28/08/2023
Xôi ngũ sắc Hà Giang là món ăn nổi tiếng, có màu sắc bắt mắt và hương vị đặc biệt làm bao thực khách mê mẩn.
Hãy cùng Food tour Hà Giang tìm hiểu kỹ hơn ý nghĩa, cách làm và nơi thưởng thức món xôi ngũ sắc Hà Giang chuẩn vị này!
Xôi ngũ sắc – món đặc sản Hà Giang quan trọng, có ý nghĩa thiêng liêng và là món ăn được rất nhiều khách du lịch yêu thích. (Nguồn: truyenhinhdulich.vn)
Xôi ngũ sắc là món ăn được người dân tộc Tày sáng tạo ra. Người ta coi nó là món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ ngày lễ, Tết hay các dịp sinh hoạt cộng đồng tại nơi đây. Và không biết từ bao giờ, xôi ngũ sắc đã trở thành món đặc sản Hà Giang nổi tiếng với du khách bốn phương.
Gọi là xôi ngũ sắc bởi món ăn này có 5 màu sắc khác nhau. Đó là các màu: trắng, đỏ, xanh, vàng và tím. Chúng mang một ý nghĩa nhất định vô cùng thiêng liêng. Ngũ sắc ấy tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ với ý nghĩa cầu mong một năm mới làm ăn thuận lợi, mọi việc đều hanh thông.
Xôi ngũ sắc có 5 màu trắng, đỏ, vàng, xanh và tím mang ẩn ý cầu cho một năm mới làm ăn thuận lợi, nhiều tài nhiều lộc.
Cụ thể:
- Màu đỏ mang ý nghĩa của sự khát vọng.
- Màu vàng tượng trung cho sự ấm no, đủ đầy.
- Màu xanh chính là màu xanh của núi rừng, cỏ cây, hoa lá với ẩn ý cầu cho đất đai luôn màu mỡ, trù phú, mùa màng bội thu.
- Sắc trắng tượng trưng cho lòng chung thuỷ và tình yêu son sắt của lứa đôi.
- Màu tím sẽ tương ứng với yếu tố thuỷ cầu cho cả năm mưa thuận gió hoà.
Khi tất cả kết hợp lại với nhau, chúng sẽ mang đến một tổng thể hài hoà với luật âm dương ngũ hành. Hơn nữa, sự hoà quyện ấy còn góp phần tạo nên một mối quan hệ Thiên, Địa, Nhân luôn hoà thuận. Theo quan niệm của người Tày, màu sắc của món xôi càng đẹp thì gia chủ đó sẽ càng phát đạt, thịnh vượng. Vì vậy, người phụ nữ khi nấu xôi đều rất cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ.
Người Tày cho rằng màu sắc của xôi ngũ sắc càng đẹp, càng bắt mắt thì cả năm gia chủ sẽ càng thịnh vượng và phát đạt.
Ngoài ra, xôi ngũ sắc Hà Giang còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc khác. Bên cạnh là món ăn mang đi đường, nó còn là biểu tượng cho sự tài hoa và chăm chỉ, tần tảo. Chưa hết, nó còn tượng trưng cho khát vọng đoàn kết giữa các anh em dân tộc thiểu số. Vì vậy, xôi ngũ sắc đã trở thành nét đẹp văn hoá tâm linh quan trọng và thiêng liêng.
Để tạo ra được món xôi ngũ sắc dẻo thơm, và đẹp mắt , người phụ nữ Tày lựa chọn gạo rất kĩ càng và tỉ mỉ. Gạo được chọn phải là loại gạo nếp cái hoa vàng loại thượng hạng. Người ta luôn lấy gạo từ những thửa ruộng bậc thang Hà Giang, do chính người dân địa phương trồng. Vì thế, xôi mới có được độ dẻo, mềm và có hương thơm đặc trưng và không hề bị khô cứng khi để lâu.
