15/07/2016
Dù ai đi ngược về xuôi
Tháng 6 âm lịch chèo bơi thì về.
Lễ hội Vân Đồn Lịch Sử Quan Lạn quê tôi đã sắp đến, lễ hội là một nét văn hóa đặc trưng của quê tôi, được duy trì từ thời cha ông, tưởng nhớ công lao to lớn của tướng Trần Khánh Dư và các tướng sĩ nhà trần. Lễ hội diễn ra từ ngày 10/6 đến hết 19/6 âm lịch (13/7 - 22/7/2016) chính hội là 18/6 âm (21/7/2016) xin mời các du khách gần xa hãy đến Quan lạn quê tôi dự hội và những người con xa quê hương Quan Lạn đừng quên nhé!
Xin giới thiệu vài nét về nguồn gốc lịch sử và những nét đặc trưng của Lễ hội truyền thống quê tôi:
Bắt nguồn từ trận chiến quân Nguyên Mông lần thứ 3 vào năm 1287 - 1288 khi quân Nguyên sang đánh nước ta, với hơn 50 vạn quân binh. Vua tôi nhà Trần kêu gọi nhân dân cùng đưa giặc vào thế trận vườn không nhà trống.
Giặc Nguyên Mông cử tướng Trương Văn Hổ, dẫn theo 500 chiến thuyền tải lương tiếp viện cho quân giặc. Tướng Trần Khánh Dư lúc đó được Vua Trần giao trấn ải Vân Đồn. Khi giặc tiến vào sông Mang, Tướng Trần Khánh Dư chỉ huy các tướng quân nhà Trần, cùng với 3 vị phó tướng họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Qúy Công, Phạm Thuần Dụng), cũng là 3 anh em ruột, người địa phương đóng quân mai phục ở 2 bên bờ Sông Mang là Lòng Dinh (Tân Lập) và Khe Cỏ (Đền Vân Hải - Sơn Hào hiện nay), dùng hoả công phóng đốt, mặt khác dùng thuyền nhỏ bám sát, cho các thợ lặn giỏi lặn xuống, đục thủng thuyền giặc. Giặc bị bắt, bị giết, máu giặc đỏ ngòm sông Mang, 3 vị phó tướng họ Phạm và nhiều tướng sĩ quân ta cũng đã hi sinh trong trận chiến. (có người còn nói Sông Mang sau đó gọi là sông Máu, nhưng sau này do cái tên Sông Máu mang ý nghĩa chết chóc, tang thương nên đã đổi tên thành sông Mang).
Trương Văn Hổ và một ít quân tùng tùng còn lại mở đường máu bỏ chạy, nhưng không thoát. Trong vòng 10 ngày, quân ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 500 chiến thuyền lương của giặc. Trận chiến lịch sử vào trung tuần tháng 6 âm lịch năm 1288 đã góp phần vào thắng lợi trận chiến quân Nguyên Mông lần thứ 3, tạo tiền đề cho đại thắng Bạch Đằng Giang và làm rạng rỡ thêm trang sử truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha ta.
Từ đó hàng năm, cứ đến dịp trung tuần tháng 6 âm lịch, dân làng đều tổ chức lễ hội Vân Đồn lịch sử, để tưởng nhớ đến công lao, sự hy sinh to lớn của các tướng sĩ nhà Trần.
Khi Lễ hội diễn ra, những người được chọn tham gia phải là nam giới người địa phương có sức khỏe, biết bơi lặn, biết chèo thuyền, lập ra 2 giáp (Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ) lập doanh trại đóng quân ở 2 nơi, quy định từ thôn Bấc trở vào là giáp Đông Nam Văn, từ thôn Đoài trở ra là giáp Đoài Bắc Võ. Tất cả mặc trang phục thời xưa. Hai bên được chia bằng nhau và bốc thăm nhận mỗi bên một thuyền rồng để tập luyện, bầu ra mỗi bên một tướng để chỉ huy. Người được chọn đóng tướng, phải là người có tài, có sức khỏe và được dân làng tín nhiệm. Giáp Đông Nam Văn trang phục đai áo màu xanh, giáp Đoài Bắc Võ trang phục đai áo màu đỏ,
Lễ hội truyền thốngVân Đồn lịch sử được bắt đầu từ ngày 10/6 âm lịch đến hết ngày 19/6 âm lịch hàng năm.
