22/06/2014
Buổi sáng, ngồi ở cà phê sách Phương Nam, nhìn dòng sông Hương mùa lũ đục ngầu cuốn trôi theo nhiều thứ, tôi bỗng hình dung dòng chảy của thời gian, mà con người có thể soi mình trôi theo năm tháng. Có những năm tháng trôi đi chẳng để lại gì. Nhưng cũng có những quãng lùi xa âm thầm trong ký ức, bỗng cồn cào nỗi nhớ mong về bóng dáng ngày qua với bao buồn vui, hắt sáng vào không gian, cúi xuống níu giữ thời gian như cắm mốc những cuộc đời. Trong những ngày này, khi khoa Ngữ văn, Đại học Khoa học Huế (Đại học Tổng hợp Huế trước đây), đang chuẩn bị kỷ niệm 55 năm thành lập (lấy mốc để tiếp nối truyền thống từ thời Đại học Văn khoa Huế thành lập năm1957), tôi lại nhớ về những thầy cô đã đi xa nhưng chưa hề khuất bóng. Vẫn còn hiện diện đâu đó trong đời sống, trong tâm hồn những ai đã từng học ở đây- theo đúng nghĩa văn hóa của hai chữ học trò. Đó là mái tóc bạc mênh mông trí tuệ của thầy Hồ Tấn Trai, giọng nói sang sảng, rắn rỏi và ấm áp của thầy Nguyễn Đình Thảng, nụ cười chân thành mà hóm hỉnh của thầy Trần Nhu Uyên, cái vuốt tóc điệu nghệ và nụ cười nửa miệng của thầy Lê Xuân Việt, cái dáng cao d**g dỏng và cái nhăn mặt cay đắng nhưng lấp lánh niềm vui của thầy Đào Văn Khải, giọng đọc những bài thơ do chính mình sáng tác một cách say sưa miên man khó dứt của thầy Tạ Đình Nam, ánh mắt đầm ấm bao dung của cô Phan Thị Hồng Minh.
Giáo sư Hồ Tấn Trai quê ở Vân Thê, Thủy Thanh, Hương Thủy, từng học trường Quốc học, đi tham gia kháng chiến, từng đảm đương cương vị Trưởng ty thông tin tuyên truyền tỉnh Long An. Sau 1954, thầy về học khóa 3, khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ở lại tường làm cán bộ giảng dạy bộ môn lý luận văn học. Sau khi thống nhất đất nước (1975), Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành lập trường Đại học Tổng hợp Huế, trên cơ sở giải thể và sát nhập các đại học Văn khoa, Khoa học, Luật khoa, nhưng chỉ thành lập hai khoa là Toán Lý và Hóa Sinh Địa (trong khi đó, chỉ tính riêng Đại học Văn khoa thời đó đã gồm các ban Triết, Sử-Địa, ngôn ngữ và văn chương Pháp, ngôn ngữ và văn chương Anh Mỹ, Việt văn hiện đại, Việt Hán, Anh văn....qui mô gần giống một trường đại học khoa học xã hội nhân văn ngày nay). Là người con của quê hương, thầy thấy Huế không thể thiếu các khoa xã hội, và với những chứng lý thuyết phục, thầy đã thuyết phục được Bộ cho mở khoa Văn Sử và biệt phái thầy vào làm chủ nhiệm, để gia đình và cả hộ khẩu lại Hà Nội. Bốn năm sau, khi bộ khung của khoa, việc dạy và học đã đi vào ổn định, thầy quay về Hà Nội. Nhưng chẳng bao lâu, thì Bộ lại cử thầy vào làm chủ nhiệm khoa Văn Sử, Đại học Đà Lạt, và về hưu được vài năm thì thầy qua đời tại đây. Thầy là người có công với việc đào tạo nhân tài cho miền Trung và Tây nguyên, là người đầu tiên có công trình nghiên cứu đầy đủ về Văn học giải phóng miền Nam (1973), tác giả của bộ sách nhiều tập Về tư tưởng và văn học phương Tây hiện đại (1987) và nhiều công trình nghiên cứu khác, trong đó có bộ giáo trình về Lý luận văn học. Thời thầy còn sống, nhà nước chưa có qui chế phong học hàm giáo sư, nhưng từ tác phong, tư chất và trình độ chuyên môn nổi bật của thầy, các đồng nghiệp và môn đệ đều gọi một cách kính trọng là giáo sư Hồ Tấn Trai. Vậy mà, trong các công trình nghiên cứu như Các tác gia văn chương Việt Nam (Nguyễn Mạnh Thường), Các tác gia nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học (nhiều tác giả)... đều không nhắc đến tên thầy. Mà nhắc để làm gì. Cuộc đời vốn hư vô, mọi thứ ở đời đều vô nghĩa. Khi nắp quan tài đã đóng, thì chẳng còn gì. Có chăng, chỉ trong tâm tưởng các học trò.
