15/07/2018
BÍ MẬT PHÒNG HỔ PHÁCH
Phòng Hổ phách là điểm thu hút nhất của Cung điện Catherine (Cung điện Mùa thu) ở Hoàng Thôn. Lý do của sự nổi tiếng này thậm chí không phải là "phòng trưng bày" được chế tác vào đầu thế kỷ XVIII, mà là sự biến mất bí ẩn của kiệt tác này trong thế kỷ XX. Từ đó đến nay thường xuyên xuất hiện tin đồn căn phòng đã được tìm thấy. Tin mới nhất được tung ra vào tháng 10 năm 2017 - một cái cớ để ta nhớ lại mọi thứ bắt đầu như thế nào.
Phòng tranh của Sofia Charlotte
Trong một thời gian dài việc chế tác Phòng Hổ phách thường được ghi công cho nhà điêu khắc Đức nổi tiếng, bậc thầy của nghệ thuật Baroque, Andreas Schluter. Schlüter đứng đầu Viện Hàn lâm Nghệ thuật Berlin, các công trình nổi bật của ông là một số tòa nhà và tượng đài theo trường phái baroque. Nổi tiếng nhất trong các tác phẩm châu Âu của ông là tượng "Đại công tước": bức tượng cưỡi ngựa của Công tước Brandenburg, Friedrich Wilhelm I, với bốn nô lệ quỳ phục ở các góc bệ.
Schluter có quan hệ trực tiếp với nước Nga, khi vào năm 1713 ông quyết định bỏ lại sự nghiệp ở châu Âu để nhận lời mời của Nga hoàng và đến St. Petersburg, nơi ông đảm nhiệm việc xây dựng kinh đô mới. Nổi tiếng nhất trong các công trình của ông là Cung điện Mùa hè của Peter Đại đế (tọa lạc trong Vườn Mùa hè) do ông phụ trách phần trang trí. Đó là lý do tại sao phòng Hổ phách được ghi công cho ông.
Trong thực tế, phòng Hổ phách được thiết kế bởi kiến trúc sư Johann Friedrich Eosander von Goethe, cũng là một bậc thầy của nghệ thuật baroque và là đối thủ về tay nghề của Schluter. Eosander là kiến trúc sư được Hoàng hậu Sofia Charlotte, vợ của vị vua Phổ đầu tiên - Frederick I - sủng ái, là con trai của chính "Đại công tước" nọ ở Brandenburg. Ý tưởng này là dành cho cung điện mùa hè của Nữ hoàng: phòng trưng bày được trang trí bằng các miếng hổ phách và ngà voi. Sau đó nó được chuyển cho cung điện của nhà vua mới Frederick William I ở Oranienburg. Năm 1713, các tấm hổ phách làm sẵn đã được vận chuyển đến Berlin để trang trí cho các phòng trong cung điện ở thủ đô, nhưng ba năm sau đó chúng lại bị tháo dỡ. Có vẻ như một ý tưởng tuyệt vời không phải dễ dàng được biến thành hiện thực.
Món quà của Friedrich gửi Peter
Cuối cùng, vào năm 1716, Vua Phổ đã tặng phòng Hổ phách cho Nga hoàng Peter Đại đế như một món quà ngoại giao. Hai năm sau Nga hoàng đã trao lại món quà đáp lễ: 55 lính xung kích có vóc dáng khổng lồ và chiếc cốc uống rượu bằng ngà voi do chính tay Nga hoàng chế tác.
Toàn bộ phòng Hổ phách đã được chuyển cho Nga giống như đồ chơi xếp hình: các miếng hổ phách và các chi tiết bổ sung được xếp trong 18 thùng gỗ cùng với bản hướng dẫn về cách ghép và sử dụng chúng. Nhưng trong suốt thời trị vì của Peter Đại đế những bức họa này chưa bao giờ được lắp ghép lại và mọi giả thiết về việc này mà sau này được nhắc đến đều không hề được xác nhận bằng văn bản (những giả định này hiện có đầy trong mục về phòng Hổ phách ở Wikipedia). Dưới thời Elizabeth Petrovna phòng Hổ phách mới được lắp ráp và trưng bày tại Cung điện Mùa đông thứ ba. Công trình do Bartolomeo Rastrelli đứng đầu. Bộ "đồ xếp hình" này có thêm một món quà mới của vua Phổ kế tiếp - đó một khung hổ phách với những hình chạm trổ tôn vinh Nữ hoàng Nga. Các chi tiết trang trí không đủ, do đó, một số bức tường được phủ lên bằng các bức tranh và sơn màu hổ phách, thêm các tấm gương ốp sát tường và các họa tiết chạm khắc trang trí bằng gỗ. Có một nghệ nhân được giao trách nhiệm trông coi phòng Hổ phách và thực hiện các công việc phục chế nhỏ.
