nhau rời rạc nghe buồn dễ sợ.
Giữa lúc này có hai bóng kẻ ôm gì trong tay, kẻ vác một hộp vuông dài len theo bóng hàng cột tiến sâu vào cửa buồng.
Hai người đang đứng chỉ trỏ bàn cách vào phòng. Bỗng nghe từ trong phòng có tiếng trong trẻo phát ra: “Họ Mạc ta đã hết thời rồi. Các người cứ làm phận sự”.
Nghe thế, hai bên hành thích sợ quá hoảng hồn bỏ chạy bán mạng trong đêm. Phu nhân nghe tiếng động vội đến thăm Tiểu thư, thấy Tiểu thư Mạc Mi Cô nằm bất động không giống như thường nhựt khi gặp bà Tiểu thư cười.
Phu nhân kêu la khóc lóc làm vang động dinh phủ. Đèn đuốc được thấp sáng lên, bóng người tới lui xôn xao trong dinh Trấn. Một lúc sau tiếng đại cổ (trống) trên đầu thành cũng thúc giục liên hồi.
Tiếng chuông trống vang rền làm cho nhân dân trong Trấn giật mình. Tiếng chuông trống lần này khác hơn lần trước mới cách đây mấy bữa. Sau đó họ cũng hiểu ra là Tiểu thư họ Mạc đã qua đời...
Đám Tang Tiểu thư Mạc Mi Cô tuy là trẻ sơ sinh nhưng được tổ chức long trọng như hàng vương tôn công nữ. Ngôi mộ của Tiểu thư nằm ở phía Tây núi Bình San dưới chân mộ ông nội (Mạc Cửu).
Kiến trúc cũng hoành tráng không thua gì mộ của các bậc vương phi. Sau đó, Phu nhân cấm tất cả người trong nội phủ không được nói gì về Tiểu thư. Chỉ nói Tiểu thư chết vì bạo bệnh mà thôi. Nếu ai trái lịnh sẽ bị nghiêm trị.
Riêng bà thì thay đổi tánh tình, rất nghiêm khắc với kẻ hầu trong dinh. Ngay khi mọi việc vừa xong, thì Mạc Đô đốc cũng vừa đi duyệt binh về, và ông chỉ kịp truyền khắc trên mộ chí mấy chữ giản dị: Tiểu thư Mạc Mi cô chi mộ. (thường gọi là mộ Cô Năm)
Theo nữ sĩ Mộng Tuyết, tiểu thư Mạc Mi cô “bất ngờ phát ra tiếng nói”, để đọc một bài Sấm có nội dung như sau :
Bờ tre xanh xanh
Hái lá nấu canh
Canh ăn hết canh
Vị cay thanh thanh
Trời tây bóng ngả chênh chênh
Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng.
Vàng trong lòng đá
Vàng chói sáng lòa
Vọng lên lầu các nguy nga
Ao sen nở trắng trước tòa khói hương.
Thực hư về lời sấm về kho báu họ Mạc
Sau khi giới thiệu bài sấm trên trong sách Văn học Hà Tiên, Thi sĩ Đông Hồ viết: “Đọc xong bài sấm ai mà không nghĩ đây là một bài thần chú chỉ dẫn để tìm đến một kho tàng bí mật nào đó của họ Mạc :
“Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng.
Vàng trong lòng đá
Vàng chói sáng lòa...”
Nếu đem các đầu mối đứt khúc của câu chuyện chắp nối lại, chúng ta đoán như thế này: Bà phu nhân họ Nguyễn (chánh thất của Mạc Thiên Tứ) có giấu một kho tàng ở đâu đó. Người thợ đá lãnh việc chạm bài chỉ dẫn này trên đá phải tuyệt đối giữ bí mật công việc của mình. Nhưng người thợ đá bỗng chết vì bạo bệnh.
Cho nên những dòng chữ ghi trên mảnh giấy kia, phút chốc biến thành bài sấm thiêng liêng do chính miệng tiểu thư Mạc Mi Cô đọc lên, để đánh lạc hướng sự theo dõi của những người muốn tìm dấu kho vàng.
