17/07/2020
GIANG ƠI: 10 LỜI KHUYÊN CHO SINH VIÊN KHI LÀM BẤT CỨ CÔNG VIỆC GÌ
Từ chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, vlogger Giang Ơi nắm rõ tâm lý các bạn sinh viên vừa ra trường: "Thường với mọi người, công việc đầu đời luôn là xương máu, là những đồng tiền mình trầy trật làm ra, cay đắng lắm và để lại những kí ức không thể nào quên. Đối với mình cũng như thế thôi, mình mắc rất nhiều sai lầm và ăn nhiều quả đắng trong công việc đầu tiên nhưng lại là tiền đề cho những công việc phía sau".
Từ kinh nghiệm xương máu này, cô nàng biết cách học để trở thành một nhân viên tốt, dần dần biết cách làm một quản lý tốt. Bằng những gì bản thân đã thực nghiệm trải qua, Giang Ơi cho biết bất cứ ai ở trong hoàn cảnh mới tốt nghiệp đại học và tìm kiếm công việc đầu đời cũng hoang mang như nhau cả. Là một người từng trải, Giang Ơi đã "bày" 10 bí quyết giúp bạn dễ dàng toả sáng và tiến nhanh trong công việc của mình.
1. Giấy trắng mực đen
Kinh nghiệm đầu tiên là tối quan trọng mà bạn không được phép quên: Tất cả những công việc đều phải sáng tỏ trên giấy trắng mực đen. Sau khi sếp trao đổi, giao việc cho bạn bằng miệng, ngay lập tức, bạn phải viết email ghi lại lời sếp nói để xác nhận lại. Việc này không chỉ giúp các bên hiểu rõ ý nhau hoặc nắm rõ các chi tiết công việc mà còn là bằng chứng bảo vệ bạn khi có tranh chấp xảy ra.
Theo ý kiến của Giang Ơi, trong công việc, kị nhất là nói mồm và có thể xảy ra xung đột khi hai bên hiểu lầm ý nhau hay quên mất mình đã nói gì. Đây cũng là lí do tại sao sau mỗi buổi họp, đều có một người tổng hợp lại các ý kiến, ghi chép và gửi lại cho mọi người sau đó.
2. Hỏi đúng chỗ đúng cách
Giang Ơi cho rằng bạn phải chủ động trong công việc đầu tiên: "Đi làm không giống như đi học, không ai nắm tay chỉ việc cho bạn đâu trừ khi bạn may mắn gặp được một người có kĩ năng truyền đạt, kinh nghiệm quản lý và cái tâm nữa, người ta sẽ đủ quan tâm để hướng dẫn bạn."
Phần lớn chúng ta đều rất bối rối vì không hiểu mình sẽ làm gì, mọi người đang làm gì và sinh viên ra trường hơn nhau ở việc bắt nhịp với mọi người trong công ty như thế nào. Để chứng minh mình là một nhân viên sáng giá thì bạn phải xông xáo quan sát, đặt câu hỏi.
Câu hỏi đầu tiên bạn cần tìm ra là quy trình chung của công việc, từ đó hiểu được công đoạn việc của mình. Hãy dùng óc quan sát để tìm hiểu trước, không hiểu chỗ nào mới nên hỏi các tiền bối. Bí quyết được Giang Ơi chia sẻ: "Cái gì không biết thì tìm trên Google, cái gì không hiểu mới hỏi đồng nghiệp" .
3. Sổ và bút là người bạn thân
Sau khi đặt câu hỏi, nhận được câu trả lời rồi, bạn phải nhớ trong đầu, không được phép quên rồi hỏi lại cùng một câu hỏi lần thứ 2. Đi làm không giống như đi học, không có thầy cô nhắc nhở bạn từng tí một, chẳng có ai trong văn phòng đủ kiên nhẫn để trả lời một câu hỏi giống nhau của bạn cả.
Vlogger Giang Ơi chỉ điểm cho bạn một bí quyết đơn giản nhưng cực kì ghi điểm trong mắt các sếp là khi được gọi vào phòng sếp để nhận việc, bạn nên cầm theo giấy bút trên tay, được giao việc gì là ghi lại luôn. Là nhân viên mới, bạn phải nhớ sếp đã giao việc là không được chậm trễ deadline, không được nói trước quên sau.
4. Đừng trình bày kể lể
"Đừng trình bày những gì không thể làm, hãy trình bày những gì có thể làm."
Chỉ ra lỗi sai hay mắc phải của các bạn trẻ, Giang Ơi cho biết điểm trừ này sẽ khiến sếp và đồng nghiệp khó mà tin cậy khi trao công việc cho bạn. Trong một công ty có hàng ngàn đầu việc nhỏ diễn ra cùng một lúc, họ thuê bạn không phải để nghe bạn trình bày, kể lể mà là để giải quyết các vấn đề tồn đọng.
Những người quản lý một ngày phải xử lí hàng ngàn vấn đề khác nhau, vì vậy họ cần bạn đưa ra kết quả công việc, phương án giải quyết khó khăn. Thay vì trình bày cái này không được cái kia không xong, bạn cần trình bày: "Em đang làm việc A do có vấn đề B nên em chọn giải quyết theo cách C hoặc cách D, anh chị thấy sao?". Lúc đó, quản lý ít nhất sẽ nhìn nhận được những nỗ lực và dành sự tin tưởng cho bạn.
