27/01/2024
💥💥💥 Những điều chưa biết về người kiến tạo công trình 'thống trị' đường chân trời Paris
Tháp Eiffel- công trình đã "thống trị" đường chân trời Paris trong hơn 1 thế kỷ qua, gắn liền với tên tuổi của kỹ sư, doanh nhân người Pháp Gustave Eiffel.
Không chỉ là "cha đẻ" của Tháp Eiffel, ông còn thiết kế hàng trăm công trình khác trên toàn cầu, thậm chí còn được cấp bằng sáng chế cho hệ thống "các cầu" dưới nước chạy dưới eo biển Manche.
Eiffel tìm được công việc đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng đường sắt vào tháng 2/1856, chính thức mở ra sự nghiệp nghiên cứu kim loại. Tài năng thiên phú của Eiffel nhanh chóng gây được sự chú ý, giúp sự nghiệp của ông phát triển nhanh chóng với các công trình lớn cả ở trong và ngoài nước. Hội chợ Thế giới năm 1878, khi Eiffel 46 tuổi, đã khẳng định vững chắc danh tiếng của ông với tư cách là một trong những kỹ sư hàng đầu thời bấy giờ.
Dù vậy, ý tưởng ban đầu về Tháp Eiffel vốn không phải là của Eiffel bởi các kỹ sư Maurice Koechlin và Emile Nouguier mới là những người khởi xướng thiết kế.
Tháng 5/1884, Koechlin, sau một thời gian làm việc tại nhà, đã phác thảo tòa tháp và miêu tả đây là "cột tháp vĩ đại, bao gồm 4 dầm lưới tách biệt ở chân đế và chụm lại ở phía trên, được nối với nhau bằng các dàn kim loại".
Ban đầu, Eiffel không tỏ ra hào hứng nhưng ông vẫn đồng ý sẽ nghiên cứu sâu hơn về dự án. Sau đó, 2 kỹ sư nhờ Stephen Sauvestre bổ sung thêm các chi tiết trang trí. Phiên bản nâng cao này cuối cùng cũng nhận được sự ủng hộ của Eiffel.
Ông đã mua bản quyền bằng sáng chế và thiết kế của Koechlin, Nougier và Sauvestre. Eiffel tin rằng tòa tháp là biểu tượng không chỉ cho nghệ thuật kỹ sư hiện đại mà còn của cả thế kỷ công nghiệp và khoa học đương thời vốn bắt nguồn từ phong trào khoa học vĩ đại của thế kỷ 18, từ cuộc cách mạng 1789. Do đó, tòa tháp sẽ được xây dựng để bày tỏ lòng biết ơn với nước Pháp.
Hợp đồng xây dựng Tháp Eiffel chính thức được ký kết vào ngày 8/1/1887. Eiffel đã ký với tư cách cá nhân, không phải đại diện cho công ty. Chính phủ cấp cho ông 1 triệu rưỡi franc để xây dựng tháp, chưa bằng 1/4 chi phí ước tính là 6 triệu rưỡi franc. Bù lại, Eiffel sẽ nhận được toàn bộ thu nhập từ khai thác tháp trong thời gian triển lãm và 20 năm tiếp theo như kế hoạch ban đầu.
Khởi công vào ngày 28/1/1887 và hoàn thiện vào cuối tháng 3/1889, "Quý bà sắt" nặng tới 7.300 tấn, cao 330 m và là công trình kiến trúc nhân tạo cao nhất thế giới trong 4 thập kỷ sau đó.
Bình luận về ý nghĩa lịch sử của Tháp Eiffel, Văn phòng Hội chợ quốc tế từng nhận định : "tòa tháp đánh dấu đỉnh cao của kiến trúc bằng sắt và tạo đà cho cơn sốt xây dựng các tòa nhà chọc trời sẽ diễn ra trong suốt thế kỷ 20”
Ảnh & thông tin : sưu tầm