Đà Lạt là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng. Với độ cao 1.500 m trên mặt nước biển, Đà Lạt tiết trời mát lạnh và là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng ở khu vực miền Nam. Từng một thời nổi tiếng với các điểm tham quan như Thung lũng Tình Yêu, Hồ Than Thở, Đồi Thông Hai Mộ, Thác Voi…, Đà Lạt ngày nay không còn giữ được vẻ hoang sơ như xưa. Các điểm tham quan chính hiện nay khi du lịch Đà Lạt gồm có Hồ Xuân Hương, Đỉnh Langbiang, Dinh Bảo Đại, Biệt Điện Trần Lệ Xuân, Thiền Viện Trúc Lâm, Hồ Tuyền Lâm, nhà ga Đà Lạt (Nhà ga Trại Mát)… Chỉ cách Sài Gòn chừng 300km, thành phố Đà Lạt là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời, giúp du khách thoát khỏi cái oi bức nóng nực của vùng đồng bằng Nam Bộ.
Với độ cao 1.500 mét so với mực nước biển và được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng bao quanh, Đà Lạt thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Lịch sử hơn một thế kỷ cũng để lại cho thành phố một di sản kiến trúc giá trị, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ 20. Những tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú giúp Đà Lạt trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách tới thăm viếng và nghỉ dưỡng. Đà Lạt còn là một trung tâm giáo dục và nghiên cứu khoa học, một thành phố đa dạng về tôn giáo với sự hiện diện của hàng trăm ngôi chùa, nhà thờ, tu viện... một vùng nông nghiệp trù phú đặc biệt với những sản phẩm rau và hoa. Nhờ khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và di sản kiến trúc phong phú, Đà Lạt còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như "Thành phố mù sương", "Thành phố ngàn thông", "Thành phố ngàn hoa", "Xứ hoa Anh Đào" hay "Tiểu Paris".
Chợ Đà Lạt và chợ Âm Phủ: điểm đến không thể bỏ qua của du lịch Đà Lạt. Có bán các quần áo ấm second-hand rất đẹp, cùng với các loại đặc sản như nước cốt dâu tằm, trà atisô, thập cẩm sấy khô, các loại mứt và đậu ngự.
Hồ Xuân Hương: Biểu tượng của du lịch Đà Lạt. Sáng sớm, và hoàng hôn là thời điểm Hồ Xuân Hương đẹp nhất. Có các trò chơi đạp vịt, đi xuồng máy hay chèo thuyền cao su trên hồ.
Dinh Bảo Đại hay còn gọi là dinh III: dinh thự đẹp đẽ và trang nhã nằm trên ngọn đồi cao 1539m. Vị trí: Trên đường Triệu Việt Vương, cách trung tâm Đà Lạt 2,5 km về phía Nam.
Ga xe lửa Đà Lạt: số 1 Quang Trung, Đà Lạt, ga Đà Lạt. Đây là địa điểm chụp hình quen thuộc của du khách.
Vườn Hoa Đà Lạt: nằm ở số 2 Phù Đổng Thiên Vương, cách trung tâm thành phố 2km. Người đi du lịch Đà Lạt thường ghé thăm vườn hoa để được chiêm ngưỡng muôn hoa đua sắc và săn những bức hình đẹp.
Nhà thờ chính tòa Đà Lạt (nhà thờ Con Gà): trên đỉnh tháp chuông có hình con gà lớn. Đây là nhà thờ lớn nhất Đà Lạt, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại.
Viện Sinh Học Tây Nguyên/Phân Viện Sinh học Đà Lạt: nằm trên đỉnh đồi Tùng Lâm cách trung tâm thành phố Đà Lạt gần 10km trên đường đi Suối Vàng. Ngoài khung cảnh đẹp, Phân Viện Sinh học còn là một bảo tàng động vật và vườn thực vật.
Nhà thờ Domaine de Marie/Lãnh địa Đức Bà: còn gọi là Nhà thờ Mai Anh. Nằm trên đường Ngô Quyền cách trung tâm khoảng 1 km về phía tây nam. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách châu Âu thế kỷ 17, có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây với kiến trúc của dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt: được Hội Kiến trúc sư thế giới công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20. Điểm nhấn của dãy nhà hình vòng cung là tháp chuông, gọi là “Nhà Cong”.
