08/03/2024
Dạy chữ sớm cho con đừng sợ!
Ngày nay có nhiều cách nhìn khác nhau về giáo dục trẻ em và phần lớn trong số những xu hướng mới đều có ý không muốn cho trẻ học chữ, viết chữ trước khi vào lớp một. Theo kinh nghiệm dạy học của mình tại Nhật Bản, mình tin rằng trải nghiệm viết chữ cũng thú vị không kém những kỹ năng khác.
Dạy nội dung gì không quan trọng bằng cách dạy!
Đâu đó có những chia sẻ những cấu trúc xương của trẻ và kết luận rằng trẻ em không nên tập viết chữ vì cấu trúc xương tay chưa sẵn sàng để làm điều đó. Tôi nhận thấy rằng cách viện dẫn nghiên cứu này không thuyết phục bởi vì khi trẻ bắt đầu biết cầm nắm và ngón tay dần trở nên linh hoạt khi lên 3 tuổi đã có thể kiểm soát được những đồ vật dạng que như đũa hoặc bút.
Cũng giống như khi ăn, trẻ có thể không làm cho bàn ăn trông sạch sẽ như người lớn, khi viết trẻ em cũng chỉ có thể bắt đầu bằng những nét nghệch ngoạc trên tờ giấy. Tuy nhiên, nếu dần quen với cảm giác cầm bút thì cuối năm 3 tuổi và bước vào 4 tuổi các bé đã hoàn toàn có thể tập đồ chữ một cách dễ dàng. Trẻ em ở Nhật có vẻ rất hứng thú khi cầm bút bởi vì đưa bút tới đâu thì nét mực chạy theo đó! Một cảm giác thật thú vị phải không!
Chữ viết tay có còn cần thiết khi việc sử dụng các thiết bị máy tính đã quá phổ biến?
Ngày trước viết chứ quá xấu thì gần như sẽ khó lòng được chấp nhận ở môi trường giáo dục. Ngày nay có muốn đòi hỏi hơn thì e cũng khó bởi vì học sinh ít viết chữ hơn trước rất nhiều. Xu hướng này diễn ra ở khắp mọi nơi chứ không chỉ riêng Việt Nam. Ngay cả người thầy cũng ít cầm phấn, cầm bút hơn trước.
Tôi nghĩ có 2 điều cần phân định về chuyện viết chữ và đánh máy. Nếu mục đích để lưu trữ thông tin thì quả thật máy tính đã làm quá tốt và nó làm cho việc viết chữ gần như không cần thiết. Nhưng nếu viết chữ nằm ở khía cạnh nhận dạng cá nhân hay cao hơn nữa là nghệ thuật nó vẫn rất hay và thú vị.
Khi tôi dạy chữ cho học trò ở Nhật Bản thì tôi nghiên về khía cạnh thứ 2 hơn. Nghĩa là, tôi muốn học sinh trải nghiệm nét chữ và trải nghiệm cảm xúc của mình khi viết. Cho tới nay tôi vẫn thường xuyên nhận được những lá thư viết tay của học trò trong những dịp đặc biệt trong năm. Nhìn nét chữ tôi có thể tưởng tượng được cảm xúc của người viết và vì thế tôi trân trọng giá trị đó.
Đừng khắt khe về chuyện chữ đẹp, chữ xấu
Tôi có cảm hứng viết bài này vì đọc được những bài chia sẻ của giáo viên tại Việt Nam rằng học sinh thời nay viết chữ quá xấu. Tôi có hiểu cảm xúc của họ khi không thể đọc được chữ của học trò. Ở góc độ giáo viên, tôi tin rằng nghề giáo nên có sự đổi mới ít nhất là trong cách nhìn nhận về những phương pháp viết chữ theo kiểu cũ. Ví dụ, thay vì cho học trò viết quá nhiều chữ thì hãy mở ra những cơ hội biểu bị khác như vẽ, thảo luận hoặc thuyết trình. Thay vì các em viết chữ nhiều nét cong khó thì có thể tối giản hoá loại font chữ để việc viết chữ không còn là gánh nặng. Hay tóm lại, hãy có cách nhìn thoáng và dễ dàng hơn để học trò cảm thấy việc viết chữ là một sở thích chứ không còn là một yêu cầu tối thượng.
Thỉnh thoảng cũng có đồng nghiệp ở Việt Nam liên hệ và hỏi tôi có phải cầm tay học trò để viết chữ không? Tôi trả lời thực là “có” nhưng thường là khi học trò tôi nhờ thì tôi mới làm, ngoài ra tôi cứ để học trò viết và tự nhận định về chuyện viết của mình. Tôi không vội gò ép học trò vào một khuôn phép bởi vì viết chữ là một trong vô số cách mà học trò có thể biểu đạt cho người khác hiểu.
Tóm lại, tôi ủng hộ việc dạy trẻ viết chữ nếu trẻ bắt đầu có hứng thú với việc cầm bút. Nếu xem việc viết chữ là một niềm vui thì sẽ có cơ hội nâng cao nó lên ở tầm nghệ thuật. Quan niệm chữ đẹp hay chữ xấu có thể làm trói buộc cách học sinh thể hiện ý chí của mình. Thay vì đó hay làm tối giản câu chữ và tạo ra những cơ hội thể hiện khác cho học trò.
Ce Phan
Viết cho báo Vnexpress.net