19/11/2023
BÀI SƯU TẦM, thêm nguồn tài liệu cho các bạn thuyết minh về Dalat nhé!
Lang thang trên xứ hoa đào
08:00 17/06/2015
Mỗi lần có dịp về Đà Lạt mùa hè, tôi thích lang thang trên những con lộ có hoa nở rợp trời. Nhìn con đường đầy ắp màu hoa, tôi nhớ đến những người đã trồng chúng, liên tưởng sắc đẹp một thời của các giai nhân. Tuy nhiên, con đường hay người, dù đẹp thế nào đi nữa nhưng quanh năm chỉ có một sắc màu thì cuộc đời này sẽ vô vị biết bao.
Có lẽ ở đất nước mình, Đà Lạt là nơi được lữ khách đặt cho nhiều tên nhất: Thành phố Ngàn Thông, Ngàn Hoa, Mai Anh Đào, Sương Mù, Mùa Đông, Mimosa, Phượng Tím…. Và cũng có lẽ trong tâm thức của du khách con đường được mang tên các loài hoa sẽ có điều gì đó trực quan hơn các anh hùng dân tộc, vì tên các tiền nhân dựng và giữ nước nơi nào cũng có.
“Trong hơn 500 thành phố, thị xã, thị trấn của Việt Nam thì việc trồng cây xanh điểm trang cho đô thị theo chủ đề không nhiều, một trong số thành phố ít ỏi đó là Đà Lạt”. Đó là lời phát biểu của TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn Đô thị học (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chuyên nghiên cứu đô thị ở Việt Nam.
Đà Lạt, thành phố mang bề dày lịch sử về nghề trồng hoa từ gia đình đến xã hội. Ở Đà Lạt, gần như công dân nào được sinh ra và lớn lên tại xứ sương mù đều có thể kể tên ít nhất 20 loài hoa, giống như người ở biển kể tên 20 loài cá. Vì hai vật thể này luôn tồn tại với con người để duy trì thể chất và tâm tưởng.
Những “cụ hoa” một thời vang bóng
Mùa hè đi dạo ven hồ Xuân Hương, tôi cứ đứng ngẩn ngơ dưới những chùm phượng tím đong đưa, rồi cảm thấy vừa quen vừa xa lạ. Phượng tím Đà Lạt hàng năm nở rộ vào mùa xuân và kéo dài đến mùa hạ. Mùa hoa tím của bằng lăng và phượng trở về là mùa ấm áp như nét họa lung linh giữa đất trời Đà Lạt
Nhìn những cánh hoa phượng già lặng lẽ lìa cành rơi mỏng trên nền đường, tôi lại liên tưởng đến kiếp người trở về với đất, rồi muốn biết ai là người “khai sinh” ra nó. Mấy ngày trước, ghé quán cà phê nằm dưới gốc cây phượng tím trước hồ Thủy Tạ hỏi vài người Đà Lạt (người đàn ông được sinh ra tại Đà Lạt, vóc người ốm ốm, da tai tái) họ cho biết: “Nghe nói cây phượng tím do ông kỹ sư Lương Văn Sáu trồng vào năm 1962, hình như ổng đã chết rồi thì phải. Mà thời đại thế giới phẳng, cần gì phải đi hỏi, mở mạng chắc sẽ tìm ra, vì ông ấy là người trồng phượng tím Đà Lạt đầu tiên mà”. Ông chủ quán có lẽ vội nên hối hả ra đi, chẳng chào người hỏi chuyện một lời.
Ông Lương Văn Sáu tốt nghiệp Đại học Canh Nông tại Pháp. Năm 1962 ông đã đưa cây phượng tím từ châu Mỹ về trồng đầu tiên tại đường Nguyễn Thị Minh Khai xưa. Đến nay trên nửa thế kỷ, phượng tím đã trở thành một loài cây đặc biệt, góp thêm thương hiệu cho xứ ngàn hoa. Với thân hình giống như cây phượng vĩ, nên người Đà Lạt gọi phượng tím. Những năm sau, bằng kỹ thuật chiết cành, kỹ sư Sáu đã nhân giống trồng thử nghiệm ba cây: Một cây ở vườn hoa Đà Lạt, một cây trước chợ và một cây trước nhà hàng Thủy Tạ. Đến nay vẫn còn tím cả phố phường.