Nhưng kiểm chứng lịch sử chúng ta thấy có một số sự kiện trùng hợp như lời đồn truyền trong dân gian về bản đồ kho báu qua lời sấm tương truyền do chính miệng tiểu thư kỳ dị Mạc Mi Cô đọc lên.
Kể từ sau ngày tiểu thư qua đời, về sau Trấn Hà Tiên có nhiều biến động, chiến tranh do bọn giặc Xiêm (Thái Lan) và Chân Lạp (Campuchia) tấn công, xâm lấn.
Đến khoảng năm 1780, Đô Đốc Mạc Thiên Tích nuốt vàng tự vận chết ở Xiêm, ba con là Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Dung và Mạc Tử Thương cũng bị giặc hành hình.
Đến đời cháu thứ 7 họ Mạc là Mạc Tử Khâm không có con trai nối dõi, xem như tuyệt tự, tuyệt tôn, không thực hiện tròn câu “Thất diệp phiên hàn” (Thiên -Tử - Công -Hầu- Bá -Tử - Nam).
Nhiều người trong dân gian luôn tin rằng, vị thế của họ Mạc ngày xưa ở Hà Tiên như một lãnh Chúa, một tiểu vương quốc, cai trị vùng này gần một thế kỷ, trong đó thời hưng thịnh nhất được lịch sử ghi nhận ngót 80 năm (1708 – 1780). Do những điều suy tưởng, đồn đoán thêu dệt vô căn cứ đó, mà phần mộ của Hiếu Túc phu nhân mới bị đào bới với hy vọng tham lam tìm kho báu chỉ vì một bài “Sấm” truyền đời rất nhiều phi lý về sự ra đời.
Vào một hôm, người ta phát hiện trên đường vào mộ họ Mạc, có một xác người nằm ở vệ đường, mình mẩy đầy máu tươi. Họ liền bổng vào nhà tắm rửa lau chùi sạch sẽ.
Xem đúng là người thợ làm mồ của dòng họ Mạc. trong mình ông có một mảnh giấy ghi những câu thơ bâng quơ vô nghĩa ý tứ không được liên tục giống như những lời huyền cơ của các vị Tiên Thánh.
Sau cùng họ lại quyết là những lời giải mã chỉ dẫn đường vào kho báu. Con cháu họ Mạc cũng có rước các nhà địa lý cao thâm đến lý giải nhưng không ai giải được.
Mảnh giấy trong túi áo người thợ xây hầm mộ chết đột tử với sấm truyền do Tiểu thư Mạc Mi Cô đọc đã trở thành một huyền thoại nhân gian về kho báu họ Mạc.
Tiết Thanh minh năm Tân Hợi (1911), lấy cớ là để mở mang thị trấn Hà Tiên, viên chủ tỉnh người Pháp đã cho đoàn tù khổ sai phá đất đá ở núi Bình San và lẽ dĩ nhiên là hơn 40 ngôi mộ của dòng họ Mạc cũng thuộc diện bị khai quật.
Những người hiểu chuyện biết rõ rằng đằng sau việc di dời này là âm mưu truy tìm kho báu mà rất có thể dòng họ đứng đầu “tiểu vương quốc” Hà Tiên đã cất giấu trong các hầm mộ, theo lời một bài thơ được xem như tấm bản đồ chỉ dẫn lối vào kho báu, vốn chỉ lưu truyền trong dòng họ Mạc.
Tên này bày vẽ ra chuyện cần có đất đá để chỉnh trang đường sá trong nội tỉnh Hà Tiên. Tất nhiên nơi tên này chọn lấy đá xây dựng làm cầu đường đầu tiên là ngôi mộ của bà Hiếu Túc phu nhân Nguyễn Thị Thủ, chánh thất của Đô Đốc Mạc Thiên Tích chứ không thể là nơi nào khác được.
