09/10/2023
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Cho đến nay, thờ cúng tổ tiên vẫn đã và đang là những hình thức tín ngưỡng phổ biến nhất ở Việt Nam, vẫn hiện hữu trong tâm thức của mỗi người, mỗi gia đình và trở thành một trong những nhu cầu tinh thần không thể thiếu nhằm gắn kết các thành viên theo quan hệ huyết thống trong mỗi gia đình, dòng họ. Tổ tiên là khái niệm để chỉ những người có cùng huyết thống đã mất, là những người có công sinh thành và nuôi dưỡng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của các thế hệ con cháu. Cơ sở của sự hình thành ý thức về tổ tiên là niềm tin về linh hồn bất tử. Tổ tiên tuy đã chết về thân xác, song linh hồn vẫn sống, thường lui tới gia đình ngự trên bàn thờ. Trong quá trình phát triển của lịch sử, khái niệm tổ tiên cũng có sự biến đổi, phát triển. Tổ tiên không còn bó hẹp trong phạm vi huyết thống - gia đình,
29
họ tộc,... mà đã mở rộng ra phạm vi cộng đồng, xã hội. Sự hình thành và phát triển của quốc gia, dân tộc thường gắn liền với tên tuổi của người có công tạo dựng, gìn giữ cuộc sống. Khi còn sống, họ được các thành viên đề cao, tôn kính. Khi mất, họ được tưởng nhớ, tôn thờ. Đó là thủ lĩnh của các phong trào quần chúng, các vua, chúa, quan lại có công trong việc xây dựng, bảo vệ cuộc sống của cộng đồng, được xã hội thừa nhận, được nhân dân ghi công ơn và được tôn thờ trong các am, miếu, đình, đền, thánh thất,...
Thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa là một tín ngưỡng ở chỗ tạo niềm tin vào linh hồn tổ tiên, coi tổ tiên như vị thần hộ mệnh, phù hộ che chở cho con cháu trong suốt những tháng ngày làm ăn sinh sống. Quan niệm thiêng hàng đầu trong thờ cúng tổ tiên là thể hiện nếp sống đạo đức uống nước nhớ nguồn, con cháu nhớ về tổ tông, ông bà cha mẹ đã sinh thành, là sự mong muốn tổ tiên “phù hộ độ trì” cho con cháu ăn nên làm ra và không bị làm hại.
Ý thức tôn thờ, thành kính, biết ơn, tưởng nhớ, hy vọng sự trợ giúp, tránh sự trừng phạt của tổ tiên là nội dung cốt lõi của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nếu không có thờ mà chỉ có cúng thì tự bản thân tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không có “tính thiêng”, không có sức hấp dẫn nội tại và dễ thành nhạt nhẽo, vô vị. Sự thờ cúng tuy chỉ là hình thức biểu đạt, song nó tôn vẻ linh thiêng, tạo nên sự hấp dẫn thỏa mãn niềm tin tôn giáo, đáp ứng nhu cầu của chủ thể thờ cúng.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành trên cơ sở của tâm lý, tình cảm của con người và cộng đồng trong xã hội. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng được hình thành trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn tổ tiên. Với ước muốn trường thọ, con người đã tạo ra hệ thống giá trị văn hóa truyền thống, thiêng hóa tình cảm tiếc thương, thái độ kính trọng người có công tạo dựng cuộc sống và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bằng nghi thức thờ cúng tổ tiên, con người đã góp phần lý giải về cái chết và cuộc sống sau khi chết, giải tỏa nỗi sợ khi phải nghĩ đến nó. Nỗi sợ hãi cái chết được giảm bớt thông qua việc thờ cúng ông bà cha mẹ và tổ tiên của mình.