17/08/2023
Ăn chay trong Phật Giáo
Muốn tìm hiểu về quy định ăn chay trong Phật giáo, cần tìm hiểu từ thời Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Sau khi ngài từ bỏ ngôi vị Thái tử và quyết chí xuất gia làm đạo sĩ ẩn tu tại khu rừng dưới chân dãy Hymalaya (Tuyết sơn).
Thái tử Sidhatha ban đầu học theo cách tu khổ hạnh của các ẩn sĩ Bàlamon, ngài quyết định ăn rất ít (chỉ ăn đậu, mè, trái cây) mỗi ngày. Chủ yếu tập thiền định, đêm ngồi không nằm cả dưới tuyết mùa đông... mãi 6 năm khổ hạnh như vậy khiến thân thể suy kiệt. Rồi một hôm ngài ngất xỉu, khi tỉnh lại nhận được bát sữa của người chăn dê cúng dường. Thái tử quyết định thay đổi cách tu, ngài cho rắng nhịn ăn là biện pháp cực đoan, người tu hành có thể sẽ tự làm khổ thân đến chết mà không tìm đến giác ngộ và trí tuệ giải thoát.
Một trí tuệ minh mẫn chỉ có thể thăng hoa trong một thể xác tráng kiện, vì vậy, Thái tử quyết rời bỏ cực đoan "tu ép xác khổ hạnh", ngài tìm một chốn thanh tịnh dưới cội cây Pimpala (sau nầy gọi cây Bồ đề), mang bình bát xin ăn đủ thức ăn 1 buổi chính trong ngài, rồi tập trung thiền định. Cho tới một hôm ngài quyết tâm nhập định 49 ngày thì chứng đắc được chân lý giải thoát. Thái tử trở thành bậc đạo sư giác ngộ chân lý, gọi là Budha (bậc giác ngộ). Từ đó, ngài quyết tâm đi tuyên thuyết chân lý giác ngộ của mình, mà hình thành nền tảng tư tưởng Đạo Phật.
Theo lời dạy của ngài về quy định ăn uống: ăn là nhu cầu cần thiết phải có, nhưng người xuất gia (tu sĩ) cầu "thánh đạo" là mục tiêu của cuộc sống, nên chỉ quán niệm "ăn vừa đủ để nuôi thân" (đó là Trung Đạo), không theo cực đoan nhịn ăn ép xác, cũng không lấy ăn làm sự tham cầu là cách sống thấp hèn. Người tu sĩ xa lìa danh lợi, hạ mình cầm bát đi khất thực (xin ăn), nhận cúng dường tùy duyên ăn để nuôi thân, không đòi hỏi nhu cầu ăn uống, từ đó cách ăn theo Phật giáo nguyên thủy quy định:
- Ăn 1 bữa chính trong ngày (trước 12h trưa)
- Được ăn thịt (thịt đã nấu chín) do Tín đồ cúng dường (dâng cho), không phạm 3 quy định sau:
1- vì thèm mà xin ăn (tham ăn)
2- thấy giết thịt vẫn lấy thịt đó ăn
3- nghe tiếng vật kêu khi bị giết vẫn cố ăn
Không phạm 3 quy tắc trên, thì Tu sĩ vẫn được ăn thịt (gọi là quy tắc Tam tịnh nhục). Tuy nhiên, nên tránh các loại thịt linh thú hay loài vật có độc như: Voi, hổ, ngựa, chó, rắn...
Khi Phật giáo truyền sang các quốc gia Đông Bắc Á sau 500 năm kể từ khi Đức Phật viên tịch như Trung Quốc, Nhật Bản... khí hậu lạnh từ cuối thu, sang đông đến đầu xuân năm sau khiến các Tu sĩ đi khất thực rất khó khăn vào mùa đông tuyết phủ. Họ phải định cư tại các trú xứ (Chùa) và tự chế biến thức ăn.
Tuy nhiên, các Tu sĩ không thể tự chế biến thức ăn từ thịt động vât, vì sẽ vi phạm "tam tịnh nhục" nên từ đó các Tu sĩ tìm thức ăn từ thực vật, rau đậu làm thức ăn là chính, thành các món chay (theo cách ăn chay của Tu sĩ bắc tông).
Vào thời vua Lương Võ Đế (464- 549) giai đoạn Nam - Bắc Triều (Nhà Lương) là vị vua sùng tín Phật giáo nhất trong lịch sử Trung Hoa. Ông lệ cho các Tu sĩ Phật giáo không đi khất thực, ở Tự viện nhận thực phẩm cúng dường. Dần về sau các Tổ Sư theo truyền thống Trung Hoa cho phép tu sĩ không đi khất thực, không nhận thịt và thành cách ăn chay theo truyền thống Bắc Tông ngày nay (*)
Tuy nhiên, tùy thể trạng và thời tiết, có thể đối với các tu sĩ trẻ ăn chay (món ăn từ thực vật mau tiêu, dễ đói), nên ăn ngày 1 buổi sẽ không bảo đảm sức khỏe, nên từ đó Tu sĩ bắc tông được phép ăn chiều (và ăn nhẹ buổi sáng).
Nhìn chung, ăn chay là phương thức ăn theo truyền thống Phật giáo Nam tông cũng như Bắc tông, dù Sư Nam tông nhận thịt ăn nhưng quy tắc "tam tịnh nhục" và ăn ngày một buổi đó là "chay".
Phật giáo lệ ra ăn chay là để tiết độ trong ăn uống, nhằm hướng con người đến những mục tiêu "cao thượng" hơn ăn uống, sống không phải chỉ để ăn uống?! Đôi khi trọn cuộc đời vất vả cực khổ chỉ vì "miếng ăn và nuôi miệng ăn".
Vì vậy, ăn đơn giản một chút, ăn để nuôi sống, không phải sống chỉ để nuôi ăn. Ngoài ra, chọn thức ăn không có nguồn gốc "máu thịt sinh mạng" là một cách tu "quán từ bi". Nguyện ăn gì cũng được, không lấy mạng loài khác để nuôi thân mình. Đó là cách ăn trưởng dưỡng hạt giống từ bi (thương mọi loài) của người phát tâm ăn chay vậy!
Nguồn: Ăn chay - chiasedaophat. com