13/04/2024
TOÀN TẬP KINH NGHIỆM THI ĐỔI BẰNG LÁI XE Ở CANADA
Đất nước Canada rất rộng lớn và thời tiết khá lạnh nên hầu như ai sống ở đây cũng đều có bằng lái xe và nên có một chiếc oto để di chuyển tiện lợi. Chưa kể, hầu hết công việc còn yêu cầu bạn phải có bằng lái xe và phương tiện cá nhân nữa. Bạn đã có bằng lái ở Vietnam muốn đổi hoặc muốn thi lấy bằng lái xe ở Canada nhưng chưa biết phải làm thế nào? (nhớ follow mình rồi đọc ngay những kinh nghiệm này để làm tốt và nhanh hơn đỡ tốn kém nhé)
• Trước tiên dù là có bằng lái ở Việt Nam hay chưa mà muốn thi hoặc đổi bằng lái ở Canada thì ĐỀU PHẢI HỌC-VÀ-THI-LẠI-BẰNG-LÁI-LÝ-THUYẾT, ở Ontario mình ở là bằng G1, những tỉnh bang khác có thể dùng tên khác, bạn vào website trung tâm sát hạch lái xe xem địa chỉ gần đi thi và phí thi https://www.drivetest.ca/tests/fees.html (tìm mục Find a Drive Test Center, thường ở thành phố nhỏ thi thực hành sẽ dễ hơn khu downtown GTA)
• Học và thi bằng lái lý thuyết G1 từ VN nếu có thể học qua trang web http://www.g1.ca/ , thi cũng nhanh và dễ, đừng nên mua Handbook tốn tiền mà học không hiệu quả bằng, vì trang web này mô phỏng y chang thi thật.
• Sau đó đăng ký thi bằng thực hành G2, nếu có bằng lái từ VN>2 năm thì có thể đăng ký thì thực hành ( sau khi hoàn thành G1 ) lấy Full G mà không phải chờ 1 năm. Cho nên nếu bạn sắp đi Canada mà chưa có bằng lái xe ở Việt Nam >2 năm thì khỏi phải học ở Việt Nam tốn tiền vì cách lái xe ở Canada khác ở Việt Nam, nếu giữ thói quen lái xe như ở Việt Nam có thể khiến bạn rớt trong lúc thi thực hành.
• Nếu bạn bị rớt G thì có thể thi lại G2 ngay mà không cần chờ 8 tháng, đậu thì thi lại G lần nữa. "Bằng quốc tế" mà ở VN làm thực ra chỉ là dịch thuật công chứng và áp dụng với những nước ký hiệp định với VN mà không áp dụng được ở Bắc Mỹ, bạn không cần làm bằng quốc tế tốn tiền khi đi du lịch ở Canada vì cái bằng lái có song ngữ là bạn có thể mướn xe Enterprise hoặc Turo chạy là ok, nhưng recommend là không nên lái nếu chưa từng lái xe ở khu vực Bắc Mỹ để đảm bảo an toàn, ở đây họ lái tốc độ khá cao và nhiều cái rất khác với VN ( rõ nhất là qua ngã 4 vẫn nhấn ga đạp đều chứ không có giảm tốc độ quan sát qua lại, cứ đúng đèn giao thông mà đi vì nếu bạn giảm tốc độ sẽ gây nguy hiểm cho xe chạy sau, ngoài ra rẽ trái-phải thấy đường trống là đạp ga để băng nhanh qua chứ không có rề ga từ từ nhìn tứ phương xem có ai chạy ẩu ra hay như hồi còn ở quê nhà). Tốc độ trung bình khu vực locals 40~60 còn highway thì 70~120km/h mất tập trung chút là nguy hiểm khi lái xe ở Canada này. Mấy vụ tông xe mình thấy trên đường toàn nát đầu xe hoặc nát một bên xe hoặc cốp xe dúm lại, nếu va quẹt trầy xước nhẹ chắc chỉ có trong bãi giữ xe 2 bên share 50-50 bảo hiểm ai người nấy chịu 😉
Trên đây là một số kinh nghiệm trong nhiều điều cần biết và làm quen khi sống ở Canada mà các bạn có thể tìm đọc thêm ở HỘI DU HỌC ĐỊNH CƯ CANADA-PR PLAN khi có ý định dẫn cả gia đình đến sinh sống.
Tiếp theo mình chia sẻ Quy trình lấy/đổi/thi bằng lái ở Canada đơn giản thế này :
1-BẰNG LÁI OTO Ở VN KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ ĐỔI NGANG BẰNG Ở CANADA như là Korea hay USA. Việc dịch công chứng để đăng ký đổi chỉ làm giảm thời gian chờ giữa G1 và G2 ( 8 tháng~1 năm ), giữa G2 và G ( 1 năm ). Bạn ra bất kỳ ngân hàng nào yêu cầu họ cấp cho bạn 1 cái Money Order đúng số tiền mà nhân viên trực tổng đài của Vietnam Embassy in Canada thông báo cho bạn để thanh toán phí XÁC NHẬN BẰNG LÁI LÀ BẰNG THẬT.
