02/06/2024
Nga đã bán Alaska cho Hoa Kỳ với giá 2 xu mỗi mẫu ???!!!
Giải mã việc người Nga bán Alaska cho Mỹ
Alaska trước đây là lãnh thổ của Liên bang Nga, được bán cho Mỹ vào năm 1867. Việc bán Alaska nổi tiếng trong lịch sử với tên gọi Alaska Purchase, diễn ra vào ngày 30-3-1867.
Vào năm 1867, người Nga bán lãnh thổ Alaska cho Hoa Kỳ với giá 7,2 triệu USD. Chỉ 50 năm sau, người Mỹ thu về số tiền gấp 100 lần số tiền mà họ đã bỏ ra để mua Alaska. Làm sao các quan lại của đế quốc Nga xưa lại có thể dễ dàng dâng đất cho ngoại bang?
Cho mãi đến hiện nay, nhiều người nghĩ rằng người Mỹ đã “cuỗm” Alaska từ tay người Nga hoặc lấy vùng đất này để cho thuê rồi ỉm luôn không trả lại. Bất chấp những lời đồn đại rùm beng, thỏa thuận về nó là sự trung thực và cả 2 nước có lý do chắc chắn để thực hiện quyết định của mình.
Alaska trước khi bị bán
Khoảng thế kỷ 19, lãnh thổ Alaska của Nga còn là một trung tâm thương mại quốc tế. Tại thủ phủ của Alaska, Novo-Arkhangelsk (ngày nay là Sitka), giới thương nhân đã buôn bán vải vóc, trà (chè) Trung Quốc và thậm chí cả đá lạnh, khi đó miền Nam nước Mỹ lại rất cần đá lạnh trước khi họ phát minh ra tủ lạnh. Tàu hàng và các nhà máy được xây dựng. Ngành khai mỏ than đá bắt đầu. Người ta đã biết về các mỏ vàng ở Alaska. Bán Alaska được xem là rất gàn dở.
Giới thương nhân Nga bị cuốn vào Alaska bởi nguồn ngà hải mã (loại ngà này cũng đắt tiền không kém ngà voi) và lông rái cá có giá trị. Những mặt hàng này có thể lấy được bằng cách buôn bán với người bản địa Alaska. Các hoạt động giao dịch được thực hiện bởi Công ty Nga-Mỹ (RAC), được bắt đầu bởi các nhà thám hiểm. Họ là các doanh thương, nhà lữ hành mạo hiểm và các chủ doanh nghiệp người Nga vào thế kỷ 18.
RAC đã kiểm soát tất cả các mỏ khoáng sản và than đá ở Alaska, công ty này có thể ký kết các hiệp định thương mại độc lập với những quốc gia khác, đồng thời có riêng đồng tiền và lá cờ (loại tiền bằng da).
Sa hoàng Nga đã ban những đặc quyền này cho RAC. Triều đình Nga không chỉ thu được nguồn thuế khổng lồ từ RAC mà còn sở hữu phần lớn công ty này - thực tế là Sa hoàng và các thành viên gia đình hoàng gia đều là những cổ đông của RAC.
Thế nhưng “thủ lĩnh chính” của các khu định cư Nga ở Mỹ lại là một thương gia tài năng tên là Alexander Baranov. Baranov đã xây dựng nhiều trường học và công xưởng, dạy cho người dân bản địa cách trồng cải củ Thụy Điển và khoai tây, xây dựng các pháo đài và đóng tàu thuyền, cùng lúc mở rộng hoạt động buôn bán lông rái cá. Baranov tự phong mình là “Pizarro Nga” và tự mình củng cố quyền lực ở Alaska với tất cả tham vọng lẫn con tim của mình. Baranov đã kết hôn với con gái của một tù trưởng Aleut.
Dưới sự điều hành của Baranov, RAC đã thu được doanh thu kếch xù: hơn 1.000% lợi nhuận. Khi đã cao tuổi và từ nhiệm, Baranov đã được thay thế bởi trung úy Hagemeister. Người này đã mang theo những nhân viên mới và các cổ đông từ trong hàng ngũ quân đội Nga. Lúc đó, quy chế hải quân chỉ rõ: chỉ có quan chức hải quân mới có toàn quyền lãnh đạo RAC. Những người mạnh mẽ đã nhanh chóng bập vào lợi nhuận của công ty, nhưng hành động của họ báo trước sự sụp đổ của RAC.
Ván bài của vị nam tước Nga
Các chỉ huy mới của RAC đã tự đặt ra mức lương cao chót vót của họ. Trong khi giới sĩ quan thông thường chỉ thu nhập 1.500 rúp/năm, thì người đứng đầu RAC lại ăn lương tới 150.000 rúp/năm. Họ mua lông rái cá từ dân cư địa phương chỉ với phân nửa giá tiền.
