14/03/2023
[14/03/1988 - 14/03/2013]
Trước Tượng đài Gạc Ma!
Trong chuyến đi Cam Ranh lần ấy, chúng tôi du lịch, nghỉ ngơi là chính. Nhưng khi xe chạy qua con đường vắng vẻ có biển hiệu ghi địa chỉ huyện Cam Lâm, một người trong đoàn nói nhỏ: Khu tưởng niệm Gạc Ma ở đâu đây.
Hóa ra nó rất gần, từ nơi nghỉ, chỉ hơn chục phút đi taxi là chúng tôi đã có thể đến thắp hương, cúi đầu tưởng nhớ những đồng đội vĩnh viễn không trở về. Nước mắt nhiều người tự nhiên ứa ra. Tất cả chỉ biết im lặng, nhưng dường như đều hiểu rõ từng ý nghĩ trong đầu nhau.
Đứng trước Khu tưởng niệm Gạc Ma lần đầu tiên hôm đó, tôi cảm thấy có chút ấm lòng. Khu tưởng niệm hướng mặt chính thẳng ra biển, với cái nhìn bao quát từ trên cao. Tên tuổi, hình ảnh của các chiến sĩ Gạc Ma được khắc ghi chi tiết vào bia đá, đặt ở nơi trang trọng, nhiều ánh sáng. Tôi thấy ấm lòng vì tên tuổi các anh đã được khắc lại để ghi nhớ, dù đáng lẽ phải sớm hơn. Người Việt còn nhiều khiếm khuyết và đó là điều không có gì phải ngại nói thật. Nhưng truyền thống ơn nghĩa những ai có công với xã tắc, những ai lấy máu mình để giữ đất, giữ biển, thì người Việt hiếm khi lãng quên, trong suốt cả hàng nghìn năm.
Đó là một trong rất nhiều ý nghĩ lộn xộn đã chạy qua đầu óc, khiến tôi rối bời suốt cả buổi chiều ở Cam Lâm.
Chỉ cần đọc qua lịch sử hình thành nên mảnh đất hình chữ S, sẽ thấy điều đặc biệt sau đây: Phần lớn lịch sử ấy gắn với các cuộc chiến tranh chống xâm lược. Để tồn tại như một quốc gia, người Việt đã chiến đấu ròng rã hàng nghìn năm trời, ngay trên mảnh đất của mình. Vì thế, không có gì lạ khi bất cứ người Việt Nam nào cũng bẩm sinh là một chiến binh, một nhà quân sự.
Những năm tháng trong quân ngũ giúp tôi nghiệm ra một điều: người Việt học cách sử dụng vũ khí rất nhanh; và dù nghèo nàn, thiếu thốn, họ vẫn rất nỗ lực tìm cách chống chọi với kẻ thù. Nhưng về cơ bản và từ trong sâu xa, người Việt chỉ mê cày cuốc.
Tôi tin rằng, học cách để cùng tồn tại qua chiến tranh, qua những giây phút hiểm nguy, có thể là một thứ gen trội, là đức tính quan trọng và đặc biệt quý giá của người Việt.
Chúng ta có cả kho bài học cần ghi nhớ. Một trong những bài học lớn ông cha để lại mà con cháu không chỉ phải nhớ mà cần thuộc làu, là mọi chiến thắng, vốn đều xuất phát từ sự đáp trả khi không còn lựa chọn nào khác, không bao giờ là sự tự hãnh. Bởi không gì thay thế được sinh mạng con người. Không gì khủng khiếp, vô nghĩa hơn sự tàn phá bằng bom đạn. Nói cách khác, chiến tranh phải luôn là lựa chọn bất đắc dĩ, khi không còn cách nào khác để xác lập và khẳng định quyền tự chủ.
Chiến thắng nhà Minh là một trong những chiến thắng vang dội, đáng ghi nhớ nhất của lịch sử chống ngoại xâm thời phong kiến. Nhưng hậu chiến, Vua Lê Lợi đã lập tức trả lại gươm thần. Đó không chỉ là hành động mang tính biểu tượng của bậc quân vương, nhằm dạy bảo quần thần, tỏ thái độ hòa mục với ngoại bang. Đó thực sự còn là mong muốn của con dân - làm sao để đất nước không bao giờ còn phải dùng đến vũ khí.
Dù câu chuyện là sự thật lịch sử hay truyền thuyết, nó cũng phản ánh khát khao hòa bình của đất nước này.
Đành rằng ý muốn là một chuyện, thực tế cuộc đời đôi khi lại là câu chuyện khác, nằm ngoài mọi dự liệu. Nhưng quan điểm chiến tranh là bất đắc dĩ, là lựa chọn khi không còn cách nào tránh, phải tiếp tục bám rễ trong mọi cái đầu. Để nếu bần cùng phải cầm vũ khí chiến đấu, thì không phải là do muốn tìm kiếm sự thỏa mãn cảm hứng chiến thắng, mà mục tiêu duy nhất khi đó là để bảo vệ đất nước.
Tôi nhất quán với quan điểm ở mọi nơi, mọi lúc rằng: Thượng sách là hòa bình. Trung sách cũng vẫn là hòa bình. Chiến tranh luôn là hạ sách.
Nhưng đã nói ra một triết lý sinh tồn quan trọng như vậy, thì cũng phải nói cho hết nhẽ: Khi dân tộc này bị đe dọa về chủ quyền, thì việc bó giáo xin hàng không bao giờ là lựa chọn của cha ông.
Nếu bị đẩy vào tình huống ấy, chỉ có một cách duy nhất để có được hòa bình, ấy là muôn người phải như một, muôn người phải liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh đối kháng.
Ông cha ta đã làm thế. Thế hệ sau không thể làm khác đi.
Đứng trước tượng đài Gạc Ma, nghĩ về những bà vợ góa, những đứa trẻ lớn lên thiếu cha, nghĩ về hàng triệu con người đang cần mẫn kiếm sống, tôi thấy khôn ngoan nhất, không phải chỉ thời điểm này, mà mọi lúc, là phải tìm mọi cách để giữ chặt lấy hòa bình, nếu còn có thể. Tìm mọi cách, chứ không phải bằng mọi giá.
Đó chính là ý nghĩ rành mạch nhất của tôi trong cái buổi chiều trước Tượng đài Gạc Ma hôm ấy.
Nhà văn Tạ Duy Anh (Theo https://vnexpress.net)
Ảnh: st