"Bộ xếp hình" ở Tsarskoye Selo (Hoàng Thôn).
Mười năm sau, Nữ hoàng Elizabeth quyết định chuyển phòng Hổ phách sang Cung điện mùa hè mới ở Tsarskoe Selo. Hổ phách là vật liệu rất mỏng manh, dễ vỡ và một đội thợ được tuyển chọn đặc biệt đã dùng tay di chuyển các thùng gỗ chứa các bức tranh. Phòng trưng bày ở địa điểm mới rộng 96 m2, rộng hơn phòng cũ nên phần tường bị trống lại được phủ bằng bức họa màu hổ phách. Và đến năm 1763, khi Nữ hoàng Catherine II ra lệnh thay thế chúng bằng các họa tiết hổ phách thật thì đã phải dùng đến nửa tấn nguyên liệu.
Đến năm 1770 công trình trang trí phòng Hổ phách đã hoàn thành. Nó nằm trong khu vực có các phòng thông nhau được dát vàng của cung điện. Các họa tiết trang trí bằng hổ phách chiếm ba bức tường (bức tường thứ tư là cửa sổ) và được chia thành hai phần phía trên sát trần và phía dưới sát chân tường. Phần trung tâm ở giữa bao gồm tám bức trướng lớn và đối xứng. Trên bốn bức trướng có bốn bức tranh ghép được được làm bằng đá màu xứ Florence. Chúng mô tả một cách phóng dụ các giác quan tự nhiên: thị giác, vị giác, thính giác, xúc giác và khứu giác (hai giác quan cuối được mô tả cùng nhau). Phần dưới được bao phủ bởi các tấm hổ phách hình chữ nhật. Ở góc tây-nam có đặt chiếc bàn nhỏ bằng hổ phách. Bố cục trang trí của căn phòng được bổ sung thêm một bộ tủ commode của Nga và sứ Trung Quốc. Trong các tủ kính là bộ sưu tập phong phú gồm các sản phẩm bằng hổ phách do các nghệ nhân Nga, Ba Lan và Đức làm từ thế kỷ XVII-XVIII.
Việc nhiệt độ thay đổi, độ ẩm không ổn định, lò sưởi phải đốt thường xuyên vào mùa đông và gió lạnh lùa vào đã tạo ra môi trường không thuận lợi cho việc bảo tồn hổ phách. Nhiều chi tiết của phòng Hổ phách bị hư hại và chúng thường xuyên được phục chế. Trong thế kỷ XIX đã có ba lần phục chế vào các năm 1833, 1865 và 1893-1897. Trong thế kỷ XX, một đợt phục hồi sơ bộ đã được thực hiện vào những năm 1933-1935, một đợt phục chế tổng thể được lên kế hoạch cho năm 1941.
Chiến lợi phẩm
Trong những ngày đầu tiên của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, việc sơ tán các báu vật từ Cung điện Catherine được bắt đầu. Tuy nhiên, không thể tháo dỡ phòng Hổ phách mong manh mà không bị hư hại. Người ta đã quyết định không đụng đến nó, nhưng phải bảo vệ nó. Toàn bộ các bức tường trong phòng Hổ phách đầu tiên được dán kín bằng giấy, sau đó thêm một lớp gạc và bông.
Người Đức sau khi chiếm đóng Pushkin liền tuyên bố món quà của Friedrich Wilhelm là sai lầm của tổ tiên mà họ phải sửa. Phòng Hổ phách được tháo dỡ và chuyển đến Koenigsberg. Các bức họa và cánh cửa bằng hổ phách được đặt tại một gian phòng trong lâu đài ở Koenigsberg. Ở đó chúng được trưng bày cho khách tham quan từ năm 1942 đến năm 1944.
Khi quân Đức phải cuối cùng rút lui, các bức tường hổ phách lại bị tháo dỡ và trước ngày 6 tháng 4 năm 1945 được chuyển tới một nơi không rõ. Kể từ đó, dấu vết của căn phòng bị mất hút, nhưng lại xuất hiện nhiều giả thuyết chỉ giáo nên tìm nó ở đâu. Một sự kiện đem lại nhiều hy vọng đã xảy ra vào năm 1997, khi bản gốc của bức tranh khảm "Xúc giác và Khứu giác" được phát hiện ở Đức. Ba năm sau, nó được trả về Nga và hiện đang được trưng bày tại Cung điện Catherine bên cạnh bản sao được những người phục chế tái tạo vào năm 1996.