Giữa những năm chín mươi của thế kỷ trước, phượng tím là cây trang trí nội thị quý hiếm. Kết quả mà ba mươi năm trước kỹ sư Lương Văn Sáu đã lặng lẽ mày mò nghiên cứu mới thành công về nhân giống bằng phương pháp chiết cành.
Theo đó, ông đã tự điều chế một hợp chất thuốc kích thích phát triển rễ. Những nghệ nhân yêu thích loại hoa này được kỹ sư Sáu chuyển giao phương pháp để nhân giống tăng thêm. Tuy nhiên so với nhu cầu thời ấy, thì số lượng sản xuất giống cây con phượng tím còn rất hạn chế, khiến giá thành khá cao so với mặt bằng trong hoa viên của gia đình.
Đến đầu thế kỷ XXI, qua con đường du lịch, hạt giống phượng tím được mang về Đà Lạt từ các châu Úc, châu Mỹ, Thái Lan… khi gieo trên đất Đà Lạt đã phát triển rất tốt, mở ra một triển vọng mới tiếp bước sự mong đợi của ông Sáu.
Những ngày tháng cuối cùng của thế kỷ trước, sức khỏe của ông kỹ sư giảm sút nhanh, vì phải chống chọi với bệnh thanh quản. Tuy nhiên, ông vẫn dùng hết sức mình để hướng dẫn những đồng nghiệp và những người yêu thích loài phượng tím.
Chăm sóc mai anh đào.
Có lần ông nói: “Ở Nam Mỹ, phượng tím hàng năm đậu trái nhờ một loài chim có chiếc mỏ cong cong đi thụ phấn cho hoa. Đà Lạt mình không có loài chim di trú này khiến cho phượng tím chỉ có thể ra hoa, chưa thể ra hạt… ”. Cuối đời, ông sống lặng lẽ trong căn nhà ở đường Bùi Thị Xuân, nói chuyện với những người yêu phượng tím bằng bút đàm.
Cho đến bây giờ loại cây này đã dần dần tím cả góc đường mang bóng hình đặc trưng Đà Lạt. Vào mùa nở hoa, xác tím trải rụng theo từng bước chân người, và biết đâu ở một nơi vô định nào đó, vong hồn của ông kỹ sư đang hòa quyện cùng chung màu tím hoa sim biền biệt để tâm sự với hậu thế hôm nay…
Ở Đà lạt, ngoài cây phượng tím tỏa bóng mát rượi ven đường, còn có loại hoa chủ lực khác là Mai Anh Đào. Khách du lịch không ít người lầm tưởng rằng Mai Anh Đào được mang từ Nhật sang, nhưng hoàn toàn không phải. Ở Nhật người ta gọi là hoa anh đào (Sakura) còn ở Việt Nam gọi là mai anh đào.
Mai anh đào Đà Lạt.
Theo các nhà chuyên môn, Đà Lạt hiện có nhiều giống anh đào, nhưng đặc trưng nhất vẫn là Mai Anh Đào Đà Lạt mang tên khoa học là Prunus Ceracoides. Thân mai này thuộc giống đào mận, có hoa đơn năm cánh giống hoa mai. Có lẽ vì loài hoa “vừa đào, vừa mai”, nên được gọi tên là mai anh đào.
Đà Lạt vào những năm 30 thế kỷ trước, đã được người Pháp trao tặng những danh hiệu đẹp đẽ “Xứ sở ngàn hoa”, “Miền đất thần tiên”... Những danh hiệu mỹ miều, hấp dẫn ấy bắt nguồn từ cảnh quan thiên nhiên của đất trời cao nguyên Đà Lạt, cộng với sự tô điểm từ khối óc, bàn tay của con người khai phá đất hoang để xây dựng đô thị mới. Tiêu biểu những con người ấy là nhà nông học Nguyễn Thái Hiến (1898-1956) “người viết giấy khai sinh” cho loại hoa mai anh đào này.
Ông Nguyễn Thái Hiến.
