21/06/2022
🛑 8 THỦ TỤC NHẤT ĐỊNH PHẢI LÀM KHI MỚI SANG NHẬT BẢN
Sắp tới sẽ có rất nhiều bạn sang Nhật nên chắc chắn sẽ cần 08 thủ tục này sẽ giúp cuộc sống của bạn ở Nhật Bản thuận tiện hơn, tiết kiệm hơn và đỡ bỡ ngỡ hơn.
✅ 1. LÀM THẺ CƯ TRÚ
Thẻ cư trú được cấp cho đối tượng là người nước ngoài cư trú trung hoặc dài hạn tại Nhật (từ 3 tháng trở lên). Khi thực hiện thủ tục nhập cảnh tại các sân bay lớn như Narita, Haneda (Tokyo), Chubu (Nagoya), Kansai (Osaka), bạn sẽ được cấp thẻ này cùng dấu chứng nhận được phép làm thêm tại Nhật (資格外活動許可).
Nếu nhập cảnh tại các sân bay khác, bạn sẽ được đóng dấu chứng nhận đã được phép nhập cảnh lên hộ chiếu, còn Thẻ cư trú sẽ được gửi đến chỗ ở của bạn qua đường bưu điện.
Đồng thời trong vòng 14 ngày sau khi đã xác nhận chỗ ở mới, bạn phải xuất trình thẻ này cho cơ quan quản lý hành chính địa phương gần nhất để làm thủ tục đăng ký chuyển nhập cư trú. Sau khi bạn hoàn thành thủ tục này, mặt sau của thẻ sẽ in địa chỉ chỗ ở của bạn. Nếu sau đó chuyển nhà thì bạn phải mang Thẻ cư trú đến cơ quan quản lý hành chính địa phương gần nhất để cập nhật nơi ở mới của mình.
✅ 2. LÀM CON DẤU CÁ NHÂN
Bạn cần có con dấu cá nhân mới có thể làm được các thủ tục tiếp theo và mở được sổ ngân hàng ở Nhật. Trường Nhật ngữ thường dẫn các bạn du học sinh mới đi làm con dấu, giá tiền là khoảng 1600 yen ~ 3000 yen. Bạn cũng có thể mua con dấu 100 yen (không phải tên bạn) hoặc khắc dấu trước tại Việt Nam. Con dấu cá nhân thường gọi là hanko hoặc inkan.
✅ 3. ĐĂNG KÝ CƯ TRÚ (ĐĂNG KÝ ĐỊA CHỈ)
Khi làm thủ tục nhập cảnh Nhật Bản và nộp các giấy tờ cần thiết tại quầy thủ tục nhập cảnh tại sân bay, bạn sẽ nhận lại thẻ lưu trú. Tuy đã có thẻ lưu trú nhưng mặt sau không có địa chỉ của bạn vì bạn chưa đăng ký địa chỉ. Sau khi đã vào Nhật, trường Nhật ngữ (hoặc người quen) sẽ dẫn bạn đi tới trung tâm hành chính thành phố hay quận để làm thủ tục đăng ký cư trú (và cũng là đăng ký địa chỉ).
► Nếu bạn sống ở 市 (SHI, City), ví dụ 日野市 Hino-shi (Hino City, Tokyo) thì hãy tới 市役所 (Shiyakusho) là cơ quan hành chính thành phố để đăng ký.
► Nếu bạn sống ở 区 (KU, District), ví dụ 目黒区 Meguro-ku (Tokyo) thì hãy tới 区役所 (Kuyakusho) là cơ quan hành chính quận để đăng ký.
Khi đăng ký cư trú (đăng ký địa chỉ) thì địa chỉ của bạn sẽ được viết vào mặt sau của thẻ lưu trú (在留カード). Sau này, mỗi khi đổi nơi cư trú thì địa chỉ mới sẽ được viết thêm bên dưới (địa chỉ cũ sẽ được gạch ngang) và khi viết hết thì sẽ đổi thẻ mới.
Khi bạn cư trú ở Nhật từ 90 ngày trở lên, bắt buộc phải đăng ký địa chỉ và gia nhập bảo hiểm quốc dân.
Thời hạn để đăng ký cư trú là trong vòng 14 ngày kể từ ngày đến Nhật. Trong trường hợp bạn chưa có điều kiện để đi đăng ký thì trễ hạn này cũng không sao, không bị phạt gì cả. Tuy nhiên chúng tôi khuyến khích bạn nên đăng ký cư trú càng sớm càng tốt. Vì nếu thẻ lưu trú của bạn chưa có địa chỉ ở mặt sau thì bạn sẽ không thể đi làm thêm.
