19/04/2024
Bồ Đề Đạt Ma giảng cho Lương Vũ Đế về CÔNG ĐỨC
Theo lịch sử Phật giáo, Bồ Đề Đạt Ma Tổ thứ 28 sau Phật Thích-ca Mâu-ni của dòng Thiền Ấn Độ, và là người có công đưa Phật giáo vào Trung Hoa. Lương Vũ Đế là vị vua sáng lập nên triều đại nhà Lương (502-556). Là một người phụng sự đạo Phật, Lương Vũ Đế đã cho xây trong nước mình nhiều chùa chiền, bảo tháp. Vũ Đế hỏi nhà sư Ấn Độ: "Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?"
Đạt Ma đáp: "Không có công đức."
- "Tại sao không công đức?"
- "Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật."
- "Vậy công đức chân thật là gì?"
Sư đáp: "Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được."
Vua lại hỏi: "Nghĩa tối cao của thánh đế là gì?"
- "Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh."
- "Ai đang đối diện với trẫm đây?"
- "Tôi không biết."
Đó là những lời khai thị về yếu tính Phật pháp rất rõ ràng, nhưng Vũ Đế không lĩnh hội.
Cuộc gặp với Lương Vũ Đế cho Bồ-đề-đạt-ma thấy rõ là chưa đến thời truyền pháp tại Trung Quốc. Sau đó - theo truyền thuyết - Sư vượt sông Dương Tử bằng một chiếc thuyền con (chiếc thuyền về sau trở thành một đề tài của hội hoạ Thiền), đến chùa Thiếu Lâm ở Bắc Trung Quốc. Người ta không biết rõ Sư mất tại đó hay rời Thiếu Lâm sau khi truyền tâm ấn cho Huệ Khả. Theo một truyền thuyết thì Bồ-đề-đạt-ma về lại Ấn Độ sau chín năm lưu lại Trung Quốc.