Theo ông Nguyễn Thái Hai một Việt kiều gốc Đà Lạt, cho biết: Cha của ông là Nguyễn Thái Hiến, người gốc Nghệ An, chuyển vào sống ở Đà Lạt năm 1927. Cha đã từng làm giám thị lục lộ và được giao nhiệm vụ trồng cây cảnh trong các khuôn viên, dinh thự của Pháp. Chuyện cho rằng: Trong khi làm nhiệm vụ trồng hoa, ông đã phát hiện tại một khu rừng gần ấp Tân Lạc (đường Đống Đa ngày nay) có những cây mai rừng hoa sắc tím hồng đẹp lộng lẫy, nên đề nghị người Pháp cho trồng dọc các con đường. Sau thời gian trồng thử nghiệm, năm 1935 cha ông đã chính thức trồng mai anh đào dọc tuyến đường từ cầu Ông Đạo (hồ Xuân Hương) lên khu Hòa Bình và kéo dài đến rạp ciné Eden (rạp chiếu phim Ngọc Lan).
Ngoài ra, vào năm 1938. Trong số 100 người từ Hà Đông vào định cư Đà Lạt có cụ Ngô Văn Ất mang theo 2.000 củ lay dơn (glaieul) lấy giống từ Sa Pa. Đây chính là những củ giống lay ơn đầu tiên góp phần trang điểm cho xứ ngàn hoa Đà Lạt suốt gần một thế kỉ qua. Vì công lao của người gieo giống và trồng hoa nổi tiếng, cụ Ngô Văn Ất đã được Vua Bảo Đại tặng thưởng Huân chương “Long bội tinh”.
Sau ngày nhà nước đổi mới, bà con Việt kiều mang nhiều giống hoa nước ngoài về trồng ở Đà Lạt. Vùng đất sương mù hôm nay trở thành nơi hội tụ các loài hoa trên thế giới.
Những con đường mang tên loài hoa
Những năm gần đây, Đà Lạt đã mở rộng nhiều đường phố chuyên đề như đường hoa Mimosa (Hồ Tùng Mậu), đường Mai Anh Đào (vòng quanh hồ Xuân Hương), đường hoa Ban trắng (đường Trần Phú, Nguyễn Du…) Trong khi phượng tím được trồng rải rác nhiều nơi, nhưng chưa trở thành chuyên đề đường hoa tím. Có những con đường hàng ngày học sinh, sinh viên đi học, tan trường nhưng lại vắng bóng cây phượng tím, sự thể ấy có vẻ thiếu đi một không gian kỷ niệm về sự mộng mơ của thời cắp sách. Đối với tuổi xuân, màu tím là màu hiền lành, nguyên chất và đẹp nhất.
Ở Nhật Bản, là đất nước hoa anh đào (sakura). Mỗi năm hoa đào hồng tím nở rộ trên khắp đất nước từ Nam ra Bắc, hoa nở kéo dài từ đầu tháng 2 đến hết tháng 5, đã thu hút hàng triệu du khách đến chiêm ngưỡng. Riêng thành phố Tokyo mỗi mùa hoa anh đào nở đã đón từ 2 triệu lượt khách quốc tế trở lên.
Mới đây tôi lang thang trên đường đèo mimosa, con đường mới mở ngay chân đèo Prenn rẽ phải nếu từ Sài Gòn lên. Bây giờ người ta gọi là đèo mimosa để phân biệt với đèo Prenn. Đèo mimosa là cửa ngõ thứ hai vào Đà Lạt ở hướng Đông Nam.
Đèo Mimosa.
Con đường lượn xuống thung lũng rồi bò vắt ngang qua những đồi thông xanh, chênh vênh theo những vực cao, chập chờn mây gió trước khi vào trung tâm thành phố. Sau 3 năm thi công, con đường 11 km này được hoàn thành vào thời điểm kỷ niệm 110 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (tháng 6/2004).
Đi trên con đèo này, có thể nhận thấy hình ảnh Đà Lạt ban sơ, những mái nhà tôn thấp thoáng ẩn hiện trong rừng thông xanh, những khu vườn lặng lẽ. Con đường mới này dường như chưa bị bê tông cốt thép và các bảng hiệu quảng cáo xanh đỏ loạn mắt lấn chiếm.
Có thể thấy ở đây còn sự dân dã thuần chất trong nếp sinh hoạt của dân cư. Tuy nhiên đã thấy ven đường mọc lên những biệt thự, những vườn hoa kính xuất hiện báo hiệu cho đô thị mới.
