Ngoài kinh thành Huế, cố đô này còn thu hút các du khách bởi hệ thống lăng tẩm đa dạng. Hệ thống này gắn liền với sự thăng trầm của từng chiếc ngai vàng triều Nguyễn trải dài 143 năm qua 13 đời vua với 7 khu lăng tẩm.
Dưới đây là 4 khu lăng đẹp nhất, sở hữu nhiều giá trị lịch sử đặc biệt qua các thời kỳ mà các bạn nên ghé thăm khi tới du lịch Huế.
Lăng Gia Long hay còn gọi là Thiên Thọ Lăng, là lăng có vị trí đẹp nhất bởi thế núi dáng sông bề thế, được suy tính kĩ càng. Để đến thăm Lăng Gia Long ta phải đến bến đò Kim Ngọc, xuống thuyền qua sông Hương khoảng vài cây mới đến được ngọn đồi bên bờ, nơi lăng ngự. Vua Gia Long là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, ông có công lớn trong việc mở rộng bờ cõi phía Nam, cải cách bộ máy nhà nước phong kiến bằng việc không lập hai chức Tể Tướng và Hoàng Hậu, lập bộ luật Quốc Triều Hình Luật
Vị trí của lăng phía trước có ngọn Ðại Thiên Thọ án ngữ, phía sau có 7 ngọn núi làm hậu án. Bên trái có 14 ngọn núi gọi là "tả thanh long", bên phải có 14 ngọn gọi là “hữu bạch hổ”. Lăng được chia làm 3 khu vực: Lăng mộ vua và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu ở chính giữa. Bên phải là khu tẩm điện thờ Hoàng đế và Hoàng hậu. Bên trái là Bi Đình, là tấm bia lớn khắc “Thánh Ðức Thần Công” do vua Minh Mạng soạn ra nhằm ca ngợi vua cha được chạm khắc tinh tế, sắc sảo.
2. Lăng Minh Mạng
Lăng Minh Mạng hay còn gọi là Hiếu Lăng, nằm trên ngọn núi Cẩm Kê cách thành phố Huế khoảng 14 km. Lăng được khởi công xây dựng từ năm 1840 do chính vua Minh Mạng chỉ đạo và sau đó tiếp tục được vua Thiệu Trị xây dựng hoàn tất vào năm 1843. Quần thể lăng tẩm quy mô này bao gồm 40 công trình lớn nhỏ, có cung điện, đền miếu và đài tạ... Tất cả đều được bố trí trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700 mét từ Đại Hồng môn ngoài cùng tới chân tường của la thành sau mộ vua.
Vua Minh Mạng trong lúc trị vì đã có công lớn biến lãnh thổ Việt Nam ta dưới thời Minh Mạng trở thành một quốc gia hùng mạnh trong khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ. Không chỉ mở rộng về phần lãnh thổ, ông còn cho lập Quốc Tử Giám, thiết lập tỉnh thành, bãi bỏ dinh trấn và định lại quan chế. Ông có 142 người con, tại vị được 21 năm, là vị vua thành công nhất của nhà Nguyễn.
3. Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức hay còn gọi là Khiêm Lăng, là lăng tẩm đẹp nhất trong 7 lăng tẩm hiện hữu. Lăng được vua Tự Đức cho xây từ khi còn trị vì, ông cho đặt tên ban đầu là Vạn Niên Cơ, song vì biến Loạn Chày Vôi mà đổi thành Khiêm Cung. Khi cho xây công trình này, đã làm hao tốn một lực lượng lớn của cải và công sức của nhân dân, khiến cho biến loạn diễn ra, để tạ lỗi với nhân dân, ông đã cho đổi tên thành chữ “Khiêm” tức “khiêm tốn”. Sau khi ông mất thì đổi tên thành Khiêm Lăng cho đến ngày nay.
Lăng Tự Đức có nét đẹp thơ mộng, hữu tình bởi ông vốn là người theo nghiệp văn chương, tính tình có đôi chút nghệ sĩ. Bên trong lăng là những con đường lát gạch Bát Tràng quanh co, với cây cối, chim muông đầy thi vị. Ông cho xây lăng lúc cuộc đời gặp nhiều bất trắc với bệnh tật và loạn trong giặc ngoài nên xem đây còn là nơi “giải sầu” cho chính mình. Trong lăng còn có nơi để câu cá, ngâm thơ, thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên tươi đẹp...
4. Lăng Khải Định
Lăng Khải Định còn gọi là Ứng Lăng, được xem là lăng tẩm có kiến trúc độc đáo nhất so với cả 7 lăng tẩm nhà Nguyễn. Lăng Khải Định mất 11 năm để hoàn thành và mang kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và Phương Tây. Vua Khải Định vốn đam mê văn hóa, kiến trúc phương Tây nên ông có cá tính muốn xây dựng một lăng tẩm hoàn toàn phá cách khác hoàn toàn so với các bậc tiền bối của mình.
Ông cho mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise… tại Pháp và sang Trung Quốc, Nhật Bản để mua đồ sư, thủy tinh màu… Về mặt tổng thể, lăng Khải Định có hình chữ nhật cao 127 bậc, ảnh hưởng của rất nhiều nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique… Cụ thể như: Trụ cổng hình tháp (Ấn Độ giáo ), Trụ biểu dạng stoupa (Phật giáo), Hàng rào hình thánh giá, Nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể…