19/01/2023
TẾT | CÂY NÊU NGÀY TẾT
Dựng cây nêu ngày Tết là một phong tục lâu đời của người Việt Nam. Trong cái Tết của nông thôn Việt Nam xưa, trong sân mỗi nhà và trên sân đình, sân chùa làng đề trồng một cây tre để cả ngọn, gọi là cây nêu. Năm nối tiếp năm, đời này nối tiếp đời khác, cứ trôi qua như thế, cây nêu đã trở thành một phong tục đặc sắc của người Việt ta. Cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành.
Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam câu truyện Sự tích cây nêu ngày Tết đại ý kể rằng: Do quỷ chèn ép người, hàng năm đều thu hết hoa lợi do con người trồng cấy. Phật thấy vậy bèn giúp người trừ quỷ. Phật bảo người trồng cây nêu (dùng một cây tre thật cao), Phật treo chiếc áo cà sa lên đầu ngọn cây và thỏa thuận với quỷ rằng, bóng chiếc áo phủ đến đâu sẽ là đất do con người quản lý và thu hoạch hoa lợi, phần còn lại sẽ thuộc về quỷ. Quỷ đồng ý, Phật dùng phép cho bóng chiếc áo phủ lên khắp mặt đất khiến quỷ không còn chỗ trú thân, vì vậy bị đuổi ra ngoài biển đông. Nhưng hàng năm mỗi dịp Tết về, quỷ đều muốn trở vào đất liền để tìm tiên tổ và kiếm cái ăn. Để tránh bị quỷ quấy nhiễu, con người bèn dựng cây nêu trên ngọn treo miếng vải, sau đổi thành lá bùa và chiếc khánh bằng đất nung khi gió rung tạo ra tiếng động để xua đuổi quỷ. Trên ngọn cây cũng thường treo bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái, vì con người cho rằng đó là vật mà quỷ rất sợ.
Trong ca dao có câu:
“Cành đa lá dứa treo kiêu (cao)
Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà.
Quỷ vào thì Quỷ lại ra.
Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm”
Mỗi dân tộc có từng loại hình cây nêu khác nhau. Cây nêu của người Kinh là cây tre dài, trảy sạch nhánh, trên ngọn có treo bánh trái và bùa bát quái. Cây nêu của các dân tộc thiểu số là loại cây gỗ chắc chắn được vẽ quanh thân, có tua đại, trên đỉnh trang trí theo hình thức tô tem giáo.
Những vật treo trên cây nêu tượng trưng cho nội dung hướng về sự bảo vệ con người và cầu mong hạnh phúc. Ví dụ như lá dứa để dọa quỷ, khánh tượng trưng cho hạnh phúc, tiền mã là cầu tài, lông gà là biểu tượng chim thần - sức mạnh thiên nhiên giúp người.
Cây nêu là biểu tượng cây vũ trụ, nối liền đất với trời. Vòng tròn đỏ tượng trưng cho mặt trời. Cây vũ trụ là nơi đậu của mặt trời và chim thần. Cuối năm, khi mùa đông dần trôi đi, người ta bắt đầu trồng nêu với dụng ý ngọ nêu sẽ vươn lên đón xuân, đón ánh mặt trời, khi Dương và cũng để biểu hiện đối ứng áp đảo với Quỷ, biển Đông - biểu tượng của âm.
Trong sách “Gia Định Thành Thông Chí” - tài liệu cổ xưa viết về vùng đất Nam bộ, tác giả Trịnh Hoài Đức, ghi lại: “Bữa trừ tịch (đêm Giao thừa) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là “Thượng nêu”... có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ”.
Dưới thời quân chủ Việt Nam, lễ Thượng tiêu (dựng nêu) được coi là một nghi lễ quan trọng nằm trong những lễ tiết chính yếu do Hoàng thượng đích thân hành lễ. Minh Mệnh năm thứ 8 [1827], Bộ Lễ tâu rằng: Theo lệ một năm có 5 lễ hưởng cùng với tiết Nguyên đán, Đoan dương, Thượng tiêu đều do Hoàng thượng đích thân đến Thái miếu, Thế miếu làm lễ. Tuy nhiên các lễ tiết đều có ghi chép rõ ràng về nghi thức, riêng lễ Thượng tiêu ngày cuối năm bản thân các quan trong triều cũng lúng túng thừa nhận “không thấy sách vở nào nói rõ”. Nhưng tục nước ta theo làm đã lâu thành nếp, vì vậy các quan bàn xin không nên bỏ lễ này, nhưng có thể cử Hoàng tử hoặc các tước công đi tế thay. Vua cho là phải.
Trong cuốn “Hội hè lễ tết của người Việt”, Nguyễn Văn Huyên mô tả cây nêu ngày tết khá chi tiết: “Đấy là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng g*i. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm. Cây nêu được làm như vậy để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn tết.”
Còn trong cuốn “Việt Nam phong tục” của học giả Phan Kế Bính, viết hồi năm 1915, thuật lại: “Lại có nhiều nơi chặt tre dựng cây nêu, kết ba cái lạt ra, buộc một bó vàng. Hoặc lấy cành đa lá dứa cài ngoài cửa ngõ. Hoặc là rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ cái cung, cái nỏ... cũng là có ý trừ quỷ, kẻo sợ năm mới quỷ vào quấy nhà mình”.
Mỗi dân tộc khác nhau, thời gian dựng cây nêu cũng khác nhau. Người Kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, để ngăn ngừa ma quỷ tới quấy rầy gia chủ trong những ngày ông Công - ông Táo lên chầu trời. Một số dân tộc khác như Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái lại trồng cây nêu vào chiều 30 tháng Chạp âm lịch…
Trong lễ hội, cây Nêu là tiêu điểm tập trung, cố kết của tâm thức cộng đồng. Ðối với cư dân nông nghiệp, nông lịch luôn gắn bó với cuộc sống, định hình thời vụ sản xuất và sinh hoạt, lễ hội. Thời điểm cuối năm là thời điểm nông nhàn, chuẩn bị bước vào các hoạt động vui chơi. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại. Nó tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành thay đổi giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ.
Ngày xưa, cây nêu là biểu tượng cho sự uy quyền, nhà nào có quyền thế nhất là nhà đó có cây nêu cao nhất. Trên cây nêu có lá bùa bát quái. Lá bùa có ý nghĩa đuổi quỷ, trừ ma nhằm che chở cho con người yên tâm vui tết.
Ngày nay, cây nêu ở đồng bằng bị biến dạng bởi sự tác động của tôn giáo và cuộc sống hiện đại. Nó chỉ còn tồn tại trong những dịp lễ hội của dân tộc thiểu số. Cây nêu của người dân tộc thiểu số được dựng lên để cáo tế thần linh dự lễ hội đâm trâu, mong cho mùa màng năm sau tươi tốt. Con trâu bị cột chặt phải chạy vòng quanh cây nêu, cùng lúc ấy mọi thành viên trong cộng đồng hoà nhập vào lễ tế linh thiêng.
Những năm gần đây, phong tục trồng cây nêu ngày Tết đã dần bị mai một, thay vào đó người dân thường chơi hoa, cây cảnh hoặc sắm các loại cây như đào, mai, quất… để bày biện trong nhà với mong muốn một năm mới phát tài phát lộc, sum xuê, đủ đầy. Tuy nhiên tại một số vùng thôn quê hoặc vùng dân tộc thiểu số việc dựng cây nêu ngày tết vẫn diễn ra nhưng ý nghĩa nguyên bản để trấn quỷ trừ ma hầu như không còn nữa. Cây nêu được trồng chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng, cầu chúc những điều tốt đẹp trong năm mới, cũng là sự hoài niệm về một phong tục của tết cổ truyền Việt Nam xưa.
------
Tài liệu tham khảo:
Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục.
Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí.
Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.
Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005.
Nguyễn Trọng Phấn, Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tp HCM, 2016.
Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ tết của người Việt, NXB Thế giới, Hà Nội, 2018.
----------------
-----------------------------
Theo dõi và liên hệ với chúng mình tại:
Facebook: Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám
Youtube: Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám
Email: [email protected]
SĐT: 098 979 23 86