Đó là ngôi mộ rất lớn, có tấm bia đề “Hoàng Việt hiếu túc thái phu nhân Mạc phủ Nguyễn tỷ chi oanh - Nhâm thân trọng xuân cốc đán”. Đoàn tù khổ sai đục đến chiều tối ngày thứ 10 mới phá được chỗ bệ thờ trước mộ bia. Lễ bốc mộ có sự chứng kiến của chính quyền và con cháu họ Mạc.
Ông Mạc Tử Khâm, cháu 7 đời của Mạc Cửu, cầm nến soi vào áo quan nhặt từng mảnh xương xếp vào quách đưa về đền thờ họ Mạc chờ làm lễ cải táng. Nhiều lời đồn đại xung quanh cuộc khai quật này. Nghe nói ông Mạc Tử Khâm được chủ tỉnh Hà Tiên chia cho một cái trâm vàng có gắn ngọc quý.
Về sau ông Khâm túng quẫn đem bán chiếc nhẫn này cho một người Pháp tên là Chapuis đang cai quản ngọn hải đăng ở núi Pháo Đài. Từ đó gia đình Chapuis gặp nhiều điều không may...
Sự thật về kho báu dòng họ Mạc không biết thế nào, nhưng sau khi khai quật mộ của Mạc phu nhân thì hơn 40 ngôi mộ họ Mạc còn lại được giữ nguyên, không bị di dời nữa.
Cốt của bà lấy được món nào thì xướng món nấy, rửa sạch rồi đặt vào quách. Món lấy cuối cùng là răng của bà. Xong rồi đóng nắp quách lại chuyển về miếu Tam Công.
Đồ vật mang theo cho bà không gì quí cả. Chỉ có cây trâm vàng cẩn ngọc thạch, hàng nhiễu tẩn liệm và bình nước, ấm trà bằng sứ mà thôi.
Chiếc trâm này tên Chủ tỉnh giao cho Mạc Tử Khâm giữ. Nghe đâu sau này Mạc Tử Khâm túng bấn đã mang đi bán chiếc trâm này cho một người Pháp tên Chapuis, Trưởng đài quan sát hải đăng Pháo Đài. Hài cốt của bà Hiếu túc phu nhân được cải táng trong Tam lăng ở núi Bình San.
Trở lại vấn đề bài Sấm, sau này nhà thơ Đông Hồ (Lâm Tấn Phác) đọc kỹ và nghiệm thấy mấy việc như: “Gạt bỏ hết những điều chôn ngọc dấu vàng, gạt bỏ hết những chuyện về nàng Tiểu thư huyền bí. Bài thơ đó quả là một bài tiên đoán sự nghiệp của họ Mạc. mỗi câu, mỗi chữ đúng như y, phân minh từng chi tiết. Thật là lạ lùng”.
Theo cách lý giải của nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết về bài sấm truyền trên thì vận số họ Mạc tuy chỉ huy hoàng trong 72 năm, không là vương là bá, nhưng thực tế không thua gì một vương quốc độc lập. Câu:
“Bờ tre xanh xanh
Hái lá nấu canh
Canh ăn hết canh
Vị cay thanh thanh”.
Vận vào thức tế, thấy ứng vào điềm bờ tre bọc quanh núi Bình San bị phá hủy. Chữ “hết canh” tức là ám chỉ đến hết năm Canh Tuất (1910). Vị cay tức là tân, nghĩa là tiết Thanh minh năm Tân Hợi (1911) khu lăng mộ họ Mạc sẽ bị phá hủy. Hay như câu:
“Trời Tây ngả bóng chênh chênh
Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng”
Là điềm ứng với việc mở được cửa mộ thì trời đã về chiều, phải soi đuốc mới tìm được chiếc trâm vàng cẩn ngọc. Trời Tây cũng ứng vào việc người Tây khai quật mộ chứ không phải người Việt.
