29/10/2021
ĐÀN XÃ TẮC VÀ LỄ TẾ XÃ TẮC Ở HUẾ
Phan Thanh Hải
Đàn Xã Tắc là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của cố đô Huế. Dưới thời Nguyễn, cùng hàng với đàn Nam Giao và Ngũ miếu trong Hoàng thành (Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Phụng Tiên Miếu), công trình này là một trong những “Miếu Đàn” trọng yếu của triều đình và hoàng gia, lễ tế ở đàn Xã Tắc cũng được xếp vào hàng cao nhất (Đại tự).
Đàn Xã Tắc được xây dựng từ cuối mùa xuân năm 1806, sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Đàn nằm ở phía tây của hoàng cung, đúng theo nguyên tắc “tả Tổ, hữu Xã” (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) của thành trì phương Đông truyền thống.
Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng của công trình -Xã Tắc tượng trưng cho Tổ quốc- nên triều đình đã buộc cả 28 dinh trấn trong nước nộp đất sạch về để đắp đàn; nhiều nhất là dinh Quảng Đức đóng 100 khiêng, ít nhất là trấn Thuận Thành đóng 1 khiêng, còn phần lớn các trấn đều đóng 50 khiêng. Các nơi đều dùng thuyền chở đất về Kinh đô để đắp đàn tế.
Sau khi xây dựng xong, đàn Xã Tắc có quy mô khá lớn, kết cấu gồm 2 tầng, đều hình vuông. Tầng thứ nhất cao 1,7m, mỗi cạnh 30m; mặt nền đàn tô 5 màu theo ngũ phương: ở trung tâm là màu vàng, hướng đông màu xanh, hướng tây màu trắng, hướng nam màu đỏ, hướng bắc màu đen. Chính giữa tầng này có 32 chân tảng bằng đá khoét lỗ ở giữa để cắm tàn lọng mỗi khi tế lễ. Bốn phía xây bậc cấp để lên đàn: bệ phía bắc có 11 bậc; các bệ ở phía đông, tây, nam đều có 7 bậc. Ở chính giữa tầng 1 đặt án thờ Thái Xã thần vị ở bên phải và Thái Tắc thần vị ở bên trái. Ngoài ra ở bên phải của tầng 1 còn thờ thêm Hậu thổ Câu Long thị và phía trái thờ Hậu Tắc thị. Hai bàn thờ Thái Xã và Thái Tắc đặt đối diện nhau.
Tầng thứ 2 cao 1,2m, mỗi cạnh 74m. Mặt trước của nền gạch có 2 chân đá tảng để cắm tàn lọng; bốn bên đều có bậc cấp bước lên, mỗi bệ có 5 bậc xây bằng đá.
Cả 2 tầng đều có xây lan can bổ trụ bằng gạch, cao đều 90cm. Tầng thứ nhất tô màu vàng. Tầng thứ 2 tô màu đỏ.
Đàn Xã Tắc được đặt trong một khuôn viên hình chữ nhật, rộng hơn 3,6ha (214m x 172m); phía trước mặt (phía Bắc) lại có hồ lớn làm Minh đường.
Trong khuôn viên đàn và dọc các lối đi quanh bên ngoài, triều Nguyễn cho trồng rất nhiều xoài, tùng, mù u. Cây mù u (tên chữ là Nam mai) là loài cây đã tạo nên đặc trưng của đàn Xã Tắc tại kinh đô Huế, lưu lại trong cả ca dao:
Văn Thánh trồng thông,
Võ Thánh trồng bàng,
Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u.
Sau khi đàn Xã Tắc được xây dựng xong, triều đình nhà Nguyễn rất chú trọng việc cúng tế ở đàn này. Ý nghĩa của việc tế lễ đàn Xã Tắc cũng quan trọng không kém việc tế ở đàn Nam Giao. Dưới thời Nguyễn, các lễ cúng tế của triều đình được chia làm 3 bậc: đại tự, trung tự, và quần tự. Lễ tế đàn Xã Tắc được thuộc vào bậc Đại tự giống như lễ tế đàn Nam Giao và lễ tế ở các miếu thờ vua chúa nhà Nguyễn. Theo quy định, dưới thời Gia Long, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu vua "ngự giá" làm lễ tế đàn Xã Tắc, những năm còn lại các ban đại thần thay nhau thực hiện công việc này. Từ thời Minh Mạng trở đi, triều đình tổ chức cúng tế đàn Xã Tắc 2 lần trong một năm, vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Các vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị đều thân hành đến làm chủ lễ ở đàn Xã Tắc. Dưới thời các vị vua kế tiếp, việc cúng tế ở đàn Xã Tắc vẫn được duy trì cho đến khi nhà Nguyễn cáo chung (1945).
