29/03/2024
Tiệm cà phê của nàng chỉ bán đúng một loại: Đen, đắng, có đá.
Bất kể Xuân, Hạ, Thu, Đông, bất kể ngày thường hay ngày lễ. Quanh năm, cửa tiệm chẳng đóng cửa bao giờ. Cà phê thì đắng, vậy mà nàng lại đặt tên tiệm là “Ngọt.”
Ngoài mặt tiền được trang trí bằng một dãy những chậu hoa nở theo mùa, mùa xuân thì đào mai khoe sắc, mùa hạ thì hồng đỏ bay hương, đặc biệt là mùa thu, cây hoa sữa nàng trồng từ ba năm trước trổ ra những chùm hoa trắng ngần, hương thơm dắt díu nhau men theo đường đi của gió, thấm vào màn đêm những nồng nàn, ngầy ngậy.
Bên ngoài là thế, nhưng bên trong thì chỉ có duy nhất một mùi thơm, ấy là hương thơm cà phê.
“Cô chủ biết lừa người thật đấy!” Có lần, lúc bưng cà phê đến, nàng nghe hắn nói với mình như vậy.
Đặt chiếc ly xuống, nàng chống tay, ngả người tựa vào cạnh bàn một chút, nàng hỏi: “Lừa người thế nào?”
“Bên ngoài đề tên là Ngọt, mà cà phê thì…” Dừng một chút, hắn hơi cười, gương mặt thấp thoáng một vẻ dường như ấm ức, giọng nói ngân dài: “Đắng quá à!”
“Thế chẳng phải lừa người còn gì.”
Biết hắn chỉ trêu, chứ chẳng có ý soi xét, bắt lỗi gì, nàng nhún vai, thản nhiên vặn lại: “Người ta đề tên là Ngọt, chứ có phải ghi ở đây bán cà phê ngọt đâu mà kêu lừa? Lừa ai? Lừa chỗ nào?”
Nàng bĩu môi, hất tóc, làm ra dáng vẻ đanh đá hiếm thấy, rồi đỏng đảnh quay ngoắt người đi. Hắn biết, kiểu gì vào đến trong quầy pha chế nàng chả trộm cười.
Nàng còn rất trẻ, chắc chỉ độ hai ba, hai tư tuổi. Tuy hắn chưa hỏi tuổi nàng bao giờ, nhưng áng chừng thế, nàng thua hắn cỡ mười tuổi.
Hắn ba mươi ba, nhưng trông cằn cỗi như người đã tứ tuần, tháng nào quên nhuộm lại tóc là trông thấy lốm đốm sợi bạc ngay.
Dẫu cách biệt tuổi tác là thế, nhưng chắc vì uống cà phê ở đây nhiều quá, nên cả hai tự quen thân nhau, coi nhau như bạn bè, không hề câu nệ.
Gọi là bạn bè, nhưng ngoài việc hắn biết nàng là trẻ mồ côi, không có người thân thích gì và nàng biết hắn đã ly hôn vợ, đồng thời có một đứa con gái mười tuổi ra thì bọn họ không biết gì về nhau nữa cả.
Nhiều đêm muộn, trong quán chỉ còn lại một chủ một khách, hắn muốn gợi chuyện với nàng, nhưng một phần không biết nên bắt đầu thế nào, phần khác lại sợ đụng chạm vào nỗi đau của người ta, nên đành thôi.
Vậy là ngày qua ngày, hắn cứ như con ong cần mẫn, tự ngồi trên xe lăn đến quán cà phê Ngọt của nàng, mang theo một chiếc ipad, rồi ngồi ở đó cả nửa buổi, yên tĩnh như một bức tượng băng, không bao giờ có dấu hiệu tan chảy.
“Anh là hoạ sĩ à?” Mang cà phê tới, nàng lên tiếng hỏi khi thấy hắn đã vẽ một con thỏ trên ipad, có điều con thỏ này lại có tận ba cái tai.
