Tên của Hội:
Hội Lữ hành thành phố Hải Phòng
Tên giao dịch tiếng Anh: Society of Travel Agents in Hai Phong city
Tên viết tắt: STA HAI PHONG
Điều 2. Tôn chỉ, mục đích của Hội
Hội Lữ hành Hải Phòng (sau đây gọi tắt là Hội) là tổ chức xã hội nghề nghiệp về lữ hành, bao gồm các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực lữ hành và dịch vụ
liên quan. Mục đích của Hội là liên kết, hợp tác, hỗ trợ cho các hội viên nâng cao trình độ nghiệp vụ và chất lượng dịch vụ lữ hành; phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Hải Phòng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên.
Điều 3. Phạm vi hoạt động của Hội
Hội Lữ hành Hải Phòng hoạt động trong phạm vi thành phố Hải Phòng, cả nước và ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và pháp luật nơi đến du lịch, Điều lệ Hiệp hội Du lịch Hải Phòng và Quy chế này.
Điều 4. Địa vị pháp lý
1. Hội Lữ hành Hải Phòng là một chi hội của Hiệp hội Du lịch Hải Phòng do Hiệp hội Du lịch Hải Phòng thành lập, có biểu tượng riêng, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hiệp hội Du lịch Hải Phòng.
2. Hội có thể mở văn phòng đại diện trong nước khi có nhu cầu.
3. Hội được tham gia các tổ chức quốc tế cùng nghề nghiệp, được lập văn phòng đại diện ở nước ngoài theo quy định của pháp luật. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI
Điều 5. Nhiệm vụ
1. Tuyên truyền giáo dục để hội viên nhận thức và thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong kinh doanh và cung cấp dịch vụ Lữ hành; động viên các hội viên tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến lữ hành, bồi dưỡng và đào tạo nhân viên lữ hành, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Du lịch Hải Phòng và Du lịch Việt Nam.
2. Tham gia các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, danh lam thắng cảnh, con người, truyền thống văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế; tham gia xây dựng đường lối, chính sách phát triển Du lịch Việt Nam khi được yêu cầu.
3. Đại diện cho hội viên kiến nghị với nhà nước về những chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện phát triển ngành Du lịch, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, giải quyết các trường hợp, vụ việc gây thiệt hại đến quyền lợi của Ngành và của hội viên theo thẩm quyền của Hội, thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước theo quy định của pháp luật.
4. Động viên sự nhiệt tình và khả năng sáng tạo của hội viên, đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong hoạt động cung cấp dịch vụ Lữ hành trên cơ sở nâng cao kiến thức, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào nghề Lữ hành.
5. Tư vấn cho các hội viên của Hội trong phát triển chuyên môn nghiệp vụ, tìm hiểu công việc. Có giải pháp cung cấp thông tin cho các hội viên, vận động hội viên thực hiện nghiêm túc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch.
6. Phối hợp với các tổ chức liên quan trong Hiệp hội Du lịch Hải Phòng và Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhằm đảm bảo thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hội, góp phần cho Hiệp hội Du lịch Hải Phòng phát triển, trở thành ngôi nhà chung của các doanh nghiệp du lịch và lao động trong lĩnh vực du lịch.
Điều 6. Quyền của Hội
1. Tổ chức các hội nghị, hội thảo để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, khuyến khích hợp tác liên kết giữa các Hội viên để nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ lữ hành.
2. Tổ chức các hoạt động đào tạo, dịch vụ, tư vấn và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ Hiệp Du lịch Hải Phòng và Quy chế này.
3. Nghiên cứu, tham gia góp ý, đề xuất kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan Nhà nước những chính sách, luật pháp trong lĩnh vực du lịch nói chung và Lữ hành nói riêng.
4. Phát triển hội viên, xây dựng cơ sở vật chất và phát triển các mối quan hệ của Hội với các tổ chức, cá nhân trong nước và ở nước ngoài theo quy định của pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả và vị thế của Hội.
5. Xây dựng hệ thống quản lý, hỗ trợ hoạt động, cung cấp thông tin, tìm kiếm việc làm cho hội viên.
6. Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động, dịch vụ, được tham gia góp vốn trong các tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.
7. Thành lập các câu lạc bộ chuyên ngành trong lĩnh vực Lữ hành.
8. Thực hiện các quyền khác của Hội theo quy định của pháp luật.