2- Mua 2 cái phong bì có sẵn tem của Canada Post để gửi cho Vietnam Embassy trong phong bì đó chứa : bằng lái oto ở VN thời gian trên 2 năm bản gốc thẻ PET song ngữ, Money Order, 1 phong bì có ghi sẵn địa chỉ bạn nhận lại thư xác nhận của Embassy ở mục “TO” ( not FROM ) sau khi Embassy chứng thực cho bạn. Bạn ghi bên ngoài cái phong bì bự đó mục “NOTE : Dịch và Công chứng Driver’s License” là Vietnam Embassy tự hiểu sẽ làm gì và gửi về cho bạn sau một tuần theo đúng địa chỉ phong bì bên trong bạn đã ghi. Thông tin Vietnam Embassy như sau :
Embassy of the Socialist Republic of Vietnam in Canada
Add: 55 Mackay Street, Ottawa, ON K1M 2B2
Website : https://vietnamembassy.ca/
Tel: 613-236-0772
Hotline: 613-882-6699
Hotline: 343-777-8384
Hotline: 343-777-4999
Fax: 613-236-2704
Emails:
[email protected]
[email protected] (visa and consular services only)
3- Sau khi nhận được tờ dịch công chứng bằng lái của Vietnam Embassy thì lên web https://www.drivetest.ca/find-a.../alphabetical_list.html xem chỗ nào gần nhà ra đăng ký thi G1 ( dù có bằng lái VN vẫn phải thi lại G1 ) nhớ chìa cái bằng lái bản chính và tờ dịch ra để yêu cầu thi thẳng G, đóng phí để thi G1 và G2, và full G, nếu rớt G thì không phải đóng tiền thi lại G2 nữa vì phí thi G2 đã bao gồm trong G1 rồi, chi phí này có thể thay đổi bạn check lại trong website www.drivetest.ca nhé.
Một số lỗi hay bị rớt khi thi road test như sau : không ngoái đầu check điểm mù, giảm tốc khi change lanes và qua đèn xanh, dừng bảng stop chưa đủ lâu và chưa check kỹ người đi bộ, hoặc quẹo phải khi đèn đỏ mà không dừng hẳn...vân vân và mây mây. Mình cũng bị rớt full G một lần phải thi lại do chạy trên highway nhát chân ga và change lane rụt rè thậm thụt. Có full G rồi nhưng có lần mình bị red light camera phạt khá nặng khi quẹo phải lúc đèn đỏ mà mình cứ tưởng là được phép dù không có biển cấm. Hóa ra là bạn phải dừng đèn đỏ có red light camera đủ 5 giây rồi mới quẹo được, không thì camera sẽ tự động chụp biển số xe bạn và hiểu là bạn đang vượt đèn đỏ.
4- Lưu ý khi thi G1 : nên đến Driving Center lúc 8h xếp hàng để 8h30 lấy số đầu nếu không phải chờ 2 tiếng rất mệt, bài thi 40 câu nhưng chia làm 2 phần : bảng hiệu 20 câu và luật/tình huống 20 câu, “PHẢI PASS 16/20 CÂU CHO MỖI PHẦN” thì mới đậu. Tránh hiểu nhầm là được sai 8 câu, có bạn làm phần đầu đúng 20/20 xong phần sau vừa sai 5 câu là sẽ bị rớt đấy nhé. Cách thi y chang học trên website mình đã share, chọt chọt cảm ứng rất trực quan và dễ nhớ. TẤT CẢ BẰNG ENGLISH KHÔNG CÓ VIETNAMESE. Có bằng lái G1 này thì có thể thay thế cho Passport khi làm các giấy tờ cần ID Card và để cung cấp khi thi Road Test.
5- Lưu ý khi thi Road Test G2/G : nhớ quan sát Blind Spots bằng cách quay cái đầu và cổ lại phía sau ( và phải để ý giám khảo nhìn mình là mình giả bộ quay đầu quan sát khi rẽ trái/phải/de đuôi lấy điểm, mình bị rớt lần đầu vì lúc quay đầu thì giám khảo không nhìn đến khi cô ấy nhìn thì mình đã quan sát xong, không quay đầu rớt ráng chịu ahihi ), check gương hậu và gương giữa mỗi 10~15 giây, cầm vô lăng bằng 2 tay hướng 11h và 3h, tuyệt đối không bấm kèn, chú ý người đi bộ-đèn giao thông-biển báo tốc độ, trụ nước chữa cháy bên đường và lối ra vô đậu xe cách đó 3m, ra vô xe đánh xi nhan và quay đầu quan sát điểm mù, chạy cao hơn tốc độ cho phép +5km/h tránh trường hợp lỡ bị giảm chân ga cũng không thấp hơn tốc độ cho phép sẽ bị giám khảo tick vào là chạy chậm không đủ đốc độ. Đó là những cái hay rớt và bị thẻ đỏ tức thì. Bạn nào có kinh nghiệm gì khác thì bổ sung nha 😃
6- Bảo hiểm ở Canada tính phí dựa trên thời gian tay lái mới có bằng bao lâu ở Canada để xem rủi ro họ điều khiển xe có dễ bị tai nạn gây tổn thất, chứ không đánh giá trên Vật Chất Xe như ở Việt Nam, vì giá xe ở Canada rất rẻ nhưng đền bù cho bên thứ 3 Liability nhất là phần Thương Tật Con Người rất cao. Hiện tại trong các bảo hiểm thì The Cooperators là rẻ nhất, dịch vụ cũng khá tốt mình dùng 4 năm nay mỗi năm đều giảm phí đều nếu không có accident nào, phí chỉ khoảng 200 đổ lại. Một số hãng khác thì lại tăng phí vì trong khu vực bạn ở hay có tai nạn.
[Nguồn: Lê Hùng Phi]