28/12/2021
Dragon Ball lấy cảm hứng từ Thành Long và “Tây Du Ký”
Bộ truyện tranh Dragon Ball (7 viên ngọc rồng) của tác giả Toriyama Akira đã chinh phục biết bao thế hệ độc giả kể từ khi xuất hiện vào năm 1984 trên tạp chí Weekly Shonen Jump. Cho tới nay, Dragon Ball vẫn nằm trong số những manga nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Đằng sau bộ truyện này là những thông tin thú vị mà ít người biết đến.
Dragon Ball được lấy cảm hứng từ Thành Long
Kazuhiko Torishima, người từng làm biên tập viên cho tạp chí Weekly Shonen Jump, đã giám sát và giúp đỡ họa sĩ Toriyama Akira khi ông vẽ 2 bộ truyện Dr. Slump và Dragon Ball. Vào năm 2015, Kazuhiko Torishima trở thành chủ tịch của nhà xuất bản Hakusensha.
Ông Kazuhiko Torishima sau đó tiết lộ thông tin thú vị về tác phẩm Dragon Ball trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí Forbes. Trong một lần đến nhà của Toriyama Akira để bàn về dự án cho một bộ truyện mới, ông Kazuhiko Torishima đã được vợ của Toriyama Akira kể về thói quen kỳ lạ của họa sĩ truyện tranh này. Bà Nachi Mikami, vợ của Toriyama Akira (cũng là một họa sĩ truyện tranh) cảm thấy rất kỳ lạ khi trong quá trình làm việc, chồng của mình thay vì nghe nhạc hay radio như những họa sĩ khác, lại bật những bộ phim võ thuật của Thành Long lên.
Mặc dù chú tâm vào công việc nhưng họa sĩ Toriyama Akira vẫn có thể biết bộ phim chiếu đến đoạn nào và nếu là cảnh mà mình thích thú, Toriyama Akira sẽ ngẩng đầu lên xem. Sau này khi biên tập viên Kazuhiko Torishima dò hỏi, họa sĩ Toriyama Akira thừa nhận: “Phải, tôi đã xem những bộ phim này hơn 50 lần”.
Kazuhiko Torishima sau đó gợi ý rằng: “Nếu cậu thích phim kung-fu như vậy, tại sao không vẽ bộ truyện về kung-fu cho dự án kế tiếp?”. Và thế là Toriyama Akira đã vẽ bộ manga ngắn Dragon Boy, nguyên mẫu cho tác phẩm Dragon Ball.
Tờ Sina của Trung Quốc cho biết trong một lần phỏng vấn, đích thân Toriyama Akira thừa nhận rằng Dragon Ball được truyền cảm hứng từ một bộ phim của Thành Long, “Túy Quyền”. Bộ phim này được chiếu vào năm 1979 ở Nhật Bản và gây tiếng vang lớn. Toriyama Akira lại là fan ruột của bộ phim này. Ông khẳng định: “Nếu không có Túy Quyền, sẽ không có Dragon Ball”.
Có thể dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của “Túy Quyền” đối với Dragon Ball, đặc biệt trong những tập truyện đầu khi nhân vật Son Goku còn nhỏ. Nhân vật Quy Lão Kame đã cải trang thành Jackie Chun (tên gần giống với Jackie Chan – Thành Long) khi tham gia Đại hội võ thuật và sử dụng “Túy Quyền” để giao đấu với Goku. Trang phục của Jackie Chun khi tham gia đại hội võ thuật cũng giống với nhân vật mà Thành Long thể hiện trong “Túy Quyền”.
Ngoài ra, nhân vật ông của Son Goku, Son Gohan cũng được tạo hình rất giống với nhân vật do diễn viên Viên Tiểu Điền đóng trong “Túy Quyền”.
Chưa hết, nhân vật sát thủ Tàu Pảy Pảy trong Dragon Ball giống với nhân vật Thượng Quan Dật Vân trong phim “Xà Hình Điêu Thủ” của Thành Long.
Thậm chí Jackie Chan từng đến Nhật Bản và gặp họa sĩ Toriyama Akira vào năm 1986, khi ông quay bộ phim “My Lucky Stars”. Thậm chí có 1 cảnh phim mà Thành Long mặc đồ nhân vật Arale (do Toriyama Akira sáng tạo ra) chiến đấu với một ninja. Tại sao Thành Long lại mặc đồ của nhân vật Arale?
Vào thời điểm đó, bộ truyện Dr.Slump của Toriyama Akira rất nổi tiếng ở Hồng Kông. “My Lucky Stars” lại là bộ phim hành động – hài và Thành Long lại rất thích Dr.Slump, do vậy trong 1 cảnh phim chiến đấu, ông đã quyết định mặc đồ của nhân vật này vào.
Họa sĩ Toriyama Akira đã viết về trải nghiệm của mình ở buổi gặp gỡ với Thành Long trên tạp chí Bird Land Press số 22 (xuất bản tháng 12/1986). Tạp chí Bird Land Press chuyên viết về họa sĩ Toriyama Akira và ra 25 số, từ năm 1982 đến 1987.
Trong tạp chí này cũng ghi rõ đoạn đối thoại: “Thành Long: Tôi bị ảnh hưởng bởi Tiến sĩ Dr.Slump khi thực hiện những bộ phim của mình”. Toriyama: “Tôi dùng những bộ phim của Thành Long làm tài liệu tham khảo khi vẽ Dragon Ball”.
Ảnh hưởng của Tây Du Ký và những thách thức gặp phải
Kazuhiko Torishima cũng cho biết để tăng thêm sự hấp dẫn cho Dragon Boy (nguyên mẫu cho Dragon Ball), ông và họa sĩ Toriyama Akira đã bàn bạc để đưa yếu tố của tác phẩm “Tây Du Ký” nổi tiếng của Trung Quốc vào.