“Vẫn chưa đến mức gọi là hoạ sĩ.” Hắn đặt bút xuống, ngước lên nhìn nàng rồi nói tiếp: “Anh chuyên vẽ bìa cho sách thiếu nhi.”
Xem ra vì vậy mà hắn có thể tự do làm việc, nàng thoáng nghĩ, rồi cảm thấy trong lòng bỗng dưng có một cảm giác nhẹ nhõm xuất hiện, cảm giác ấy trườn dần lên như một nhánh hồng leo, lên đến tận cổ, khiến nào không nén được mà thở phào.
“Anh làm công việc này lâu chưa.”
“Mới tầm hai năm thôi.”Rồi không đợi nàng hỏi, hắn chủ động nói: “Trước anh làm giáo viên dạy Mỹ Thuật ở trường tiểu học, trường Thường Xuân ngay ngõ A ấy, chắc em biết.”
“Em biết chứ. Nhiều khách quen của em cũng có con học ở trường đó.”
Cả hai đang tán gẫu thì một người đàn ông xuất hiện ở cửa, người này ăn mặc như dân văn phòng, nhưng sắc mặt lãnh đạm, đôi lông mày kiếm hơi cau lại lúc nhìn vào nàng và hắn.
Nàng nhìn vị khách mới tới, lạnh giọng bảo: “Anh lại đến làm gì?”
Nàng dùng từ “lại” có nghĩa đây không phải lần đầu người đàn ông này đến đây, nhưng anh ta không phải khách hàng, không biết anh ta với nàng có mối quan hệ gì. Trong lòng hắn chợt có một cảm giác râm ran, đau ngứa như bị vuốt mèo cào nhẹ vào, hắn cũng đưa mắt nhìn chằm chằm ra hướng cửa.
“Ra đây nói chuyện.” Người đàn ông gằn giọng.
Nàng khoanh tay, đanh mặt lại, không hề có ý nhượng bộ: “Tôi không có gì để nói cả. Anh đi đi, đừng cản trở tôi kinh doanh.”
Người đàn ông giơ điện thoại trong tay lên, như thể trong đó có thứ gì đó mang tính uy hiếp đối với nàng, anh ta ngạo nghễ: “Chắc chưa?”
Hắn hết đảo mắt quan sát thần sắc của người đàn ông, lại tỉ mỉ đánh giá biểu cảm của nàng. Ngay lúc chiếc điện thoại ấy được rút ra, nàng đã có chút dao động, trong đôi mắt ấy bùng lên một thứ cảm xúc khó diễn tả được, giống như vừa giận dữ, lại vừa giễu cợt đối phương. Hay là giễu cợt chính mình mới đúng nhỉ?
Nàng nheo mắt, rồi bảo: “Đi, ra ngoài nói chuyện.”
Hắn đưa tay ra, định níu lấy nàng nhưng trượt. Nàng đi mất nhanh quá, chỉ còn bàn tay hắn hụt hẫng ở giữa không trung.
Chưa đầy mười phút thì nàng quay lại quán, chỉ một mình. Người đàn ông không hề theo vào nữa. Mắt nàng đỏ au, ầng ầng như phủ một tầng sương mỏng, bên mặt trái cũng hồng lên bất thường, dường như còn có một vết lằn mờ mờ.
Chẳng lẽ tên khốn đó đ//ánh nàng? Hắn nghĩ, rồi giật mình. Hắn muốn hỏi nàng, mà lại thấy chuyện này hơi riêng tư quá, với mối quan hệ của họ, hỏi tới tận gốc rễ những chuyện không hay của đối phương như thế, xem ra cũng kỳ.
Đồng hồ điểm bảy giờ tròn, hắn nhận ra đã đến giờ mình phải đi về. Vì vậy hắn đặt tiền lên mặt bàn, rồi lặng lẽ rời đi.
Nắng vừa bớt gắt, như thường lệ, hắn lại mang theo ipad đến quán. Nàng vừa nhìn thấy bóng hắn ở cửa đã bắt đầu pha cà phê.
