20/05/2024
🏘 Nhà thờ thánh giá Giêrusalem
🌹 Thánh giá bị chôn vùi và bị xúc phạm
Đồi Gôngôtha (Giêrusalem) với ngôi mộ táng xác Chúa đã trở thành nơi hành hương nổi tiếng vì các người Kitô hữu thường xuyên đến kính viếng và cầu nguyện. Tình trạng này khiến người Do thái và dân ngoại lo âu. Hoàng đế Adrianô (117-138) vào những năm cuối đời ông đã trở thành vị bạo Chúa rất ghét Kitô giáo. Ông ra lệnh làm ô uế đồi Gongôtha và ngôi mộ bằng cách lấp đầy đất và bít kín lối vào ngôi mộ rồi ra lệnh xây một đền thờ kính thần Jupiter và một đền thờ kính nữ thần Venus.
🌹 Thánh nữ Helena tìm thấy Thánh giá
Nhờ vào dấu cây Thập giá hiện ra trên nền trời (in hoc signum vincit: cứ dấu hiệu này ngươi sẽ thắng) tướng Constantino đã cho tạc hình Thập giá trên các khiên của binh sĩ dưới quyền, trong cuộc chiến chống lại quân của Hoàng đế Massenziô là con của Hoàng đế Massimiô vào năm 312 và đã chiến thắng vị hoàng đế này và Constantino đã lên ngôi hoàng đế Roma.
Một năm sau, năm 313 ông ra chiếu chỉ tại Milan ngưng bách hại các Kitô hữu và chính ông đã gia nhập Kitô giáo. Thân mẫu của Hoàng đế là Thánh nữ Helena theo gương con mình trở lại đạo Công giáo lúc bà 64, 65 tuổi. Bà sống đơn sơ thánh thiện.
Hoàng đế Constantinô đã cho xây một ngôi Thánh đường lớn trên đồi Gongotha và trên mộ Chúa Giêsu và được thánh hiến vào năm 335. Hiện nay khu vực Nhà thờ Mồ thánh ở Giêrusalem là địa điểm hành hương nổi tiếng nhất ở Thánh địa.
Theo tương truyền Hoàng thái hậu Helena vào năm 80 tuổi, đã đến hành hương Gierusalem để cầu nguyện cho con mình là Hoàng đế Constantinô vì ông này đã ra tay giết chết vợ mình là Hoàng hậu Fausta và cả hai hoàng tử của ông đều bị kết án là phản loạn. Trong cuộc hành hương Thánh địa, Thánh nữ Helena đã tìm thấy cây Thập Giá Chúa cùng với tấm bảng viết của Philatô gắn vào cây Thập giá.
Thánh Cyrillo (+386), kế vị Thánh Macario làm Giám Mục Thành Jerusalem, đã viết cho Hoàng đế Costanzo, con của Hoàng đế Constantino: “Dưới thời Constantino, thân phụ của Ngài, Cây gỗ cứu độ đã được tìm thấy ở Jerusalem”. Costanzo qua đời năm 361, nên chắc chắn bức thư của Thánh Cyrillo đã được viết trước ngày đó. Thánh nữ Helena gửi một mẩu Thánh giá thật cho Hoàng đế Constantino. Một phần Thánh giá bà đích thân mang về Roma, phần còn lại vẫn lưu giữ tại Jerusalem. Theo sử gia Socrate, việc tìm thấy cây Thánh Giá Chúa xảy ra vào khoảng năm 325 hoặc 326.
🌹 Thánh giá đến Roma
Năm 329, Thánh nữ Helena từ Giêrusalem lên tàu quay trở về Roma, và mang theo nhiều Thánh tích: gỗ Thánh giá, đất thánh ở đồi Gongotha, vài cái đinh đóng chân tay Chúa và vài cái g*i trong vòng g*i đội trên đầu Chúa. Bà đặt các di tích thánh này trong tư dinh của mình ở khu vực Sessoriano. Cũng năm đó thánh nữ qua đời.
🌹 Xây dựng Nhà thờ Thánh giá
Để tưởng niệm thân mẫu, Hoàng đế Constantino đã biến một phần dinh thự ở Sessoriano thành ngôi Nhà thờ để chứa một khúc Thánh giá thật. Qua nhiều lần thay đổi và trùng tu cuối cùng vào thế kỷ XVIII, Nhà thờ có hình dáng như chúng ta thấy ngày nay.