Một câu hỏi đặt ra: Nguyên gốc bài sấm kia từ đâu ? Liệu có phải đã được mọi người biết từ bản dịch, viết của vợ chồng nữ sĩ Mộng Tuyết- Đông Hồ? Trong kho sách nhà lưu niệm Đông Hồ, nơi ở cuối đời của nữ sĩ Mộng Tuyết, bà Lâm Thị Hoa (cháu nhà thơ Đông Hồ) trông giữ.
Bà Hoa đã cho chúng tôi biết “tác phẩm này do bà Mộng Tuyết viết tại Sài Gòn (cũ) vào khoảng 1959-1960, chứ không phải viết ở Hà Tiên, do NXB Bốn Phương, Viện văn nghệ- Hiên sáng tác ấn hành năm 1960.
Ngay từ lúc tác phẩm ra đời, đã gây ra sự hiểu nhầm tai hại nhiều lần vợ chồng Mộng Tuyết- Đông Hồ phải đính chính, thật khó tin khi Mạc Cửu vào khai mở đất Hà Tiên từ năm 1700, thì lời sấm vang đến tai viên quan Pháp khai quật mộ Hiếu Túc phu nhân vào tháng 3 năm 1911, cả sấm truyền lẫn bản đồ kho báu cả hai đều không đáng tin cậy. Vậy mà, đã có không ít người luôn ôm mộng đào bới tìm kho báu từ những lời truyền vu vơ.
Kho báu họ Mạc vẫn là một bí ẩn
Họ Mạc là một dòng họ có công giữ bờ cõi, khai khẩn đất phương Nam, có những đóng góp to lớn trong lịch sử buổi đầu mở cõi.
Đánh giá về dòng họ Mạc, Giáo sư sử học Trần Văn Giàu từng cho biết: “Cũng từ thời Mạc Thiên Tích, đất nước bao phen nổi phong ba, thù trong và giặc ngoài liên tục đe dọa vận mệnh của dân tộc.
Hành trạng và phép ứng xử của phần lớn các thành viên họ Mạc ở Hà Tiên có không ít những điều khiến cho hậu thế chẳng dễ gì tán thành. Nhưng họ Mạc là họ Mạc, giữa thế thái riêng ấy họ có lập trường riêng và có cách nhìn thời cuộc cũng rất riêng...”.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần thì có suy nghĩ: “Dấu tích của Phương Thành xưa còn đó, những vần thơ của các bậc tao nhân mặc khách trong Chiêu Anh Các còn ngân vang đâu đó, mười cảnh đẹp của Hà Tiên cũng đang còn đó...
Việc họ Mạc theo phò chúa Nguyễn là điều có thật, nhưng những gì họ Mạc đã cống hiến cho Hà Tiên, cho giang sơn một thuở cũng là điều có thật. Không ai có thể xóa bỏ quá khứ mà họ Mạc chính là một phần của quá khứ đó”.
Kể về Miếu thờ Tam Công (thờ Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh) là ba vị có công đầu mở mang và xây dựng Trấn Hà Tiên. Ngoài bàn thờ còn có nhiều linh vị các vị thê thiếp, con cháu cùng với những tùy tướng thân thuộc họ Mạc. Cửa cổng kiến trúc hình thức Tam Quan (một chánh hai phụ).
Nhưng cửa phụ bên phải bị bịt kín từ lâu được kể lại từ chuyện về viên quan người Pháp xúc phạm đến oai linh của lăng mộ đã bị sét đánh chết nên từ đó cửa phụ bên trái được xây bịt kín. Bàn thờ của Mạc Mi Cô nằm ở phía tay mặt (từ trong nhìn ra). Tương truyền ngày xưa khách tham quan đến viếng Miếu.
Người nào có tánh tình hiểm sâu độc ác, tham gian, dối trá đi ngang qua bàn thờ cô điều bị cô bắt cho hộc máu mà chết. Nên từ đó, du khách không dám đến Miếu cúng bái nữa. Thấy vậy, ban tế lễ xin cô khóa cổng phụ bên đó lại, vì thế khách tham quan mới dám vào Miếu. Hiện nay hình thức này vẫn còn.
