17/04/2023
Người Miêu (H’mong) Lịch Sử của một dân tộc lưu vong
Sắc tộc H’mong hay còn gọi là Miêu tộc hoặc người Mèo, ước tính hiện có khoảng hơn 6 triệu dân trên thế giới, sinh sống chủ yếu ở Trung Quốc và rải rác ở các nước Việt Nam, Lào, Thái, Miến Điện và Hoa Kỳ. Họ có lịch sử lâu đời và hùng tráng nhưng lại kém may mắn để rồi suy vong mà trở thành một sắc tộc miền núi. Người Trung hoa xưa phân biệt sắc tộc H’mong ra làm hai loại: đã thuần và loại hoang.
Nguồn gốc Miêu tộc
Nhiều nhà sử học đồng ý rằng trong thời cổ đại giống H’mong xuất phát từ châu Âu, di dân dần đến vùng đồng bằng khô Siberia rồi mới đến định cư ở lưu vực sông Hoàng Hà vài ngàn năm trước. Số phận dân H’mong bắt đầu gắn liền với lịch sử Trung Quốc có thể vào khoảng 3000 năm trước Công Nguyên đến năm 1200 trước Công Nguyên. Khoảng năm 2700 trước Công Nguyên, những di dân từ Siberia đã di chuyển và định cư tại lưu vực sông Hoàng Hà ở vùng thượng Hà Nam. Cũng có nhiều truyền thuyết nói đến sự hùng mạnh của Miêu tộc. Theo người Hoa thì Hiên Viên đã tìm cách tiêu diệt Xi Vưu là tù trưởng của Miêu tộc để chiếm miền lưu vực Hoàng Hà. Sau khi toàn thắng, Hiên Viên lên ngôi xưng là Hoàng đế mở đầu thời Ngũ đế. Tuy Hoàng đế chỉ là một nhân vật huyền thoại của người Hoa nhưng phần nào đã nói lên được sự xung đột giữa 2 dân tộc Hoa – Miêu đã xảy ra rất sớm và kéo dài suốt lịch sử Trung Quốc.
Cuộc sống mới với Miêu tộc qua các triều đại
Đến đời nhà Chu (1059-221 trước CN) Vũ vương đã đày một số người tộc Miêu lên vùng biên cương Cam Túc, tịch thu hết ruộng đất của họ và bắt họ canh tác, nhưng họ đã bỏ trốn vào rừng sau đó. Đến thế kỷ thứ XII trước CN, Miêu tộc đã kết hợp với các bộ tộc man rợ khác như Tây Nhung, Khuyển Nhung, Rong và Di ở lưu vực sông Vị nổi lên đánh phá các đồn trú phòng của quân nhà Chu. Nhánh tộc Miêu này về sau không còn nghe nói đến trong lịch sử Trung Quốc mà chỉ xuất hiện qua vài truyền thuyết.
Số tộc Miêu còn lại ở nội địa cũng bị đàn áp không kém bởi nhà Chu, do đó mà họ luôn nổi dậy. Năm 826 trước CN, Miêu tộc bị thảm bại, phải chạy trốn khắp nơi, một số chạy đến bờ biển, theo thuyền xuôi vào biển Nam, một số chạy đến Quảng Tây, Hồ Nam; số lớn di tản vào vùng thượng du Tứ Xuyên và Quý Châu. Tiếp sau đó Trung Hoa bước vào loạn lạc Xuân Thu (722-481 trước CN), rồi Chiến Quốc (453-221 trước CN). Số phận Miêu tộc không nghe nhắc đến trong giai đoạn này của sử Trung Quốc. Mãi đến khi nhà Hán lên ngôi (206 trước CN – 220 sau CN), quân Hán đã mở trận càn quét cuộc nổi loạn của Miêu tộc ở phía nam Hồ Nam, và tướng Mã Viên, người chỉ huy cuộc chiến này đã chết cùng với hơn 2 vạn quân vì bệnh dịch trong cuộc hành quân. Nhà Đông Hán đã trả thù bằng cách tàn sát mọi dân lành, cướp bóc và đốt phá các làng mạc người Miêu trong vùng liên tục trong 3 năm nhưng vẫn không tiêu diệt được tinh thần tự cường của họ. Đến thời Tam Quốc thì người Miêu lại lớn mạnh và làm chủ phần lớn đất Hồ Nam và Quý Châu. Họ còn quay về chốn cũ ở Hà Nam, Sơn Tây và phía đông An Huy. Sau đời Tần (265-316) thì đất nước trung hoa rơi vào hỗn loạn của thời Nam Bắc triều (hay còn gọi là Lục triều: 317-589) thì khoảng từ năm 403 đến 461 đã có đến hơn 40 lần người H’mong nổi dậy để đòi độc lập. Đến giữa thế kỷ thứ VI, người H’mong đã thiết lập được một cường quốc tạm khá rộng ở phía Tây Trung Quốc. Họ được các thế lực Nam và Bắc triều mua chuộc, lôi kéo nên một số danh sĩ đã được tiến cử vào triều làm quan. Nhưng thời gian vui hưởng này không kéo dài được lâu. Khi Lý Uyên thiết lập nhà Đường (618-97) thì bắt đầu đánh dẹp và thu hồi đất đai đã mất vào tay các bộ tộc, trong đó có người H’mong. Đổi lại, nhà Đường cho các vùng ấy được tự trị và phải đóng thuế cho triều đình, chấm dứt thời kỳ oanh liệt.
Đến năm 907, trung hoa lại bị loạn lạc với thời kỳ Ngũ đại Thập Quốc (907-960), nhà Hậu Chu cố đánh lấy vương quốc H’mong. Đến khi nhà Tống tái thống nhất Trung Quốc (960-1279), lại cử binh giành lại các vùng đất Hồ Bắc và Hồ Nam. Trong các cuộc giao tranh, toàn bộ vương triều của người H’mong bị tiêu diệt, và đây cũng là bước ngoặt lịch sử chấm dứt thời vàng son của người H’mong. Người H’mong lại phải chạy trốn vào vùng Quý Châu và Tứ Xuyên, số khác lại chạy xuống Quảng Đông và Quảng Tây, trở thành những bộ lạc thiểu số. Quan cai trị lại còn chia rẽ họ bằng cách phân nhóm và buộc họ phải ăn mặc những y phục khác có màu khác nhau. Tuy vậy họ vẫn luôn tìm cách liên kết với nhau khi cần chống lại kẻ thù chung.