19/06/2023
Góc review. (Xin chia sẻ bài review năm 2022 mình chạy cung 279 này)
Đi chơi 1 tuần về, công việc nó dồn cho bận tối mắt. Sau đúng 1 tháng, may có dịp nghỉ lễ thì mới có dịp nghỉ ngơi mà ngồi soạn lại đám ảnh và đăng review tống kết chuyến phượt đầu tháng trước.
Hành trình này được thiết kế đi theo hình số 8 với điểm giao cắt là chân đèo Khau Cọ phía Mường Than. Mục tiêu chính là chạy quét 1 vòng cung đường 279, sau đó theo QL12 chạy lên Sìn Hồ rồi vòng về QL4 qua Tam Đường rồi theo QL32 xẻ dọc dãy núi Hoàng Liên Sơn về.
Có những hôm cả ngày chạy xe từ sớm tinh mơ miết mải gần 400km trên đường chỉ để dành dụm 2-3 tiếng thảnh thơi sống chậm ngồi nhâm nhi cafe ngắm hoàng hôn.
Chuyến đi này không có thời gian la cà vào các bản làng, hay lê la chợ phiên như các lần trước. Đường dài, thời gian hạn chế vì vậy cố gắng mò mẫm và tích lại những nơi thú vị để sau này khám phá từng điểm một sẽ lọ mọ lâu hơn.
Chuyến đi cũng khẳng định nhiều điểm rất nổi tiếng nhưng sau này mình ko còn hứng thú nữa vì quá trình đô thị hoá và du lịch hoá.
Chuyến đi này phát hiện thêm được nhiều nơi phong cảnh rất đẹp rất đáng quay lại như thung lũng Nà Lay, đổi chè Long Cốc, quán gió A Dầu...
Cho tới giờ mình có thể khẳng định là “tứ đại đèo” ko còn là những cung đèo thú vị để trải nghiệm nữa mà thay vào đó là những con đèo ít tên tuổi hơn như Khau Cọ, Làng Mô, Xá Tổng... có chăng là Pha Đin cũ.
Chuyến đi này có một thiếu sót lớn nhất là ko có thời gian la cà tìm hiểu nhiều về con người sinh sống ở những nơi đã đi qua, đành phải để dành cho các “chuyên đề” sau này.
Chuyến đi này không chỉ thuần tuý là chinh phục một cung đường dài gần 2000km, như thế thì quá thuần tuý đi chẹck in trẻ trâu quá. Hành trình vừa qua như thể vẽ nên một lát cắt ngang qua toàn bộ các dãy núi dòng sông lớn đã góp phần kiến tạo nên địa hình vùng núi phía bắc nước ta.
Có đi mới thấy môn địa lý hàn lâm khó hình dung vãi chưởng. Nhẽ ra chỉ cần lấy hình tượng cái quạt giấy hoặc đơn giản là xoè bàn tay ra mà dậy là hình dung xong địa hình miền bắc Việt Nam.
Chia sẻ luôn với mọi người một cách dễ ợt để mường tượng.
Ngửa lòng bàn tay trái, xoè các ngón tay ra, cứ hình dung các ngón tay là các dãy núi, khoảng kẽ các ngón tay là các hạ lưu và các dòng sông. Còn lòng bàn tay là đồng bằng sông Hồng, huyệt Lao Cung chính là thủ đô Hà Nội. Checkin từ phải sang trái là:
Biển Đông và duyên hải Vịnh Bắc Bộ > dãy núi Đông Triều > sông Thương và sông Lục Nam > dãy núi Bắc Sơn > sông Bắc Giang > dãy núi Ngân Sơn > sông Năng và hồ Ba Bể > dãy núi Sông Gâm (phía tít trên là cao nguyên đá Đồng Văn) > sông Nhiệm chảy vào sông Gâm + sông Miện chảy vào Lô > núi Tây Côn Lĩnh > sông Chảy + sông Hồng > dãy núi Hoàng Liên Sơn > sông Đà > dãy núi Pusilung + cao nguyên Sín Chải + dãy núi Su Xung Chảo Chai + cao nguyên Mộc Châu > sông Mã > dãy núi Pu Sam Sao là biên giới với xứ Triệu Voi.
Kể ra nếu đếm số dãy núi thì cần 7 ngón tay mới đủ, thôi thì phiên phiến tí, ai thích chính xác thì lấy cái quạt giấy ra minh hoạ, nan quạt làm các dãy núi còn khoảng giữa các nan là hạ lưu và các con sông.