Ngày 10: Khóa làng: nội bất xuất, ngoại được nhập (quy định rằng trong 10 ngày diễn ra lễ hội những người dân trong làng chỉ được về, không được đi trong những ngày diễn ra lễ hội.) Xưa kia, trong làng quy định người dân trong làng, ai còn cố tình đi khỏi làng trong 10 ngày lễ hội còn bị làng phạt, thậm chí là đốt tầu, phá thuyền. Ngày nay, tục lệ không còn khắt khe thế nữa, nhưng trong thâm tâm của người dân nơi đây đều nghĩ, mình không nên đi trong những ngày lễ hội, sẽ không được thần linh phù hộ, sẽ gặp đen đủi cả năm.
Ngày 11, 12, 13, 14, 15: đánh trống hội thu dầm, luyện tập, tế lễ, tổ chức các trò chơi truyền thống.
Ngày 16: Rước sắc thần từ Nghè về Đình tế lễ, cả 2 giáp mặc trang phục lễ hội, mang theo bát bửu (8 loại binh khí thời xưa) cùng với các vị bô lão trong làng và toàn thể dân làng mang theo kiệu bát cống (8 người khiêng) rước sắc thần từ Nghè về Đình chứng kiến dân làng tổ chức lễ hội, sau đó về giáp tổ chức khao quân.
Ngày 17: Tế Lễ Miếu Đức Ông, (miếu thờ 3 vị phó tướng, 3 anh em họ Phạm), tế lễ Đình Quan Lạn. giao lưu văn hóa văn nghệ chào mừng lễ hội, các màn hát múa diễn lại Thế trận Vân Đồn.
Ngày 18: Là ngày chính hội Chèo bơi.
Trước khi xuống thuyền, 2 giáp đánh trống hội thu dầm báo hiệu có giặc đến, bắt đầu trận chiến, lượn quân 3 vòng diễu hành ngược chiều nhau, gặp nhau 3 lần trên bộ dàn thế trận, thể hiện 3 lần thắng giặc Nguyên Mông của quân dân nhà Trần. Sau đó buổi chiều, khi thủy triều lên cao nhất, hai bên cõng tướng xuống thuyền rồng, bơi thuyền 3 vòng gặp nhau 3 lần rồi vào trước cửa Miếu Đức Ông đọc hịch rao. Mỗi khi vị tướng rao hịch dứt câu, quân sỹ khua dầm hò reo ầm ĩ , khí thế đầy sự thách thức đua tranh. Nội dung bài hịch rao nói về chiến công hiển hách của tướng quân nhà trần, cầu cho dân an, nước bình, làm nức lòng quân sĩ.
Sau khi hịch giao vừa rứt, 2 bên quay thuyền ra. Cuộc đua chính thức được bắt đầu, khí thế hừng hực, dân làng hò reo, cổ vũ ầm ĩ. Bên nào vào trước là đại thắng, cõng tướng ăn mừng, bên thua đành ngậm ngùi hẹn mùa lễ hội năm sau. Nhưng ý nghĩa của lễ hội là ôn lại trận chiến, tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông cha, nên việc thắng hay thua cũng không nặng nề lắm. Bên thắng, bên thua đều về giáp mình, cùng dân làng liên hoan mừng cho lễ hội thành công.
Ngày 19: Cúng lễ Kỳ an, khao quân đôi bên rồi xe giá hoàn cung (rước thần lại về Nghè).
(Sưu tầm )