“Anh suốt ngày chê cà phê đắng mà vẫn tới uống hoài đó thôi.”
“Làm giàu cho cô còn gì.”
Nghe hắn nói, nàng cười lớn rồi bảo: “Được mấy đồng đâu, em mà giàu thì khác.”
“Khác thế nào?”
“Không biết nữa, đi nơi khác chẳng hạn.”
Tuy không biết lời nàng nói là thật hay đùa, nhưng hắn nghe xong vẫn hơi sững người. Rồi hắn bảo: “Em mà đi, cửa tiệm để cho ai?”
Từ đó đến giờ, nàng đều một thân một mình trông coi quản lý nơi này, từ pha cà phê, rửa cốc chén, chăm hoa, quét dọn. Quán chưa bao giờ thuê người làm, nàng lại chẳng gia đình, không người thân, nàng mà đi, hương cà phê nồng nàn cũng đâu còn.
“Thì dẹp tiệm thôi, chứ còn để cho ai.” Nàng nói thản nhiên, như thể trong lòng đã có quyết định từ lâu lắm rồi, như thể chẳng có lưu luyến, nuối tiếc gì với “căn nhà” này.
Nghĩ ngợi thế nào, nàng lại bảo: “Hay em để tiệm cho anh nhá. Chứ dẹp tiệm đi, thì anh đâu còn chỗ mà kiếm tìm cảm hứng để vẽ tranh nữa.”
Hắn nghe nàng nói thế thì phì cười. Rồi trong từ nụ cười ấy, một ánh buồn heo hắt lộ ra, như ánh nắng sau một trận mưa rào, vàng nhạt, lặng câm, chẳng đủ để hong khô mặt đường ướt nước.
“Anh thế này… ngoài ngồi một chỗ vẽ tranh còn làm được gì.”
Như để cố che giấu cái vẻ ảm đạm trong mắt, hắn gõ gõ lên chiếc bánh của xe lăn, gắng gượng nặn ra một nụ cười như trẻ con lần đầu tập nặn đất màu, lúng túng đến nỗi không biết mình đang làm đúng hay sai.
Trời bắt đầu nổi gió, từng đám mây âm u kéo đến, che mất quầng sáng ít ỏi còn sót lại trên tầng không, lá vàng bay tứ tung, dòng người đi bộ vội vã trên đường, tất cả báo hiệu một cơn mưa sắp đến.
Sắp bảy giờ tối rồi, sắp đến giờ hắn phải về nhà. Nhưng nếu bây giờ trời đổ mưa, có lẽ về muộn một chút cũng không sao. Hắn nghĩ vậy, rồi trong vô thức, vô thức đến nỗi chính hắn cũng chẳng nhận ra, não bộ đã truyền đến một tia suy nghĩ, mong trời đổ mưa thật nhanh.
Khéo thay, trời mưa rất nhanh.
Mưa nặng hạt, trắng xoá đường, chẳng mấy mà mặt đường khô hạnh của mùa hạ đã ướt nhèm, trên những vũng nước đọng, tầng tầng lớp lớp b**g bóng xuất hiện rồi vỡ ra, luân phiên nhau như đang hoà thành một bản giao hưởng trong câm lặng.
“Ý, mới đó mà đã mưa rồi.” Nàng đưa mắt nhìn ra ngoài cửa kính, khẽ suýt xoa. Rồi lại nhìn vào đồng hồ điện thoại và bảo: “Anh ngồi đợi mưa tạnh rồi hẵng về, chứ mưa gió thế này sao về được.”
Người bình thường đi mưa về gió đã khổ rồi, nói chi người ngồi trên xe lăn như hắn. Hắn nghĩ thế rồi tự gật gù. Ừm, đúng thế.
“Anh đợi tạnh mưa rồi mới về.”
Liếc thấy cà phê trong cốc đã cạn đáy, chỉ còn mấy viên đá chỏng chơ lạo xạo bên trong, nàng quay vào bên trong, chẳng mấy chốc đã mang ra một ly cà phê mới.