Ga Trại Mát – chùa Linh Phước: Tại Trại Mát có các điểm tham quan du lịch như trại nghỉ mát của Vua Bảo Đại, chợ Trại Mát hay chùa Linh Phước. Chùa Linh Phước có kiến trúc khảm sành độc đáo, đặc biệt có tượng con rồng làm bằng 12.000 vỏ chai bia nên chùa còn được gọi là chùa Ve Chai.
KHU PHÍA BẮC TRUNG TÂM ĐÀ LẠT:
Thung lũng Tình Yêu: là địa danh thơ mộng và trữ tình nhất khi du lịch Đà Lạt, cách trung tâm thành phố khoảng 6km về hướng Đông Bắc. Du khách có thể men leo lên đồi Vọng Cảnh và ngắm nhìn toàn cảnh Thung lũng Tình Yêu.
Thung lũng Suối Vàng / Hồ Suối Vàng: Từ trung tâm Đà Lạt theo hướng bắc đi Lạc Dương, đến km 7 Tùng Lâm rẽ trái, vượt qua đoạn đường dài khoảng 12km sẽ đến hồ Suối Vàng. Đường đi Suối Vàng đẹp mê li, nên mang theo đồ ăn và bạt trải, thích chỗ nào dừng lại picnic chỗ đó luôn.
Núi Lang Biang: Cách khu trung tâm 12 km về phía Bắc. Đến chân núi có hai cách lựa chọn: leo núi hoặc đi xe jeep. 1 xe jeep bao trọn là 180.000 nghìn , nếu đi lẻ thì phải chờ xe đủ 6 người mỗi người 50.000 nghìn tiền xe , đi hết chừng 15 phút là lên đỉnh. Nếu chọn leo núi (đi theo đường nhựa lên đỉnh) bạn phải đi khoảng 7 – 8 km, mất 1h30′ mới lên tới đỉnh. Đường lên đỉnh núi hai bên là thông và hoa dại. Trên đỉnh núi là cảnh đẹp mê hồn, và bạn cũng có thể thưởng thức các món nướng tại đây.
Làng Cù Lần: điểm tham quan mới toanh của du lịch Đà Lạt, là một ngôi làng nhỏ xinh đẹp, lãng mạn nằm lọt thỏm giữa hàng ngàn héc-ta rừng nguyên sinh hoang dã dưới chân đỉnh núi Lang Biang trải rộng, cách khu du lịch Thung Lũng Vàng 9 km vào hướng Suối Vàng – Suối Bạc.
KHU PHÍA NAM TRUNG TÂM ĐÀ LẠT:
Hồ Tuyền Lâm: nằm ở độ cao 1000 mét so với mực nước biển, cách trung tâm 5km về phía Nam, trên đoạn đường đèo Prenn.Tại đây bạn có thể thuê thuyền ra đảo. Một chiếc khứ hồi là 200.000 đồng, nên thuê chung với khách khác để tiết kiệm. Hoặc bạn cũng có thể đi vòng bờ hồ ( rẽ trái ) men theo con đường ra đảo. Ra đảo thì cứ tự nhiên thưởng thức thịt rừng. Nhớ mang theo tấm bạt trải ngồi cho vui. Cảnh đẹp, tha hồ tạo dáng. Trưa thuê võng 7.000 đồng/ giờ mắc giữa hai cây thông nằm ngủ.
Thiền viện Trúc Lâm: nằm trên núi Phụng Hoàng, phía trên Hồ Tuyền Lâm. Đây không chỉ là thiền viện lớn nhất Lâm Đồng mà còn là điểm tham quan hấp dẫn của du lịch Đà Lạt. Đối diện cổng thiền viện có trạm cáp treo. Đi cáp treo ngắm cảnh thành phố và rừng thông (50.000 đồng/ vé khứ hồi).
Thác Prenn: Toạ lạc ngay đầu đèo Prenn, trên quốc lộ 20 từ Sài Gòn lên Ðà Lạt, cách trung tâm 10 km về hướng nam. Đến với thác Prenn, ngoài việc ngắm dòng thác kì vĩ và những đồi thông bao la, du khách còn có dịp thưởng thức món cháo cá lóc đặc sản giá chỉ từ 160.000 – 200.000 VND cho 4 người ăn.
Thác Datanla: hấp dẫn du khách với dòng nước trong veo chảy qua 7 tầng núi đá rồi dội xuống những phiến đá lớn, tung bọt trắng xóa. Cách trung tâm 5km, nằm khoảng giữa đèo Prenn. Từ quốc lộ 20 rẽ xuống dốc khoảng 300m là tới một thung lũng nhỏ, du khách sẽ gặp thác Datanla với cảnh trí đầy hấp dẫn và đậm nét hoang sơ.