✅ 4. Tham gia Bảo hiểm sức khỏe Quốc dân
Theo quy định, mọi du học sinh nước ngoài lưu trú ở Nhật trên 3 tháng đều phải tham gia chương trình Bảo hiểm sức khỏe quốc dân (国民健康保険). Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm là bạn sẽ chỉ phải trả 30% chi phí điều trị khi bị thương tích hoặc ốm đau trong thời gian học tập tại Nhật, trừ chi phí điều trị ngoài phần bảo hiểm.
Tham gia Bảo hiểm là rất có lợi cho du học sinh vì chi phí y tế ở Nhật rất cao. Ví dụ, chữa một chiếc răng sâu có thể tốn tới vài chục ngàn yên, trong khi điều trị một tuần vì bệnh ruột thừa có thể hết 300 đến 400 ngàn yên. Bạn có thể đăng ký tại quầy phụ trách Bảo hiểm sức khỏe quốc dân ở cơ quan quản lý hành chính địa phương, cùng lúc với khi bạn đăng ký cư trú. Tiền bảo hiểm hàng tháng có thể thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi gần nơi bạn ở.
✅ 5. Đăng ký giấy phép ngoài tư cách để đi làm thêm
Nếu bạn quên nộp giấy xin hoạt động ngoài tư cách khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay thì bạn phải xin giấy này nếu muốn đi làm thêm ở Nhật.
Chú ý: Bạn không xin giấy này tại cơ quan hành chính địa phương như đăng ký địa chỉ mà phải tới Cục xuất nhập cảnh địa phương của Nhật Bản (gọi là 入国管理局 Nyuukoku Kanrikyoku hay gọi tắt là 入管 Nyuukan) để xin. Ví dụ ở Tokyo thì thường tới Cục Nyuukan ở Shinagawa. Vì khá phiền phức nên hãy chắc chắn nộp giấy xin phép làm thêm tại sân bay nhé.
✅ 6. Đăng ký Thẻ My Number (マイナンバー)
Chế độ Mã số cá nhân được thực thi kể từ tháng 1/2016 nhằm mục đích thắt chặt quản lý trong lĩnh vực an sinh xã hội, thuế và đối phó với thiên tai. Không chỉ riêng người có quốc tịch Nhật, người nước ngoài lưu trú trung hoặc dài hạn ở Nhật cũng sẽ nhận được mã số này tại thời điểm đăng ký chuyển nhập cư trú. Bạn sẽ được yêu cầu trình Mã số cá nhân khi đi xin việc làm thêm, đăng ký tham gia bảo hiểm y tế hay nhận/gửi tiền ở ngân hàng, bưu điện…
Thông thường, cơ quan quản lý hành chính địa phương sẽ gửi một thẻ thông báo Mã số cá nhân tới địa chỉ đăng ký tạm trú của bạn. Thẻ thông báo này có thể chứng thực Mã số cá nhân của bạn, nhưng không đóng vai trò nhận dạng cá nhân như hộ chiếu, Thẻ cư trú. Để tiện hơn, bạn nên đăng ký để nhận Thẻ Mã số cá nhân (個人番号カード) – được coi như thẻ căn cước chính thức của bạn tại Nhật. Bạn có thể đăng ký theo 2 cách, hoặc gửi mẫu đơn đăng ký qua đường bưu điện, hoặc đăng ký trực tuyến. Các bước chi tiết được trình bày cụ thể trong giấy hướng dẫn đăng ký được gửi kèm với thẻ thông báo.
✅ 7. Đăng ký điện thoại, Internet
Thông thường các bạn ở Việt Nam mới qua Nhật thì đều gặp khó khăn về vấn đề Sim điện thoại vi văn hóa sử dụng Sim điện thoại ở Việt Nam khá khác biệt so với Nhật Bản. Ở Việt Nam bạn chỉ cần bỏ ra 20k, 30k là có thể mua được 1 cái Sim. Nạp card vào là có thể sử dụng nhưng ở Nhật Bản tất cả đều sử dụng gói cước trả sau. Vì vậy các nhà mạng khi đăng ký sim điện thoại đều phải kiểm tra thông tin rất khó khăn và kỹ càng. Đặc biệt là với những người nước ngoài như chúng ta: du học sinh, thực tập sinh mới qua.
Hiện tại Nhật Bản có 3 nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông lớn là DoCoMo, Au và SoftBank (tương tự như MobiPhone, VinaPhone và Viettel ở Việt Nam). 3 nhà mạng này liên kết với nhau khá chặt chẽ và sử dụng chung 1 kho số nên người dùng có thể đổi mạng 1 cách dễ dàng mà vẫn giữ được số cũ nếu muốn. Trong khung giờ 09:00 – 21:00 hàng ngày, người dùng có thể gọi điện và nhắn tin nội mạng miễn phí. Do đó, bạn có thể xem xét chọn nhà mạng nào có lợi nhất (ví dụ bạn có nhiều người quen sử dụng DoCoMo thì bạn nên đăng ký DoCoMo) hoặc nhà mạng nào có nhiều chương trình khuyến mãi.