Gạo dùng để làm xôi ngũ sắc phải là gạo nếp cái hoa vàng có hạt tròn, to, chắc mẩy thì xôi mới dẻo và thơm.
Khi chọn gạo nếp cái hoa vàng, cần phải chọn lựa thật cẩn thận. Những hạt gạo phải thật trắng, đầy đặn, chắc mẩy. Tuy nhiên, không phải mẻ gạo nào cũng đều nhau 100%. Sau khi mua gạo về, người dân còn phải sàng lọc một lần nữa để loại bỏ những hạt gạo sâu, lép.
Xôi được nhuộm hoàn toàn bằng các nguyên liệu tự nhiên. Là các lá cây hoặc củ quả hái trên rừng. Để có được màu đỏ đẹp mắt, người ta dùng gấc hoặc lá cơm đỏ để nhuộm. Màu xanh là lá gừng hoặc lá nếp. Màu vàng được nhuộm từ nước nghệ tươi hoặc quả dành dành. Còn màu tím là lá cẩm đen. Màu trắng là màu nguyên bản của gạo nếp.
Xôi ngũ sắc được nhuộm hoàn toàn bằng các nguyên liệu núi rừng chứ không hề dùng màu thực phẩm.
Chế biến xôi ngũ sắc không hề khó nhưng nhiều công đoạn. Hơn nữa, món ăn này còn đòi hỏi người làm có nhiều kinh nghiệm thì mới có thể chọn được nguyên liệu chuẩn, hay đong mức nước, đun mức lửa như thế nào. Dựa vào kinh nghiệm nấu xôi lâu năm, người ta sẽ ngâm gạo nếp cái hoa vàng vào trong nước rồi để qua đêm. Công đoạn này giúp gạo nở đều và mềm ra cho dễ nấu.
gạo được ngâm gạo trong khoảng 6 – 8 tiếng, và chuẩn bị các nguyên liệu để nhuộm gạo. Để tạo ra món xôi ngũ sắc có 5 màu rực rỡ, nhuộm màu là một công đoạn vô cùng quan trọng.
Những người phụ nữ dân tộc Tày khéo léo chế biến các loại nguyên liệu để nhuộm màu cho gạo
Chia số gạo đã chuẩn bị thành 5 phần bằng nhau. Để ra được màu tím, người ta sẽ rửa sạch lá cẩm sau đó thả vào nồi nước sôi. Phần nước luộc nên pha với chút muối để gạo thêm đậm đà. Luộc kỹ lá cẩm để nó tiết ra hết ra chất có màu tím. Sau đó, vớt lá cẩm ra và cho gạo vào ngâm trong khoảng 10 tiếng. Sau khi ngâm không cần xả lại nước nữa.
Lá cẩm dùng để tạo ra phần nước có màu tím giúp người phụ nữ Tày nhuộm màu cho gạo được đẹp mắt
Tiếp đến, đem lá gừng đi rửa sạch, cắt nhỏ rồi giã lấy phần nước có màu xanh lá. Dùng rây lọc qua lọc lại nhiều lần để lấy sạch nước và loại bỏ hoàn toàn phần bã của lá. Pha phần nước màu với nước rồi đổ gạo nếp cái hoa vàng vào ngâm trong khoảng 10 tiếng đồng hồ. Sau đó, vớt gạo ra để ráo.
Giã nhuyễn lá gừng, lọc lấy phần nước cốt để nhuộm gạo giúp gạo có màu xanh lá cây mát mắt.
Màu đỏ của xôi ngũ sắc Hà Giang sẽ dùng gấc để nhuộm. Công đoạn này thì cần phải ngâm gạo trước trong khoảng 6 – 7 tiếng. Trong thời gian chờ đợi, đem gấc đi sơ chế. Gấc đem bổ đôi, vét lấy phần ruột gấc cho vào bát. Chuẩn bị một chén rượu trắng, một chút muối trộn đều cùng ruột gấc. Bóp kỹ đến khi phần thịt gấc tách ra khỏi hạt. Sau khi ngâm gạo thì trộn gấc và gạo với nhau cho đều màu.
