04/06/2022
Người Đà Lạt và 9 đặc trưng không phải ai cũng biết, cứ nhìn vào phát là biết ngay du khách hay dân bản địa
Chẳng cần nói nhiều cũng biết sức hút của Đà Lạt đối với các tín đồ du lịch mạnh mẽ đến thế nào. Không chỉ sở hữu khí hậu mát mẻ, trong lành, nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp hay hàng loạt địa điểm check-in "xịn sò", thành phố sương mù còn đốn tim du khách bởi sự nồng hậu, thân thiện của con người nơi đây.
Chỉ những ai từng đặt chân đến Đà Lạt mới hiểu người dân địa phương có những nét đặc trưng thú vị thế nào. Dưới đây chính là 9 điều khiến ai cũng phải gật gù công nhận: Quả là chỉ có người Đà Lạt mới như vậy!
1. Thói quen ăn mặc "kín cổng cao tường"
Hầu hết người dân Đà Lạt luôn ăn mặc khá kín đáo và lịch sự. Đến Đà Lạt mà ăn diện kiểu "trên đông dưới hè", chân mang dép lào hay quần áo lố lăng quá thì biết chắc chắn không phải dân gốc ở đây rồi! Người Đà Lạt tuy quen sống cùng cái lạnh nhưng mỗi khi ra đường vẫn thường trùm áo khoác kín kẽ. Dù trời có nắng đến mấy nhưng vẫn phải khoác cái áo mới chịu được, riết rồi trở thành thói quen khó bỏ!
2. Cách ăn nói đặc trưng không lẫn vào đâu được
Người Đà Lạt có giọng nói tổng hợp nhiều vùng miền nên thường không phát âm sai chữ l – n, v - z. Giọng thì nhỏ nhẹ, rõ ràng từng chữ và không mang đặc trưng của riêng 1 vùng nào cả.
Về cách nói chuyện, ngoài việc hay đệm từ "dạ" vào trước mỗi câu nói của mình thì người Đà Lạt cũng hay đệm từ "tè" vào sau những tính từ như "lạnh tè", "vui tè", "hay tè",... để diễn tả sự phấn khích. Ngoài ra còn thường thêm từ "hơ" ở cuối câu như "ừ hơ", "đúng hơ", "dễ hơ",... nghe rất đáng yêu. Khi kể chuyện thì người dân hay dùng cụm "xong cái… xong rồi cái…" nên tạo cảm giác kể hoài chưa thấy hết!
3. Chạy xe bằng… niềm tin và hiếm khi bóp còi
Ai cũng biết Đà Lạt mệnh danh là "thành phố không có đèn giao thông", tuy nhiên nơi đây lại có rất nhiều vòng xoay, bùng binh, ngã rẽ các thể loại! Mỗi khi đến ngã tư hay ngã năm, người ta thường phải "huy động" hết mọi giác quan cũng như "lòng lương thiện" để tránh và nhường đường cho nhau, và họ cũng rất ít khi bóp còi xin đường hay chen lấn. Vậy nên học theo người Đà Lạt, đến đây du lịch thì cứ từ từ mà đi, đừng lạng lách rồi chen chúc nhau làm gì, vừa an toàn cho mình vừa tôn trọng văn hóa giao thông của người bản địa!
4. Đi ngủ rất sớm
Nếu như 8 – 9h tối được xem là giờ lên đồ ra phố của giới trẻ Sài Gòn thì ở Đà Lạt, đó thường là lúc người ta đắp chăn đi ngủ. Vào khoảng thời gian này, bước ra đường sẽ thấy nhiều cửa hàng nhỏ lẻ hay cây xăng bắt đầu dọn dẹp, đóng cửa nghỉ khiến đường xá thưa thớt dần. Ngoại trừ những ai buôn bán vỉa hè, còn lại người dân ở đây rất ngại phải ra đường trong cái lạnh mười mấy độ về đêm.
5. Nói không với các địa điểm du lịch
Dĩ nhiên do sống ở Đà Lạt đã lâu nên người dân nơi đây cũng chẳng "mặn mà" lắm với các thể loại như khu du lịch, homestay, quán cafe các kiểu. Đi du lịch Đà Lạt mà dừng lại hỏi đường, hỏi chỗ ăn uống hay mua sắm thì may ra được, chứ đi hỏi địa chỉ mấy homestay, quán cafe, khu du lịch, vui chơi… thì đa số chỉ nhận lại được những cái ú ớ lặng im thôi các bạn ạ!
6. Không thích đi siêu thị vì… phiền phức!
Về lối sống, có một điều khá thú vị là người Đà Lạt thường không thích đi siêu thị. Trước khi siêu thị ngay chỗ Quảng trường Lâm Viên được mở thì không nơi nào tồn tại được lâu, thậm chí giờ lên Đà Lạt thử để ý các bạn cũng sẽ thấy ở đây chẳng có bất kỳ cửa hàng tiện lợi nào luôn! Người Đà Lạt thường đi cho biết, cho vui thôi chứ bình thường ít khi vào siêu thị để mua hàng, có lẽ do vừa bất tiện mà giá còn đắt hơn ở chợ nữa!
7. Hồ Xuân Hương là địa điểm thân thuộc nhất
Không chỉ là tọa độ nổi tiếng với du khách, hồ Xuân Hương còn gắn với biết bao kỷ niệm của người dân phố núi. Đây cũng được xem là địa điểm tập thể dục buổi sớm phổ biến nhất của người Đà Lạt. Nếu đến đây và chịu khó ra đường vào buổi sáng tinh mơ, bạn dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều người già, người trẻ đạp xe, chạy bộ, đi dạo quanh mặt hồ.
8. Người Đà Lạt rất thích sân vườn, cây cỏ
Khi xây nhà, người Đà Lạt cũng sẽ cố chừa một khoảng sân để trồng hoa, cây cảnh. Nhà nhỏ thì tận dụng lan can và hàng rào, còn nhà to thì dành hẳn một khoảng rộng để trồng. Đối với họ, thời tiết khí hậu thuận lợi như vậy mà không tận hưởng thú vui tao nhã này thì cũng phí!
9. Người Đà Lạt biết nhau rất nhiều vì "cái xứ này nhỏ xíu"
Không biết đối với du khách phương xa như thế nào chứ thực ra trong mắt người Đà Lạt, "cái xứ này nó nhỏ xíu à"! Chính vì vậy, không học chung mẫu giáo với nhau thì lên tiểu học, không thì kiểu gì cũng sẽ quen biết nhau lúc lên cấp 2, cấp 3. Đi đến đâu cũng gặp toàn người quen cả thôi!
Nguồn Tin: kenh14