25/08/2015
Di tích lịch sử Ngục Kon Tum
- Ngục Kon Tum đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch) chính thức công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 1288/VH-QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988. Di tích lịch sử Ngục Kon Tum gắn liền với những sự kiện lịch sử cách mạng của dân tộc ta nói chung và dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng, đó là sự ra đời của chi bộ Đảng Công sản đầu tiên ở tỉnh Kon Tum, trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum và cuộc đấu tranh lưu huyết vang động núi rừng của các chiến sỉ tù chính trị bị giam cầm tại Ngục Kon Tum 12/12 và ngày 16/12/1931.
- Vị trí Di tích hiện nay: Ngục Kon Tum nằm trên đường Trương Quang Trọng-tổ 1-phường Quyết Thắng-Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Là nơi giam giữ các chiến sĩ cộng sản trong giai đoạn 1930-1934. Những ngôi mộ của các chiến sĩ cộng sản, nhà ngục và các vật chứng tại đây là dấu tích, là minh chứng hùng hồn về một cuộc đấu tranh đầy đau thương, oanh liệc nhưng rất vẻ vang kiên cường của các chiến sĩ cách mạng trên con đường giải phóng dân tộc.
*Lịch sử Di tích:
Nhà Ngục Kon Tum do thực dân Pháp xây dựng bao gồm 02 lao: Lao trong và Lao ngoài.
- Lao trong: Là nhà lao cấp tỉnh, được thực dân Pháp dựng lên ngay khi thiết lập được bộ máy cai trị ở tỉnh Kon Tum (khoảng từ năm 1915-1917), nằm ở gần sông Đăk Bla, cách đường quốc lộ 14 trên 1.000 mét về phía tây, gần với toà nhà làm việc của viên công sứ Pháp, của giám binh, trụ sở của tên quản đạo và trại lính bảo an.
Nhà lao này ban đầu xây dựng không kiên cố, với bốn dãy nhà liền nhau tạo thành một hình vuông theo kiểu pháo đài Vôbăng(Vauban) của Pháp. Mặt trước bốn dãy nhà đều hướng vào một sân rộng mỗi chiều 18 m. Nhà lợp ngói, tường đất, xung quanh không có tường cao, hàng rào đơn giản không chắc chắn. Cả khu vực nhà lao chỉ có một cửa ra vào và hai chòi gác cao có thể quan sát được cả trong và ngoài lao. Ngăn cách giữa sân với các phòng giam là hàng rào chắn song bằng gỗ dày, cứng chắc. Mỗi nhà giam có chiều rộng 3,5m, trong đó dành 2m lát ván nằm cho tù nhân, 1,5m là đường đi lại. Hai đoạn đầu của 2 dãy nhà ngang dọc ấy ngăn thành 4 phòng nhỏ hẹp, trong đó có 3 cái để giam phạt tù và một phòng cạnh cổng ra vào là nơi làm việc của xếp lao. Bảo vệ nhà lao có đơn vị lính khố xanh thường xuyên thay nhau canh giữ rất nghiêm ngặt.
- Lao ngoài (hay còn gọi là lao kẽm, lao sắt, lao cầu mới): Nhà lao này được thực dân Pháp xây dựng khoản tháng 3-1931. Mục đích là nhằm để tạm giam tù từ công trường làm đường 14 ở Đăk Pao, Đăk Pét trở về Thị xã "tạm" nghỉ trong 6 tháng mùa mưa, nên có tính chất tạm bợ. Nó nằm cách trung tâm thị xã khoảng 2 km về phía tây, cạnh sát bờ sông Đăk Bla. Gồm 2 nhà giam: nhà lớn dài khoảng 18-20 m, rộng 12 m. Bên trong có 4 sạp tù nằm dài, có thể giam giữ được trên dưới 100 tù nhân; nhà nhỏ có 2 sạp, giam được 50 tù nhân. Ở giữa 2 nhà là nhà lính gác. Cửa ra vào được làm bằng thép g*i chằng chịt và trước cửa có một chòi gác của lính. Đặc điểm nổi bật của nhà lao này là xung quanh không có thành xây giữ kín như các nhà lao khác, bốn bề trống trải, không có nơi ẩn nấp, nên hễ khi tù nhân bỏ trốn thì dễ bị lính gác phát hiện. Do đó, việc thiết kế của lao ngoài tuy nhìn vào đơn giản, nhưng có chủ ý rất thâm sâu.
