01/05/2024
🇻🇳 Những tuổi 20 làm nên Điện Biên Phủ 1954 chấn động địa cầu 🇻🇳
Đối với những người lính đã từng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt,” 56 ngày đêm trong lòng chảo Tây Bắc này từ lâu đã hóa thành một phần máu thịt. Họ đã dùng cả tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình để đốt cháy “pháo đài bất khả xâm phạm” trên ngọn đồi A1.
🇻🇳 Mùa xuân năm 1954.
Những người lính trẻ mới mười tám, đôi mươi từ khắp các địa phương của miền Bắc nhận lệnh hành quân vào lòng chảo Mường Thanh, dốc sức cho trận đánh toàn lực vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Được người Pháp thời bấy giờ mệnh danh là “pháo đài bất khả xâm phạm,” tập đoàn cứ điểm này chạy suốt chiều dài cánh đồng Mường Thanh và dọc hai bờ sông Nậm Rốn.
Trong công tác phục vụ chiến dịch, thanh niên cùng quân và dân ta lập nên thành tích to lớn về vận tải mà kẻ thù không sao tưởng tượng nổi. Hầu như tất cả các phương tiện vận chuyển đều được huy động, vừa tận dụng phương tiện thô sơ, vừa tranh thủ phương tiện cơ giới để bảo đảm cung cấp vũ khí, lương thực cho chiến dịch. Bộ đội vận tải nêu cao tinh thần dũng cảm, khắc phục khó khăn, xe chạy không bật đèn, vượt qua bom nổ chậm...bảo đảm tuyệt đối an toàn vũ khí, đạn dược cho chiến dịch. Các đoàn xe đạp thồ dài hàng cây số, các đoàn thuyền và các đoàn dân công, hàng chục nghìn người tất cả hướng về Điện Biên.
Kéo pháo ra trận địa là một kỳ công của thế hệ "Bộ đội Cụ Hồ” thời chống Pháp. Những cỗ pháo nặng hàng tấn được chiến sĩ ta kéo qua đèo cao, dốc thẳm vào trận địa an toàn. Chiến sĩ Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn pháo để cứu pháo khỏi lao xuống vực, anh dũng hy sinh ở tuổi 20…
🇻🇳 Ngày 13/3/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bắt đầu. Đợt tấn công thứ nhất ta tiêu diệt nhanh, gọn hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập, uy hiếp và gọi hàng cứ điểm Bản Kéo. Sau 5 ngày chiến đấu quyết liệt, đợt tiến công lần thứ nhất kết thúc thắng lợi. Trong đợt tấn công này, tấm gương hy sinh anh dũng của chiến sĩ trẻ Phan Đình Giót, lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tạo điều kiện cho đơn vị xông lên tiêu diệt địch, đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ trên toàn mặt trận. Đại đoàn pháo binh 351, một binh chủng mới ra đời đã vinh dự được nhận cờ "Quyết chiến, quyết thắng” của Bác Hồ.
🇻🇳 Đúng 17h00 ngày 30/3/1954, ta mở đợt tấn công thứ hai nhằm chia cắt địch, thắt chặt vòng vây, khống chế và cắt đường tiếp viện của địch, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích tiêu diệt địch toàn bộ quân địch. Quá trình bao vây chia cắt là quá trình vừa chiến đấu anh dũng, vừa lao động không biết mệt mỏi của chiến sĩ ta ở ngay trên trận địa. Tiêu biểu là những tấm gương của chiến sĩ Chu Văn Mùi 23 tuổi cùng đồng đội bị lọt vào vòng vây địch trên đồi A1 nhưng vẫn kiên cường chiến đấu để bảo đảm thông tin liên lạc, chiến sĩ Phạm Việt Nghị, 18 đêm liền, đào được 18 cái hầm và 11m hào dưới bom đạn của địch.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, qua 55 ngày đêm chiến đấu đầy gian khổ nhưng vô cùng anh dũng, tuổi trẻ cả nước nói chung và tuổi trẻ Điện Biên nói riêng đó đoàn kết một lòng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và lao động, sản xuất, đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ anh hùng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Chúng ta có quyền khẳng định rằng: chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào của dân tộc và tuổi trẻ Việt Nam anh hùng đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Những chiến công đó, hình ảnh đó mãi mãi là niềm tự hào của chúng ta. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Đất nước tạm thời chia làm hai miền: miền Bắc được giải phóng, miền Nam vẫn còn dưới ách thống trị của bọn đế quốc tay sai.
Có những đồng chí chưa đến tuổi nhập ngũ, đã động viên bố mẹ tự khai tăng tuổi để được lên đường đi đánh Mỹ, hàng nghìn lá đơn của nam, nữ thanh niên các dân tộc tình nguyện lên đường chống Mỹ, nhiều lá đơn viết bằng máu tỏ rõ chí khí quyết tâm muốn được tham gia chiến đấu ở các chiến trường. Tuổi trẻ trong lực lượng vũ trang và các địa phương đã phát động thanh niên học tập gương chiến đấu dũng cảm của anh hùng liệt sỹ Lê Thị Hồng Gấm, anh hùng Lê Mã Lương gắn với thực hiện phong trào "Ba sẵn sàng".
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của ý chí quyết tâm và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Góp phần tạo nên chiến thắng vẻ vang ấy, có biết bao tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Những chiến sĩ mang trong mình tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là: Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên để xông vào sở chỉ huy, rồi cắm cờ lên lô cốt địch ở cứ điểm Him Lam… Tất cả những cống hiến, hy sinh của họ đã hòa thành bản anh hùng ca, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam. Họ xứng đáng đại diện cho một thế hệ trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
______________________________________
TEC - CLB LỮ HÀNH VÀ SỰ KIỆN TRƯỜNG ÐẠI HỌC THĂNG LONG
Email: [email protected]
Instagram: .tlu
Chủ nhiệm: 0372 075207 (Nguyễn Ðức Hiếu)
Ðối ngoại: 098 8505723 (Loan Hoàng)