10/10/2020
“Bạn cứ mạnh dạn dạy con những điều này đi, bạn sẽ có 1 đứa con rất khác, không chỉ khác trong chuyện tiền bạc mà khác ở tất cả các khía cạnh làm người tử tế!”
Thầy Dương Quang Minh
Sáng lập CLB “Dạy con trong hạnh phúc”
——-
DẠY CON VỀ TIỀN
Xuất phát từ câu hỏi của 1 bà mẹ, cơ hội đưa chúng ta đến 1 câu hỏi thảo luận “Nói về Tiền thì nên dạy cho con điều gì CỐT LÕI nhất?” Nhiều câu trả lời tới tấp, nhiều vấn đề rất thú vị được đặt ra: giá trị đồng tiền, ý nghĩa đồng tiền, quản lý tiền, tiết kiệm chi tiêu, tiền nhiều làm gì?…
Khi con chào đời, chúng ta mong muốn con được hưởng những điều tốt nhất, từ vật chất đến tinh thần.
Khi con 3 tuổi, lần đầu con cầm cọ vẽ những nét trẻ con, chúng ta sẵn sàng đóng học phí cho con học mỹ thuật.
Khi con 4 tuổi, chứng kiến con lặp lại 1 vài từ tiếng Anh, chúng ta chọn đóng học phí nguyên năm để mong con có vốn tiếng Anh vững chắc từ bé.
Khi con 5 tuổi chúng ta đi tìm lớp học nhạc phù hợp với con mà mức học phí không rẻ tí nào.
Ngày con vào lớp một, chúng ta mua sắm cho con những thứ tiện lợi nhất cho việc học: balo, quần áo, tập sách, bút viết…
Chúng ta cũng không tiếc tiền chuẩn bị phần quà giá trị để khuyến khích mỗi khi con đạt học sinh giỏi. Những chuyến du lịch mở mang tầm nhìn luôn dành sẵn cho con nếu kết quả học tập tốt.
Lên cấp 2, con sẽ được hỗ trợ thêm các công cụ học tập như máy tính, smart phone…
Lên cấp 3, để thuận tiện cho việc đi lại, con sẽ được cấp 1 chiếc xe riêng…
Tất cả là sức lao động của chúng ta, là sự cố gắng không ngưng nghỉ trong việc kiếm tiền hầu mong con mình có 1 điều kiện tốt nhất, không thua kém các bạn cùng lứa. Và lý lẽ của chúng ta khi bị người ngoài góp ý là “Bây giờ mình có điều kiện thì lo cho con có cái ăn cái học mà hồi xưa chúng ta không có được”.
Cho đến một ngày, chúng ta cảm nhận khá mệt mỏi khi sự hy sinh của chúng ta không được đáp trả theo ý muốn. Một lần con mong muốn có được đôi giày, cái quần, cái áo cho giống với bạn bè đã ít nhiều gây khó chịu cho cha mẹ.
Lần tới con cần món quà sinh nhật “có chất lượng” để tặng một người bạn thân. Rồi con mong muốn cái điện thoại nhiều tính năng hơn, laptop chạy nhanh hơn, những buổi tiệc sang trọng hơn, quần áo giầy dép đắt tiền hơn…
Rồi sự chịu đựng của chúng ta bị bào mòn. Chúng ta bắt đầu than vãn, cho dù đi ra ngoài vẫn thích khoe con với bạn bè, nhưng bên trong luôn có nỗi niềm riêng “ước gì”. Ước gì con biết chia sẻ với cha mẹ, ước gì con cảm nhận được khó khăn của cha mẹ, ước gì con biết ơn, biết giúp cha mẹ việc nhà, biết tiết kiệm tiền, biết tập trung hơn vào việc học…
Chúng ta đã làm gì sai? Không có gì sai cả. Chúng ta sinh ra 1 đứa con, chúng ta có trách nhiệm hết sức có thể với con. Nhưng chúng ta chỉ dạy thiếu 1 điều thôi: Sự biết ơn! Và tiền là yếu tố tuyệt vời để dạy con sự biết ơn, đó là bằng cách cho đi vô điều kiện.