KHU VỰC XA TRUNG TÂM THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
Đồi chè Cầu Đất: với những cánh đồng chè xanh ngát và đặc biệt rợp một trời hoa dã quỳ vào những tháng cuối năm. Từ trung tâm thành phố, chỉ cần chạy thẳng theo đường Trần Hưng Đạo – Hùng Vương và xem chỉ dẫn đường lên Trại Mát, từ đó bạn hỏi bất cứ người dân ven đường nào để đến thôn Xuân Trường. Do ở độ cao trên 1.650m so với mặt nước biển, nên khí hậu ở đồi chè mát mẻ quanh năm. Đồi chè cho tham quan tự do, không thu tiền phí hay bất cứ một khoản thu nào khác. Khi thấy cổng chào của nhà máy chè Cầu Đất hãy mạnh dạn bước vào.
Thác Voi – chùa Linh Ẩn: nằm ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, cách thành phố Đà Lạt 25km về hướng Tây Nam. Thác Liêng Rơwoa hay còn gọi là Thác Voi là một trong những thác nước đẹp của Tây Nguyên với chiều cao hơn 30m, rộng chừng 15m. Phía sau dòng thác trắng xóa là những hang động sâu hun hút đầy bí ẩn như hang Dơi, hang Gió… Chùa Linh Ẩn nằm trong khu thắng cảnh Thác Voi. Trong khuôn viên chùa thờ rất nhiều tượng Phật kích thước lớn và được chạm trổ công phu.
Thị trấn D’ran: nằm dưới chân đèo D’ran trên đường lên du lịch Đà Lạt, thuộc huyện Đơn Dương. Thị trấn D’ran nổi tiếng với loài hoa dã quỳ màu vàng rực và vườn hồng trĩu quả. Tại đây còn có món đặc sản nem nướng hương vị khó quên.
Thác Pongour: còn gọi là thác Bảy tầng toạ lạc tại huyện Đức Trọng, cách Đà Lạt 50 km. Thác cao 40m, trải dài 7 tầng và rộng gần 100m. Pongour là thác nước duy nhất của Lâm Đồng tổ chức ngày hội dân tộc Tây Nguyên hằng năm vào rằm tháng Giêng.
Thác Dambri: Ở vị trí cách khoảng 100km từ Đà Lạt đi xuống, 200km từ TP. HCM đi lên theo quốc lộ 20, thác Dambri (thuộc khu du lịch sinh thái Dambri) nằm cách thành phố Bảo Lộc khoảng 18 km theo hướng đông bắc. Đây là ngọn thác cao nhất Lâm Đồng với chiều cao trên 40m. tạo thành 2 dòng chảy cao thấp rất hùng vĩ.
Chùa Linh Quy Pháp Ấn
Cách thành phố Bảo Lộc khoảng 21km về phía Nam, chùa Linh Quy Pháp Ấn tọa lạc tại Đồi 45, Thôn 4, Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng – được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh với những cánh “cổng trời”, nơi bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm cả một khoảng không gian rộng lớn và hòa mình vào đất trời, núi non.
Để đến chùa Linh Quy Pháp Ấn, từ thành phố Bảo Lộc, bạn di chuyển theo đường Trần Phú, đến ngã 3 Đại Binh rẽ phải. Đến đây, bạn sẽ gặp đường vô xã Lộc Thành (Quốc lộ 55), đi ngang qua chợ Lộc Thành, bạn sẽ gặp cầu Đa Trăng, chạy qua cầu, chạy thẳng 1 đoạn gặp ngã 3 rồi rẽ phải gặp chùa Niết Bàn, chạy thẳng gặp ngã tư rẽ phải. Tiếp tục chạy thẳng, rồi rẽ trái theo hướng thôn văn hóa (Thôn 4 – Xã Lộc Thành), qua thôn văn hóa chạy khoảng 2km (nhìn bên tay trái có một con hẻm nhỏ) rẽ trái men theo hướng lên dốc, rồi rẽ trái theo bảng hướng dẫn (Quán Chiếu Đường) là tới Linh Quy Pháp Ấn.
