29/09/2022
TẠI SAO QUẢNG NINH GIÀU?
Từng có một giai đoạn Bảo tàng Quảng Ninh bị “ném đá” rất dữ dội, vì đa phần người ta nhìn vào thực trạng ngành bảo tàng Việt Nam bấy giờ và nghĩ rằng đây sẽ là một công trình thất bại, một công trình “vẽ vời” và xấu quách - vì bề ngoài của nó màu đen lấy cảm hứng từ than đá. Và trong tâm trí người Việt thì vốn không ưa màu đen lắm. Vậy mà cuối cùng, nơi đây trở thành điểm check-in đông đảo bậc nhất, được giới trẻ và du khách nước ngoài rất ưa thích, là một trong những bảo tàng đông khách bậc nhất Việt Nam, trở thành một biểu tượng mới đứng song hành cùng vịnh Hạ Long.
Tất nhiên, Quảng Ninh không chỉ có bảo tàng mà còn có bãi tắm nhân tạo, cung triển lãm cá heo, tháp đồng hồ, cung đường ven biển lớn đẹp bậc nhất Việt Nam…
Nhiều năm trước đây, khi nhắc đến Quảng Ninh, người ta thường nhắc về than đá và di sản Hạ Long. Đến Quảng Ninh thì người ta thường sẽ nghĩ ngay là đến Hạ Long mà đến Hạ Long rồi thì chỉ có đi vịnh và… hết. Bài toán mà các lãnh đạo Quảng Ninh, trong đó có Thủ tướng Phạm Minh Chính (hồi làm bí thư tỉnh) từng đặt ra rằng nếu chỉ dựa vào vịnh Hạ Long thì du lịch Quảng Ninh sẽ phần lớn sẽ dựa vào mùa hè còn mùa đông thì “đóng băng”. Nhưng giờ khi người ta đến Quảng Ninh chẳng cần phân biệt mùa màng, chẳng lo nóng lạnh, hút khách bốn mùa bởi hệ sinh thái hạ tầng du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi giải trí đáp ứng gần như hoàn chỉnh nhu cầu của khách…
Không phải tự nhiên mà Quảng Ninh luôn nằm trong danh sách 5 địa phương có lượng khách đông nhất, doanh thu cao nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022, vượt xa những cái tên lừng lẫy khác như Đà Lạt, Đà Nẵng, Khánh Hòa… Đấy là chưa kể thị trường Trung Quốc chưa mở và khách du lịch Trung Quốc chưa đổ bộ xuống Việt Nam.
Than đá tại Quảng Ninh đã được khai thác trong cả trăm năm và ngày càng khó thai thác hơn trước. Tài nguyên thiên nhiên nào thường cũng có giới hạn và làm sao khi cái giới hạn đó kết thúc, người ta tìm ra một cái giới hạn mới, bền vững hơn, có thể đó là du lịch, có thể đó là xuất nhập khẩu, có thể đó là sản xuất hàng hóa, có thể là giao thông vận tải…
“Thách thức lớn nhất của Quảng Ninh là làm sao để người ta không hoặc hạn chế nhắc đến than đá, không “đào xúc, múc bán” nữa. Năm 2000, người ta nhắc đến than đá thì đồng ý nhưng nếu năm 2020 mà vẫn còn nhắc đến than đá nữa thì là một thất bại”
Nằm gần Trung Quốc - một quốc gia du lịch bạo chi, dễ tính và cũng nắm vững nhu cầu sang Trung Quốc “đánh” hàng và du lịch của người Việt Nam, một bài toán đặt ra với Quảng Ninh đó là làm sao rút ngắn tuyến đường từ Hà Nội, Hải Phòng đến Móng Cái hơn nữa? Hãy thử nghĩ xem, du lịch Hạ Long sẽ “bay” như thế nào khi Trung Quốc mở cửa trở lại và những đoàn khách từ Trung Quốc đi cao tốc từ Móng Cái hoặc hạ cánh tại Vân Đồn tạo ra nguồn doanh thu lớn đến thế nào?
Ai chê khách Trung Quốc thì chê nhưng rõ ràng không thể phủ nhận những nguồn tiền dồi dào từ đối tượng khách này. Và đừng quên rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và cao tốc này khiến hành trình hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam và ngược lại nhanh và tiện hơn rất nhiều.
Trong khi nhiều tuyến của cao tốc Bắc Nam đang gặp nhiều khó khăn thì dải cao tốc từ Hà Nội đi Móng Cái đã hình thành rõ nét… Một dải cao tốc xuyên dọc tỉnh Quảng Ninh thành hình và với địa thế hẹp ngang của tỉnh, đây được coi là “xương sống” của hệ thống giao thông tỏa ra nhiều thành phố, khu dân cư khác. Tương tự như cái cách cao tốc Bắc Nam đang được triển khai và là được kỳ vọng trở thành trụ cột của giao thông Việt Nam. Thực tế, mặc dù số lượng cao tốc cao nhất nước nhưng Quảng Ninh không phải là tỉnh “xin” và chi ngân sách cho xây dựng cao tốc nhiều nhất nước. Hạ tầng tỉnh đến từ việc tạo điều kiện các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, vừa minh bạch, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa nhanh chóng và đồng bộ… Đây là hiệu quả của việc hợp tác công tư (PPP) của tỉnh với các tập đoàn địa phương, ví dụ như Sun Group. Với du khách, càng mất ít thời gian di chuyển bao nhiêu thì du khách càng vui chơi được nhiều, càng vui chơi được nhiều thì càng chi nhiều.
Nếu người nào đó hỏi tác dụng của việc các doanh nghiệp tư nhân tốn hàng tỷ đô để xây dựng cao tốc làm gì? Đơn giản lắm, điện đường đi trước, kinh tế bước theo sau… Mà có lẽ không cần nói đâu xa, đường đẹp thì sướng cái xe và cái thân trước đã!
Hồi còn làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong những người đặt nền móng cho những con đường cao tốc ở Quảng Ninh, sân bay Vân Đồn và những công trình du lịch, giao thông khác… Và khi lên làm Thủ tướng, bác Chính cũng dành nhiều thời gian đi thị sát, đốc thúc xây dựng sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc Bắc Nam, cải tổ các nhà máy trì trệ…
Nhiều người nói Quảng Ninh là Việt Nam thu nhỏ, có núi sông, có biên giới, có hải đảo, có di sản thiên nhiên và Quảng Ninh là một tỉnh hẹp ngang với đường bờ biển dài…
Ngày nay, nhắc về Quảng Ninh, người ta không chỉ nhắc về than đá và mong rằng sau này Việt Nam của chúng ta, người ta không chỉ nhắc về lúa nước và nền nông nghiệp nữa…
Một chặng đường dài sẽ phải đi và rất nhiều thứ cần phải làm, nhưng đi thì mới đến, còn đứng lại thì chẳng bao giờ thành công.
—-
Minh họa: Soha