16/11/2021
87 𝓜𝓪̃ 𝓜𝓪̂𝔂 - 𝓝𝓱𝓾̛̃𝓷𝓰 𝓷𝓰𝓸̂𝓲 𝓷𝓱𝓪̀ 𝓗𝓪̀ 𝓝𝓸̣̂𝓲 𝔁𝓾̛𝓪 đ𝓮̣𝓹 𝓷𝓱𝓾̛ 𝓽𝓱𝓮̂́ 𝓷𝓪̀𝓸?
Nhắc đến Phố cổ Hà Nội, người ta không thể không kể đến ngôi nhà cổ tại số 87, Mã Mây – một ngôi nhà nhỏ nhắn nằm gọn giữa lòng thủ đô, ôm ấp bóng hình về một Hà Thành xưa cũ. Ngôi nhà không có tên gọi đặc biệt, chỉ đơn giản là Nhà cổ Mã Mây, cái tên gần gũi, thân thương, được tạo nên từ tên gọi của hai con phố liền kề: hàng Mã - hàng Mây, trong quá khứ.
Nhà cổ 87 Mã Mây được xây dựng từ đầu thế kỉ XIX, theo kiểu kiến trúc truyền thống với chức năng chính là để ở và bán hàng. Ngôi nhà mang đặc trưng của những ngôi nhà cổ xưa ở Hà Nội, tức là theo dạng hình ống, hẹp phía trước, kéo dài về phía sau. Việc xây dựng những ngôi nhà với mặt tiền nhỏ hẹp giúp đảm bảo đất ở cho người dân, đồng thời cũng giúp chủ nhà tránh được thuế đất – một trong những loại thuế bị đánh rất nặng. Ngôi nhà được xây dụng với nhiều không gian và ngăn cách nhau bởi “giếng trời”, hay còn gọi là những khoảng sân nhỏ để trồng cây, nuôi cá. Do cấu trúc nhà hẹp và sâu, “giếng trời” được thiết kế để lấy ánh sáng và sinh khí, giúp ngôi nhà trở nên ấm cúng hơn.
Theo thiết kế ban đầu, ngôi nhà trước đây chỉ có một tầng, tuy nhiên sau khi được trùng tu vào cuối TK XX (trong khuôn khổ hợp tác giữa Hà Nội và Pháp), Ban quản lý phố cổ đã mở rộng thêm tầng 2 để đảm bảo không gian tham quan và lưu giữ. Ngày nay khi đến thăm Nhà cổ Mã Mây, các bạn vẫn có thể nhìn thấy dấu tích mái ngói của ngôi nhà cũ.
Trước khi vào tham quan nhà cổ hay bất cứ khu vực nào, mọi người đều phải bước qua một bậc cửa cao được làm bằng gỗ. Theo quan niệm của người Việt, bậc cửa được thiết kế để ngăn các loại bò sát, nước mưa và những thứ điều xui xẻo vào nhà. Đặc biệt, khi có khách đến chơi, bước qua bậc cửa, họ sẽ tự động cúi thấp người, đây là cách thể hiện sự tôn trọng với chủ nhà, một nét đẹp trong văn hóa của người Việt.
Bên cạnh những đặc điểm trên, một điểm đáng chú ý khác của nhà cổ là các cửa sổ được thiết kế khá thấp. Theo kiến trúc xưa, cửa sổ của mỗi nhà không được cao quá kiệu của vua, như vậy sẽ tránh được việc kẻ xấu lợi dụng từ xa “hành thích” bá quan triều đình.
Ngôi nhà cổ Mã Mây sau khi được trùng tu tuy có thay đổi nhỏ trong kiến trúc nhưng vẫn giữ được nguyên trạng trong kết cấu, chất liệu đồ dùng và thứ tự không gian. Khu thờ cúng tổ tiên được bố trí ở nơi cao ráo, sạch sẽ. Không gian sinh hoạt chung ấm cúng, đặc biệt là căn bếp truyền thống của mỗi gia đình. Những vật dụng như tủ bát, bếp củi, chum vại, hay hệ thống dẫn nước cũng được tái hiện sinh động và rõ nét.
Trong nếp sống sinh hoạt của người dân trước đây, bữa cơm tối là thời khắc đoàn tụ của mỗi gia đình. Sau một ngày lao động vất vả, các thế hệ cùng quây quần bên mâm cơm, chia sẻ, lắng nghe những lời răn dạy của ông bà. Ngày nay, nếp sinh hoạt ấy đã thay đổi ít nhiều. Con cái sau khi trưởng thành không còn sống chung với gia đình, bữa cơm gia đình bởi vậy cũng không còn “ngon” và “ấm” như xưa nhưng những bài học về cách sống và làm người thì vẫn luôn còn mãi.
Hà Nội ngày một hiện đại và phát triển không ngừng, những nét đẹp của người Hà Thành chỉ còn trong kí ức của ông bà và mờ dần theo thời gian. Bởi vậy, những Di sản văn hóa như Nhà cổ Mã Mây không chỉ là nơi lưu giữ giá trị hữu hình mà còn là đời sống tinh thần của nhiều thế hệ.
Cre: Trang Le, hanoimoi, hanoidenvayeu
📸: Internet
🔥 Like and follow page để cập nhật thêm nhiều điều thú vị nhé !!
—————————————————
☎️ Hotline: 093 235 3311
🕹 Add: 301 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội