30/12/2021
CẦU NGÓI THANH TOÀN - HUẾ
Trong kho tàng văn học dân gian Huế có câu:
“Ai về ngói Thanh Toàn, Cho em về với một đoàn cho vui”.
Câu ca dao chứng minh đường về mái ngói Thanh Toàn ngày xưa rất khó đi. Hồi đầu thế kỷ XX, ông R.Orband, H. Lebreton trong hội Đô thành hiếu cổ (BAVH) đi xe kéo xuất phát từ tòa Khâm (Đại học sư phạm ngày nay) qua Đập Đá đi về hướng Thuận An, đến Chợ Vỹ Dạ thì rẽ phải, vượt qua cầu Ông Thượng đến làng Lại Thế rồi ra bến Mộc Hàn, men theo sông đi qua làng Ngọc Anh, Chiết Bi, Dưỡng Mong, Vinh Vệ, Phúc Linh, Thanh Lam, chợ Sam đến làng Sư Lỗ. Từ đây không theo sông nữa mà qua một cánh đồng chừng 1,5km rồi bỏ xe kéo đi bộ thêm 100m nữa ra đến bờ sông. Cầu ngói Thanh Toàn bắc qua một con hói hiện ra ở bên kia sông. (Hói: từ địa phương Huế, chỉ kênh đào nhỏ).
Ngày này, ít người đi theo con đường ấy. Người ta có thể đến chợ Vỹ Dạ rồi rẽ phải vào đường Tùng Thiện Vương, vượt qua cầu xã Thủy Văn, rẽ trái, men theo sông đi qua làng Xuân Hòa, Công Lương, Dã Lê đến phủ Quốc ân thế nghiệp thờ ông Nguyễn Phúc Hiệp – một vị tướng tài thời Trịnh Nguyễn phân tranh (cũng là phủ thờ cụ Tôn Thất Thuyết – một võ tướng của triều Tự Đức) ở giữa làng Vân Thê. Một con đường bê tông sát phủ thờ băng qua giữa làng dẫn khách chạy thẳng về cầu ngói Thanh Toàn. Nhưng thế vẫn còn rắc rối. Bây giờ, người ta về cầu ngói Thanh Toàn bằng con đường qua chợ An Cựu đến cổng Phát Lát rồi rẽ trái đi thẳng một mạch bằng con đường nhựa êm ru. Từ trung tâm thành phố về đến cầu ngói khoảng 8km.
Cầu ngói trên làng Thanh Toàn, huyện Phú Vang. Đời Minh Mạng cắt đất hai huyện Phú Vang – Phú Lộc lập thành huyện Hương Thủy, cầu thuộc huyện Hương Thủy. Sau chữ Thanh Toàn phạm húy một vị vua triều Nguyễn, làng tên Thanh Toàn phải đổi thành Thanh Thủy, tên cầu cũng phải đổi theo. Tuy nhiên, dân gian vẫn gọi là cầu ngói Thanh Toàn.
Cầu ngói Thanh Toàn thuộc loại “thượng gia, hạ kiều” – trên là nhà, dưới là cầu. Nguyên gốc cầu dài 18,5m, rộng 5,82m dựng trên 6 hàng cột gỗ lim, chia làm ba gian. Gian giữa cao để cho thuyền bè qua lại, hai gian hai đầu chạy xuống thoai thoải gối lên hai bờ. Gian giữa bằng, mặt tây giữa có thưng gỗ kín đặt khám thờ bà Trần Thị Đạo – người bỏ tiền xây dựng cầu hồi nửa thế kỷ XVIII. Lan can hai bên cầu để trống, đặt ghế dài cho khách bộ hành và dân làng ngồi hóng mát vào những ngày nóng nực, các nhà thơ ngồi tìm tứ thơ. Mái cầu lợp ngói nên người ta gọi là cầu ngói. Tập san Đô thành hiếu cổ dịch là “Le Pont couvert en tuilles” hay “Le Pont couvert de Thanh Thủy”. Trên nóc mái và cửa vào hai đầu cầu xây gạch, trát vôi, đắp rồng phụng, khảm câu đối màu rực rỡ.