Người ta dùng quả gấc để tạo màu đỏ tươi đẹp mắt cho xôi ngũ sắc
Màu vàng của xôi là màu của nghệ tươi. chọn những củ nghệ già để màu xôi lên được sắc vàng tươi tắn nhất. Giã nhuyễn nghệ tươi rồi trộn với một ít nước lọc. Dùng rây lọc lấy phần nước và bỏ hết bã nghệ đi. Ngoài ra, một số khu vực, người dân thường dùng quả dành dành để nhuộm màu vàng cho gạo. Quả dành dành không có mùi hắc như nghệ nên dễ ăn hơn.
Tiếp theo, pha với nước ngâm gạo rồi để qua đêm là được.
Cuối cùng là màu trắng, người ta sẽ dùng màu nguyên của gạo. Ngâm gạo nếp với nước trong thời gian từ 6 – 8 tiếng. Sau đó vớt ra để ráo là hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều người còn cho thêm vào gạo một ít nước cốt dừa để tạo được mùi thơm béo ngây cho xôi.
Sau khi đã hoàn thiện công đoạn ngâm gạo, người ta bắt đầu đi đồ gạo nấu xôi. Mỗi màu sẽ được đồ ở một chõ riêng từ thấp lên cao. Nên nấu xôi bằng chõ để xôi có độ tơi dẻo và ngon nhất. Theo kinh nghiệm, người ta sẽ cho phần gạo có màu dễ phai nhất vào chõ đầu tiên. Tiếp đến là các màu nhạt hơn và màu trắng ở trên cùng.
Cho các màu gạo lần lượt từ màu dễ phai đến màu khó phai và màu trắng ở trên cùng và đổi nước vào đun sôi
Cho gạo vào đến đâu, người ta sẽ đổ nước vào đến đó một khoảng bằng 1/3 chõ. Đạy nắp chõ và để lửa to đun đến khi nước sôi thì hạ thấp mức lửa xuống. Cứ thế hấp xôi trong vòng 30 phút cho gạo chín hoàn toàn. Nếu muốn xôi ngũ sắc Hà Giang thêm thơm, béo ngậy mùi dừa thì bạn có thể cho thêm nước cốt dừa vào. Sau đó hấp thêm 5 – 10 phút thì tắt bếp.
Khi nếm thử một miếng xôi ngũ sắc Hà Giang, các bạn sẽ cảm nhận được độ dẻo mềm khó mà lẫn với loại xôi nào khác. Xôi ngũ sắc ăn không cũng đã rất ngon. Tuy nhiên nhiều người còn chấm với muối lạc hoặc muối vừng để tăng độ đậm đà.
Xôi ngũ sắc Hà Giang khi ăn có thể chấm cùng với muối vừng hoặc muối lạc để tăng độ đậm đà, đặc biệt ngon nhất khi kết hợp cùng món cá nướng than
Cá nướng trên than đỏ rực của bếp củi, ăn cùng xôi ngũ sắc là 1 món ăn truyền thống, không thể thiếu khi mỗi dịp lễ tết, hay ngày mừng lúa mới của người dân tộc tày ở nơi đây.
Cách trình bày món đặc sản Hà Giang này cũng được người dân tộc Tày hết sức chú tâm. Người ta thường trang trí 5 màu xôi thành bông hoa 5 cánh, mỗi cánh là một màu khác nhau. Hoặc bạn có thể dùng khuôn gỗ để tạo hình cho xôi thêm đẹp mắt. Ngoài ra, người ta còn đúc xôi thành hình tháp hay hình chữ nhật. Sau đó, gói trong lá chuối hoặc lá d**g để giữ mùi cho xôi.
Món xôi ngũ sắc Hà Giang là một món ăn đậm nét văn hoá, chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao.
Chúc bạn có một chuyến du lịch Hà Giang trọn vẹn và đừng quên thưởng thức món xôi hấp dẫn này nhé!