12/02/2023
🎋Phong tục ngày Tết của người Thái
(Bánh Chưng Đen - Lễ Gọi Hồn - Lễ Pông Chay)
Cùng chung Tết Nguyên đán với người Kinh nhưng người Thái lại có cả một mùa lễ hội kéo dài từ ngày 25/12 cho đến mùng 10/1 âm lịch.
Ở Việt Nam, người Thái có khoảng hơn 1 triệu người, phân bố chủ yếu ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Điên Biên, Lai Châu.
Theo phong tục đón Tết Nguyên đán của người Thái, vào ngày 29 sẽ bắt đầu gói bánh chưng. Người Thái thường gói bánh chưng màu đen và màu trắng.
Vào tối ngày 29 và 30 Tết, người Thái có phong tục làm lễ “Gọi hồn”. Giữa những ngôi nhà sàn có mâm lễ vật gồm xôi, gà và rượu, thịt. Có vị thầy mo ngồi phía trước, con cháu và họ hàng thân thuộc ngồi vây quanh để làm lễ "Gọi hồn" những người tham gia. Thầy mo sẽ lấy của mỗi người 1 chiếc áo rồi bó lại một đầu với nhau vắt lên vai, tay cầm một cây củi đang cháy đem ra đầu làng "gọi hồn", sau đó lại gọi một lần nữa ở chân cầu thang. Kết thúc buổi lễ là mỗi thành viên được thầy mo buộc một sợi chỉ vào cổ tay để trừ tà, cầu mong may mắn. Sợi chỉ đó phải đợi tự đứt, nếu tự ý giật đứt thì chủ nhân dễ bị ốm đau. Lễ "Gọi hồn" mang ý nghĩa động viên tinh thần. Bởi quan niệm của người Thái, hồn vía cũng quan trọng như thể xác con người, có được chăm sóc, quan tâm chu đáo thì nó mới khỏe mạnh. Hồn vía khỏe mạnh, thể xác mới bình an được. Các bộ phận trên cơ thể đều có một hồn vía, trong cuộc sống bằnh ngày phải di chuyển nhiều nơi, có thể một phần vía nào đó đang đi lạc. Lễ này nhằm gọi tất cả hồn vía trên cơ thể của mọi người trong nhà về cùng vui Tết. Nên không khí "gọi hồn" là vui vẻ, ấm cúng nhưng cũng rất linh thiêng, trang trọng.
Sau lễ thì tất cả mọi người đến dự ở lại cùng nhau ăn cơm.
Vào đêm giao thừa, người Thái có tục “Pông Chay”, tức là mọi người sẽ không ngủ mà cùng quây quần bên bếp lửa, chuẩn bị một món ăn nào đó hoặc đơn giản là chuyện trò với nhau để trải qua khoảnh khắc thiêng liêng ấy.
Đúng thời khắc giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm..., hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); một ấm trà xanh, rót 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng tay, bạc nén... Những thứ đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng "chào đón tổ tiên xuống tề tựu."
Sáng mùng 1, các gia đình sẽ ra suối để lấy nước mát về mong may mắn cả năm. Và đến chiều, tất thảy già trẻ gái trai đều gội đầu để gột trôi hết mọi xui xẻo, vất vả của năm cũ, đón chờ những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, tất cả con trai trong nhà để cho phụ nữ ăn trước, và chỉ duy nhất trong năm có mỗi ngày mùng một tết mà thôi (hàng ngày, phụ nữ ăn cùng hoặc ăn sau đàn ông)
Wildhorse Discovery (sưu tầm và tổng hợp)