Ăn: Quán ăn, ăn vặt, đặc sản của du lịch Đà Lạt
Du lịch Đà Lạt còn là dịp để bạn thưởng thức những đặc sản Đà Lạt gồm rượu vang và rượu cần, các loại trái cây (hồng tàu, hồng khía, hồng trứng; bơ, đào long, dâu tây, dâu tằm,…), các loại mứt, trà Bảo Lộc, trà Atiso, và các loại rau củ quả (cải bắp, cải thảo, bó xôi, súp lơ, atisô, cần tây, đậu Hà Lan, cà rốt, khoai tây, su su, cải ngọt)…
CÁC ĐỊA ĐIỂM ĂN UỐNG NỔI BẬT CỦA DU LỊCH ĐÀ LẠT:
Lẩu gà lá é: Quán Tao Ngộ ở đầu đường 3/4 (cách Hồ Xuân Hương khoảng 2km). Một nồi lẩu gà lá é giá 200.000 đồng có khoảng có nửa con gà chặt miếng, 1 đĩa bún sợi to, 1 đĩa nấm sò, ít măng củ thái quân cờ và dĩ nhiên không thể thiếu 1 đĩa rau lá é, rất đáng để thử.
Lẩu bò Ba Toa: Món lẩu thứ 2 nhất định phải nếm ở Đà Lạt chính là lẩu bò ở khu Ba Toa. Lẩu bò ở đây nổi tiếng với những miếng bò dày, to, dài. Chưa kể trong nồi còn có thêm gân, đuôi, gầu đầy đặn chỉ nhìn đã thấy bụng muốn sôi sùng sục. Chưa kể giá lẩu cũng rất hợp lý, một nồi lẩu nhiều thịt cho 4 người ăn chỉ khoảng 250.000 đồng là thoải mái. Khu Ba Toa tràn ngập những quán lẩu, nhưng tiêu biểu nhất là A Ba Toa, Thanh Tâm. Ngoài ra lẩu bò Ba Toa quán Gỗ ở đường Hoàng Diệu cũng rất đáng để ghé.
Cơm lam Ayun – Tam Nguyên: Quán nằm trên đoạn đường Ankroet lên làng Cù Lần, chủ nhân là cặp vợ chồng dân tộc J’rai. Quán đặc biệt bởi những quy tắc gắt gao mà cô chủ đặt ra. Muốn ăn, bạn phải gọi trước một ngày và khi đến phải đọc password là 3 số cuối của điện thoại mới được sắp chỗ ngồi. Quán này có check in trên Google Maps là “Cơm lam Ayun” nên mọi người có thể tìm được đường đi dễ dàng, nằm trên đường Ankroet vào làng Cù Lần. Bạn thấy vườn dâu Mỹ Tiên bên tay phải đi thêm 20 m thì quán nằm bên trái.
Bánh ướt lòng gà – 47 Tăng Bạt Hổ
Sự kết hợp độc đáo giữa bánh ướt và lòng gà đã gợi sự tò mò của không ít du khách khi đến Đà Lạt. Để rồi khi nếm thử, ai nấy đều thích thú với hương vị rất lạ mà lôi cuốn của món ăn. Đó là vị dẻo mềm của bánh cùng vị thơm, ngọt của thịt gà. Để thưởng thức, các bạn hãy tìm đến quán bánh ướt trên đường Tăng Bạt Hổ, gần chợ Đà Lạt.
Bánh tráng nướng – 180 Bùi Thị Xuân
Cứ đi dọc đường Bùi Thị Xuân đến khi thấy một quán nhỏ, ấm áp, nhiều người quây quần và cô chú nướng bánh hiền hậu, bạn sẽ đến đúng nơi. Một chiếc bánh thập cẩm 21.000 đồng gồm trứng gà, một miếng phô mai, muỗng patê gan, bò khô và mayonaise phía trên. Bánh mới nướng xong có hương thơm nức và khói bay nghi ngút. Quán đông, lối phục vụ ở đây là bàn nào đến trước thì sẽ được phục vụ liên tiếp cho đến khi no mới thôi.
Nem nướng Bà Hùng – 254 Phan Đình Phùng
Được làm từ nạc heo xay rồi quết chặt lên một cây đũa, nướng chín, ăn chung với bánh tráng cuốn nhỏ chiên giòn, đồ chua và rau thơm, nem nướng trở thành một trong những món không thể bỏ qua khi du lịch Đà Lạt. Điểm nhấn chính là nước chấm được làm từ gan, tôm, thịt và đậu xay nhuyễn tạo thành một hỗn hợp rất đặc biệt. Ngoài quán nem nướng Bà Hùng nổi danh, dọc đường Phan Đình Phùng cũng còn rất nhiều quán bán nem nướng ngon.
