08/11/2021
ĐƯỜNG TRẦN NHẬT DUẬT - Quai Clemenceau.
Đường Trần Nhật Duật đoạn từ đầu cầu Long Biên chạy dọc theo đê sông Hồng đến ngã năm Trần Quang Khải, Nguyễn Hữu Huân, ngõ Phất Lộc, Hàng Mắm. Đường dài khoảng 800m nằm trên đất của thôn Nguyên Khiết thượng, Nguyên Khiết hạ, thôn Hương Bài, thuộc tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ.
Ban đầu đây chỉ là con đường mòn men theo khúc đê mới đắp khá nhỏ bé. Dần dần đê được củng cố, bồi đắp, chân đê to rộng ra, thân đê cao thêm lên để chống đỡ cơn lũ trên sông Hồng hàng năm đổ về. Năm 1910 mặt đường mới được trải đá sơ sài. Gặp lúc trời mưa, lối đi bùn đất lầy lội. Khi nắng to gió hất bụi mù mịt, xe bò, xe cút kít, xe tay chạy lọc xọc trên con đường mấp mô sỏi đá. Phía ngoài sông Hồng thời đó đê chưa cao, bãi cát ngoài đê nhỏ, hẹp, thuyền bè có thể đỗ sát bờ. Đây là khu vực tấp nập, nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền. Thuyền mành từ miền trung ra, thuyền mành từ miền xuôi lên. Những bè nứa chở củ nâu, vỏ trầu, măng khô, mộc nhĩ… Hàng đổ vào các lều kho trong phố. Người dân gọi đoạn phố từ chân cầu Long Biên đến Ô Quan Chưởng là phố Hàng Nâu.
Đoạn dòng sông Hồng từ Ô Quan Chưởng đến cửa sông Tô Lịch (Chợ Gạo) thuyền các tỉnh đồng bằng đến miền trung du chuyên chở thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, đỗ, hoa quả về Hà Nội. Nhiều nhất là thóc sau mỗi vụ gặt, thương nhân Hoa kiều thu mua về xay sát rồi xuất sang Hương Cảng, Tân Gia Ba… Nơi đây thành bến cảng đông vui sầm uất hội tụ thuyền bè, tầu thủy. Có tới 3 bến tầu trên cửa sông Tô Lịch.
- Bến ký Bưởi (nơi đỗ tàu của Doanh nhân Bạch Thái Bưởi)
- Bến tàu hiệu (nơi đỗ tàu của Hoa kiều)
- Bến Sô va (nơi đỗ tàu của hãng Sô va).
Thời Pháp thuộc đoạn đường từ chân cầu Long Biên đến cửa sông Tô Lịch, Pháp đặt tên "Ke Cờ lê măng xô" - Quai du Clemenceau. Dịch ra tiếng Việt: Đường bờ sông có bến thuyền đậu. Sau chiến tranh thế giới (1914 - 1918) phương tiện giao thông bằng ô tô phát triển - đường "Ke cờ lê măng xô" trở nên nhộn nhịp, tấp nập. Dân trong làng ra mặt phố mở các nhà trọ, quán nước bán quà bánh lặt vặt, những sạp tre, nứa, vầu, những lều, kho chứa hàng nông, lâm sản, củ nâu, chè mạn, măng khô, mộc nhĩ...
Hàng hóa tràn ngập đổ vào các con phố phía đằng sau của tuyến đường này, tạo nên một vùng “phố thị” rộng lớn mang nét đặc trưng của khu phố cổ với những tên phố thật gần gũi, thân thương: Phố Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Vôi, Hàng Tre, Hàng Đường, Hàng Chĩnh, Hàng Bát Đàn, Hàng Bát sứ, Hàng Chiếu, Hàng Buồm, Hàng Mây...
Năm 1888, khi Hà Nội mở khu phố nhượng địa, người Pháp tiến hành xây “tòa thương chính” ở ngay gần cửa Ô Đông Hà (Ô Quan Chưởng ngày nay). Đây là ngôi nhà to, cao hai tầng trên khu đất rộng rãi, để chúng kiểm soát và đánh thuế hàng hóa qua lại cửa sông Tô Lịch và cửa Ô Đông Hà. Sát bên tòa thương chính là trụ sở của hãng tàu thủy Bạch Thái Bưởi - nhà tư sản có tinh thần dân tộc. Ông sở hữu đội tàu hùng hậu, hoạt động ngang dọc trên khắp các dòng sông miền Bắc. Trụ sở của hãng tàu thủy với cơ ngơi 3 tầng đồ sộ, lại có thêm một tầng hầm, tường xây toàn bằng đá xanh quý hiếm. Đây là ngôi nhà cao sang nhất nhì Hà Nội đầu thế kỷ XX. Khi “tòa thương chính” dời vào sâu trong thành phố, Pháp chuyển khu này thành Trường thông ngôn - Ecole Quai Clemenceau, nhân dân cũng quen gọi là Trường Ke. Sau Giải phóng Thủ đô 1954, trường được mang tên vị anh hùng dân tộc Trần Nhật Duật.
Thời điểm người Pháp xây trường đào tạo phiên dịch, họ cũng tạo thêm một bức phù điêu đắp hình J. Dupuis đang cùng đoàn tùy tùng từ thuyền bước lên bờ. Có giai thoại kể rằng Buổi sáng, khi mới khánh thành trường trang trọng là thế, buối tối, bức phù điêu có hình tên lái buôn J. Dupuis đã bị bôi nhoe nhoét đồ phế uế, người Pháp và đám sai dịch tức điên ruột, nhưng cũng không làm gì được. Tượng đài này sau đó bị phá vào khoảng tháng 8-1945, thời kỳ Tổng khởi nghĩa.
- Bài viết đã được biên tập và bổ sung thông tin so với bài viết gốc trên báo Doanh nghiệp.
- Ảnh sưu tầm từ nhiều nguồn.