06/04/2019
GỬI ĐẾN NHỮNG KẺ MỘNG MƠ
Mỗi năm có năm mươi ngàn diễn viên cạnh tranh cho hai trăm suất diễn ở Broadway. Vậy nên, vẫn biết khi người ta trẻ, người ta thường là những kẻ mộng mơ. Ừ thì mơ, nhưng rồi sao nữa?
Trước khi nói về những kẻ mộng mơ, trước khi nói về chuyện mơ mộng, hãy nhớ thật kỹ trong tâm trí rằng ở Hollywood có hai câu chuyện thế này.
Câu chuyện thứ nhất: Một cậu bé 16 tuổi, sau cái chết của cha, cậu đã từ bỏ học bổng tại Harvard, lên đường bôn ba nơi châu Âu, vẽ, yêu đương và sống một mình bên trong chiếc xe ngựa nhỏ. Ngày nọ, cậu dạo chơi vào nhà hát Gate của thành phố Dublin, tuyên bố với mọi người rằng mình là ngôi sao sáng trên sân khấu Broadway. Nhiều năm sau khi đã đủ lông đủ cánh, cậu bé 16 tuổi ngày nào giờ đã là ngôi sao kịch, lại tham vọng muốn chinh phục Hollywood, và ngay lần thử nghiệm làm điện ảnh đầu tiên, cậu ngông nghênh cho rằng mình sẽ sáng tạo ra bộ phim kỳ vĩ nhất.
Câu chuyện thứ hai: Một người đàn ông chia cuộc sống của mình ra làm hai nửa. Một nửa dùng để rửa bát thuê, bán đồ chơi dạo, lau bàn ở nhà hàng, bán những chiếc quần jeans Levi’s lỗi, bán cả mỹ ký hạng xoàng, chìa khóa, áo da,… Nửa còn lại anh dùng để sùng bái những vở kịch của Tennessee Williams, để nghiền ngẫm những thước phim của Alfred Hitchcock, để thuộc lòng những câu thoại của James Dean, và để mơ giấc mơ một ngày kia sẽ đặt chân vào kinh đô điện ảnh và tạo nên cái gì đó để đời.
Nhân vật trong câu chuyện thứ nhất là Orson Welles – đạo diễn của Citizen Kane, đỉnh Everest của lịch sử màn bạc. Nhân vật trong câu chuyện thứ hai là Tommy Wiseau – tác giả của The Room, bộ phim tệ hại nhất mọi thời đại, tệ đến mức không thể tệ hơn, một Citizen Kane phiên bản rác rưởi.
Điều đó không phải rất kỳ lạ hay sao? Orson Welles và Tommy Wiseau – cùng gánh trên lưng tham vọng vĩ cuồng, cùng có những giấc mộng huy hoàng tươi đẹp (ai nói giấc mơ của Wiseau không đẹp?), Welles đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt, nhưng Wiseau cũng đâu có ngồi chơi, và nếu như cuộc đời phân thành hai chương Mơ và Thực, thì kết thúc chương thứ nhất, họ đều như nhau cả, thế mà kết quả cuối cùng lại một trời một vực, Welles là trời, Wiseau là vực.
Vì thế, trước khi mơ, hãy tự hỏi bạn muốn như Welles hay như Wiseau? Hỏi thừa, đương nhiên là Welles rồi. Không ai muốn thất bại và trở thành một tấn cười thảm họa. Không ai muốn, nhưng điều đó vẫn cứ xảy ra. Có ai đánh thuế giấc mơ đâu? Đúng là không ai đánh thuế giấc mơ, nhưng giấc mơ cũng phải chia thành những giai tầng cao thấp. Vương quốc giấc mơ, tiếc thay, chẳng khác gì những vương quốc trên mặt đất, có kẻ ngồi trên ngai hoàng đế, có kẻ mãi mãi làm nô lệ.
“Tôi nhớ dì tôi kể rằng đã từng nhảy xuống sông một lần bằng bàn chân trần. (…) Dòng nước lạnh cóng làm dì hắt hơi cả tháng trời. Nhưng dì nói sẽ nhảy lại một lần nữa. (…) Dì bảo với tôi rằng, một chút liều lĩnh là chìa khóa để mở ra cánh cửa muôn màu. Ai biết nó sẽ dẫn ta về đâu? Và đó là lý do vì sao thế giới cần những kẻ mộng mơ khờ khạo”, lời một ca khúc mà nhân vật Mia hát trong La La Land. Mia sau bao thăng trầm đến cuối cùng trở thành một diễn viên nổi tiếng. Điều khó khăn với những kẻ mộng mơ trẻ tuổi là, họ luôn được rót vào tai những chuyện đời phong ba, cả người nay lẫn người xưa, nhưng rốt cuộc đều kết thúc có hậu.
Người nay, Justin Bieber lớn lên không có soda để mà uống, cha thì đi tù, mẹ đơn thân sinh con năm 17 tuổi. Bruno Mars thuở nhỏ sống chui rúc cả gia đình trong cái phòng không có nhà vệ sinh, muốn đi tắm phải đi tắm thuê ở xa tít mù tắp. Barry Jenkins là con trai một người đàn bà nghiện ngập, tám năm ròng vật vã viết kịch bản phim, không bộ phim nào được sản xuất, đôi khi, phải kiếm tiền bằng nghề thợ mộc.