Bún bò Công – số 1 Phù Đổng Thiên Vương
Nằm ngay ngã 5 Đại Học, trên đường xuất phát đi Lang Biang, bún bò Công là địa chỉ ăn sáng nổi tiếng tại Đà Lạt. Tô bún đậm đà chỉ 35.000 đồng nhưng lớn và có đầy đủ thịt với giò. Buổi sáng Đà Lạt còn mờ sương, gọi tô bún nghi ngút khói ra kèm ly đậu nành nóng hổi là bạn nạp đủ năng lượng để chuẩn bị leo đỉnh Lang Biang.
Ốc bưu nhồi thịt – 33 Hai Bà Trưng
Món này rất nổi tiếng với người Đà Lạt, đặc biệt là quán 33 đường Hai Bà Trưng. Thịt ốc bươu được nhồi chung với nạc heo, băm nhuyễn, thêm vài lát sả để khử mùi khiến cho bạn muốn ăn ngay khi nhìn thấy thố ốc thơm phức này. Chính chủ quán cho biết, sở dĩ món này đặc biệt là nhờ vào chén nước chấm với công thức pha chế gia truyền của cụ chủ quán đời thứ nhất. Đôi khi bạn phải chờ 5 – 10 phút mới có chỗ trống. Giá mỗi phần vào khoảng 50.000 đồng.
Bánh canh giò chả – 15 Nhà Chung
Một tô bánh canh bao gồm chả chiên, cá viên, giò heo và thịt. Đặc biệt bánh canh được làm từ gạo xay theo cách riêng của quán nên sợi trong mà vẫn dai. Đây là một trong những món ngon vào buổi sáng của người Đà Lạt, bởi món ăn ấm nóng, rất hợp với không khí se lạnh của vùng. Nhiều hàng trên đường Xuân Chung bên hông nhà thờ Con Gà bán món ăn này, nhưng quán bánh canh Xuân An số 15 Nhà Chung được nhiều du khách đánh giá là ngon và vừa ăn nhất.
Sữa đậu nành nóng – Chợ đêm Đà Lạt
Là thức uống quen thuộc với nhiều người nhưng sữa đậu nành ăn kèm quẩy nóng trong không khí se lạnh của Đà Lạt lại là trải nghiệm rất khác biệt. Bên cạnh sữa đậu nành, bạn có thể đổi vị bằng các loại sữa đậu xanh, đậu đen hay ca cao nóng và các loại bánh ngọt đa dạng ở các quán hàng rong bán món này trong chợ đêm Đà Lạt.
Sữa chua phô mai – 48 Khe Sanh
Đây là món ăn được nhiều bạn trẻ “truy tìm” khi đến Đà Lạt, được làm như sữa chua thông thường nhưng khéo léo cho thêm phô mai trong nguyên liệu. Sữa chua phô mai có vị béo, dẻo, chua chua, được bán ở số 48 đường Khe Sanh, với giá 7.000 đồng một hũ.
Cháo gà, miến gà – 10A Huyền Trân Công Chúa
Thời tiết se lạnh của Đà Lạt khiến món cháo gà, miến gà rất đắt hàng. Sau khi lang thang ngắm thành phố buổi đêm, dừng chân quán nhỏ, thưởng thức tô cháo gà nấu loãng, bỏ nhiều hành và tiêu để thêm ấm bụng. Các quán ngon nên ghé ở đường Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ, Huyền Trân Công Chúa… với giá 25.000-30.000 đồng một tô, gỏi gà từ 40.000 đồng một đĩa.
Bánh mì xíu mại – Góc ngã ba Trần Nhật Duật – Hoàng Diệu
Ăn kèm với bánh mì là bát xíu mại làm nước ninh xương trong váng mỡ béo ngậy cùng viên thịt bé xíu, cộng thêm chút hành lá thái nhuyễn, tuy nhiên khi ăn lại rất thanh mà không hề ngấy. Có 3 cách phổ biến để thưởng thức là xé nhỏ bánh mì cho vào bát xíu mại, để nguyên miếng bánh mì lớn chấm nước dùng hoặc bỏ xíu mại vào giữa chiếc bánh mì. Ngoài các quán gần cổng trường học, cổng chợ, bạn có thể đến ngã ba Trần Nhật Duật – Hoàng Diệu để cảm nhận được hương vị đúng điệu của món ăn.