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được bắt nguồn từ lòng hiếu thảo của con cháu. Mối quan hệ giữa cha mẹ đang sống và con cái là hiện thân của mối quan hệ giữa tổ tiên với con cháu sau này. Mối quan hệ tiếp nối từ ông bà đến cha mẹ rồi tiếp đến con cái và cháu chắt là mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự kính hiếu cha mẹ được tiếp nối bằng sự tôn thờ, sùng bái tổ tiên. Bổn phận kính trọng bố mẹ, báo hiếu đền ơn công sinh thành của bố mẹ cũng là bổn phận báo hiếu, đền ơn tổ tiên. Do đó, thờ phụng tổ tiên không phải chỉ là tập tục, tín ngưỡng mà còn là nghĩa vụ của người, là đạo làm người. Thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo, sự thành kính biết ơn các bậc sinh thành. Con cháu sẽ được tổ tiên che chở khi sống
30
xứng đáng với ước nguyện của tổ tiên. Mặt khác, con cháu chỉ tôn kính, quy thuận và thờ phụng tổ tiên khi tổ tiên xứng đáng là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Cơ sở quan trọng đầu tiên cho việc hình thành bất cứ tôn giáo, tín ngưỡng nào cũng là quan niệm tâm linh của con người về thế giới. Trước hết, cũng như nhiều dân tộc khác, người Việt xuất phát từ nhận thức mọi vật đều có linh hồn. Vì thế, loại thần cổ xưa nhất được tôn sùng là các nhiên thần, đặc biệt là thần cây, thần đá, thần núi, thần nước. Bằng cách huyền thoại hóa, thiêng hóa, các vị nhiên thần đã được mang khuôn mặt của con người, tâm lý con người. Việc nhân hóa các thần tự nhiên đã tạo bước chuyển cho việc hình thành hệ thống nhân hóa. Đây cũng chính là giai đoạn con người bắt đầu khám phá về bản thân mình. Đến một thời điểm nào đó, mối quan hệ giữa cái hữu hình và cái vô hình, nhất là cái sống và cái chết, đã làm cho con người bận tâm. Với quan niệm mọi vật đều có linh hồn, họ tin rằng trong mỗi người đều có phần “hồn” và phần “xác”. Theo quan niệm dân gian, thể xác và linh hồn vừa gắn bó vừa tách biệt. Chúng gắn bó khi sống và phân tách khi chết: thể xác hòa vào cát bụi nhưng phần hồn vẫn tồn tại và chuyển sang “sống” ở một thế giới khác mà theo cách gọi của người Việt là âm phủ (cõi âm). Cõi âm ấy cũng có mọi nhu cầu như cuộc sống dương gian và người chết cũng cần được cung cấp các vật dụng như khi còn sống, đồng thời hình thành nên niềm tin tâm lý rằng người chết phù trợ cho người sống. Mối quan hệ giữa người sống và người chết cùng chung huyết thống lại càng gắn bó hơn. Trong vòng hai, ba thế hệ thì những kỷ niệm còn rất cụ thể và sâu sắc. Ông bà, cha mẹ dù qua đời nhưng vẫn luôn hiện diện trong tâm tưởng của con cháu, và con cháu luôn cảm thấy trách nhiệm cả về vật chất và tinh thần đối với họ. Bên cạnh ý thức trách nhiệm, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hình thành có lẽ còn bởi tâm lý sợ bị trừng phạt1. Đó là nguồn gốc tâm lý dẫn đến hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Xã hội cổ truyền của người Việt cũng có những cơ sở kinh tế - xã hội nhất định góp phần vào việc hình thành và duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trước hết, đó là nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện tín ngưỡng đa thần. Do đặc trưng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, gió mùa nên Việt Nam sản xuất lúa nước theo kiểu tiểu canh kết hợp với chăn nuôi gia súc. Vì vậy, ở Việt Nam, sản xuất không đòi hỏi tập trung nhân công theo quy mô lớn, công cụ sản xuất cũng gọn nhẹ, mọi thành viên trong gia đình kể cả phụ nữ và trẻ em đều sử dụng dễ dàng. Kết hợp tất yếu của quy trình sản xuất này khiến người Việt gắn bó với gia đình chặt chẽ hơn với dòng họ. Hầu như gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên dù thờ chính hay thờ vọng.