Có điều lạ thay, lần này nàng mang ra một ly cà phê còn bốc hơi nóng. Hắn kinh ngạc mở to đôi mắt, lúng búng hồi lâu không thốt lên lời, như thể vừa gặp phải một chuyện bất ngờ đến nỗi đáng sợ.
Thấy biểu cảm ấy, nàng hơi buồn cười.
“Trời mưa lạnh mà. Em định mang cho anh thứ gì đó nóng uống cho ấm bụng, nhưng khổ nỗi tiệm chẳng có gì ngoài cà phê.”
Đây có thể coi như là nàng phá lệ vì hắn không? Tuy chưa uống được ngụm cà phê nóng nào, mà hắn đã thấy thân nhiệt tăng lên, từ trong lồng ngực, hơi ấm lan khắp khoang bụng, dần dần chuyền đến tứ chi, rồi mới lên tận mặt, tận tai.
Nàng cũng chuẩn bị cho mình một ly cà phê giống của hắn, nhưng ly của nàng là cà phê đá, hai người ngồi cạnh nhau ở vị trí ngay sát cửa kính, đăm đăm đưa mắt ngắm nhìn làn mưa bên ngoài.
“Mỗi lúc mưa thế này, nhìn ai nấy đều vội vã đi trên đường, em lại thấy ghen tỵ với họ.” Nàng thủ thỉ tâm tình.
“Tại sao?”
“Tại sao á? Hừm… chắc vì em nghĩ họ vội vã như thế là để nhanh chóng trở về nhà. Cái cảm giác về đến nhà ấy, bước qua cánh cửa, giông bão bên ngoài bỗng bé con con như những hạt sương mù. Cảm giác ấy, chắc sẽ tuyệt lắm.”
Giọng nàng chậm rãi, buồn hiu hiu như một cơn gió bấc, làm lòng hắn se lại, hắn thương thay cho nàng. Tuy hắn là người tàn tật, cuộc sống cũng không đến nỗi quá viên mãn tròn đầy, nhưng hắn vẫn có một cô con gái, có con gái, tức là vẫn có gia đình, có chốn để “dung thân”, để tựa vào. Còn nàng thì khác, nàng quá cô đơn.
“Mà đâu, tính ra, em cũng có người thân đấy chứ! Em có anh trai đấy.” Nhắc đến anh trai, vẻ mặt của nàng không những không có chút vui mừng, ấm áp nào, ngược lại còn đầy chua chát, châm biếm.
Trong đầu hắn bỗng vụt qua một hình ảnh, một cách hơi rụt rè, hắn hỏi: “Là… người đàn ông hôm trước đến tìm em à?”
“Ừ.” Nàng cũng chẳng buồn giấu diếm.
“Anh trai cùng mẹ khác ba.”
Cả hai yên lặng vài giây, nàng lại bảo: “Năm mười bảy tuổi, em vào nghề.”
Ba mẹ mất sớm, nàng và anh trai cùng mẹ khác ba được bà ngoại nuôi nấng.
Năm nàng mười bảy, anh trai hai tư thì bà bệnh nặng. Biết tin bà bệnh, ông anh lêu lổng bỏ đi biệt tăm vì sợ phải “gánh nợ vào thân”.
Giấu diếm bà nội, nàng làm “nghề ấy” để nhanh chóng kiếm tiền viện phí. Nhưng cuối cùng bà nàng vẫn chỉ trụ được một năm rồi đi.
Sau khi bà đi, nàng tình cờ gặp lại người anh trai cùng mẹ khác ba của mình cũng trong “nghề.” Nhưng khác với nàng, anh ta làm nhiệm vụ dẫn mối.
“Bà mất, em chỉ làm thêm hai năm để đủ tiền mở tiệm, rồi rời khỏi đó. Nhưng anh ta không chịu tha cho em.”