Mang điện thoại sang Nhật (bản quốc tế) và đăng ký SIM: để tiết kiệm chi phí, bạn có thể mang điện thoại của mình sang Nhật và chỉ cần đăng ký SIM của Nhật. Bạn chỉ cần trả tiền gói cước hàng tháng nên cần lưu ý tìm hiểu về gói cước trước khi đăng ký. Phí sử dụng dịch vụ điện thoại đã bao gồm 4G khoảng 2000 ~ 4000 yên/tháng.
Mua điện thoại tại Nhật: các nhà mạng thường bán điện thoại, thiết bị điện tử… dưới dạng ký hợp đồng trả góp và là bản lock (chỉ dùng được ở thị trường Nhật Bản). Ưu điểm là bạn không phải chi 1 số tiền quá lớn ngay từ đầu để sở hữu chiếc điện thoại yêu thích, chỉ cần trả 1 số tiền nhỏ ban đầu cũng có thể mua được điện thoại xịn. Ví dụ bạn có thể đăng ký mua Iphone X (64GB) giá 30 triệu đồng mà chỉ cần trả trước 6 triệu. Số tiền còn lại bạn sẽ chi trả trong 24 tháng, cộng với tiền cước hàng tháng. Phí điện thoại khoảng 5000 ~ 10000 yên/tháng. Tuy nhiên hình thức này cũng có nhược điểm là giá của điện thoại sẽ đắt hơn bản quốc tế 1 chút, du học sinh phải có visa 2 năm trở lên và chỉ có thể sử dụng ở Nhật (nếu muốn sử dụng ờ nước khác thì có thể mua code update thành bản quốc tế hoặc sử dụng sim ghép).
🔻 Lưu ý là các nhà mạng quản lý tiền điện thoại hàng tháng rất kỹ nên bạn chú ý không nên mua điện thoại cũng như gói cước quá đắt dẫn đến nợ lâu và không thể thanh toán. Bạn sẽ không thể đăng ký điện thoại mới của nhà mạng này nếu chưa thanh toán hết số nợ của nhà mạng khác. Vì các nhà mạng có thể kiểm tra thông tin khách hàng lẫn nhau.
✅ 8. Mở tài khoản Ngân hàng
Khi đã có Thẻ lưu trú, Thẻ bảo hiểm sức khỏe quốc dân và số điện thoại liên lạc, thủ tục kế tiếp mà bạn nên làm là mở một tài khoản ngân hàng, bởi hầu hết các giao dịch liên quan đến tiền nong ở Nhật đều được thực hiện qua con đường chuyển khoản. Theo quy định chung thì người nước ngoài cư trú chưa đủ 6 tháng ở Nhật sẽ không thể mở tài khoản ngân hàng, nhưng thực tế vẫn có một số ngân hàng hoặc chi nhánh không quá gắt gao với vấn đề này, đặc biệt là các chi nhánh ở gần khu dân cư, trường học hoặc khu vực công sở.
Do đó khi cần mở một tài khoản, bạn nên đến hỏi nhiều chi nhánh khác nhau. Sau đây xin giới thiệu một số ngân hàng có uy tín mà du học sinh có thể lựa chọn:
► Ngân hàng Bưu điện (Yuucho): là ngân hàng duy nhất cho phép bạn mở tài khoản dù bạn chưa đủ 6 tháng sống ở Nhật. Có nhiều chi nhánh ở hầu hết các nơi tại Nhật và nhiều trụ ATM. Dễ đăng ký và sử dụng.
► Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ: là 1 trong những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Có độ tin cậy cao, nhiều quầy giao dịch và ATM. Có thể rút tiền tại ATM của 1 số ngân hàng khác.
► Ngân hàng Mitsui Sumitomo: 1 trong 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Độ tin cậy cao. Có thể rút tiền tại ATM của 1 số ngân hàng khác.
Ngân hàng Mizuho: 1 trong 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Độ tin cậy cao. Có thể rút tiền tại ATM của 1 số ngân hàng khác.
Và 1 số ngân hàng khác như Resona, Shinsei, ngân hàng Yokohama…
----------------------------
Nếu gặp bất cứ thắc mắc gì hay cần hỗ trợ đặt vé 2 chiều Việt -Nhật, hãy liên hệ ngay phòng vé Haruna để đặt vé ngay nhé!
PHÒNG VÉ HARUNA JAPAN
TƯNG BỪNG ƯU ĐÃI!