Hình thức tổ chức xã hội cũng là một yếu tố quan trọng đối với việc hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Theo Tokarev, việc thờ cúng vật linh có thể xuất hiện ở thời kỳ mẫu hệ, nhưng thờ cúng tổ tiên phải gắn bó với thời kỳ phụ hệ. Ở giai đoạn thị tộc phụ quyền, người đàn ông bắt đầu nắm giữ quyền hành quản lý gia đình do họ đã có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế. Vợ và con cái họ tuyệt đối phục tùng và tôn trọng cái uy quyền đã được xác lập ấy, không chỉ khi họ còn sống mà cả khi họ qua đời. Những đứa con mang họ cha đã kế tục ý thức về quyền uy này. Nhưng ý thức về tổ tiên, về mối liên hệ giữa tổ tiên và con cháu được xây dựng thành lý thuyết và lễ thức hóa ở thời điểm muộn hơn mà theo các nhà nghiên cứu thì chính hệ tư tưởng Nho giáo đã “thổi vào quan điểm bản địa mộc mạc này một triết lý, một tổ chức, một nghi thức, một niềm tin sâu sắc”1. Các chính sách, biện pháp nhằm đồng hóa người dân Giao Châu của các chính quyền phong kiến phương Bắc, trong đó có nghi thức thờ cúng tổ tiên được thực hiện trong người Hán rồi dần dần lan sang người Việt. Văn hóa Hán từ khi có cơ sở lý luận là hệ tư tưởng Nho giáo đã tạo điều kiện thuận lợi cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được tồn tại và duy trì. Hơn nữa, học thuyết Nho giáo đặc biệt đề cao chữ Hiếu đến mức trở thành đạo hiếu. Hiếu là biểu hiện của nhân, hiếu gắn với trung, là nguồn gốc của trung. Hiếu là để thờ cha mẹ, thuận là vâng mệnh người trên, đem những điều đó mà thi thố ra thiên hạ thì không có điều gì là không làm được. Các tư tưởng và học thuyết của Nho giáo đã trở thành cơ sở lý luận cho các vương triều phong kiến Việt Nam tổ chức quản lý quốc gia trong giai đoạn độc lập tự chủ. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ được lễ thức hóa mà còn được các vương triều thừa nhận, thể chế hóa bằng luật. Ví dụ, Quốc triều hình luật của nhà Hậu Lê đã đưa ra những quy định rất chặt chẽ về luật hương hỏa. Hơn thế, các vương triều còn có chế độ khen thưởng bổng lộc cho những bậc hiếu tử - những người khi cha mẹ sống lấy lễ mà thờ, cha mẹ chết lấy lễ mà táng2.
Thờ cúng tổ tiên trong gia tộc và gia đình
Có lẽ chịu ảnh hưởng từ nền Nho học Trung Quốc, trong quan hệ ứng xử hàng ngày và việc thờ cúng tổ tiên tông tộc, người Việt phân chia theo cửu tộc (chín đời) lấy bản thân làm chuẩn. Ví dụ, lấy Tôi làm chuẩn - đời thứ nhất, tính ngược lên, bố tôi là đời thứ hai (gọi là Khảo), ông tôi là đời thứ ba (gọi là Tổ), cụ tôi là đời thứ tư (gọi là Tằng Tổ), kỵ tôi là đời thứ năm (gọi là Cao Tổ); tính xuôi xuống, con tôi (tử), cháu (tôn), chắt (tằng tôn), chút (huyền tôn). Các bậc từ Khảo trở lên, nếu là nữ thì thêm chứ Tỷ trong bài vị, chẳng hạn, bài vị của mẹ thì đề là Tỷ Khảo, của bà là Tỷ Tổ,... Từ hàng con cháu trở xuống phải có trách nhiệm thường xuyên chăm lo hương khói, cúng giỗ cha mẹ, ông bà, cụ kỵ.
…