Anh ta làm đủ trò, từtạo áp lực bằng những video không đàng hoàng, dụ dỗ bằng lời ngon tiếng ngọt, đến cho người gây rối ở cửa tiệm. Cứ dây dưa với nhau mãi, tới tận bây giờ.
Anh trai nàng quyết không buông tha cho nàng, còn nàng thì quyết không chịu thoả hiệp.
Nàng lấy từ tạp dề ra một bao thuốc, hiếm khi hắn mới trông thấy nàng hút thuốc. Nhưng lần này nàng chỉ châm lửa thôi, không hút. Dường như châm lên chỉ để ngửi mùi cho bình tĩnh lại vậy.
“Đời, lắm lúc khốn thật anh ạ.”
Hoá ra nàng không chỉ cô đơn. Nàng còn khổ nữa.
Hắn yên lặng nhìn gương mặt nàng, từ mắt, tới lông mi, gò má. Bỗng chốc, khao khát được trở về làm một người bình thường sau bao năm ngủ say lại trở mình, thức giấc.
Nếu hắn còn đôi chân…. Giá mà như thế, nhưng làm gì có “giá như”?
Mưa vẫn ồn ào, nhưng đã bớt nặng hạt, lúc này thì tiếng chuông gió ở cửa vang lên, một cô bé áng chừng mười tuổi đẩy cửa bước vào. Thấy hắn, cô bé reo lên “Ba!”
Con gái hắn lanh lợi và đáng yêu hơn nhiều so với hình dung của nàng, hơn nữa còn rất lễ phép.
“Thấy ba mãi không về, con đoán chắc ba bị mắc mưa, nên tới đón ba á!” Con bé giải trình, đôi mắt sáng lên như thể đang nói về một công lao hiển hách.
“Bé giỏi quá ha!” Nàng vừa vỗ vai vừa khen ngợi cô con gái của hắn.
Vậy là hai cha con dắt díu nhau ra về. Qua khung cửa kính, nàng trông thấy cô gái nhỏ nghiêng mình cật lực che ô cho hắn, tán ô ngả hết về bên phải. Nhìn cảnh đó, mắt nàng rưng rưng.
“Có gia đình thật tốt.”
Từ sau đêm mưa ấy, hắn không ghé quán nàng nữa.
Nàng nghĩ, chắc hắn sợ mình, cũng có khi là kỳ thị mình.
Ừ, một cô nàng từng làm gái bán hoa, ai mà chẳng khinh nhờn được, ai mà chẳng muốn tránh xa. Nàng biết thế, thì có gì đâu mà buồn.
Thế nhưng, khách vào mua cà phê thi thoảng vẫn ngó thấy nàng lau mãi không xong một cái cốc, đôi mắt thất thần nhìn về phía cửa ra vào, nhìn đến nỗi người ta tưởng như nếu thêm vài giây nữa là từ trong đôi mắt ấy sẽ chảy ra hai dòng dung nham, đỏ ửng, rạo rực, rát cả cõi lòng.
Buổi chiều chủ nhật một tuần sau, hắn mới xuất hiện. Nàng mừng mừng tủi tủi, chưa kịp hỏi han gì, hắn đã thông báo: “Anh với con gái sắp chuyển nhà.”
“Chuyển nhà? Anh chuyển đi đâu?” Nàng tròn mắt, nghe như sét đánh giữa trời quang.
“Chuyển sang khu phố khác, cũng không xa lắm đâu. Nhưng… chắc anh không lui tới quán được nữa.”
Ý là ngày trước, hắn sống ở ở ngay đầu con ngõ này, chứ giờ cách bao nhiêu đoạn đường, hắn đi lại bất tiện, nên chắc sẽ không tới đây nữa. Nhưng nàng biết, cách trở là lòng hắn, chứ đâu phải phố phường.
“Ừ, thế à. Em biết rồi. Có sao đâu. Nào có dịp đi qua đây, lại ghé quán em.” Nàng cười cười, mà nụ cười méo xệch, gượng vô cùng.
“Anh ra bàn ngồi đi, em pha cà phê cho.”
