29/10/2022
Tống Duy Tân là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh trong lịch sử Việt Nam. Ông là người làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm Canh Ngọ (1870), ông đỗ cử nhân, đến năm Ất Hợi (1875), thì đỗ tiến sĩ. Bước đầu, ông được bổ làm Tri huyện, sau làm Đốc học Thanh Hóa rồi Thương biện tỉnh vụ. Tháng 7 năm 1885, hưởng ứng dụ Cần Vương, Tống Duy Tân được vua Hàm Nghi phong làm Chánh sứ sơn phòng Thanh Hóa. Sau đó, ông tham gia xây dựng chiến khu Ba Đình.
Sau khi thành Ba Đình bị hạ vào nằm 1887, Tống Duy Tân bèn đi ra Bắc rồi Trung Quốc để gặp gỡ các sĩ phu yêu nước, tìm nguồn hỗ trợ và liên kết với các lực lượng kháng Pháp khác.
Đầu năm 1889, Tống Duy Tân về đến quê nhà. Sau khi tập hợp lại lực lượng, thì ông trở thành người chỉ huy chính của phong trào kháng Pháp tại Hùng Lĩnh ở thượng nguồn sông Mã (thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Sau một thời gian chiến đấu, thế lực tan rã, trước sự vây ép gắt gao của giăc, ông phải về ẩn náu ở hang Niên Kỷ (nay thuộc xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), còn Cao Điển cùng một số thuộc hạ quyết chí theo thì đóng trên một ngọn đồi gần bên. Chẳng lâu sau, Cao Ngọc Lễ (vừa là học trò cũ, vừa là cháu kêu Tống Duy Tân bằng cậu) đi mật báo cho Pháp đến bủa vây và bắt được Tống Duy Tân vào ngày 4 tháng 10 năm 1892.. Tống Duy Tân bị thực dân Pháp cho xử tử tại Thanh Hóa ngày 5 tháng Mười năm Nhâm Thìn (tức 23 tháng 11 năm 1892), lúc 55 tuổi.
Nguồn : Hùng Ca Sử Việt