Lời đồn đãi và truyền tụng trong nhân gian về kho báu dòng họ Mạc ở Hà Tiên không phải là không có cơ sở, xét ở một góc độ nào đó.
Trong thời gian khai phá phương Nam ngót 80 năm, họ Mạc đã xây dựng Hà Tiên thành thủ phủ súng túc và trù phú.
Tuy vẫn chịu thần phục dưới quyền của triều đình nhà Nguyễn, nhưng dòng họ Mạc vẫn có những quyền tự trị, tự chủ nhất định, trong điều kiện biên ải, xa kinh kỳ vạn dặm. Họ Mạc có quân đội, tài chính, ngoại giao riêng.
Giai đoạn cực thịnh của “vương quốc họ Mạc” khi Mạc Thiên Tích làm Tổng binh trấn, đặc biệt là các hoạt động giao thương buôn bán rất phát triển trên các thương cảng.
Theo các tư liệu lịch sử, họ Mạc ở Hà Tiên có quân đội riêng, được phép in tiền riêng, chủ trương mở rộng giao thương với cả một số nước Bắc Á và những nước Đông Nam Á, họ Mạc có đội tàu buôn hùng hậu và tàu buôn các nước dập dìu cập cảng Hà Tiên.
Do đó, khối tài sản họ Mạc rất lớn là chuyện bình thường, nên suy đoán trong dân gian họ sẽ chôn cất đâu đó theo tục lệ của người dân Quảng Đông-Trung Quốc.
Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ và hậu duệ họ Mạc hoàn toàn có thể tiên đoán chiến tranh xảy ra, sự thay đổi của thời thế nên có thể đã sắp đặt cho đời sau việc này.
Lời sấm kia, nếu bỏ qua yếu tố huyền thoại, kỳ bí của tiểu thư Mạc Mi Cô có thể hiểu ở một góc độ khác. Hiện nay, quanh chân núi Bình San ở thị xã Hà Tiên vẫn còn tồn tại một hệ thống lăng mộ tương đối lớn và chắc chắn có nhiều bí ẩn trong đó chưa có lời giải.
Theo những tư liệu của họ Mạc ghi lại từ lời kể của cụ Thiềm Văn Tường, con rể ông Mạc Tử Khâm (mất tháng 7 năm 1988) rằng: Đầu thế kỷ XX, Việt Nam dưới quyền cai trị của chế độ thực dân Pháp.
Đứng đầu tỉnh Hà Tiên là viên Chánh Tham Biện Roux Serret, sau khi nghiên cứu kỹ về dòng họ Mạc cho rằng có kho báu cất giấu trong khu lăng mộ dòng họ này.
Từ đó hắn lấy cớ đắp đường, xây lộ trong tỉnh lỵ Hà Tiên, rồi đào ao lấy đất và phá núi (núi Bình San ngày nay) lấy đá làm đường. Từ đó có nguyên cớ lật những ngôi mộ trong lăng họ Mạc tìm kho báu.
Những ngày đào đất đá ở núi Bình San, khi đào đến lăng mộ bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân (vợ cả Mạc Thiên Tích), viên tỉnh trưởng huy động nhiều đoàn tù khổ sai làm cật lực, 10 ngày sau thì phá được nắp quan tài ra.
Nhưng không như hắn nghĩ, số “kho báu” mà tên tham quan này có được cũng chỉ là một vài cái trâm, vòng trang sức đeo tai, cổ của nhà Phật... ít giá trị. Thế là hắn tức tốc đem trả lại cho con cháu họ Mạc, ra lệnh di chuyển mộ bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân về khuôn viên khu mộ dòng Mạc (nay nhìn từ trên xuống cách mộ Mạc Cửu khoảng 20 m, nằm bên phải).
Nhà nghiên cứu Hà Tiên, ông Trương Minh Đạt, Phó ban quản lý di tích lịch sử núi Bình San cười xòa nói, “tất cả chỉ là sự hiểu nhầm của lịch sử mà thôi”.