Điều thú vị ở đây là tất cả các dãy núi, các con sông dường như đều hội tụ về đồng bằng sông Hồng với Hà Nội ở trung tâm.
Địa hình xứ Tonkin đặc trưng đến như vậy nên người Pháp cũng đã khảo sát kỹ và mở đường theo 2 hệ thống là các tuyến hướng tâm về HN và tuyến vành đai hình vòng cung.
Hệ thống các tuyến đường QL hướng tâm từ phải qua trái như sau:
- QL18: chạy dọc chân núi phía đông dãy núi Đông Triều.
- QL1A: chạy dọc sông Thương.
- QL3: chạy dọc chân núi phía tây dãy núi Ngân Sơn.
- QL2: chạy dọc sông Lô.
- QL70: chạy men theo sông Chảy.
- Cao tốc HN-LC: chạy dọc sông Hồng.
- QL32: chạy vắt vẻo trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ.
- QL6: chạy xâu một loạt các địa hình núi non gồm: dãy núi Pusilung + cao nguyên Sín Chải + dãy núi Su Xung Chảo Chai + cao nguyên Mộc Châu.
Trong các tuyến quốc lộ trên thì có hai tuyến quốc lộ 32 và 6 là chạy vắt vẻo trên 2 dãy núi cao hùng vỹ có địa hình phức tạp nhất vì thế hai cung đường này đặc trưng liên tiếp đèo nối đèo, trong tứ đại đèo thì mỗi cung có một “đại” là Khau Phạ và Pha Đin. Đây cũng chính là hai trong số những cung đường phượt đẹp và chạy ép phê nhất phía bắc. QL3 đoạn chạy vắt qua dãy Ngân Sơn cũng nổi tiếng với đèo Giàng đèo Gió.
Hệ thống đường vành đai do người Pháp định tuyến có 2 cung:
- Quay trở lại hình ảnh bàn tay xoè ra với các tuyến đường QL hướng tâm chạy từ đầu ngón tay hướng vào lòng bàn tay, nếu nối tất cả các đầu ngón tay ta sẽ có tuyến Quốc lộ 4, đây là tuyến vành đai biên giới kết nối tất cả các tỉnh biên giới phía bắc. Tuyến đường này chạy cắt qua tất cả các dãy núi lớn vì thế nó phải gọi là đèo chồng tiếp đèo, cung đường này sở hữu 2 “đại” là Ô Quý Hồ và Mã Pí Lèng. Hiện nay nó được gọi là Vành đai 1.
- Lại nhìn vào bàn tay, nếu nối các lóng đốt ngón tay áp sát lòng bàn tay ta có Quốc lộ 37. Đây là phòng tuyến quan trọng bảo vệ HN, các đơn vị quân đội chủ lực miền bắc được đóng trên vành đai này. Hiện nay nó được gọi là Vành đai 3.
- Hai tuyến này có đặc điểm là giảm thiểu việc xây cầu, chấp nhận có nhiều đèo dốc.
Tới tháng 2/1979, do tình thế cấp bách Việt Nam đã mở thêm 1 tuyến vành đai nằm giữa 2 tuyến vành đai trên.
- Lại nhìn vào bàn tay, nếu nối các lóng đốt ngón tay đầu tiên từ đầu ngón tay xuống ta có Quốc lộ 279. Hiện nay nó được gọi là Vành đai 2.
- Cung đường này có đặc điểm là nó cắt qua hầu hết các dãy núi chính và cắt qua 100% các con sông chính. Vì thế, đây là cung đường lắm cầu nhất, trong đó cầu bắc qua sông Đà là cầu có trụ sâu nhất VN. Bảo sao hồi trước Pháp nó ko thèm làm cái đường này cho đỡ tốn xèng.
Trong chuyến đi mình chỉ đăng ảnh 4 trung niên xì tin Tran Quynh Duc Chinh Nguyen và Nguyễn Hồng Quang nhí nhố làm kỷ niệm cho vui thôi.
Giờ gom đám ảnh phong cảnh gộp thành một album xem một thể cho tiện.
Chém thêm một tí để sau này đến khi lẫn nhớ nhớ quên quên thì FB nó nhắc hộ.
Cre: Nguyen Anh Chien