- Nhà lao Kon Tum lúc đầu giam giữ những người địa phương bị thực dân Pháp ghép vào “tội” chống đối hoặc vi phạm “pháp luật” của chúng. Từ cuối năm 1929 đến giữa năm 1930, có 2 tù chính trị được đưa lên giam giữ tại đây là đồng chí Đổng Sỹ Bình và đồng chí Ngô Đức Đệ. Sau thất bại của Cao trào cách mạng Xô Viết-Nghệ Tĩnh (1930-1931), thực dân Pháp tiến hành đàn áp, truy ráp, bắt bớ hàng loạt các chiến sỹ Cộng sản và quần chúng giác ngộ tham gia cuộc đấu tranh đem giam giữ chật kín các nhà lao ở các tỉnh Trung châu, tù chính trị bị đày lên nhà lao Kon Tum ngày càng đông.
Sự kiện thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên (Chi bộ binh) ở Lao trong.
- Tại đây với bản lĩnh và sự khôn khéo của người chiến sĩ cộng sản cách mạng, đồng chí Ngô Đức Đệ đã tuyên truyền cảm hóa được các ông đội, ông cai, binh lính trong hàng ngủ địch trở thành những người yêu nước tiến bộ, rồi đến với Đảng trở thành những người cộng sản.
- Ngày 25 tháng 9 năm 1930 chi bộ Đảng Cộng sản trong binh lính nhà lao Kon Tum được thành lập gồm 04 đảng viên (đồng chí Ngô Đức Đệ - bí thư và các đồng chí Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ). Đồng chí Ngô Đức Đệ là người có công thành lập ra tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên ở Kon Tum. Ngày 25-9 đã trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.
Cuộc đấu tranh Lưu huyết của các tù nhân chính trị ở Lao ngoài (ngày 12-12-1931) và cuộc đấu tranh tuyệt thực (từ ngày 13 đến ngày 16-12-1931).
- Ở ngoài lao, sau khi thực dân Pháp đưa đoàn tù chính trị từ công trường làm đường Đăk Pao, Đăk Pét trở về giam cầm trong 06 tháng mùa mưa. Do lường trước được âm mưu độc ác của thực dân Pháp với tinh thần sẳn sàng đối phó, với quyết tâm đấu tranh đến cùng. Tại đây ngày 12 tháng 12 năm 1931 khi bọn cầm quyền tiến hành ly gián tù binh và chuẩn bị đưa một số anh em còn lại lên Đăk Pét lần 2, anh em tù chính trị ở Lao ngoài đã đấu tranh quyết liệt, chống lại âm mưu của chính quyền cai trị, bọn địch điên cuồng sã súng dã man tàn sát đẫm máu anh em tù chính trị làm 08 người chết, 08 người bị thương.
- Tiếp đến tại Lao trong số anh em tù còn lại đã tổ chức tuyệt thực phản đối từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 12 năm 1931. Sáng ngày 16 tháng 12 năm 1931 thực dân Pháp lại một lần nữa nã súng vào tàn sát cuộc đấu tranh tuyệt thực làm cho 07 đồng chí hi sinh và 08 đồng chí bị thương, đồng thời lập tức áp giải và phân tán số tù nhân còn lại, dập tắt cuộc đấu tranh.