Đi trên đường Mimosa lại gặp điều thú vị. Mang tiếng là phường ở thành phố nhưng cũng còn người đi chăn bốn con bò. Để tìm hiểu về con đèo mang tên Mimosa, tôi mò đến làm quen với ông. Tên ông là Lê Đức Tiến 65 tuổi, dân gốc Quảng Trị, định cư tại Đà Lạt năm 1968 sống bằng nghề làm vườn (trồng rau và hoa bất tử).
Tôi với ông ngồi bệt dưới gốc thông già, trước mặt là hàng cây mimosa với những chùm hoa nở vàng đang phất phơ trong gió. Tôi chỉ tay và hỏi “Cây hoa này là do mình trồng hay mọc tự nhiên hở anh!”. Ông chép miệng với đôi mắt buồn buồn “Nói về hoa biểu tượng Đà Lạt, ngành văn hóa cho rằng là dã quỳ, nhưng dã quỳ không chỉ riêng ở Đà Lạt mà có mặt khắp cả Tây Nguyên. Dã quỳ thuộc nhóm cây bụi, họ cúc có vẻ đẹp kiêu sa pha chút hoang dại nhưng rất nhanh tàn, đến mùa nắng chúng rụi đi một cách đau thương. Còn mimosa ở Đà Lạt mới có, nó nở từ cuối mùa đông năm này sang đến mùa xuân hè năm sau, vào mùa nắng vẫn đứng hiên ngang, tạo nên một nét riêng cho Đà Lạt. Mình tự hỏi tại sao ngành văn hóa không lấy hoa mimosa làm biểu tượng cho thành phố!”.
Tôi không phải là dân Đà Lạt, nên cứ ngồi căng tai ra nghe một cách thích thú. Chờ xe chạy ngang qua hết tiếng ồn, ông tiếp tục: “Mimosa là một loài cây thân gỗ, đến 10 năm tuổi, tạo nên một tán lá rộng cả 10 mét vuông. Mỗi cành cây chi chít những lá kép, mặt dưới của lá có màu bạc như phủ một lớp phấn trắng... Vào mùa mưa, cây nào cũng cành lá sum suê. Đến khi mùa mưa cao nguyên chấm dứt, nụ hoa đã xuất hiện đầy cành, rồi nở rộ cho đến hết mùa xuân, có khi kéo đến cả mùa hạ.
Hoa mimosa màu vàng, nở thành chùm. Những lúc cao điểm hoa nở đầy cành, trông vào chỉ thấy một màu vàng không thấy lá... Đã có người giật mình thốt lên: “Đà Lạt có hoa vàng đẹp quá!” Tôi đã từng nghe nhiều người nói thế trước mặt mình. Tuy nhiên, tôi không hiểu nổi con người ở thời buổi này. Mỗi lần gặp nhau, người ta chỉ hỏi thăm về hoa hồng, hoa lan, hoa cúc... là những loại hoa có giá trị kinh tế, chứ chẳng ai hỏi đến mimosa! Cho nên, có thể nói mimosa ở Đà Lạt bị xem như là một loại cây thứ cấp, không ít người vô tình trước rừng hoa mimosa rực vàng. Họ chỉ ngắm rồi bỏ đi, không ai hỏi mua. Chính vì thế dân Đà Lạt chỉ trồng quanh nhà để nhìn hơn là tính chuyện buôn bán!”. Ông lặng lẽ móc thuốc lá, bó gối ngồi hút với gương mặt lạnh lùng, xa cách.
Năm rồi, được xem một đoạn phim tài liệu về nghề trồng và xuất khẩu hoa Mimosa của một nước nào đó ở châu Âu. Theo đó, loại hoa này được khai thác, vận chuyển bằng cơ giới về cắt tỉa, đóng gói rồi xuất đi các nước. Thì ra, mimosa đã được trồng thành những vùng chuyên canh theo một qui trình nghiêm ngặt để trở thành một loại hàng giá trị. Nhớ lại cảnh bên trời tây xuất đi hàng chục container, tôi bỗng thấy chạnh lòng nghĩ đến mimosa Đà Lạt và ông chăn bò không có giấc mơ hoa!
