10/10/2024
KHƠI DẬY KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Suốt thời gian rất dài, người Việt Nam thế hệ này qua thế hệ khác đều đeo đẳng khái niệm “nước đói nghèo, lạc hậu”. Trong sách giáo khoa tiểu học có những câu thơ rất hay như “Việt Nam đất nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”, hay “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi/ Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt”, tuy nhiên đó thường là những câu thơ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người. Còn về kinh tế, “rừng vàng, biển bạc” ý chỉ giàu mạnh về tài nguyên, còn hiện trạng, bao thế hệ người Việt Nam sinh ra, lớn lên trong chiến tranh, rồi hòa bình nhưng ý thức về một đất nước với nền kinh tế thua bạn kém bè vẫn đeo đuổi mãi.
Đất nước đổi mới và những thành tựu liên tiếp đã khỏa lấp dần cụm từ đói nghèo, lạc hậu. Thay vào đó, chúng ta quen thuộc hơn với những khái niệm như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế... Giờ đây là đột phá về tư duy, khát vọng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chính thức đặt cụm từ “nước phát triển, có thu nhập cao” và xác định lộ trình đi tới rất rõ ràng: năm 2045. Lần đầu tiên, khái niệm này và mục tiêu này được đưa vào văn kiện của Đảng, thay thế những khái niệm đã kéo dài mấy chục năm qua như “cơ bản trở thành nước công nghiệp”, “thu nhập trung bình cao”. Vậy, diện mạo một đất nước phát triển, thu nhập cao là thế nào và liệu một nước Việt Nam từ kém phát triển, chậm phát triển, nay là đang phát triển có thể bứt phá để đi đến mục tiêu, khát vọng đó trong chỉ hơn 2 thập kỷ nữa?
Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đánh giá, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm (2011-2020), công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỷ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp và dịch vụ đạt 72,7% vào năm 2020, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành, tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm, có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình...
Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Ðóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Nghị quyết xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững. Nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước... Giai đoạn 2031-2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2023, quy mô nền kinh tế Việt Nam theo GDP ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Thực tế, Việt Nam từ năm 2008 đã đạt ngưỡng 1.000 USD/người/năm, đến nay tăng đều hằng năm nhưng luôn nằm trong giới hạn thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, nếu đạt thu nhập bình quân đầu người 7.500 USD thì vẫn nằm trong “bẫy thu nhập trung bình”. Liệu nước ta có thể vượt qua để đạt khoảng 13.000 USD/người vào năm 2040 và cao hơn nữa vào năm 2045? Một ví dụ cho thấy, để từ nước có thu nhập trung bình thành nước thu nhập cao, tăng trưởng GDP bình quân của Hàn Quốc trong vòng 20 năm liền đều đạt 9%/năm. Với Việt Nam, giai đoạn 1991-2000, tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,56%/năm; giai đoạn 2001-2010, đạt 7,26%/năm và giai đoạn 2011-2020 chỉ đạt 5,95%/năm. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách phát triển.
Theo các chuyên gia kinh tế, trên cơ sở tư duy phát triển cần tập trung vào các vấn đề chủ yếu, trước hết là phát huy nhân tố con người. Phát huy truyền thống tốt đẹp, lấy con người làm chủ thể là nhân tố quyết định để biến khát vọng thịnh vượng của dân tộc sớm trở thành hiện thực như Chiến lược phát triển 2021-2030 chỉ ra: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân”. Thứ hai là thay đổi mô hình tăng trưởng. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đẩy nhanh quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng của các quốc gia, làm biến đổi cơ cấu giữa các ngành kinh tế do quá trình tự động hóa theo hướng công nghệ số và kinh tế tuần hoàn. Quá trình công nghiệp hóa ở nước ta vừa phải tiếp tục xây dựng với công nghệ hiện đại một số ngành công nghiệp truyền thống như cơ khí, luyện kim, dầu khí, hóa chất cơ bản, vừa phải tập trung đầu tư để nhanh chóng hình thành một số ngành công nghệ mới như công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR), Internet vạn vật (IoT), Blockchain (được mệnh danh là sổ cái điện tử), ứng dụng công nghệ thông minh, phát triển nông nghiệp hữu cơ và du lịch, dịch vụ số.
Thứ ba là hoàn thiện thể chế. Để khắc phục những khiếm khuyết, Chiến lược phát triển 2021-2030 đề ra định hướng “Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai. Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới”. Cùng với đó là hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới điện, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu. Rà soát, tháo gỡ các rào cản trong thể chế, pháp luật, chính sách theo hướng công khai, minh bạch, ổn định, bình đẳng trong hệ thống pháp luật về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng...
Trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với truyền thống tốt đẹp, khí phách và tinh hoa của dân tộc, không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; với bản lĩnh, kiên định lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên CNXH, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cũng là ước vọng của toàn dân tộc “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.