22/08/2024
Làng bún Vân Cù và lịch sử hơn 500 năm phát triển
Xã Hương Toàn ngày nay được hình thành từ 8 làng: Hương Cần, An Thuận, Liễu Cốc Hạ, Nam Thanh, Cổ Lão, Vân Cù, Triều Sơn Trung, Dương Sơn.
Trong sách Ô châu cận lục của cụ Dương Văn An, ấn hành năm 1555 đã có đề cập đến làng Đào Cù, chính là làng Vân Cù sau này, còn làng Hương Cần lúc đó có tên là Hàm Cần, và làng Dương Sơn lúc đó có tên là Dương Loan. Cũng nói thêm rằng sách Ô châu cận lục là tài liệu "địa phương chí sớm nhất" của Việt Nam, ghi chép về nhiều phương diện như núi sông, thành quách, phong thổ, nhân vật...của dải đất miền Trung (từ Quảng Bình trở vào đến Quảng Nam) ở thế kỷ 16.
Nói về nguồn gốc của tên làng Vân Cù. Mùa Đông năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng lánh nạn chúa Trịnh vào lập nghiệp ở Đàng Trong, trấn thủ đất Thuận Hóa. Sau khi đã an cư lạc nghiệp, vì lệ kiên húy (tên) của vua chúa nên làng Đào Cù được đổi tên làng thành Vân Cù.
Từ rất xa xưa, trước khi theo nghề làm bún thì làng Vân Cù chuyên nghề nung gạch. Nghề làm bún là một nghề công phu và đòi hỏi quá trình làm rất vất vả. Nghề bún có chày, cối để giã gạo; có rây, khuôn để vặn bún; có lò lửa để luộc bún; có thúng, mũng để đựng bún; có triên, gióng và đòn gánh để đi bán phương xa… Ngày nay, nhờ có máy móc hỗ trợ nên nghề làm bún cũng bớt vất vả hơn xưa.
Bún Vân Cù nổi tiếng khắp xứ Huế, làng Vân Cù còn được mọi người yêu mến gọi là "Làng bún". Bún Vân Cù nổi tiếng không đâu sánh được bởi có mùi vị đặc trưng riêng (mùi thơm như hương gạo mới xay), con bún màu trắng ngà, không bở mà cũng không dai quá. Bún Vân Cù đã góp phần tạo nên thương hiệu cho món “bún bò Huế” nức tiếng gần xa. Một điều đặc biệt nữa là không cần ăn kèm cao lương mỹ vị gì, nhiều khi chỉ cần một chén nước mắm chanh tỏi ớt cũng đủ làm thực khách nhớ mãi sợi bún ở ngôi làng ven sông Bồ này.
[Nói về vụ ăn bún với nước mắm chanh tỏi này lại nhớ hồi xưa có nhiều dịp được ăn bún với nước mắm chanh tỏi, đó là mỗi lần nhà "xây rơm" là chắc chắn có ăn món này, hay vào mùa "lụt" có mấy người Vân Cù hay chèo ghe đi bán bún, với hồi xưa có mấy người hay đi đổi đồ đồng nát lấy bún ăn...]
Truyền thuyết nói về nghề làm bún và lễ hội làng nghề bún Vân Cù: Tương truyền ngày xưa có một người đàn bà rất đẹp, thuỳ mị và khéo léo. Không rõ họ của bà là gì, chỉ biết bà tên là My, nghe đâu từ Thanh Hóa đi vào tìm đất lập nghiệp. Hành trang của bà chỉ có cái cối xay để giã gạo làm bún. Khi đến làng Vân Cù, vì kiệt sức, nên đành dừng lại và định cư luôn ở đây. Bà lấy nghề bún làm kế sinh nhai và dạy cho người dân trong vùng làm theo. Một ngày kia, vào buổi trưa, trong lúc bà đang làm bún, chẳng may hoả hoạn nổi lên thiêu rụi nhà bà và lan sang những nhà khác. Bà bị bắt tội, trói giữa sân đình cho đến chết.
Kể từ đó, cứ mỗi độ huý nhật của bà, trong làng đều có nhà bị cháy. Dân làng cho rằng bà bị chết oan nên hiển linh về báo oán. Những người được bà dạy nghề làm bún đã lập miếu thờ và khấn vái xin giải oan cho bà và cũng cầu cho tai qua nạn khỏi. Kỳ diệu làm sao, kể từ đó đã không còn cảnh cháy nhà nữa, dân làng lại ngày càng ăn nên làm ra và nghề bún phát triển cho đến hôm nay. Miếu của bà bây giờ còn ở phía trước, bên phải sân đình làng. Lễ hội Bà Bún làng Vân Cù được tổ chức hằng năm vào ngày 22 tháng Giêng để cúng tế, cầu nguyện cho bà; Đây là hoạt động văn hóa tâm linh có ý nghĩa nhân văn, gắn kết cộng đồng, giữ gìn các giá trị bản sắc truyền thống.
Nguồn: FB Nguyễn Hữu Tuấn