“Lý do lớn nhất bởi vì đó là một sản phẩm trí tuệ miễn phí và cổ xưa. Ngoài ra, để viết nên một bộ truyện tranh dài kỳ, bạn cần thêm những điều thú vị hơn so với với Dr.Slump trước đó. Trong “Tây Du Ký”, chúng ta có những thứ như vậy, chẳng hạn như “Cân đẩu vân” và “Gậy như ý”. Vì vậy khi chuyển Dragon Boy sang dạng manga dài tập (tức Dragon Ball), những yếu tố trong “Tây Du Ký” đã xuất hiện”, Kazuhiko Torishima chia sẻ.
Những tập đầu của Dragon Ball khá giống với “Tây Du Ký” khi mà các nhân vật chính đi tìm ngọc Rồng (trong “Tây Du Ký” thì các nhân vật đi thỉnh kinh). Mặc dù vậy, sau khoảng thời gian đầu, thứ hạng của bộ truyện đi xuống và do vậy, Toriyama Akira đã phải thêm những yếu tố khác vào.
“Chúng tôi đã thảo luận lý do vì sao mà Dragon Ball không gây được tiếng vang với độc giả. Kết luận mà chúng tôi đưa ra là nhân vật chính Goku không đủ mạnh và do vậy chưa khiến độc giả thích thú. Do vậy, chúng tôi muốn Goku trở nên mạnh hơn và vì thế, chúng tôi gác lại những nhân vật trước đó, chỉ tập trung vào Goku và Quy lão tiên sinh. Để tăng cường thêm cho chủ đề này, chúng tôi tạo ra nhân vật mới là Krillin. Với việc tập trung vào 3 nhân vật này, chúng tôi đã tạo ra phần mới của bộ truyện xung quanh quá trình tập luyện của Goku. Ngoài ra, để thể hiện Goku mạnh như thế nào, chúng tôi tạo ra một giải đấu lớn là Đại hội võ thuật. Sau đó, Dragon Ball đã có thứ hạng cao trở lại”, ông Kazuhiko Torishima chia sẻ.
“Ngay sau thành công của Đại hội võ thuật đầu tiên trong truyện, chúng tôi đều nghĩ rằng vào thời điểm đó, Dragon Ball vẫn chưa phải là bộ manga thực sự nổi tiếng và vẫn còn thiếu một điều gì đó. Một lần nữa, chúng tôi có nhiều cuộc họp và thảo luận. Chúng tôi nhận ra bộ truyện thiếu một nhân vật phản diện có sức hút. Đó là một nhân vật cực xấu xa, khiến Goku có động lực để đánh bại anh ta. Vì Dragon Ball kế thừa nhiều di sản từ Dr.Slump nên phần đầu của bộ truyện có chút hài hước, nên những nhân vật phản diện trước đó cũng có nét khôi hài và dễ thương. Vì vậy chúng tôi cần một phản diện mạnh hơn để khiến Goku thêm hấp dẫn với độc giả”.
Biên tập viên Kazuhiko Torishima đã giới thiệu những nhân vật độc ác có thật trong lịch sử cho họa sĩ Toriyama Akira để ông xây dựng nên nhân vật phản diện mới cho Dragon Ball. Khi Kazuhiko Torishima đề cập tới Nero, vị bạo chúa của đế chế La Mã, Toriyama Akira đã rất ấn tượng và sau đó, nhân vật Piccolo đã được tạo ra để đối đầu với Goku.
Có thể nói, sự ra đời của Piccolo là bước ngoặt với sự phát triển của bộ truyện. Từ đây những yếu tố như người ngoài hành tinh đã được đưa vào.
Khi Dragon Ball đang phát triển, biên tập viên Kazuhiko Torishima nghĩ đến việc chuyển thể bộ truyện này sang anime (hoạt hình). Theo Kazuhiko Torishima, bộ anime trước đó chuyển thể từ Dr.Slump không thành công. Những tập đầu của anime Dragon Ball cũng chung số phận. Cuối cùng Kazuhiko Torishima chấm dứt hợp tác với nhà sản xuất của Dr.Slump và Dragon Ball.
Ông tìm đến 2 người đã góp phần khiến anime Saint Seiya (Áo giáp vàng, dựa trên bộ manga cùng tên của Masami Kurumada) trở nên ăn khách là đạo diễn Kouzou Morish*ta và người viết kịch bản, Takao Koyama. Cả hai người này đã đồng ý giúp Kazuhiko Torishima để làm mới anime Dragon Ball (Dragon Ball Z và những phần sau đó).
Lời khuyên được đưa ra cho biên tập viên Kazuhiko Torishima và họa sĩ Toriyama Akira là họ cần phải thay đổi tạo hình của Goku, từ một cậu bé dễ thương sang một anh chàng cao lớn. Ban đầu, Kazuhiko Torishima không đồng ý điều này nhưng chính Toriyama Akira đã thuyết phục ông rằng đó là quyết định hợp lý.
Theo họa sĩ Toriyama Akira, Goku cần trở nên cao lớn, có cơ bắp hơn để thích hợp với những trận chiến quyết liệt với Piccolo. Thậm chí Toriyama Akira gây sức ép với Kazuhiko Torishima rằng hoặc biên tập viên này chấp nhận những thay đổi hoặc ông sẽ ngừng vẽ bộ truyện.
Kết quả chắc ai cũng đoán được ra, Kazuhiko Torishima chấp nhận yêu cầu và nhân vật Goku đã thay đổi. Phần còn lại là lịch sử.
Sơn Tùng