Lặng vài giây, hắn chậm chạp bảo: “Con gái anh còn đang đợi bên ngoài. Anh tới… để nói với em vậy thôi.”
“Ừ, ừ thế à?”
Chính nàng cũng không biết, từ nãy đến giờ, nàng đã ừ, ừ thế à mấy lần. Rõ là nàng đang bối rối, nhộn nhạo và buồn da diết.
“Giữ sức khoẻ nhé, cô chủ nhỏ.” Trước khi đi, hắn cười, rồi nói với nàng một câu khách sáo vô cùng.
Hắn ra đến cửa, nàng lại lẩm bẩm: “Ừ. ừ, thế…”
Thế là người cũng đi. Nàng muốn giữ lại, nhưng giữ với ly do gì đây? Một kẻ cô đơn như nàng, một kẻ ngoi lên từ bùn đất như nàng, một kẻ mà trên người còn chưa gột sạch được cái vị đắng nghét của quá khứ, thì giữ người ta lại làm gì đây?
Giữ sao được. Vì nàng đâu có xứng.
“Đâu có xứng.” Nàng lẩm bẩm, bất giác, nước mắt trào ra, dữ dội tựa như cơn mưa mà đêm ấy cả hai đã cùng ngắm qua khung cửa kính.
Cô con gái chầm chậm đi bên cạnh hắn, được một đoạn, bỗng cô bé nói: “Con thấy ba thương cô ấy lắm. Ba cưới cổ về đi, con không sao mà.”
Động tác lăn bánh của hắn khựng lại, ánh hoàng hôn ấm áp như vỏ quýt chín bỗng trở nên nóng rát và gay gắt khác thường, làm hắn nóng mặt, nóng cả lòng.
Nhưng rồi, hắn chỉ cười, đôi mắt buồn buồn nói: “Cô ấy xứng đáng với một người tốt hơn ba.”
Trời ơi, cái thứ tình yêu cao thượng của hai con người tự cho bản thân là hèn mọn, khiến cho đất trời cũng phải nghiêng mình tiếc thương.
Đứa trẻ thì không hiểu tình yêu, cũng không hiểu thế nào là cao thượng, hèn mọn, thế nào là không xứng, không được. Nó chỉ thấy lời ba nói không đúng. Vì vậy nó cãi ngay: “Ai bảo. Ba của con tốt nhất! Không có điểm nào để chê hết.”
Hắn cười, xoa đầu con bé.
Dải nắng nhạt đổ nghiêng, làm hai cái bóng một lớn một bé in nghiêng trên nền đường, xiêu xiêu vẹo vẹo. Bóng của hắn thấp hơn cả bóng của con hắn.
Hắn thì có gì mà tốt, đến che nắng cho nàng, còn chẳng che được.
Lặng đi vài giây như thế, rồi hắn lại đặt tay lên hai bánh xe, ân cần bảo: “Mình về thôi.”
Hôm nay, có người đi qua cửa tiệm, vô tình nhìn lên bảng hiệu mới được cất lên, lạ lẫm cảm thán: “Ơ!? Quán này đổi tên rồi.”
Tiệm của nàng vẫn chỉ bán một loại cà phê.
Đen, đắng, có đá.
Ngoài mặt tiền vẫn kê những chậu hoa nở theo mùa, Xuân, Hạ, Thu, Đông, chẳng đóng cửa bao giờ. Trong quán, lúc nào cũng nồng nà hương cà phê, như muốn quấn quýt bện lên từng chân tơ kẽ tóc của người đến, rồi nối theo gót chân người đi ra đến tận ngoài phố.
Khách quen xưa cũ thường thì thầm rủ rỉ bảo những vị khách mới đến, rằng tiệm này trước kia tên Ngọt, sau chẳng biết vì lý do gì, mà cô chủ trẻ lại đổi thành “Đợi.”
Cà phê đợi.
Mà người cũng đợi…
Nhưng biết đợi đến tháng nào, năm nào đây?
Viết bởi Dạ Hi.