Cầu ngói Thanh Toàn – Kiến trúc “trên là nhà, dưới là cầu”
Người lập ra câu ngói Thanh Toàn là bà Trần Thị Đạo – cháu sáu đời của một trong 12 vị khai canh làng Thanh Thủy (Thanh Toàn) “. Bà Đạo là vợ của một quan đứng đầu ba huyện Hương Trà, Phú Vinh và Quảng Điền do vua Lê cử từ sau ngày quân Trịnh chiếm Phú Xuân vào đầu năm 1775. Không hiểu vì lý do gì mà tài liệu cũ không ghi tên chồng bà. Nhờ chức vị của chồng mà bà được phong tước: Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân cẩm y vệ, phó quản lĩnh. Căn cứ vào sắc của vua Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37 (tức năm 1776, thời quân Trịnh đang chiếm Phú Xuân) thì cầu ngói Thanh Toàn được làm vào năm 1776. Sắc có đoạn viết:
“Bà Trần Thị Đạo, quê làng Thanh Toàn, người có đức hạnh. Cuộc sống của bà làm cho mọi người ngưỡng mộ đủ mọi điều. Bà là người đáng được ca ngợi hơn ai hết. Bà làm cho làng được ban ơn huệ (nhờ bà mà vua tha thuế sưu dịch cho dân làng) và người ta sẽ ghi nhớ hoài. Sắc chỉ này là để chứng tỏ điều triều đình khen ngợi đối với người xây dựng chiếc cầu ngói ấy và khuyến khích những người khác hào hiệp như bà “. (Theo Địa chí Hương Thủy, NXB Thuận Hóa, 1998, tr.324 -325).
Câu ngói Thanh Toàn ra đời cách đây hơn 230 năm. Trải qua biết bao thiên tai dịch họa, cây cầu vẫn giữ được hình dáng gốc. Theo tài liệu lịch sử và tài liệu dân gian thì cầu ngói Thanh Toàn đã được tu sửa nhiều lần. Lần thứ nhất vào năm Thiệu Trị thứ tư (1844), cầu bị mưa lụt làm hư hỏng nặng, dân làng góp tiền của sửa chữa, đến tháng 2 năm Thiệu Trị thứ bảy (1847) cầu sửa xong (công việc được ghi khắc vào trụ cầu). Lần thứ hai, cầu lại bị bão năm Thìn (ngày 11-9-1904) giật sập, được dân làng sửa lại. Lần tu sửa này có một vài điểm đáng chú ý: Kích thước cầu bị thu hẹp chút ít, bề dài là 16.85m so với trước sửa là 18.75m; bề ngang là 4.63m, so với trước khi sửa là 5.82m. Kinh phí tu sửa hết 950 đồng (dân làng đóng 700 đồng, nhà nước tài trợ 250 đồng). Điều đó chứng tỏ cầu ngói Thanh Toàn đã được xem như một di tích quốc gia. Lần tu sửa thứ ba diễn ra vào năm 1956, lần thứ tư vào năm 1971 và lần tu sửa mới nhất vào năm 1991.
Năm 2020, cầu được đại trùng tu, tháo dỡ toàn bộ sau đó làm lại cầu. Hiện nay cầu ngói Thanh Toàn đã đưa vào khai thác hoạt động du lịch bình thường.
Cầu ngói Thanh Toàn sau khi trùng tu năm 2020. Cầu ngói Thanh Toàn nhỏ hơn và ra đời sau Lai Viễn kiều (cầu chùa Hội An) nhiều năm nhưng nó là một thắng tích hiếm hoi, ra đời dưới sự cai trị của vua Lê nên nó cũng được lịch sử quan tâm. Tập san Đô thành hiếu cổ (BAVH) viết về cầu ngói Thanh Toàn đến hai lần vào các năm 1917 và 1933.
Cầu ngói Thanh Toàn không chỉ là một phương tiện giúp dân đi lại, làm nơi hóng mát nghỉ ngơi của người dân quê mà còn là một di tích cổ truyền lại cho con cháu mai sau. Từ chợ quê Thanh Thủy bước vào cầu người ta thấy một đôi câu đối khảm sành sứ, nét chữ không đẹp nhưng ý nghĩa rất thâm thúy.
Phiên âm:
Kiệt cẩu thiên thu thắng tích
Ngõa kiều mỹ cảnh cựu quy mô
Dịch nghĩa:
Cầu truyền là kiệt tác kiến trúc cổ, một di tích thắng cảnh truyền lại nghìn
Cầu ngói Thanh Toàn được nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật (Quyết định công nhận Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin thể thao và du lịch ký ngày 14-7-1990).
Nguồn: 700 NĂM THUẬN HÓA, PHÚ XUÂN, HUẾ – NGUYỄN ĐẮC XUÂN
———
, , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , ,
https://www.huetour.vn/ — tại Du lịch Huế.
———