Năm 2003 tại Cung điện Mùa thu ở Saint-Petersburg đã khánh thành toàn bộ phòng Hổ phách đã được phục hồi - đó là thành quả của công việc kéo dài suốt hai mươi năm của các nghệ nhân trong "Xưởng chế tác hổ phách Tsarskoye Selo". Trong hơn hai mươi năm ròng rã, sử dụng một công nghệ đặc biệt, những người thợ phục chế đã tỉ mỉ ghép lại những gì đã mất từ năm trăm ngàn miếng hổ phách dựa theo những tấm ảnh cũ.
Các giả thiết hầm ngầm
Việc phòng Hổ phách được mang đi khỏi Koenigsberg luôn khiến người ta nghi ngờ. Có giả thiết cho rằng hồi tháng 8 năm 1944 thành phố bị không quân Anh ném bom dữ dội và căn phòng đã được giấu dưới tầng ngầm của lâu đài. Tuy nhiên sau khi quân đội Xô viết công phá và chiếm Koenigsberg, không ai có thể phát hiện được bất cứ dấu vết nào của nó. Một số nhà nghiên cứu tin rằng đơn giản là các báu vật bằng hổ phách đã bị lửa thiêu trụi; những người khác quả quyết là chúng vẫn được cất giấu trong các hang ngầm dưới thành phố Koenigsberg (nay là Kaliningrad của Nga) hoặc tại nơi nào đó ở châu Âu. Còn những người khác nữa thì cho rằng tìm kiếm phòng Hổ phách ở châu Âu là vô ích: nó hoặc đã được cơ quan tình báo Mỹ tìm ra và nếu thế thì đã rơi vào tay các nhà sưu tầm tư nhân ở Hoa Kỳ, hoặc một số thành viên Đức Quốc xã kịp chạy trốn và mang nó theo sang Nam Mỹ.
Đầu năm 2010, các sử gia và những người nghiên cứu địa phương ở Kaliningrad bắt đầu quan tâm đến hầm ngầm bê tông cốt thép của Tướng Đức Otto von Lyash, người chỉ huy phòng thủ Koenigsberg. Bunker này nằm gần lâu đài và là nơi lần cuối cùng phòng Hổ phách được nhìn thấy. Phần còn lại của lâu đài, theo lệnh của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Xô viết, đã bị nổ tung vào những năm 1960, nhưng hầm bunker vẫn còn nguyên. Khi tìm kiếm phía sau một bức tường gạch người ta đã phát hiện một hầm ngầm được gia cố đặc biệt bằng kim loại và một lớp cao su. Việc tìm kiếm dừng lại ở đây, nhưng sau đó xuất hiện giả thuyết cho rằng bunker này là nơi bắt đấu của các lối đi dẫn tới các hầm ngầm của lâu đài mà từ đó phòng Hổ phách được chuyển đến một nơi cất giữ bí mật được bọc thép.
Vào năm 2016 những người tìm kiếm báu vật ở Ba Lan thông báo rằng phòng Hổ phách có thể nằm trong một hầm trú ẩn của Đức ở phía bắc Ba Lan, trong một khu vực hẻo lánh, tại thị trấn Mamerki. Bằng radar địa chất họ đã phát hiện ra một khối rỗng nào đó đã được giấu kín trong lòng đất, đó là nơi mà họ cho rằng phòng Hổ phách được chuyển đến vào những năm 1950. Tuy nhiên, như thường lệ, phát hiện này chẳng đem lại kết quả gì.
Cuối cùng, vào tháng 10 năm 2017, giới tìm kiếm nghiệp dư của Đức loan báo rằng họ đã gần như tìm ra được phòng Hổ phách. Theo họ, nó được cất giấu ở gần Dresden - trong dãy núi đá vôi Ore ở phía nam Saxony, trong hang Hoàng tử, nơi có một đường hầm trong núi hẹp và dài 18 mét dẫn đến. Trong hang, cũng bằng radar địa chất, họ phát hiện một khối rỗng bị bịt kín cũng như dấu vết của dây cáp mà họ cho rằng người ta đã dùng để hạ các tấm hổ phách xuống lòng đất. Những người này cho biết họ đã nhận được thông tin này từ các nguồn đáng tin cậy vào năm 2001. Có vẻ như cái hang này đã được Đức Quốc xã sử dụng và vào năm 1945 ở một nơi gần đó dân địa phương có nhìn thấy một đoàn tàu đến từ Koenigsberg.
Tất cả các giả thiết này đều có chung một điểm yếu: hổ phách là vật liệu tự nhiên rất mỏng manh, dễ hư hỏng và cần có điều kiện đặc biệt để bảo quản. Ngay cả trong bảo tàng nó cũng đòi hỏi phải được trùng tu và bảo dưỡng thường xuyên. Một hầm ngầm được đào vội vã để cất giấu hổ phách khó lòng có được những điều kiện như vậy. Cho nên, rất có thể, "Bí mật phòng Hổ phách" sẽ mãi mãi vẫn là một bí ẩn.
Theo Amadatravel.vn