Chia tay ông, tôi đi bộ dọc theo những hàng cây mimosa, chắc do công trình đô thị trồng, vì chiều cao và tán cây bằng nhau, rồi nhớ lời trần tình của ông chăn bò về việc hình thành logo dã quỳ biểu tượng thành phố hoa Đà Lạt. Nếu như hoa dã quỳ mang vẻ đẹp giản dị, chân chất, mọc tự nhiên với tấm thân bèo bọt, thì mimosa có vẻ kiêu sa hơn, lãng mạn hơn khi được gắn với các câu chuyện tình yêu đôi lứa…
Mimosa Đà Lạt, hoa không to màu cũng không vàng đậm, khi nở hướng lên trời phô ra cái màu vàng phơn phớt mơ màng như muốn tô thêm cái nắng trong veo Đà Lạt. Vì lá mimosa có nhiều phấn nên sáng sớm những hạt sương long lanh phủ lấp lánh như lớp bạc. Mimosa đã có khá nhiều bài hát ca tụng màu hoa của núi đồi Đà Lạt. Cũng có những bài thơ và cũng có người đã dùng tên nó như một thương hiệu của mình.
Mimosa biểu trưng cho những tình cảm chân thành và sự cảm thông. Nó đã đến cao nguyên Lang Biang ngay từ những năm đầu. Một đồng nghiệp người Pháp đã gửi cho bác sĩ Yersin giống hoa mimosa và một số loài hoa từ quê nhà, để theo ông trên con đường viễn xứ. Bác sĩ Yersin đã gửi những giống mimosa và các loài hoa khác vào những trạm khảo cứu nông lâm để ươm trồng chăm sóc. Từ đó, mimosa dần dần xuất hiện trên khắp thành phố Đà Lạt.
Đà Lạt với đặc trưng phố núi ngàn hoa: có mimosa, có mai anh đào, có hoa phượng tím, đỗ quyên… để tô điểm thêm các sắc màu mộng mơ. Từ những năm đầu tiên khi thành phố này đăng cai lễ hội hoa cấp quốc gia. Chính quyền và người dân Đà Lạt đã trồng hàng trăm ngàn cây hoa trên khắp nẻo đường kéo dài xuống chân đèo, đến tận hồ Tuyền Lâm. Ở Đà Lạt bây giờ, chỉ cần bước chân ra đường đã thấy hoa, hoa từng góc phố, hàng rào, trên đường đi, rồi sân vườn… Tại các bùng binh ngã tư, ngã năm còn có rất nhiều tháp hoa, có thể nói không có đô thị nào trong nước lại có nhiều tháp hoa đẹp dựng đứng, di động như ở xứ ngàn hoa này. Nơi đây chúng được trồng và chăm sóc kỳ công.
Đà Lạt từng là nơi gặp gỡ của các chính khách các hội nghị quốc tế. Đà Lạt cũng là nơi nhen nhóm những cuộc tình nồng ấm, cũng là nhân chứng những cuộc chia tay đẫm nước mắt. Ở thành phố ngàn hoa này là nơi cung cấp chất liệu để khởi nguồn đề tài thơ, ca, nhạc, họa, làm lưu luyến biết bao bước chân du khách gần xa.
* * *
Ngày rời Đà Lạt, tôi đổ dốc xuống đèo Prenn. Ven đường rừng thông, gặp những công nhân công trình đô thị mặc áo xanh đang chăm sóc các loại hoa mới trồng và vô tình nhìn thấy vắt vẻo giữa lưng chừng đồi, có một cây mimosa nở vàng đứng cô đơn như chờ đợi ai. Tự nhiên trong vô thức tôi bật ra bài hát của nhạc sĩ Trần Kiết Tường “Mimosa! Từ đâu em tới!/ Mimosa! Vì sao em tới đất này!/ Ngày ngày thầm sống quanh đồi/ Cuộc đời dầm mưa nắng trôi.../ Tôi đã biết rồi/ Vì em yêu cuộc sống trên cao. Vì em yêu dòng thác Cam Ly. Vì em yêu hồ nước Xuân Hương. Vì em yêu thành phố hương hoa…”.
Những người bạn của tôi ơi! Các bạn hãy một lần đến thành phố hoa Đà Lạt đi! Vì cuộc đời này đâu chỉ có cơm ăn áo mặc. Nó còn một thứ vô hình khác là giang sơn gấm vóc của ông cha để lại. Người ta yêu nước bắt đầu từ những cây hoa trong vườn, rồi mới đến rừng hoa cả nước. Và ở bao lơn hùng vĩ của nước mình là biển đảo mênh mông. Nơi ấy bây giờ đang sóng gió.
Ký sự: Như Long