Thay vì dạy con ý nghĩa đồng tiền, dạy con ý nghĩa của việc tạo ra giá trị
Tiền là cái cần, không phải cái để muốn, càng không phải là mục đích cuộc sống. Tất cả chúng ta đều tạo ra giá trị, có người ít, có người nhiều nhưng chung quy lại có 2 nhóm người:
1. là những người tạo ra và cho đi ngay lập tức
2. những người tạo ra và tích lũy.
Những người có tiền nhiều là do họ tích lũy. Một người không có nhiều tiền không có nghĩa họ tạo ra giá trị ít.
Giá trị tạo ra của 1 người được đo lường bằng số lượng người và mức độ mà bạn giúp họ sống hạnh phúc.
Tất cả những vĩ nhân làm cho thế giới này tốt hơn, nhân loại sống tốt hơn đều không phải là người có nhiều tiền! Loài người bắt đầu sống sai từ khi tích lũy vật chất.
Trước khi dạy kiếm tiền, dạy con có ít tiền (thậm chí không tiền) vẫn sống tốt
Nhiều người vẫn có ý định dạy con giá trị của tiền bằng cách cho con thực hành việc kiếm tiền.
Lúc nhỏ thì khuyến khích con làm việc nhà để được cho 1 ít tiền. Lớn lên 1 chút, dạy con làm thủ công, vẽ tranh rồi đem bán lấy tiền để con đo lường được giá trị của sự lao động.
Có cha mẹ khuyến khích con bắt đầu đi làm từ khi lên lớp 10, chỉ là công việc đơn giản như chạy bàn ở nhà hàng hoặc quán cà phê, cốt yếu là để con tập lo cuộc sống của chính mình.
Những phương pháp dạy con này đều tốt, nhưng vấn đề nằm ở chỗ sau khi con kiếm tiền rồi thì tiền đó làm gì. Chúng ta sẽ nói rõ ở phần tiếp theo.
Bây giờ ta xét đến một yếu tố mà cha mẹ thường không dạy cho con mình, đó là năng lực sống với rất ít tiền. Thay vì chúng ta chuẩn bị cho 1 chuyến du lịch tới những nơi sang trọng, khách sạn tốt, ăn đủ 3 bữa buffet, rồi những tour giải trí, những show diễn ban đêm mà giá rất cao, chúng ta hãy dành ít nhất 1 lần trong đời làm 1 chuyến du lịch 0 đồng.
Hãy ra khỏi nhà với hành lý đơn giản nhất, không cần xác định điểm đến cụ thể vì mục đích của chuyến đi là hành trình chứ không phải điểm đến. Khi không có tiền trong túi thì con người tự khắc sống bằng bản năng sinh tồn, tự biết cách nào để tổn tại. Đi xe nhờ, giúp người để có được cái ăn, chùa hoặc nhà thờ luôn là chỗ ngả lưng qua đêm. Có một công ty quyết định tổ chức team building bằng cách cho 1 nhóm 4-5 người đi từ điểm A đến B mà trong túi không có 1 đồng nào. Sau 2-3 ngày sống kiểu thế này tự nhiên sự gắn kết của các thành viên trong nhóm như anh em 1 nhà.
Ở trường Tuệ Đức cũng có 1 tour tương tự như vậy cho học sinh cấp 2. Các em ra khỏi nhà từ 7g sáng, mỗi bạn được 30K đồng và phải di chuyển 30 km trong 12 tiếng đồng hồ. Tưởng là khó, nhưng tất cả học sinh đều hoàn tất nhẹ nhàng và vô cùng thích thú vì chuyến đi có quá nhiều bài học hay ho.
Trước khi dạy cách quản lý tiền, dạy con cách cho đi
Nhiều cha mẹ dạy con kiếm tiền rất sớm, rồi với số tiền kiếm được đó tự con phải vun vén sao cho đáp ứng được các nhu cầu của chính mình, như ăn sáng, mua đồ dùng học tập, mua đồ chơi… Điều đó rất tốt, nhất là xét ở khía cạnh con hiểu giá trị của sự lao động, biết quý trọng đồng tiền.