Sau năm 1945, đàn Xã Tắc không còn được sử dụng đúng như chức năng vốn có, dù vậy di tích vẫn giữ được diện mạo cơ bản của một đàn tế quan trọng của triều Nguyễn. Nhưng đến khoảng những năm 1970, mặt bằng của khu vực đàn Xã Tắc được sử dụng làm khu gia binh trực thuộc sự quản lý của quân đội miền Nam Cộng Hòa. Kể tư thời điểm này hầu hết phần đất từ vòng thành thứ 2 đến la thành ngoại được trưng dụng làm nhà ở. Rồi sau năm 1975, tình trạng trên vẫn tiếp tục duy trì với số dân cư ngày càng gia tăng.
Với quyết tâm phục hồi một di tích cung đình quan trọng, năm 2006, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ khoa học cho đàn Xã Tắc. Ngày 13/12/2006, di tích chính thức được Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đến tháng 9/2007, Trung tâm bắt đầu phối hợp với Bảo tàng lịch sử Việt Nam tiến hành các thủ tục thám sát khảo cổ học đàn Xã Tắc, chuẩn bị cho dự án trùng tu di tích. Cuối tháng 3/2008, công tác thám sát khảo cổ học đã cơ bản hoàn thành và dự án tu bổ đàn Xã Tắc bắt đầu được triển khai. Công tác nghiên cứu trùng tu đàn Xã Tắc khá thuận lợi vì các thông tin từ tư liệu và thám sát khảo cổ rất phong phú; hơn thế tại Huế vẫn còn đàn Sơn Xuyên- đàn tế núi sông của triều Nguyễn, được xây dựng năm 1852, hoàn toàn mô phỏng theo cách thức của đàn Xã Tắc.
Việc trùng tu giai đoạn I của dự án với chủ yếu là mặt bằng khu đàn tế tầng thượng và tầng hạ đã hoàn thành vào cuối tháng 5/2008, và đến tháng 6/2008, trong dịp festival văn hóa quốc tế, Lễ tế đàn Xã Tắc đã được tổ chức.
Lễ tế Xã Tắc vốn là một nghi lễ cung đình quan trọng diễn ra mỗi năm 2 lần vào mùa xuân và mùa thu dưới thời Nguyễn. Đây là nghi lễ cúng thần Đất (Xã) và thần Ngũ Cốc (Tắc) với mong ước mùa màng được bội thu, nhân dân no ấm. Điều đáng nói là đàn Xã Tắc ở Huế là di tích còn tương đối nguyên vẹn hơn cả trong các di tích đàn Xã Tắc tại Việt Nam, tư liệu về các nghi lễ tế cúng tại đây cũng còn khá đầy đủ. Tái hiện lễ tế ở đàn Xã Tắc không chỉ là việc phục dựng, bảo tồn một nghi lễ cung đình truyền thống mà còn là sự tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, tôn vinh văn hóa truyền thống của Việt Nam. Theo ý nghĩa đó, lễ tế Xã Tắc được tổ chức vào mùa xuân hàng năm, từ năm 2008 đến nay đã trở thành nghi thức thường niên, thành một hoạt động văn hóa hấp dẫn, giàu tính nhân văn và mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất Thần Kinh. Bởi cầu cho đất nước thịnh vượng, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm đâu chỉ là nguyện vọng của các vua Nguyễn, mà đó là ước vọng của muôn đời.
Mong muốn của những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa và của đông đảo cộng đồng nhân dân Huế là đàn Xã Tắc sớm được trùng tu phục hồi một cách toàn vẹn, được trả lại toàn bộ không gian nguyên thủy bao gồm toàn bộ khu vực đàn tế, hồ Xã Tắc ở phía bắc và các công trình phối thuộc. Bởi vậy, dự án tu bổ tôn tạo hồ Xã Tắc đang được triển khai đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận và cộng đồng./.
Dẫn luận trùng tu:
Vấn đề trùng tu tôn tạo đàn Xẵ Tắc hiện được dư luận rất quan tâm khi dự án tu bổ tôn tạo hồ Xã Tắc nằm trong Chương trình phát triển các đô thị loại 2 (Các đô thị Xanh- Green City) đang được triển khai. Hồ Xã Tắc là chiếc hồ nhân tạo, gắn liền và đóng vai trò là minh đường của đàn tế Xã Tắc, vốn đã được vua Gia Long cho xây dựng từ năm 1806. Năm 2006, sau hàng chục năm bị lấn chiếm và ở trong tình trạng hoang phế, dự án trùng tu đàn Xã Tắc bắt đầu được khởi động, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành bởi nhiều lý do, trong đó lí do chính là vẫn chưa thể giải tỏa hàng trăm hộ dân cư ra khỏi khu vực I di tích này.
P.T.H
, , , , , , , , , , ,