08/04/2024
ĐOÀN ĐẠI BIỂU BÁO LÀO CAI DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI NHÀ LƯU NIỆM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI LÀO CAI
Hôm nay, ngày 08 tháng 04 năm 2024, hướng đến kỷ niệm 61 năm ngày ra số đầu Báo Lao Cai đổi mới (10/4/1963 - 10/4/2024) - sự kiện đánh dấu sự ra đời của Báo Lào Cai, Đoàn đại biểu Báo Lào Cai đã long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào Cai.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, đoàn đã dâng hương, dâng hoa bày tỏ sự tri ân sâu săc, lòng biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã suốt đời hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân, đồng thời là một nhà báo cách mạng tiền phong, người Thầy lỗi lạc, người khai lối mở đường của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động báo chí, đến nghề báo và những người làm báo. Dẫn lại lời của Lênin “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”, Người khẳng định: “nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang”[1]. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong bức thư gửi Đại hội Báo giới: “Chiến sĩ ở các mặt trận thì dùng súng chống địch, các bạn thì dùng bút chống địch”[2]. Sau này, trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962, Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”[3] và “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”[4]. Đến bức điện chúc mừng Hội Nhà báo Á - Phi năm 1965, Người viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”[5]. Có thể thấy, xuyên suốt trong tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quan điểm báo chí vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, vì Tổ quốc, vì Nhân dân như chính Người từng nói: “Tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”[6].
“Là một người có nhiều duyên nợ với báo chí”[7], “một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí”[8] như Người vẫn khiêm tốn khi tự nói về mình, Bác căn dặn những người làm báo: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, “cố gắng trau đồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”[9], “...không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được”[10], “... phải học tập không ngừng và phải luôn luôn khiêm tốn”[11].
Tin tưởng rằng, được trở về nơi từng lưu dấu chân Người, trong không gian dường như vẫn còn vương hơi ấm của Người, thêm một lần hồi tưởng về cuộc đời, sự nghiệp và những lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu chính là nguồn động lực to lớn để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên Báo Lào Cai phấn đấu, nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp làm báo với “mắt sáng, tâm trong, bút sắc”, xây dựng Báo Lào Cai ngày càng phát triển, xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai./.
------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 210.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 167.
[3] ] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 13, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 463.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 13, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 466.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 14, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 540.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 171.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 164.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 13, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 463.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 13, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 466.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 171.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 170.