Thế hệ những người mở đường đã đi xa, còn có thầy Thảng, thầy Uyên. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thảng đúng là người hối nhân bất quyện (dạy người không biết mệt mỏi), bắt đầu sự nghiệp từ việc dạy trẻ ở tường làng (Bình Sơn, Quảng Ngãi), tham gia cách mạng cũng tiếp tục nghề dạy học, tập kết ra Bắc công tác ở trường học sinh miền Nam, sang Cộng hòa dân chủ Đức làm quản lý lưu học sinh, về nước học khóa 8, rồi ở lại dạy Hán Nôm ở khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi còn sinh viên, thầy đã là bí thư chi bộ, thầy đã hướng dẫn giúp đỡ giới thiệu một bạn học cùng lớp vào Đảng, nay là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với Huế, thầy là một trong những người vào tổ chức tuyển sinh khóa đầu tiên, làm bí thư chi bộ, phó chủ nhiệm khoa và xây dựng ngành Hán Nôm cho trường. Do hoàn cảnh chiến tranh, thầy có một cuộc sống gia đình không mấy suôn sẻ, nhưng may mắn là sau chiến tranh, thầy gặp lại vợ và có được đứa con trai, nay là phóng viên Đài phát thanh truyền hình Quảng Ngãi. May mắn hơn nữa là trước khi ra đi vào tuổi 82, thầy đã có cháu trai để ẳm bồng. Thầy Trần Như Uyên là giáo sư của Đại học Văn khoa Huế trước 1975, dạy bộ môn văn học Việt Nam cận đại, là người không chỉ có đức tính mẫu mực, khiêm tốn của một nhà giáo, tác phong mẫn cán của một công chức, mà còn có sự giữ gìn, cẩn trọng, kín đáo ẩn dấu trong cốt cách lặng lẽ, nhẹ nhàng của một người Huế. Không quá xa cách, nhưng cũng không quá gần gủi, cũng chẳng làm mất lòng ai, và cố nhiên, cũng ít ai hiểu nhiều về thầy. Sau năm 1975, thầy tiếp tục công việc giảng dạy khoảng hơn mười năm thì nghỉ hưu và qua đời cũng lặng lẽ như chính cuộc sống của thầy.