Kết quả là, trong vòng hơn 20 năm kế tiếp đó, người Eskimo và người Aleut đã giết gần như sạch sẽ rái cá, tước đi nguồn thương mại có giá trị nhất của Alaska. Người bản địa bị tổn thương và bắt đầu nổi dậy chống phá. Người Nga đáp trả bằng việc thẳng tay nổ súng vào các bản làng duyên hải từ tàu quân sự.
Các sĩ quan Nga chăm chăm tìm kiếm những nguồn thu khác. Mặc dù hoạt động buôn đá lạnh và trà bắt đầu, nhưng giới thương nhân ốm yếu đã không tổ chức hoạt động kinh doanh của mình và hạ thấp tiền lương của họ đến mức không tưởng. Hậu quả là RAC phải nhận trợ cấp của triều đình Nga tương dương 200.000 rúp/năm, nhưng nó vẫn không cứu được vận mệnh của công ty này.
Khi đó nổ ra cuộc chiến tranh Crimea, rồi Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đứng dậy chống Nga. Rõ ràng là Nga không thể hậu thuẫn hay bảo vệ cho Alaska khi mà các tuyến đường biển đều bị tàu quân Đồng minh kiểm soát. Thậm chí triển vọng khai thác mỏ vàng cũng mờ nhạt. Có một nỗi sợ hãi rằng người Anh sẽ “khóa chặt” Alaska, rồi thì Nga không có gì.
Mối căng thẳng giữa Moscow và London tăng lên, trong khi các mối quan hệ ngoại giao với giới chức Mỹ ngày càng ấm hơn bao giờ hết. Cả 2 phía Nga, Mỹ đều bắt đầu nảy sinh ý tưởng bán lãnh thổ Alaska. Vì thế Nam tước Eduard de Stoeckl, phái viên của Nga ở Washington đã mở những cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ - William Seward nhằm thay mặt cho Sa hoàng Nga.
Trong khi giới chức Nga, Mỹ đang đàm phán thì người dân ở cả 2 nước la ó, phản đối thỏa thuận này. Báo Nga thời kỳ đó viết: “Làm thế nào chúng ta có thể cho đất khi đã đổ quá nhiều công sức và thời gian để phát triển, vùng đất nơi đã tìm thấy mỏ vàng?”. Còn báo Hoa Kỳ thì phàn nàn: “Tại sao Mỹ cần “hộp đá” (Alaska) và 50.000 dân Alaska? Chả lẽ uống dầu cá cho bữa sáng?”.
Báo chí không đơn độc trong chuyện này. Quốc hội Hoa Kỳ cũng không tán thành thương vụ mua bán. Nhưng vào ngày 30-3-1867, tại Washington, các bên đã cùng ký kết thỏa thuận để bán 1,5 triệu ha lãnh thổ Nga (Alaska) của Nga cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD - một cái giá chỉ mang tính tượng trưng là chính. Thậm chí đất đai ở Siberia cũng không bị bán đứt như thế. Nhưng tình hình rất quan trọng và người Nga thậm chí không nhận thức được chuyện này.
Việc bàn giao chính thức đã diễn ra ở Novo-Arkhangelsk. Binh lính Hoa Kỳ và Nga đứng thành hàng dài quanh cột cờ, từ nơi mà quốc kỳ Nga sẽ được hạ xuống cùng màn bắn súng chào mừng. Tuy nhiên quốc kỳ Nga bị mắc kẹt ở trên chóp của cột cờ. Một thủy thủ leo lên để gỡ quốc kỳ Nga xuống, nhưng nó đã rơi xuống lưỡi lê của Nga. Một điềm gở!
Sau đó, Hoa Kỳ bắt đầu trưng dụng các tòa nhà ở Novo-Arkhangelsk và đổi tên nơi này thành Sitka. Hàng trăm công dân Nga khước từ nhập quốc tịch Mỹ và buộc dọn lên sống ở các tàu buôn. Và họ không hồi hương cho mãi đến năm sau đó.
Một thời gian ngắn trôi đi và vàng bắt đầu chảy ra khỏi “hộp đá”: sự kiện đổ xô tìm vàng Klondike đã bùng nổ ở Alaska mang lại cho Mỹ quốc hàng trăm triệu USD. Sự việc này khiến người Nga bị xúc phạm. Nhưng hãy nghĩ cho một điều rằng nếu không bán Alaska cho Mỹ thì cường quốc gia Nga làm sao có thể sinh tồn nổi trong những thời kỳ khó khăn và kinh tế bấp bênh ở Alaska.
Hải Thanh (tổng hợp)