Theo ông, đoạn thơ sấm truyền là một tác phẩm văn học mang tên “Nàng ái Cơ trong chậu úp” của tác giả Mộng Tuyết, vợ của tác gia lớn Đông Hồ ở Hà Tiên.
Đây là tác phẩm bà viết theo thể loại Ngoại ký sự tiểu thuyết, có tính chất văn học. Đoạn thơ người ta gọi là “sấm truyền” trên nằm trong chương X mang tên Tiểu Thư Mạc Minh cô. Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt khẳng định: “Tất cả nội dung hai đoạn thơ đó do bà Mộng Tuyết hư cấu mà ra, hoàn toàn không liên quan gì đến kho báu”.
Nữ sĩ Mộng Tuyết, người còn lại của “Hà Tiên tứ tuyệt” (gồm Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê, Trúc Hà) đã ra đi vào 8g05 sáng 1-7-2007 tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang sau một thời gian lâm bệnh nặng.
Bà đã được đưa về tại khu Nhà lưu niệm Đông Hồ, là nền cũ của Trí Đức học xá do thi sĩ Đông Hồ sáng lập năm 1926 mà nữ sĩ Mộng Tuyết chính là người học trò xuất sắc. Nữ sĩ Mộng Tuyết tên thật là Thái Thị Sửu, các bút danh Hà Tiên Cô, Thất Tiểu Muội, Nàng Út, Bách Thảo Sương…
Bà sinh ngày 9-1-1914 ở làng Mỹ Đức, Hà Tiên, nay là tỉnh Kiên Giang. Ngoài nhiều truyện ngắn, thơ, kịch, tùy bút đăng trên các báo, bà còn dịch thơ và viết khảo cứu văn học.
Sau tập thơ Phấn hương rừng (1939, được tặng giải “Khen tặng” của Tự Lực văn đoàn), Đường vào Hà Tiên (tùy bút, 1960), Nàng Ái Cơ trong chậu úp (tiểu thuyết lịch sử, 1961), Truyện cổ Đông Tây (1969), Dưới mái trăng non (thơ, 1969)…
Năm 1998, Mộng Tuyết xuất bản cuốn hồi ký Núi mộng gương Hồ ghi lại cuộc đời, sự nghiệp, những hoạt động văn học, văn hóa của bà và chồng là thi sĩ Đông Hồ, cùng nhiều văn nghệ sĩ thân thiết khác.
Cùng với chồng là thi sĩ Đông Hồ, bà là một trong những nhà thơ mới tiêu biểu của miền Nam, là báu vật không chỉ của Hà Tiên, Kiên Giang mà còn của cả Nam bộ.
Như vậy, tiểu thuyết hư cấu “Nàng Ái Cơ trong chậu úp” được nữ sĩ Mộng Tuyết viết năm 1961, và lời sấm truyền cũng nằm trong tác phẩm năm 1961 thế kỷ 20, thử hỏi nào ai biết thực hư ra sao. Nay thì tác giả đã về cõi vĩnh hằng càng không có cơ hội để nghe một sự thật về lời sấm được bà lấy từ đâu.
Đến xứ Hà Tiên, du khách ngẩn ngơ vì cảnh đẹp như mơ của biển trời sông núi với những tên gọi thơ mộng, lãng mạn từng in trong tâm khảm con người.
Rồi thì ai cũng muốn một lần đến viếng lăng mộ họ Mạc nằm dưới chân núi Bình San, một nơi chứa đầy những giá trị lịch sử, văn hóa và huyền thoại về 7 đời con cháu họ Mạc trấn giữ đất Hà Tiên.
Hiện nay, hơn 40 ngôi mộ của dòng họ Mạc vẫn yên vị trên núi Bình San thơ mộng và thanh tịnh và ẩn chứa trong nó bao nhiêu bí ẩn của một dòng họ nổi tiếng đất Hà Tiên xưa. Con người luôn khám phá, tìm hiểu, còn lịch sử luôn chứa đầy những bí ẩn…
Tiểu thư Mạc Mi Cô và kho báu ở Hà Tiên)