5. Nói một phải làm hai, đừng nói hai rồi làm một
Theo quan điểm của Giang Ơi, một nhân viên sáng giá là khi sếp giao cho việc gì, ngoài làm tốt và hoàn thành công việc đúng hạn, phải biết sử dụng óc phán đoán của mình để phân tích và tiến hành thêm một bước nữa. Nếu bạn nỗ lực chủ động giải quyết vấn đề xa hơn mức độ công việc được giao, chắc chắn sự nghiệp của bạn sẽ thăng tiến rất sớm.
Cố gắng tận dụng trình quan sát và sự xông xáo của mình trong công việc, đừng để sếp nói một thì làm một hoặc tệ hơn là nói hai nhưng chỉ làm một. Tuổi trẻ nên động tay động chân nhiều hơn, làm tốt ngay cả với việc không được giao.
6. Đôi khi phải biết chịu thiệt một chút
Đôi khi bạn sẽ phải nhận hậu quả vì một sơ suất của đồng nghiệp khác, đôi khi bạn phải ngậm đắng nuốt cay vì hiểu nhầm của sếp, vlogger Giang Ơi khuyên bạn nên hành xử, làm rõ mọi chuyện một cách chuyên nghiệp nhất trong những tình huống như thế này. Nhưng nếu vấn đề không diễn ra như ý muốn của bạn, hãy chấp nhận rằng đôi khi sẽ có những chuyện như thế này xảy ra.
Nếu vấn đề xảy ra rất nhỏ thôi, hãy tránh việc nhảy dựng lên, sồn sồn cãi nhau tay đôi để giành phần thắng. Đôi khi, chúng ta phải tỏ ra là người bao dung hơn thì công việc tính về lâu về dài mới tốt được.
7. Bạn không phải ngôi sao
Khi mới đi làm không được kiêu ngạo và hiếu thắng, thái độ đúng đắn nhất và nên có là tính cầu thị và khiêm tốn. Rất nhiều bạn trẻ mới ra trường mắc lỗi này vì khi đối diện các thử thách trong công việc, cá tính quá mạnh, lòng tự tôn quá lớn, không thích bị phê bình cộng với sự thiếu kinh nghiệm sống làm cho các bạn không kiểm soát được cảm xúc của mình dẫn tới việc hành động theo bản năng và tự làm khó mình trong công việc.
Bạn phải hiểu rằng, dù bạn thông minh, sáng tạo hay xuất chúng đến đâu thì bạn vẫn là một nhân viên mới và nên tránh tỏ ra mình là một người biết nhiều hơn đồng nghiệp. Giang Ơi cũng nhắc nhở đôi khi bạn cũng phải làm những việc bạn không thích, đôi khi bạn nghĩ mình quá tốt để làm những công việc linh tinh ấy nhưng hãy biết mình là ai và dùng thái độ khiêm tốn nhất có thể. Việc của bạn lúc này là học hỏi thật nhiều.
8. Không phải đồng nghiệp nào cũng là bạn bè
Đồng nghiệp không giống như thời đi học của bạn. Có những đồng nghiệp chân thành với bạn, lâu dần sẽ trở thành bạn tốt nhưng có những chuyện phức tạp hơn bạn nghĩ, vì thế hãy thân thiện với các đồng nghiệp mới ở mức độ chuyên nghiệp . Giữ các mối quan hệ đủ lâu, bạn mới có thể đánh giá được người đồng nghiệp đó có thể là một người bạn hay không. Và nếu có chơi với nhau, bạn cũng nên giữ những chuyện riêng ngoài công ty.
Những người chuyên nghiệp không đến công ty để kể chuyện đời. Ở đâu làm việc đó, nhớ nha!
9. Học ăn học nói học gói học mở
Với Giang Ơi, thời gian đi làm là thời điểm tốt để bạn rèn luyện cách hành xử, tác phong, chữ nghĩa trong công việc như đi làm đúng giờ, ăn mặc phù hợp, viết email đúng chuẩn, làm việc không cẩu thả... Luôn luôn có những người chuyên nghiệp, thành công, kinh nghiệm hơn bạn để bạn học hỏi ở họ. Vì thế, bạn cần quan sát cách họ nói năng, cách họ gửi email cho bạn...
Giang Ơi cho rằng bạn sẽ tiến bộ rất nhanh không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống thường ngày nếu bạn chăm chỉ quan sát và chịu khó học hỏi theo. Làm đúng được từ những việc nhỏ nhất thì bạn mới làm được những việc lớn!
10. Đừng hời hợt, đừng nửa vời
Tôn chỉ của vlogger Giang Ơi: "Làm gì thì làm, phải làm hết sức, không được nửa vời". Những người nửa vời thường đổ lỗi cho sự thiếu may mắn để chối bỏ những sai sót do mình gây nên. May mắn là cơ hội gặp được sự chuẩn bị sẵn sàng của bạn, chỉ khi bạn xứng đáng với cơ hội đó thì bạn mới gặp may mắn của mình.
Nhiều bạn trẻ ra trường đi làm công việc đầu tiên với thái độ là công việc này không xứng đáng với khả năng của mình. Đưa lời khuyên, Giang Ơi chia sẻ muốn làm sếp, bạn phải học cách làm nhân viên trước. Dù công việc của bạn hôm nay chỉ là lau bàn thôi, cũng hãy lau thật sạch và trở thành người lau bàn sạch nhất.
Hãy làm tốt công việc mình làm! Cơ hội chỉ đến với những ai đủ nỗ lực và xứng đáng với nó thôi. Vì vậy, ngay ngày hôm nay, hãy tự hỏi bản thân: "Mình đã nỗ lực đủ hay chưa?".
Theo Tri thức trẻ
Nguồn ảnh: Kênh14
Cre: Sinh Viên