Cả hai đợt đấu tranh trực diện, thực dân Pháp đã giết hại 15 đồng chí và làm bị thương 16 đồng chí. Tuy vậy, sau cuộc đấu tranh này nhà cầm quyền Pháp buộc phải thả 50 người tù chính trị có án nhẹ và một số tù thường phạm; phải nhượng bộ bằng việc thay đổi chế độ lao dịch của tù, bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men. Tháng 12-1932, địch bỏ hẳn việc đưa tù chính trị đi làm đường 14. Tháng 4-1934, thực dân Pháp phải xóa bỏ nhà đày Kon Tum và đưa tất cả số tù chính trị còn lại vào nhà đày Buôn Ma Thuột.
Ý nghĩa của Di tích lịch sử ngục Kon Tum đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
- Di tích lịch sử ngục Kon Tum và cuộc đấu tranh Lưu huyết, với tinh thần quyết liệt, chấp nhận hy sinh của các tù nhân chính trị vì mục tiêu cao cả "Chết để sống", "Chết một người để cứu muôn người" đã thể hiện được bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ Công sản trước lưỡi lê, mũi súng tàn bạo của quân thù, thể hiện ý chí khát vọng vươn lên đấu tranh tìm đến chân lý độc lập, tự do cho mọi người, cho dân tộc.
- Sự hy sinh anh dũng, bất khuất của các anh em tù chính trị trong nhà lao Kon Tum đã gây được tiếng vang lớn đối với dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người, tạo cho dư luận trong nước và thế giới được rõ hơn về chính sách cai trị lao tù của thực dân Pháp ở Đông Dương, đã lật tẩy được bộ mặt đê hèn với sự giả danh của ngọn cờ "tự do", "bình đẳng", "bác ái" của bọn thực dân Pháp .
- Hình ảnh các chiến sĩ ngã xuống tại Ngục Kon Tum để giữ gìn khí tiết người Cộng sản đã tác động sâu sắc đến đồng bào các dân tộc Kon Tum, đến binh lính, công chức trong hàng ngũ địch, làm cho nhân dân các dân tộc Kon Tum hiểu rõ hơn về chế độ lao tù, về những người Cộng sản và về Đảng quang vinh. Nhiều binh lính, công chức trong hàng ngũ địch đã giác ngộ theo cách mạng.
- Cuộc đấu tranh Lưu huyết quyết liệt ấy đã thể hiện tinh thần quyết tâm sắt đá, là mệnh lệnh thiêng liêng của trái tim, khối óc của các chiến sĩ Cộng sản trước vận mệnh sống còn của quốc gia, dân tộc. Tuy cuộc đấu tranh bị bọn thực dân tàn sát đẫm máu, nhưng kết quả đạt được là rất vẻ vang, đã buộc địch phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của anh em tù chính trị đưa ra. Và nhất là từ bỏ việc xây dựng con đường 14 xâm lược, từ bỏ hoàn toàn nhà Ngục Tum-lò giết những người Cộng sản vào năm 1934 đã chứng minh sự thừa nhận thất bại của thực dân Pháp trước tinh thần đấu tranh quyết tử của tù chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
- Hình ảnh những người tù chính trị đã đi vào lịch sử một Ngục Kon Tum kiên cường, bất khuất - một biểu tượng về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung, anh dũng của những người Cộng sản. Các anh đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương Kon Tum anh hùng.
- Ngày nay di tích lịch sử Ngục Kon Tum càng có ý nghĩa sâu sắc đối với Đảng Bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, là nơi thôi thúc ý chí vươn lên của các thế hệ hôm nay và mai sau, để thế hệ chúng tôi hôm nay và mai sau học tập phát huy truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất đấu tranh của cha ông trong thời kỳ dựng nước và giữ nước. Tinh thần và tấm gương anh dũng của những chiến sỹ Cộng sản, những quần chúng ưu tú của Đảng trong cuộc đấu tranh lưu huyết vang động núi rừng ngày ấy càng góp phần xứng đáng vào trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, vững bền. Những tấm gương ấy đã, đang và sẽ sống mãi trong trái tim người dân Kon Tum và cả dân tộc Việt Nam, trong lịch sử, hiện tại và tương lai.