Những người trẻ tuổi hơn, dường như chỉ đến với cuộc đời và sự nghiệp dạy học như chỉ nhằm lưu lại một địa chỉ, dường như chỉ đi ngang qua cuộc đời và dừng lại ở tuổi năm mươi. Hầu hết các thầy đều được đào tạo từ khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy Lê Xuân Việt, quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa, tốt nghiệp khóa 14, ở lại trường, giảng bộ môn văn học Việt Nam hiện đại cho khoa Tiếng Việt, sau 1975 vào Huế, giảng dạy và tham gia hoạt động phê bình văn học, là một trong những diễn giả có uy tín về những vấn đề thời sự nóng hổi của đời sống văn hoc. Những tác phẩm “thời thượng” một thời như Chuyện thượng ngày ở huyện (Overkin), Muối của đất (Marcov), Thao thức (A.Kron), Qui luật của muôn đời (Dumbatze), Dòng sông phẳng lặng (Tô Nhuận Vỹ), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng)... đến với đông đảo bạn đọc ở các thư viện, các trường học, các công trường, nông trường, ít nhiều đều qua những buổi nói chuyện, cùng với những bài phê bình giới thiệu sách in trên các báo của thầy. Thầy ra đi đột ngột vào tuổi năm mươi, bởi một cơn bệnh hiểm nghèo (nghe đâu do nhiễm phóng xạ vụ tretsnobưn di chứng từ những năm làm nghiên cứu sinh ở Belarus), chỉ kịp để lại cuốn tiểu luận phê bình Thức cùng trang văn (1993, viết chung với Hồ Thế Hà). Thầy Đào Văn Khải cũng là người viết phê bình, người có ít nhiều tham gia vào đời sống văn học với bút danh Khải Phong. Một chàng trai Gia Lâm, Hà Nội, đã có nhiều năm tham gia quân đội thời chiến tranh, về học khóa 18, tốt nghiệp vào Huế, giảng dạy bộ môn văn học Trung quốc. Do bị bệnh hen suyễn, thời tiết ở Huế không phù hợp, thầy phải chuyển vào công tác ở Sỡ văn hóa thông tin Phú Khánh (1986), chia tỉnh (1989), về Phú Yên quê vợ, rồi cũng vì bệnh tật mà ra đi trong lặng lẽ. Thầy Tạ Đình Nam quê ở Quảng Bình, trong chiến tranh, cũng từng là lính biên phòng, có nhiều thơ in trên các báo, về học khóa 19, tốt nghiệp vào Huế giảng dạy môn văn học Việt Nam hiện đại, làm trợ lý tổ chức khoa rồi phó chủ nhiệm khoa, chia tỉnh (1989), ra Quảng Bình làm thư ký văn xã Ủy ban nhân dân tỉnh, vào tỉnh ủy, làm tổng biên tập báo Quảng Bình, rồi đột ngột ra đi ở tuổi năm ba. Cô Phan Thị Hồng Minh, người Huế chính gốc, quê ở thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, tốt nghiệp khóa 18, về giảng dạy bộ môn văn học Việt Nam cận đại, chưa được mươi năm, theo chồng chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh và cũng ra đi vì một cơn bệnh hiểm nghèo. Ngoài những tình cảm mẫu mực của một cô giáo, sự bao dung của một người chị, người mẹ dành cho sinh viên, cô chưa để lại được gì nhiều.
Tôi dốc ngược thời gian quay về với quá khứ tuổi học trò. Tôi cũng từng làm học trò, và trong ý thức của mình suốt đời tôi vẫn còn học trò, tự dưng khi bước vào nghề giáo, tôi nghĩ người thầy như một giọt nước hòa tan trôi theo dòng chảy của cuộc đời, cuối cùng cũng là bèo bọt mà thôi. Bởi vì, từ bao đời nay biển vẫn nhận được những dòng nước ngọt từ muôn ngàn sông suối, nhưng có bao giờ sông làm biển nhạt hơn đâu. Mặc biển mặn.Sông vẫn chuyên cần chảy mãi. Thời gia trôi đi không thể nào ngừng. Cũng có những dòng sông người ta không thể về thăm nữa. Có những con đường không còn ai đi nữa. Có những con người không còn ai nhớ nữa. Nhưng là học trò phải nhớ đến thầy. Trong cuộc sống có người tốt, người xấu. Trong nghề giáo cũng có thầy tốt, thầy xấu. Cái xấu có thể nằm trong con người của thầy nhưng nằm bên ngoài nghề giáo. Thầy muôn đời vẫn là thầy. Bởi lẽ, trước khi làm vĩ nhân phải biết làm người, mà trước khi làm người phải biết làm học trò, xét về một phương diện nào đó có ý nghĩa tinh thần, đúng với bản chất nội hàm một cách rốt ráo của hai chữ thầy trò.