Trong Nhà thờ chứa các Thánh Tích: gỗ Thánh Giá, có chứa cả một cánh thập giá của người trộm lành cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Năm 1561 Đức Giáo Hoàng Pio IV đã ủy thác cho Dòng Xitô nhiệm vụ coi sóc Nhà thờ Thánh Giá này.
Vào thế kỷ XVI, Đức Thánh Cha Piô V cho phép chuyển các Thánh Tích tới nhà nguyện mới khô ráo hơn, thay vì nhà nguyện nằm dưới đất ẩm thấp. Nhà nguyện hiện thời được bố trí nhân dịp Năm thánh 1925. Bước vào, chúng tôi thấy thanh ngang cây Thập giá người trộm lành dài 178 cm, dày 13 cm. Nhà nguyện được khánh thành năm 1930, và hoàn tất năm 1952.
🌹 Các Thánh tích
Từ phần Thánh giá được Thánh nữ Helena mang về từ Giêrusalem, hiện thời chỉ còn 3 mảnh nhỏ. Điều này cho thấy Thánh tích cây gỗ Thánh giá Chúa ở Nhà thờ Helena đã chịu cắt xén nhiều lần do sự kiện các vị Giáo hoàng cắt xén nhiều lần để tặng cho các vị vua hay hoàng tộc. Tính chất xác thực của Thánh giá Chúa ở Đền thờ Thánh giá Giêrusalem được chứng thực qua nhiều văn kiện. Trong các văn kiện phụng tự, cũng chứng tỏ. Thánh Gregorio Cả (+604) đã ấn định ngày thứ sáu Tuần Thánh được cử hành ở Đền thờ Thánh Giá Jerusalem. Chính Đức Giáo Hoàng cùng với các giáo sĩ và giáo dân đã đi rước không mang giày vớ từ Đền thờ Laterano đến Đền thờ này để thờ lạy Thánh Giá Chúa.
Ngày 19 tháng 9 năm 1780, nhân viên của chính phủ Cộng Hòa Tibêria đến gặp Linh mục coi sóc Đền thờ là cha Sisto Benigni, OC., với lệnh tịch thu Thánh tích. Vị linh mục này hiểu chính phủ Cộng hòa muốn tiêu hủy Thánh tích vì ghét đạo Công giáo, nên bất chấp sự đe dọa, ngài không trao chìa khóa nhà nguyện cho họ. Khi ông Prefetto người thực hiện lệnh tịch thu của chính phủ đến, cha Sisto dấu chìa khóa đi, nên ông buộc lòng ra lệnh phá cửa bên trong Nhà nguyện, đe dọa, nhưng sau cùng rồi ông động lòng và không thực hiện lệnh tịch thu. Nhờ đó các Thánh tích được cứu vãn. Vào năm 1803, nữ quận công Tây Ban Nha Villa-Hermorsa dành tiền để thuê các nghệ nhân làm bình đựng Thánh tích mới chứa đựng gỗ Thánh Giá Chúa. Ông Joseph Valadier đã thực hiện công trình này. Hiện nay ba mảnh Thánh giá được giữ trong bình đựng quý giá này. Chúng tôi lên tận nơi quỳ gối cầu nguyện và chiêm ngắm.
🌹 Tấm bảng án gắn trên đầu Thánh giá
Đền thờ này được tu bổ nhiều lần. Trong lần tu bổ năm 1491- 1492, khi sửa mái Đền thờ, người ta tìm được một hộp bằng chì dài 2 gang tay, đóng kín trong đó có bảng gỗ dài một gang tay rưỡi, trên đó có 3 hàng chữ được khắc trên gỗ. Mỗi hàng là một loại chữ khác nhau. Hàng thứ nhất bằng tiếng La tinh, hàng thứ hai bằng tiếng Hy lạp, hàng thứ ba bằng tiếng Do thái cổ. Đó là bảng án Tổng trấn Philatô ra lệnh cho viết: Giêsu Nagiarét vua người Do thái. Ngày khám phá ra là ngày 1.2.1492. Ngày 12.3.1492, Đức Giáo Hoàng Innocente VIII đã đến xem bản án đó. Năm 1496, Đức Giáo Hoàng Alexandro VI xác nhận sự khám phá đó là thật.
Lm. G. Nguyễn Hữu An