18/06/2023
’s day
… hành trình nào cũng có những câu chuyện,
Tháng 4 - 2020, công ty khó khăn nên cắt giảm nhân sự, bạn mất việc. Vẫn mặc bộ đồ đi làm đó, bạn vào công viên, mua một cốc cà phê rẻ tiền rồi nhìn những cột nước và ngắm người ta đi bộ trong đó. Lòng dạ rối bời vì sẽ không biết phải làm những gì trong thời gian sắp tới, khi đâu đâu cũng cách ly, cũng làm ở nhà và đóng cửa. Bạn nói bạn có mấy miệng ăn ở nhà phải lo, tiền nong chỉ xoay xở được vừa đủ, vẫn chưa nói với vợ. Không có trách móc gì, chỉ là tiếng thở dài, một tiếng trầm, nặng và rồi trôi đi như gió thoảng. Tôi ngồi cạnh và biết áp lực kinh khủng của việc thất nghiệp vào tuổi này sẽ như thế nào, đó là một gánh nặng vô hình, không tên nhưng đau âm ỉ trên ngực. Tôi nói buồn lấy ít ngày, rồi lại phải tiến lên thôi. Bạn bảo ừ, đàn ông mà, việc gì cần làm vẫn phải làm thôi, mấy hôm nữa lại đi tìm việc. Cần tiền không, không, tao vẫn tự lo được. Lần nào hỏi cũng tao vẫn tự lo được như thế.
Những ngày Hà Nội lạnh nhất, tôi bắt một chuyến grab bike muộn về nhà sau chuyến đi. Hỏi anh chạy muộn nhỉ, giờ làm Grab có còn được như xưa không anh. Anh nói kém hơn trước nhiều, chiết khấu cao quá, nhưng biết thế nào chú. Bọn anh thất học, chấp nhận làm nghề này, vất vả tý nhưng sắp nhỏ ở nhà có Tết, hơn tháng nữa à. Lâu lắm tôi mới nghe có người dùng từ sắp nhỏ, phải rồi, anh là người miền trong, bảo theo vợ ra đây mần ăn, mỗi người một giờ giấc sinh hoạt, vợ anh chạy việc vặt thôi, anh chạy chính, nhưng có tiền cho bọn nhỏ đi học là vui rồi. Vất mấy cũng qua, chú ạ. Đến một tuổi có gia đình rồi, mình không còn quan tâm nhiều đến bản thân đâu, chỉ mong chúng nó tròn giấc, học hành sau đổi được cuộc đời, là vui, không lận đận như bố nó, là được.
Có biết bao nhiêu người ngoài kia cố gắng để nuôi những giấc mơ cho gia đình ở xa, tôi và bạn đều đã gặp những người như thế: lao động, nhận nhiều việc, tăng ca, thức khuya dậy sớm để kiếm thêm một chút, ở nhà đầy đủ thêm một phần. Còn bao nhiêu câu chuyện như thế chưa được kể.
…..
18 tuổi tôi xin tiền bố để đi chơi. Ông cho nhưng nói mấy câu lằng – nhằng, tôi giận không thèm lấy nữa, cãi nhau một trận tôi nói với mẹ từ giờ không cần xin tiền nữa mà tự đi làm. Nói thế xong đập lợn, bán cái máy điện thoại cùng thằng bạn lấy tiền đi khắp nơi tìm máy cũ về đem bán. Một ngày dễ đi đến cả trăm cây, hang cùng ngõ hẻm, cứ hàng thợ quen nào gọi là lên đường. Đi nhiều tiền cũng nhúc nhắc, nhưng vất vả quá, còn bị lừa vì mình non tay nhiều bận, rồi phải lăn ra học sửa máy, bán sim để bù lỗ. Có tiền đi với anh em, người yêu thật đấy, nhưng quan điểm về tiền rồi khác hẳn, đầu óc mông muội mới lờ mờ hiểu vài điều người lớn ở nhà nói về tiền bạc lao động, nhưng giận vẫn giận mà thi gan để làm. 25, 27 rồi khác, về nhà biết cúi đầu trước cha mẹ, nhớ cảnh dúi được vài triệu vào tay mẹ năm xưa bị đẩy ra lại phải để trên bàn rồi chạy ra ngoài hút thuốc. Sau này đi học xa nhà mẹ lận trong hộp sắt ra toàn tiền của mình, gói ghém dặn dò cẩn thận nhét vào túi, mới nhận ra hai người chưa tiêu một đồng nào tiền mình gửi. Đêm trước ngày đi nghe bố giục mẹ đổi lấy ít đô cho nó sang kia tàu xe mà quặn lòng. Muốn nói nhiều nhưng cũng không dám nói, đành thôi.
…..
Cứ thế rồi mấy gã trẻ trai - vụt lớn. Bạn bè thân thiết của tôi do hoàn cảnh phần nhiều đều hiểu chuyện sớm, những đứa ấy nhìn nó đàng hoàng, chăm chỉ, cẩn thận, khác xa cái vẻ khuỳnh khoàng, bộp chộp thể hiện ngày xưa tôi biết, đến nỗi sững sờ. Những người tôi gặp sau này nữa, bao câu chuyện tai nghe mắt thấy trên đường rong ruổi của cuộc đời đều dạy tôi cách sống người hơn, đàn ông hơn so với tôi ngày trước. Ai rồi cũng vậy.
Chúng ta vào đời khoác trên vai trách nhiệm, bổn phận, những thứ vô hình ấy không ai tự đặt lên mình mà bản thân đến một độ chín, sẽ tự nhận lấy những điều đó, sẵn sàng gánh vác và đánh đổi.
Làm đàn ông là vậy, có những điều phải làm, có những việc phải cố, hầu hết đều là những tâm sự không cần nói ra. Chẳng phải để giữ cho mảnh đất dưới chân và chăm cho người trong mộng được đầy đủ đâu, không phải thế, mà để sau này làm chồng, làm cha, làm cái cột cái kèo dưới mái nhà được vững chãi, mọi người yên lòng khi nhìn thấy mình ở đó, nói: tôi đây, anh đây, con về rồi đây. Ai dạy cho ta những điều đó ngoài những khó khăn mà cuộc sống mang lại? Những ngày tăng ca, gối mỏi, mắt mờ, phấn đấu để làm gì, tôi nghĩ, tất cả chúng ta đều có câu trả lời cho riêng mình.
Cuối cùng, cho bố, những ngày ở rất xa xứ lạnh và ăn uống đạm bạc. Giờ này đã được ngơi nghỉ.
Người ta nói lòng mẹ như biển rộng, không thấy bến bờ, mênh mông và bao bọc lấy tất cả. Còn cha, giống như ngọn núi, sừng sững ở đó, trầm mặc yên ổn, khiến ta ngước nhìn rồi cũng biết học cách cúi đầu.
Chúng ta là những chàng trai trẻ, xuất phát đều như ngọn đồi nhỏ, hy vọng rằng mai này, ai rồi cũng sẽ trở thành những ngọn núi lớn.
From BeP