Tuy nhiên, hãy thử 1 lần dạy con cho đi, các bạn sẽ nhận được những kết quả không ngờ về lòng biết ơn của con mình. Hơn thế nữa, dạy cho đi còn vun bồi cho con mình năng lực không phụ thuộc vào đồng tiền.
Ví dụ đơn giản nhất là thay vì nói với con nếu con làm tốt việc này bố mẹ sẽ cho tiền để con mua đồ chơi, chúng ta nói nếu con làm tốt việc này bố mẹ sẽ cho con tiền, rồi con sẽ dùng tiền này để giúp cho người khác.
Học sinh lớp 4, lớp 5 của trường Tuệ Đức tổ chức làm sản phẩm thủ công từ vật dụng tái chế, sau đó đi bán kiếm tiền quyên góp, rồi lấy tiền này đi làm từ thiện ở các viện mồ côi hay trường cho trẻ tàn tật.
Cha mẹ có thể áp dụng dạy con cách cho đi ngay trong kỳ nghỉ Tết này với tiền lì xì của con. Đa số cha mẹ quan niệm tiền lì xì là tiền của con, con muốn làm gì là quyền của con. Quan niệm này vô tình làm con ích kỷ, bo bo giữ tiền cho riêng mình.
Mà nguy hiểm nhất là hình thành tư duy chết người: Có 1 cách có tiền mà không phải lao động. Nếu con bạn là nữ thì phải đặc biệt lưu ý điều này vì đó là suy nghĩ dẫn các bạn nữ đến việc phá hỏng chính mình.
Một nhược điểm nữa là vì con xem tiền lì xì là của con nên có quyền mua bất cứ thứ gì con muốn. Nhiều cha mẹ đau đầu vì con sử dụng điện thoại quá mức cần thiết, nhưng khi hỏi ra ai mua điện thoại cho con thì câu trả lời là con tự lấy tiền lì xì mua, cha mẹ không can thiệp được.
Thay vì để con tiêu tiền lì xì, áp dụng phương thức dạy con cho đi, nhất là đối với các bạn ở độ tuổi tiểu học. Ngay trong những đêm Tết (mùng 1, 2, 3) các bạn có thể dẫn con ra khỏi nhà vào nửa đêm, quan sát phố sá. Cùng con phân tích trên đường có những người đi chơi, có nam thanh nữ tú đi chơi khuya, bước ra từ những hộp đêm nơi họ chi tiêu 1 đêm bằng 1 năm lương của người lao động. Bạn có thể cho con chứng kiến những người quét rác đêm khuya, hy sinh ngày Tết của mình vì sự sạch sẽ của thành phố. Những điều đó con đâu biết được vì nó chỉ xảy ra trong khi con yên giấc mỗi đêm.
Bạn có thể gợi ý tiền lì xì của con sẽ giúp được rất nhiều những người như thế. Biết đâu con bạn sẽ cho hết số tiền lì xì cho ai đó trong đêm, nhưng niềm hạnh phúc mà con có được là vô hạn. Đứa trẻ làm được việc này là đứa trẻ mà sau này không màng vào tài sản bố mẹ để lại. Đó là nhân để tạo ra quả là 1 đứa trẻ luôn biết ơn, sẵn sàng cho đi trong hạnh phúc.
Chốt lại, có những điều cốt lõi mà chúng ta cần dạy con về tiền, đó là:
- Hiểu: Không phải tiền mà là giá trị tạo ra
- Hành: Không tiền vẫn sống hạnh phúc
- Hành: Đồng tiền cho đi là đồng tiền ý nghĩa nhất
Bạn cứ mạnh dạn dạy con những điều này đi, bạn sẽ có 1 đứa con rất khác, không chỉ khác trong chuyện tiền bạc mà khác ở tất cả các khía cạnh làm người tử tế!
Gửi những cha mẹ đang đau khổ: có phải nếu dạy cho con 3 bài học này thì bây giờ ta không khổ thế này đúng không?
Coppy