Còn người xưa, nhìn xem, Walt Disney đã từng bị các hãng phim từ chối thẳng thừng ý tưởng về con chuột khổng lồ, đã từng sống lay lắt qua ngày bằng thức ăn cho chó. Rồi hãy nhìn sang Fred Astaire, “không biết diễn, không biết hát, hơi hói đầu, biết nhảy chút ít”, người ta đã từng nhận xét về vị minh tinh huyền thoại như thế đấy; còn ông vua nhạc rock Elvis Presley trong buổi đầu ca hát từng bị chê là đồ bất tài và tốt nhất nên cuốn xéo về quê, an phận lái xe tải. Nếu như trước đây bạn còn băn khoăn với đam mê của mình thì sau khi ăn xong những viên đạn bọc đường ấy, bạn trở nên tự tin hơn bao giờ hết. Bạn dõng dạc: Họ có thể, sao mình lại không nào?
Riêng với những kẻ kỳ đà cản mũi nghi ngờ giấc mơ của bạn, bạn sẽ ném vào họ câu chuyện có thật của Lý An: Hai mươi tư tuổi, từng trượt đại học hai lần, đùng đùng bỏ nhà ra đi, bay sang Mỹ đua đòi theo học làm phim; ba mươi tuổi gửi kịch bản cho 30 studio và cả 30 lần đều bị trả lại, thất nghiệp dài hạn, ở nhà nấu cơm rửa bát, mỗi tối đều ngồi trước cửa cùng con trai ngóng vợ đi làm về. Sau 6 năm trời vất vưởng không công ăn việc làm, họ Lý sầu đời nghĩ quẩn, đã đến nước này thì phải từ bỏ giấc mơ mà đối diện thực tế tàn khốc, liền cắp sách đi học một khóa tin học, nhưng chưa kịp học đã bị vợ can ngăn. Thế là Lý lại xé hết thời khóa biểu, quẳng vào thùng rác, lại lao đầu vào làm phim. Từ đầu đến cuối chuyện về Lý là thật.
Vì còn trẻ nên mỗi khi nản chí, bạn lại chẳng biết bấu víu vào đâu ngoài những câu chuyện đại loại như từ kẻ thất nghiệp trở thành đạo diễn đoạt giải Oscar như thế. “Mình còn chưa tới 30 tuổi, còn chưa đi hết thanh xuân, đời còn dài, không việc gì phải vội, mọi thứ đâu còn có đó, hồi ở tuổi mình Lý An còn không bằng mình”, bạn thấy nhẹ cả lòng khi nghĩ vậy.
Nhưng tại sao chúng ta biết câu chuyện của họ Lý nếu không phải vì cuối cùng Lý đã thành danh? Giá thử Lý không thành danh, giá thử Lý lại thêm một lần vỡ mộng, giá thử Lý lại về cái xó bếp để tiếp tục lau nhà, thì có ai biết đến câu chuyện này hay không? Có cả triệu câu chuyện về sự thất bại, nhưng đó mãi mãi là những câu chuyện không bao giờ được kể ra. Bạn chỉ được quyền kể chuyện khi bạn là người chiến thắng.
Giấc mộng của những kẻ mộng mơ, nếu không thành sự thật, có phải chăng chỉ là một lời nói dối?
Nếu như Lý An chọn cách dừng lại và kiếm một công việc văn phòng, nếu như Elvis về quê làm chân tài xế, nếu như Walt Disney quên phứt con chuột khổng lồ của mình đi, nếu một ngày bạn buộc lòng phải gác những giấc mộng của mình sang một bên, thì sao? Thì cũng chẳng sao hết.
Mọi chuyện vẫn sẽ luôn diễn tiến, theo cách này hay cách khác. Vì đằng nào nó cũng sẽ diễn tiến, vì đằng nào trong lòng ta cũng đã có sẵn một vài mộng tưởng, vì đằng nào mộng tưởng cũng khó thành, vì đằng nào chúng ta cũng sẽ không tránh khỏi thất bại đôi lần trong đời. Đã vậy, sao không sống một chút chứ, sao không ngoan cường một chút chứ, sao không mù quáng một chút chứ? “Nếu tôi không chơi nhạc thì cuộc đời tôi sẽ rất tệ. Gia đình tôi đều rất nghèo nên cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ tiếp tục. Các con tôi sẽ rất nghèo và con của chúng cũng sẽ rất nghèo”, Justin Bieber từng thổ lộ. Cũng không thể tệ hơn được, vậy thì cứ tiến lên.
Giấc mơ không phải là chuyện dấn bước vì thiên đường đang chờ đón, giấc mơ là khi bạn biết mình có thể đi tới địa ngục, nhưng bạn vẫn không quay lui. Và những kẻ mộng mơ, nếu muốn hái sao trên trời, hãy cứ hít một hơi thật sâu rồi dũng cảm trèo lên trời mà hái, kể cả không hái được sao đi chăng nữa cũng đừng quên rằng bạn vẫn có thể nán lại một chút và tắm dưới ánh trăng.
Bài: Hiền Trang (elleman)
Photo: La La Land (2016)